Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Thành tựu và kinh nghiệm ​

Ngày phát hành: 24/06/2021 Lượt xem 22846

 

1. Những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng được xác định là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới. Để đạt tới mục tiêu đó, Việt Nam nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và kiến trúc thượng tầng chính trị, văn hóa, xã hội của chủ nghĩa xã hội. Trong đó, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung rất quan trọng trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được hình thành và phát triển trong những năm đổi mới vừa qua.

Trước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Nền kinh tế này đã phát huy vai trò và có đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, tính chất tập trung quan liêu, bao cấp của nền kinh tế và sự bao vây cấm vận của bên ngoài đã đưa Việt Nam vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm 80 của thế kỷ trước. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, năm 1986, đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mà bắt đầu từ đổi mới kinh tế, xóa bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp để giải phóng cho sản xuất phát triển. Những năm đầu sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, Đại hội IX (2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nền kinh tế mà Việt Nam xây dựng, phát triển là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Từ Đại hội IX đến nay, quan điểm về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển ngày càng hoàn thiện. Đến nay (Đại hội XIII), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ. Đưa ra quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.

 

 

2. Những thành tựu lớn

Là Đảng cầm quyền, các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước, được tổ chức thực hiện nghiêm túc với sự hưởng ứng, ủng hộ và tham gia tích cực của toàn dân, làm hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn. Đến nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã có đầy đủ những yếu tố của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Về sở hữu, có sở hữu tư nhân trong và ngoài nước, sở hữu tập thể, sở hữu toàn dân (mà Nhà nước là đại diện quản lý); các hình thức sở hữu có thể đan xen, phối hợp với nhau, hình thành sở hữu hỗn hợp trong một đơn vị kinh tế. Về thành phần kinh tế, có kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước; các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và có sự tham gia của các tổ chức xã hội. Thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thị trường, các tổ chức xã hội hoạt động và sử dụng lực lượng kinh tế của Nhà nước (bao gồm các nguồn lực đất đai, tài sản, vốn, tài sản của Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước) phù hợp với yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường để điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; gắn kết kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; mỗi chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu xã hội, mỗi chính sách xã hội đều nhằm tạo ra động lực cho phát triển kinh tế; để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường; phát huy cao nhất nội lực, đồng thời, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời, chủ động, tích cực, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Các tổ chức xã hội đại diện, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của các thành viên, hội viên khi tham gia thị trường; phản ánh với Nhà nước nguyện vọng, lợi ích của các thành viên, hội viên, tham gia phản biện và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn, không để mở rộng khoảng cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp, đối tượng xã hội. Phát huy vai trò của các vùng kinh tế động lực, đồng thời, quan tâm phát triển các vùng kinh tế chậm phát triển, không để mở rộng khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, các địa phương. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi  mới; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phát triển của đất nước.

Sự hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo động lực huy động được những nguồn lực to lớn từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, đưa Việt Nam thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội những năm 80 của thế kỷ trước; thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, sắp vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp (thu nhập bình quân đạt hơn 3.500 USD/người năm 2020. Trong hơn 35 năm qua, Việt Nam đã vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tác động của đại dịch Covid-19 năm 2020, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm. Quy mô kinh tế Việt Nam (GDP) từ 20 tỷ USD năm 1995 đã tăng lên đạt hơn 340 tỷ USD năm 2020 (tăng 17 lần), vượt qua Malaysia và Singapore, trở thành kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á (ASEAN); trong đó, công nghiệp và dịch vụ chiếm 85% GDP. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 xếp thứ 67/141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế các nước trên thế giới đều rất khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy do đại dịch Covid-19, nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt 544 tỷ USD, bằng 1,6 lần GDP, trong đó xuất khẩu hơn 281,5 tỷ USD. Năm 2020, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam còn dưới 3%. Việt Nam đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già được cấp bảo hiểm miễn phí. Nhiều dịch bệnh được khống chế thành công. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Bộ mặt đất nước từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến trung du, miền núi đều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên nhiều. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1/2021 đánh giá đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, động lực, nguồn lực quan trọng để Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững đất nước trong những năm tới.

 

 

3. Một số kinh nghiệm

Qua 35 năm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, như: Lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm chính trị cao, tích cực, năng động, sáng tạo, nhưng không chủ quan, duy ý chí, mà phải theo các quy luật khách quan về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; nhận thức và phải giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tuân theo các quy luật của thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ  nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển đất nước nhanh, bền vững; giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế...

- Thời kỳ trước đổi mới, do chủ quan, duy ý chí, từ một nước kinh tế chưa phát triển, chưa công nghiệp hóa, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng muốn tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, chỉ với hai thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ  nghĩa, bỏ qua phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường, đưa nền kinh tế rơi vào trì trệ, khủng hoảng. Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước không từ bỏ mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng đổi mới nhận thức, quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa như một chế độ xã hội, trong đó các quan hệ kinh tế chủ đạo và kiến trúc thượng tầng chính trị của xã hội là do tư bản chi phối, mang tính chất tư bản chủ nghĩa, nhưng không bỏ qua phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường, là những quan hệ kinh tế, những quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, để tạo ra động lực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế; không bỏ qua công nghiệp hóa mà gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội và từng bước củng cố, tăng cường các yếu tố bảo đảm định hướng đi lên xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phải “phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”, tức là không được chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; tiêu chí đánh giá sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất là tạo môi trường thuận lợi, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải tuân theo các quy luật thị trường, đồng thời, phải bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế. Làm thế nào để thực hiện được đồng thời cả hai yêu cầu này, để việc tuân theo các quy luật thị trường không làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế  và ngược lại, để định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế không cản trở các quy luật của kinh tế thị trường? Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo phải giải quyết tốt vấn đề quan trọng này.

Các quy luật của kinh tế thị trường phổ biến là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu; để các quy luật thị trường hình thành và phát huy tác động đòi hỏi phải có đa dạng các hình thức sở hữu, các quyền sở hữu, quyền tài sản được pháp luật bảo vệ và có đa dạng các thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; đòi hỏi phải hình thành và vận hành thông suốt các loại thị trường, thị trường có vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ, điều tiết sản xuất và lưu thông. Luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong những năm vừa qua đã thừa nhận, tạo khung khổ pháp luật, môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hình thức sở hữu, các chủ thể kinh tế, cho thị trường và các quy luật thị trường hoạt động, phát huy vai trò của  mình. Nhà nước không sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào hoạt động của các chủ thể kinh tế, hoạt động của thị trường; việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của Nhà nước và hoạt đông của các doanh nghiệp nhà nước (hai bộ phận của kinh tế nhà nước) cũng theo cơ chế thị trường. Đây là những cơ sở, điều kiện để các quy luật thị trường vận hành trong nền kinh tế. Đồng thời, Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo cũng bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng lực lượng kinh tế của Nhà nước đã hình thành, không ngừng củng cố, phát triển những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, bảo đảm nền kinh tế thị trường phát triển hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Các yếu tố đó đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển kinh tế nhà nước, để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hỗ trợ, phát triển, phát huy vai trò của nền kinh tế tập thể; khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, trở thành những công ty cổ phẩn có sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội. Gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển, phát triển đất nước nhanh, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện đúng nguyên tắc phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời thoe mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển...

- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ  nghĩa đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải lãnh đạo giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát huy nội lực với thu hút các nguồn lực bên ngoài, giữa chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Trong những năm vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định để phát triển đất nước, nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là rất quan trọng, nội lực là quyết định; cần phải chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Để phát huy nội lực, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tuyên truyền, vận động sâu rộng trong xã hội, phát huy ý chí độc lập, tự cường, khát vọng phát triển đất nước trong các tầng lớp nhân dân và xây dựng, hoàn thiện thể chế khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm của đất nước.

Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, Đảng, Nhà nước Việt Nam giữ vững độc lập, tự chủ trong xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế, không ngừng gia tăng tiềm lực kinh tế quốc gia; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; chủ động hoàn thiện hệ thống bảo vệ nền kinh tế trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đồng thời, Việt Nam chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ với các nước trên thế giới (trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới với mức độ cam kết sâu, rộng), do đó, đã mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ... từ các nước trên thế giới. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Việt Nam trong những năm đổi mới, đóng góp tích cực vào những thành tựu đạt được của đất nước./.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết