Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đảng quang vinh, rạng rỡ cơ đồ đất nước

Ngày phát hành: 02/02/2022 Lượt xem 1479


 

Kỷ niệm 92 năm Đảng Cộng sản Việt Nam trong ấm áp mùa xuân, chúng ta càng thấy tự hào về Đảng quang vinh và sáng tươi cơ đồ của đất nước hôm nay.

Thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rất phấn chấn, tự hào với sự đánh giá sâu sắc, truyền cảm của GS.TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiếp đó là sự khẳng định trịnh trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về cơ đồ đất nước, việc tạo dựng, bảo vệ cơ đồ đất nước và sự lớn lao, tươi sáng của cơ đồ đất nước hiện nay.

 

 

Thật khó để có quan niệm chuẩn xác về cơ đồ đất nước nhưng có thể coi cơ đồ đất nước là thành quả của những sự nghiệp, những mục tiêu, lý tưởng lớn với những giá trị bền vững và ngày càng gia tăng về vật chất và tinh thần. Cơ đồ đất nước là giang sơn gấm vóc, là lãnh thổ toàn vẹn và độc lập, là một đất nước hùng cường, chế độ xã hội tốt đẹp, nhân dân hạnh phúc.

 

 

Quan niệm như vậy sẽ thấy trước tiên là hình hài của đất nước. Nhà thơ Tố Hữu từng thốt lên cảm xúc: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!”. Chế Lan Viên cũng có câu thơ rất hay: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm! Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Cơ đồ đất nước được nhận thấy trước tiên là vẻ đẹp nhưng chắc chắn có nhiều tố chất nữa tạo nên cơ đồ đất nước. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc họa cuộc đời của Từ Hải từ những tố chất anh hùng, ý chí kiên cường làm nên sự nghiệp lẫy lừng đến khi vụt tắt. Một Từ Hải “Chọc trời, khuấy nước mặc dầu; dọc ngang nào biết trên đầu có ai” để có một thành quả “Nghênh ngang một cõi biên thùy; Triều đình riêng một góc trời; gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà”. Để rồi khi nghe theo lời Thúy Kiều để về với triều đình, Từ Hải vô cùng băn khoăn, nuối tiếc: “Một tay xây dựng cơ đồ; bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành”.

Như thế cho thấy cơ đồ là thành quả của sự nghiệp lớn lao và cơ đồ của đất nước trước hết là có lãnh thổ vì đó là không gian sinh tồn, phát triển của quốc gia, dân tộc. Phải quyết chí theo một sự nghiệp lớn và trải qua muôn vàn gian khổ mới tạo lập được cơ đồ. Nhưng có được cơ đồ bước đầu đã khó, giữ cơ đồ còn khó hơn nhiều. Giữ được cơ đồ trước hết phải giữ được độc lập của quốc gia, dân tộc. Danh tướng vĩ đại Lý Thường Kiệt phá tan quân Tống cùng với Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử nước ta là bài thơ “Nam quốc sơn hà”: “Sông núi nước Nam vua Nam ở; Rành rành địa phận tại sách trời; Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm; Chúng bay sẽ được đánh tơi bời”. Trong thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”, tuyên ngôn độc lập thứ hai trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Trãi khẳng định đanh thép: “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu; Núi sông bờ cõi đã chia; Phong tục Bắc Nam cũng khác; Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. Thái sư Trần Quang Khải để lại muôn đời công trạng hiển hách cùng những câu thơ nổi tiếng: “Chương Dương cướp giáo giặc; Hàm Tử bắt quân thù; Thái bình nên gắng sức; Non nước ấy ngàn thu”.

 

 

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ông cha ta đã mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa xây dựng cơ đồ đất nước, vừa kiên quyết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chiến thắng nhiều đế quốc hung hãn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Nhưng khi thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn đã không giữ được cơ đồ. Phát huy truyền thống yêu nước, các tầng lớp nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên chóng giặc nhưng tất cả đều bị dìm trong máu lửa. Sự đô hộ của thực dân Pháp gần một thế kỷ đã chứng tỏ cả giai cấp phong kiến và đại diện cho các thế lực tư sản đã hết vai trò lịch sử, vận mệnh của dân tộc và cơ đồ của đất nước lâm vào tình thế bế tắc, không có đường ra. Vấn đề bức thiết đặt ra là bằng con đường nào, cách thức nào, tổ chức lực lượng thế nào để đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc và đưa đất nước phát triển.

Lịch sử đã có lời giải đáp. Hơn ai hết, chính Nguyễn Ái Quốc sau này là Hồ Chí Minh, trong suốt 30 năm trên đường cứu nước, Người đã nhận rõ con đường giành độc lập dân tộc phải là con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc đã gieo hạt, gây mầm và tạo dựng sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với kỳ công của Nguyễn Ái Quốc, Chủ nghĩa Mác Lê-nin kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam chuyển hóa thành sự kiện trọng đại: Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó là thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới. Thành quả của công cuộc đổi mới là chúng ta xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nên an ninh nhân dân vững chắc, đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bình ổn đất nước.

Rõ ràng, chặng đường từ khi có Đảng là chặng đường rất đỗi vinh quang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng cơ đồ đất nước. Thực tế đã chứng tỏ con đường cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội là hết sức đúng đắn, sáng tạo. Và hiện nay đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế do Đảng ta khởi xây, lãnh đạo, tổ chức thực hiện rất phù hợp với nhịp bước của thời đại. Đổi mới và hội nhập quốc tế là hai nhiệm vụ chiến lược thực hiện mục tiêu chung phát triển cơ đồ đất nước. Thành công của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo của đất nước, tăng cường xung lực cho đời sống xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta. Cơ đồ đất nước ngày càng lớn mạnh, vững chắc tạo phong độ mới, thế mới, lực mới để Việt Nam vươn tầm, có đủ sức lực và trí tuệ để sánh vai cùng bạn bè thế giới. Đất nước ta ngày càng phát triển, cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như hiện nay. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quang vinh, cơ đồ đất nước Việt Nam sẽ ngày càng tươi sáng với mục tiêu cao đẹp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

GS.TS Vũ Văn Hiền

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết