Ngay từ khi được thành lập vào năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hướng tới hai mục tiêu: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau gần 100 năm, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, với hệ giá trị: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh; do nhân dân làm chủ…”1. Chúng ta hướng đến một xã hội với “… các giá trị tiến bộ, nhân văn, “dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”2. Đó là sự phát triển “thực sự vì con người”, không chấp nhận sự “bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”. Mỗi cá nhân có “cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”3.
Hệ giá trị và các mục tiêu phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra phản ánh đầy đủ tính chất “tiến bộ và công bằng xã hội”. Đó là sự đề cao các lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, sự tôn trọng và bảo vệ những lợi ích chính đáng của cá nhân. Ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng ta đã luôn coi trọng sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; coi sự phát triển kinh tế là cơ sở để giải quyết các vấn đề xã hội, hướng tới sự tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng cân bằng trình độ phát triển giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước; vun đắp và củng cố mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội4. Bởi vậy, thúc đẩy “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” luôn được coi là một nguyên tắc nhất quán 5.
Tuy nhiên, thực tế phát triển của nhân loại cho thấy giải quyết mối quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội” không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Sau khi trình bày khái lược ưu điểm, hạn chế của các mô hình can thiệp đã được áp dụng, tác giả đề xuất chiến lược hóa giải thách thức nêu trên từ hướng tiếp cận quản trị quốc gia nhằm huy động sự tham gia của mọi lực lượng xã hội vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
1. Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội
Lịch sử thế giới hiện đại cho thấy, nếu chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì có thể phải chấp nhận sự phân hóa xã hội, gia tăng bất bình đẳng về thụ hưởng thành quả phát triển. Ngược lại, nếu chúng ta ưu tiên bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội thông qua hành động can thiệp của nhà nước thì lại có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tính chất nan giải của mục tiêu kép nêu trên còn thể hiện ở chỗ làm thế nào để các nhà lãnh đạo có thể linh hoạt giữa hai mục tiêu gắn với từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia?
Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, các nhà kinh tế học cổ điển đã chỉ ra tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự giải phóng tối đa các nguồn lực tư nhân và động lực thị trường. Cũng có nghĩa, công nhận chế độ sở hữu tư nhân về tài sản, mở rộng các quyền tự do kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và hạn chế tối đa sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế trở thành những điều kiện hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế6. Năm 1776, trong tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia”, Adam Smith nhận định “tư lợi” không phải là một điều xấu. Những con người với sự tự do, tinh thần cạnh tranh và khát khao lợi nhuận sẽ được dẫn dắt bởi một “bàn tay vô hình”, qua đó hành động vì lợi ích chung của xã hội. Theo Smith, thị trường tự do sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và ổn định, bởi hai lý do: 1) Các quy luật thị trường giúp sự phân công lao động hiệu quả hơn; và 2) Cơ hội tiết kiệm và tìm kiếm lợi nhuận sẽ thúc đẩy sự tích lũy tư bản.
Sau một giai đoạn thoái trào trong nửa đầu thế kỷ XX, tư tưởng kinh tế thị trường tự do lại trở nên phổ biến từ những năm 1960-19707. Từ cuối những năm 1950, Milton Friedman công bố hàng loạt công trình để bảo vệ các quyền tự do về kinh tế, bảo vệ các thể chế kinh tế thị trường trước sự can thiệp của chính phủ. Đối ngược lại với J. Keynes vốn coi trọng vai trò kích cầu của chính phủ khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, Friedman chỉ ra nhu cầu kiểm soát chi tiêu của chính phủ, qua đó giữ được lạm phát ở mức thấp bởi theo ông “lạm phát là đánh thuế không cần luật”. Phê phán sự can thiệp vào nền kinh tế, ông cho rằng chính phủ chỉ nên duy trì lượng tăng tiền thấp và ổn định, qua đó kiểm soát được lạm phát. Cũng thời gian này, Friedrich Hayek cùng các cộng sự thuộc trường phái kinh tế Áo lập luận rằng, do cá nhân và doanh nghiệp không có đầy đủ thông tin và xã hội không hoàn thiện nên cơ chế thị trường mới là cách phân phối hàng hóa phù hợp nhất. Theo Hayek, chính doanh nghiệp và mỗi cá nhân biết rõ tình hình của mình nhất (khả năng, nhu cầu, kế hoạch hành động). Thông tin sẽ luôn phân tán trong toàn xã hội bởi giá cả sẽ luôn dịch chuyển theo hành động của mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Khi mà tri thức về xã hội luôn không hoàn hảo thì “trật tự tự phát” này của thị trường chính là cách tốt nhất để tổ chức một nền kinh tế hiện đại và phức tạp. Mọi nỗ lực can thiệp vào trật tự tự phát nêu trên sẽ đẩy xã hội trở về với trật tự bản năng sơ khai, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế. Do đó, thay vì lập kế hoạch và can thiệp, chính quyền chỉ nên đảm nhiệm vai trò bảo vệ cơ chế tự vận hành của thị trường trong chừng mực có thể.
Tuy nhiên, ngay từ giữa thế kỷ XIX, C.Mác đã nhìn ra cả ưu điểm và những hạn chế cố hữu của nền kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa8. Một mặt, Marx thừa nhận rằng chế độ tư hữu cùng các động lực thị trường sẽ giúp các nền kinh tế tư bản sản xuất ra lượng của cải khổng lồ. Mặt khác, lòng tham lợi nhuận sẽ kích thích các nhà tư bản đua nhau tham gia thị trường, dẫn đến sản xuất hàng hóa dư thừa. Xu hướng này sẽ đẩy nền kinh tế đến chỗ khủng hoảng thường xuyên. Sự không ổn định kinh tế tất yếu sẽ khiến xã hội bất ổn bởi khi của cải tạo ra chỉ thuộc về thiểu số những người sở hữu tư liệu sản xuất thì tình trạng bất bình đẳng xã hội sẽ ngày càng gia tăng. Những giai cấp, tầng lớp phụ thuộc sẽ mãi luẩn quẩn trong khó khăn, bần cùng trong khi của cải ngày càng có xu hướng tập trung vào các nhóm thiểu số vốn đã giàu có. Tình trạng bất bình đẳng về của cải không chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, mà cũng sẽ xuất hiện trên bình diện toàn cầu. Vào thập niên 1960, nhà kinh tế học người Đức A.Frank đã nhận định: Chính sách phát triển của các nước phương Tây, vốn đầu tư và thương mại tự do sẽ khiến các nước giàu ngày càng giàu thêm, còn các nước nghèo thì vẫn hoàn nghèo. Do đó, chính chủ nghĩa tư bản khiến cho các nước nghèo mãi loay hoay, chậm phát triển, phụ thuộc vào các nước giàu chứ không phải nước nghèo thiếu hụt vốn hay do thể chế lỗi thời9. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhà kinh tế học J.Stiglitz chỉ ra hành vi trục lợi và cơ chế thị trường là hai trong số những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội Mỹ10. Khác với A.Smith, Stiglitz dẫn chứng ngành ngân hàng để lập luận rằng việc cá nhân theo đuổi lợi ích riêng không nhất thiết đem lại lợi ích chung cho mọi người. Bên cạnh đó, các tác nhân thị trường như quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, các ngoại ứng, tình trạng bất cân xứng thông tin, rủi ro thị trường… sẽ tạo ra kết quả không được như mong muốn. Thất bại thị trường khiến cho lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội không tương xứng với nhau.
Như vậy, chúng ta đứng trước một bài toán nan giải: Phát triển kinh tế thị trường giúp gia tăng của cải nhưng của cải tạo ra lại được phân bổ không đều, dẫn đến những bất công xã hội - cội nguồn cho những căng thẳng, mẫu thuẫn xã hội, đe dọa trật tự và sự ổn định của các cộng đồng11. Do đó, từ giữa những năm 1960, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trở thành khát vọng chung của nhân loại12. Phát triển không đơn giản chỉ là tạo ra nhiều của cải và tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển đích thực phải vì hạnh phúc của con người. Khát vọng về tiến bộ và công bằng xã hội đặt ra nhu cầu can thiệp của nhà nước nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn đang chứng kiến nhiều mô hình can thiệp khác nhau, với những kết quả chưa được như mong đợi.
2. Một số mô hình can thiệp
Giữa thế kỷ XIX, C.Mác đã phê phán hệ thống kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa và đề xuất mô hình tổ chức “kinh tế xã hội chủ nghĩa”, hướng đến sự phân phối công bằng hơn các thành quả phát triển13. Theo đó, trong hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, các tư liệu sản xuất đều được đặt dưới sự quản lý của nhà nước; thị trường và cạnh tranh bị xóa bỏ. Nền kinh tế và xã hội vận hành như một nhà máy khổng lồ. Tuy nhiên, do không thể đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, các nền kinh tế kế hoạch đã không thể giải quyết được mối quan hệ giữa cung và cầu. Hàng hóa sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hệ thống kinh tế vận hành lãng phí, sản lượng ngày càng kém, dẫn đến trì trệ và sụp đổ như đã thấy với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Ưu điểm của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa là bảo đảm của cải tạo ra được phân phối đồng đều hơn, giảm bớt ảnh hưởng của độc quyền và thất bại thị trường, qua đó giúp nền kinh tế ổn định hơn. Tuy nhiên, hạn chế rõ nhất của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cổ điển là kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và tốc độ phát triển. Cũng vì thế mà các mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội sẽ khó được đảm bảo.
Khủng hoảng và suy thoái kinh tế trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX cũng đặt ra nhu cầu can thiệp từ chính phủ đối với các nền kinh tế thị trường tự do14. Từ cuối thế kỷ XIX, bên cạnh bất bình đẳng và nghèo đói, các nền kinh tế thị trường tự do bắt đầu phải đối diện thêm một vấn đề xã hội, đó là thất nghiệp. Khác với các nhà kinh tế học cổ điển vốn tin rằng thất nghiệp là vấn đề cá nhân và cơ chế thị trường sẽ tự điều tiết được, các nhà hoạt động xã hội thời kỳ này lại cho rằng thất nghiệp là vấn đề cấu trúc và cần sự can thiệp chính sách từ chính phủ. Là đại diện tiêu biểu ủng hộ tăng chi tiêu công để thúc đẩy tổng cầu sản phẩm, J.Keynes tin rằng sự can thiệp của chính phủ sẽ giúp phục hồi nền kinh tế. Theo ông, với những khoản chi tiêu lớn từ chính phủ, quy luật số nhân sẽ giúp các doanh nghiệp khôi phục hoạt động; nền kinh tế sẽ dần phục hồi, từ đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, đến thập niên 1970, lý thuyết coi trọng vai trò kích cầu của chính phủ mà J. Keynes đề xuất trở nên mất uy tín bởi sự phê phán từ các nhà kinh tế học tân cổ điển15. Theo đó, vấn đề cần rõ ràng là chính phủ sẽ dùng tiền thuế hay vay nợ để tăng chi tiêu công. Nếu dùng thuế thì sẽ rút tiền khỏi nền kinh tế nên sẽ gây phản tác dụng, không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn nếu chính phủ vay nợ để tăng chi tiêu thì sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng lạm phát, qua đó làm giảm sức mua của đồng tiền. Vì vậy, thay vì can thiệp bởi chính phủ, hãy để nền kinh tế thị trường tự điều chỉnh để trở lại trạng thái cân bằng và tăng trưởng.
Từ thập niên 1940, tại châu Âu, các nền “kinh tế thị trường xã hội” nổi lên như là một lựa chọn để có thể kết hợp được những ưu điểm của mô hình kinh tế thị trường tự do và kinh tế xã hội chủ nghĩa, qua đó gắn được tăng trưởng kinh tế với bảo đảm các giá trị xã hội16. Tây Đức là nước áp dụng mô hình kinh tế thị trường tự do được điều tiết theo hướng một số hàng hóa công cộng tối thiểu do chính phủ cung cấp như: lương hưu, bảo hiểm y tế phổ thông, trợ cấp thất nghiệp, cấm độc quyền cũng như thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Tư nhân có thể sở hữu công nghiệp và tự do cạnh tranh. Sự kết hợp giữa những tác nhân thị trường với vai trò của nhà nước đã giúp Tây Đức nhanh chóng thoát khỏi đống đổ nát sau chiến tranh để trở thành một quốc gia phát triển. Tương tự, mô hình kinh tế thị trường xã hội cũng được áp dụng tại các quốc gia trên bán đảo Scandinavia và Áo. Điểm khác biệt so với Tây Đức là các nước Bắc Âu nhấn mạnh hơn việc bảo đảm công bằng xã hội. Dựa vào hệ thống chính sách thuế và các khoản chi tiêu công, các chính phủ đã tạo ra một hệ thống phúc lợi hào phóng và phân phối thành quả phát triển đồng đều hơn. Do quy mô dân số nhỏ và có những lợi thế tự nhiên (chẳng hạn, Na Uy có ngành dầu mỏ), các quốc gia Bắc Âu đã xây dựng được nền kinh tế phát triển và mức sống cao cho người dân.
Từ nửa sau thế kỷ XX, mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” được cho là yếu tố căn bản tạo ra sự phát triển “thần kỳ” tại khu vực Đông Á17. Tại Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia… chính phủ đã sử dụng những biện pháp chưa từng có tiền lệ ở các nước Âu - Mỹ để can thiệp vào nền kinh tế thị trường. Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế thị trường thông qua các ưu tiên chính sách, những khoản đầu tư vào những ngành công nghiệp chiến lược, đồng thời, khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân đổi mới công nghệ. Vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước thể hiện ở chỗ nhà nước hỗ trợ thị trường, bổ sung nguồn lực và đầu tư cho phù hợp với thị trường chứ không can thiệp đến mức làm méo mó thị trường. Nhờ đó, các quốc gia Đông Á đã phát huy được lợi thế so sánh, các nhà sản xuất tư nhân nhanh chóng vươn lên, gia tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chỉ sau vài thập kỷ, một số “con hổ châu Á” vốn là nước nghèo đã trở thành những cường quốc công nghiệp năng động; tỷ lệ nghèo giảm nhanh chóng và người dân có mức sống ngang với các quốc gia Tây Âu.
Sau sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, một số quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam đã áp dụng các yếu tố của kinh tế thị trường tự do để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ cuối những năm 1970, chính phủ Trung Quốc thúc đẩy cải cách kinh tế mà không cần thực hiện chế độ sở hữu tài sản tư nhân kiểu phương Tây18. Khu vực tư nhân được khuyến khích trong khi nông nghiệp tập thể bị gỡ bỏ. Các ngành công nghiệp vẫn thuộc sở hữu nhà nước nhưng được trao thêm quyền tự trị và phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Kết quả của những đổi mới theo hướng thị trường là sự trỗi dậy của Trung Quốc khi quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng gần 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo19. Tương tự, tại Việt Nam, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặc trưng bởi tính chất nhiều thành phần, đa chủ thể, nhiều hình thức sở hữu, với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo20. Việt Nam không áp dụng rập khuôn hệ thống kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà chỉ kế thừa có chọn lọc “những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”21. Định hướng xã hội chủ nghĩa coi trọng sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế nhằm khắc phục những khiếm khuyết thị trường và có thể cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội.
Bất chấp những nỗ lực ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu, bất bình đẳng về thu nhập và tài sản hiện vẫn được coi là một vấn đề xã hội nhức nhối mà nhân loại phải giải quyết22. Tình trạng bất bình đẳng được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất ổn kinh tế - xã hội, giảm động lực học tập và sáng tạo, xói mòn ý thức cộng đồng và niềm tin vào công bằng xã hội, tạo ra rào cản vươn lên ngay trong một thế hệ, giảm niềm tin của người dân vào chính phủ23. Bởi thế, đến nay, nhân loại vẫn đang trong tiến trình tìm kiếm mô hình can thiệp để có thể hóa giải nan đề phát triển nêu trên nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
3. Quản trị quốc gia phát triển bền vững
Từ giữa những năm 1980, phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của nhân loại24. Để sự phát triển thực sự vì hạnh phúc của con người, nhân loại cần phải dung hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, và bảo đảm các giá trị xã hội. Tuy nhiên, những bài học lịch sử cho thấy việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế theo trường phái thị trường tự do hay đề cao vai trò can thiệp của nhà nước như trong mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa truyền thống để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đều bộc lộ những bất cập. Tương tự, do những đặc thù riêng, mô hình kinh tế thị trường xã hội Bắc Âu khó phổ biến trong khi mô hình nhà nước kiến tạo phát triển cần thêm những sắc thái mới để phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, J. Stiglitz đã chỉ ra thêm hai tác nhân phi thị trường góp phần gia tăng bất bình đẳng kinh tế, cụ thể là ở Mỹ, đó là: hệ thống chính trị đã không sửa chữa được các thất bại của thị trường; và các hệ thống kinh tế và chính trị về cơ bản là không bình đẳng25. Cũng có nghĩa, các vấn đề xã hội không chỉ liên quan đến những đặc điểm khách quan của thị trường, mà còn có mối liên hệ với những yếu tố chủ quan thuộc về hệ thống chính trị, chính sách, và rộng hơn là hệ thống quản trị quốc gia.
Do đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng đến phát triển bền vững đang đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Trong thế giới đương đại, đó phải là mô hình “chèo lái, dẫn dắt” đất nước dựa trên sự dung hòa lợi ích của các chủ thể công, chủ thể thị trường, chủ thể xã hội, cũng như sự tôn trọng các quyền cá nhân cơ bản. Đây chính là tinh thần của khuynh hướng quản trị công mới, nổi lên từ cuối những năm 1990, đề cao vai trò của sự hợp tác đa chủ thể trên cơ sở tôn trọng lợi ích, hệ giá trị, cũng như quan điểm của các chủ thể cùng tham gia vào tiến trình thúc đẩy phát triển26. Thay vì chỉ tập trung đề cao các tác nhân thị trường hay vai trò can thiệp của nhà nước, tư duy quản trị quốc gia hiện đại coi trọng sự hợp tác bình đẳng đa chủ thể. Với tư duy quản trị, bài toán phát triển có thể được hóa giải nhờ những điều chỉnh thể chế cả về kinh tế, chính trị, và quy trình hoạch định, thực thi chính sách theo hướng dung nạp. Mạng lưới quản trị hợp tác đa chủ thể sẽ giúp các quyết định chính sách trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng đúng các lợi ích đa dạng, nhờ đó gia tăng sự hài lòng của người dân.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đề ra chủ trương: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”27. Với định hướng xây dựng nền quản trị hiện đại, bên cạnh hệ thống chính quyền và các chủ thể tư nhân, các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ có thêm các chủ thể cộng đồng để có thể huy động vào sự nghiệp chung của đất nước. Sự vận hành của hệ thống quản trị quốc gia dựa trên sự kết hợp linh hoạt giữa các cơ chế hành chính, cơ chế thị trường, và cơ chế tự nguyện28. Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ vai trò chủ đạo trên cơ sở phát triển các mối quan hệ đối tác và hợp tác bình đẳng hơn với các chủ thể ngoài nhà nước. Tuy nhiên, xét về truyền thống chính trị - hành chính và bối cảnh hiện tại của Việt Nam, để có thể xây dựng được nền quản trị quốc gia hiện đại, hướng đến phát triển bền vững thì chúng ta cần vượt qua những thách thức sau đây: 1) Cần nhận thức được rằng, quản trị quốc gia đòi hỏi sự tham gia của tất cả các lực lượng xã hội. Để hiện thực hóa điều này, chúng ta cần dung hòa được những giá trị của hệ thống chính trị với những giá trị của các chủ thể khác nhau; 2) Ý thức tôn trọng lợi ích, quan điểm giải quyết vấn đề của các chủ thể cùng tham gia vào hệ thống quản trị quốc gia. Các quyết định chính sách cần hướng đến đáp ứng các lợi ích đa dạng, chứ không chỉ thuần túy dựa trên lợi ích công như trước đây; 3) Kiến tạo các điều kiện thể chế để bảo đảm rằng các cam kết đa chủ thể có thể được thực thi.
Như vậy, khi nhận thức rõ ba vấn đề nêu trên, mối quan tâm chính của các nhà quản trị quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ bản thân chính sách sang các cơ chế và công cụ chính sách29. Bởi cơ chế và công cụ chính sách sẽ trực tiếp định hình mối quan hệ giữa các chủ thể nhà nước và chủ thể ngoài nhà nước. Thay vì trực tiếp can thiệp vào nền kinh tế - xã hội, nhà nước cần chuyển dần sang cơ chế can thiệp gián tiếp để thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Những công cụ can thiệp truyền thống dựa trên sự cưỡng ép, áp đặt như hệ thống luật pháp và các quy định hành chính cần được tinh gọn và hoàn thiện. Những phương tiện hợp tác bình đẳng đa chủ thể cần được sử dụng phổ biến hơn. Nhờ đó, những rào cản sẽ từng bước được gỡ bỏ, tạo sự thông thoáng và linh hoạt để các chủ thể đa dạng có thể thực sự tham gia đóng góp vào tiến trình phát triển của đất nước./.
TS. Nguyễn Văn Đáng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Chú thích:
1, 2, 3, 5, 21 Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://nhandan.vn, ngày 01-8-2021.
4 Xem: Trần Văn Phòng, Lê Thị Hạnh, Gắn kinh tế với xã hội - Đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 12-2021, tr.55-59.
6, 7, 8, 9, 13, 14, 15, 16, 18 Xem: Kishtainy, N và cộng sự, Kinh tế học, Nxb. Dân trí, Tp Hồ Chí Minh, 2020, tr.172-178, 172-278, 142-148, 242-244, 232-234, 164-166, 196-202, 222-224, 282-288.
10, 23, 25 Xem: J. E. Stiglitz, Cái giá của sự bất bình đẳng, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2020, tr 141-230, 241-296, 206-230.
11, 22 Xem: Phạm Văn Minh và Cộng sự, Tuyển tập bất bình đẳng, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2019, tr.29-33, 12-29.
12 Xem: Kingsbury, D; Remenyi, J; McKay, J; Hunt, J. Key issues in development. New York: Palgrave MacMillan, 2004, tr.22.
17 Xem: Huang, X, Politics in Pacific Asia: An introduction (Comparative government and politics). Basingstoke; New York: Palgrave Macmillan, 2009, tr.104-120; Kishtainy, N và cộng sự, Sđd, tr.282-288.
19 Bình An, Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đã thoát nghèo, https://tuoitre.vn, ngày 26-2-2021.
20, 27 Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128-129, 203.
24 Xem: Klarin, T. The concept of Sustainable development: from its beginning to the contemporary issues. Zagreb International Review of Economics & Business, 2018, Vol.21, No.1, pp.67-94.
26 Xem: Osborne, S, The new public governance: Emerging perspectives on the theory and practice of public governance. London; New York: Routledge, 2010, pp.1-17; Morgan, D, & Cook, Brian J. New public governance: A regime-centered perspective. Armonk, New York: M.E. Sharpe, 2014, pp.3-13.
28 Xem: Morgan, D, & Cook, Brian J. New public governance: A regime-centered perspective. Armonk, New York: M.E. Sharpe, 2014, p.5-6
29 Xem: Salamon, M. L, The Tools of Government: A Guide to the New Governance, Oxford University Press, 2002, pp.1-48; 600-611.