Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Ngày phát hành: 26/01/2022 Lượt xem 20226

 

Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự sáng lập và rèn luyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những ghềnh thác gian nan, thử thách khắc nghiệt, giành được những thắng lợi vĩ đại. Từ một thuộc địa của thực dân Pháp, Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất, độc lập, xây dựng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Từ thân phận mất nước, chịu hai tầng áp bức của thực dân và phong kiến, nhân dân Việt Nam đã trở thành chủ nhân của đất nước, cuộc sống được cải thiện toàn diện, không ngừng. Từ một đất nước với hàng ngàn năm văn hiến nhưng bị xóa tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế và uy tín trên trường quốc tế ngày càng được tăng cường, ngày càng hội nhập sâu rộng vào các tiến trình vận động của thế giới. Tất cả những thành tựu vĩ đại ấy đều không tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò một nhân tố có ý nghĩa quyết định. Vai trò, ý nghĩa quyết định ấy thể hiện qua các bình diện: Mở đường cho cách mạng Việt Nam; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin hoạch định đường lối đúng đắn, sáng suốt cho cách mạng Việt Nam; tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam.

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra con đường mới cho cách mạng Việt Nam

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, áp đặt một chế độ cai trị hà khắc, khai thác vơ vét tài nguyên, bóc lột người dân đến tận xương tủy. Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự cường dân tộc và truyền thống anh hùng bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp liên tục nổ ra. Đó là những cuộc phản kháng của một số nhà vua, một bộ phận quan lại, văn thân, chí sĩ yêu nước, thương nòi hay những cuộc khởi nghĩa vũ trang của các hào trưởng, lãnh tụ nông dân. Đó là những cuộc bạo động dưới sự tổ chức của các đảng chính trị theo đường lối tư sản hay những phong trào đấu tranh bất bạo động, nhằm khai dân trí, chấn dân khí, để cải thiện dân sinh hay vận động sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên tất cả các cuộc đấu tranh đó đều không đi đến thành công. Những nhà vua yêu nước phản kháng bị đày biệt xứ. Nhiều quan lại, tướng lĩnh của nhà nước phong kiến có tinh thần yêu nước bị xử tử bằng những hình thức dã man. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang, các cuộc bạo động bị dìm trong bể máu. Hàng vạn người dân yêu nước đứng lên chống ách thống trị của thực dân ngoại bang bị bỏ tù hay bị giết hại. Sự thất bại của những phong trào đấu tranh đó là điều được báo trước bởi thiếu một đường lối đấu tranh đúng đắn, thiếu sự lãnh đạo của một chính đảng có nền tảng tư tưởng khoa học, có tổ chức mạnh mẽ và có sức thuyết phục đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã bôn ba hải ngoại, dày công học tập, nghiên cứu để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, là người sáng lập, tổ chức, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và trang bị cho Đảng một nền tảng tư tưởng khoa học, đúng đắn, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh - cuốn sách giáo khoa để đào tạo những cán bộ đầu tiên của Đảng, Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Chánh cương vắn tắt đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]. Cương lĩnh chính trị tháng 10-1930 của Đảng xác định: “Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo giai cấp vô sản Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”[3].

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên ở Việt Nam có một đảng chính trị được tổ chức chặt chẽ theo người nguyên tắc của một chính đảng mácxít Lêninnít kiểu mới, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, lấy chủ nghĩa Cộng sản làm mục tiêu phấn đấu. Cùng với đó, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một con đường cứu nước mới, trong đó cuộc đấu tranh giải phóng vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân gắn liền với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra cho cách mạng Việt Nam là con đường mới về chất so với những con đường mà các tổ chức, phong trào yêu nước trước đó đã đi theo. Nếu nhiều phong trào, cuộc vận động yêu nước trước khi Đảng Cộng sản ra đời ít nhiều đều mang tính bột phát mà không dựa trên cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng khoa học đúng đắn, thì con đường cách mạng do Đảng Cộng sản vạch ra trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, những cơ sở khoa học, thực tiễn trên cơ sở sự tổng kết về tính quy luật của lịch sử phát triển của nhân loại. Nếu hầu hết các phong trào đấu tranh trước khi Đảng Cộng sản ra đời đều chỉ nhằm giải quyết những nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà không có mục tiêu cơ bản lâu dài, hoặc chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng chế độ chính trị phong kiến hay chế độ tư sản đã lỗi thời, thì con đường cách mạng do Đảng Cộng sản vạch ra hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, mang lại tự do cho nhân dân và tiến hành công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội XHCN để bảo đảm vững chắc nhất nền độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra cho cách mạng Việt Nam là con đường mới phù hợp với quy luật lịch sử và xu hướng vận động của thời đại. Chính Cách mạng Tháng Mười Nga cùng tính chất ưu việt của cuộc cách mạng ấy đã là một minh chứng thực tế cho xu hướng vận động của thời đại, là tấm gương, sự cổ vũ cho sự lựa chọn con đường cách mạng mới của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam.

 

 

2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để sáng suốt hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở sự kết hợp của phong trào công nhân và phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mục tiêu và hành động cách mạng. Trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng đã vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình thực tế cụ thể của đất nước để đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Trước hết, đường lối chung của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam là gắn kết hữu cơ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giải phóng và giành độc lập dân tộc là cơ sở, điều kiện để tiến hành công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Xây dựng đất nước theo con đường XHCN, đến lượt nó, là điều kiện, cơ sở cho việc bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, mang lại ấm no, hạnh phúc và tiến bộ cho nhân dân. Giương cao đồng thời hai ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH là vấn đề có tính nguyên tắc, là điểm tựa, cột sống của toàn bộ hệ thống đường lối của Đảng. Trước sau như một, Đảng Cộng sản Việt Nam dựa vào đó làm cơ sở có tính nguyên tắc này để cụ thể hóa thành các chủ trương, Nhà nước Việt Nam dựa vào đó để triển khai xây dựng các chính sách hợp lý cụ thể qua các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Thứ hai, đường lối đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc dựa vào sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Sách lược vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra và được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng đã thể hiện đã thể hiện rất rõ ràng quan điểm đoàn kết tối đa các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong toàn dân tộc trong đấu tranh cách mạng. Cùng với việc khẳng định “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”, “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày”, đường lối của Đảng yêu cầu: “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt”, phải lôi kéo, tập hợp vào hàng ngũ cách mạng cả với “phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng”, chỉ “bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng” thì mới đánh đổ. Đường lối đấu tranh cách mạng dựa vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân xuất phát từ nhận thức một vấn đề có tình quy luật của đời sống xã hội: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[4]. Đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện theo hướng cụ thể và tích cực hơn qua mỗi giai đoạn trong tiến trình cách mạng.

Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một tôn trọng, bảo vệ sự công bằng, bình đẳng và sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các giai cấp, các tầng lớp dân cư, các dân tộc/tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền tự do không tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Đảng coi Việt kiều là một phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, khuyến khích và hỗ trợ bà con Việt kiều giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tôn trọng luật pháp nhà nước nơi định cư.

Thứ ba, đường lối xây dựng và phát triển đất nước vì nhân dân, lấy hạnh phúc nhân dân là mục tiêu tối thượng, cải thiện không ngừng đời sống nhân dân một cách toàn diện cả về vật chất và tinh thần, cả về kinh tế và văn hóa, xã hội. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển đất nước.

Trước hết, đường lối ấy thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN mà Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân xây dựng. Trong chế độ XHCN, Đảng Cộng sản lãnh đạo xã hội, là tổ chức của những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; mục đích của chế độ xã hội đó là giải phóng con người, xóa bỏ người bóc lột người, thực hiện dân chủ, công bằng trong mọi chính sách, mọi bước đi; trong xã hội đó, quan hệ giữa người với người là tự do, bình đẳng, quan hệ con người với thiên nhiên là hài hòa, bền vững.

Phù hợp với tính chất ưu việt của chế độ, ngay trong những năm tháng khó khăn ác liệt của chiến tranh giải phóng, Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam vẫn giành sự quan tâm đến phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, cải thiện các điều kiện xã hội để bảo đảm tốt nhất đời sống của nhân dân. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cơ sở phát huy sáng kiến và sức sáng tạo của nhân dân, tiếp thu chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối Đổi mới với ba trụ cột là: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Về kinh tế, Đảng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam “là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối”[5]. 

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống xã hội. Cùng với văn hóa, các vấn đề xã hội được quan tâm thích đáng vì mục đích phát triển một xã hội hài hòa, dân chủ, công bằng, tạo cơ hội cho mọi người dân được sống trong hạnh phúc, được phát triển tự do, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện đường lối đổi mới, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam đã đạt được những thành tựu mang tính lịch sử. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được tăng cường. Đời sống của nhân dân được cải thiện cơ bản, toàn diện cả về vật chất và tinh thần, cả về kinh tế và văn hóa, xã hội.

Thứ tư, đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng được đổi mới, phù hợp với bối cảnh chung, với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Về đối ngoại, đường lối chung của Đảng nhất quán trên cơ sở nguyên tắc độc lập, tự chủ, hai bên cùng có lợi; tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng mối quan hệ với anh em, bạn bè, trên thế giới, góp phần vì hòa bình, tiến bộ và hạnh phúc của con người. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[6].

Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam coi quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[7]. Để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng, nặng nề đó, cần thiết phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng và củng cố vững chắc thể trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.

 

 

3. Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thắng lợi những nhiệm vụ to lớn của cách mạng Việt Nam

Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ to lớn, thu được những thắng lợi vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử.

Thứ nhất, phải kể đến thắng lợi vĩ đại của công cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc, dân tộc và đất nước. Đó là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, hy sinh, chống lại những kẻ thù hùng mạnh hàng đầu thế giới, những mưu mô thâm độc chưa từng thấy.

Chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt chớp thời cơ thuận lợi, lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, đánh đổ chế độ cai trị của hai đội quân thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho dân tộc, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, làm nên chiến thắng vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu sự khởi đầu thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một võ công vô cùng oanh liệt của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến trường kỳ 9 năm chống lại đội quân viễn chinh của đế quốc Pháp với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ. Cơ sở quyết định cho thắng lợi ấy là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, kết hợp sức mạnh quật khởi của dân tộc với sự hỗ trợ, ủng hộ to lớn của các đảng cộng sản và phong trào yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thắng lợi ấy đã mở ra mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, trong đó đất nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống xâm lược để giải phóng miền Nam.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc đã kết thúc tình trạng đất nước có chiến tranh kéo dài trên 30 năm, mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc, cả nước thống nhất toàn vẹn, xây dựng và phát triển theo con đường XHCN. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước một lần nữa chứng minh vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, sức mạnh bất khả chiến bại của lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò rất quan trọng của sự đoàn kết, hỗ trợ của các nước trong cộng đồng XHCN, sự ủng hộ của anh em, bạn bè và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Thứ hai, đó là thắng lợi của công cuộc Đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn. Đi ra từ những cuộc chiến tranh kéo dài trong suốt hơn 30 năm, Việt Nam bước vào cộng cuộc xây dựng đất nước với những khó khăn chồng chất. Nhiều thành phố, làng mạc, đường giao thông, nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng bị phá hủy. Hàng chục triệu thương binh, bệnh binh, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, nạn nhân chất độc màu da cam và người có công trong kháng chiến. Đất nước nằm trong số 15 nước nghèo nhất thế giới với hơn 60% dân thuộc diện nghèo. Là một nước nông nghiệp nhưng hằng năm Nhà nước phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực... Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, đạt 3.512 USD/người (số liệu năm 2020). GDP của đất nước tăng trưởng trung bình 7%/năm; quy mô GDP không ngừng tăng lên (GDP năm 2020 gần 350 tỷ USD). Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới cùng nhiều mặt hàng nông sản khác với quy mô và giá trị lớn.

Đời sống của nhân dân được cải thiện một cách cơ bản, toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chỉ còn dưới 3%. Đến nay, hơn 60% số xã trong toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn được cải thiện, đường ô tô đã kết nối đến trung tâm của hầu hết các xã; các xã đều có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và mạng kết nối điện thoại. Hiện nay Việt Nam có 95% người người trưởng thành biết đọc, biết viết; 92% người dân có bảo hiểm y tế, trong đó người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới và hiện có hơn 70% người dân sử dụng mạng Internet. Trong 35 năm qua, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng 17 lần. Tuổi thọ trung bình của cư dân đạt 73,7 năm. Việt Nam là một trong những nước được Liên hợp quốc công nhận đã đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Từ một nước bị bao vây cấm vận, hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc, trong số đó có 3 nước là “quan hệ đặc biệt”, 17 nước là “đối tác chiến lược” và 13 nước là “đối tác toàn diện”. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO, v.v.. Việt Nam đang có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời tham gia nhiều diễn đàn trên thế giới; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam dự báo vượt mốc 660 tỷ USD, bằng khoảng 150% GDP, đưa Việt Nam tham gia vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế.  Sau hơn 30 năm mở cửa hội nhập, Việt Nam đã thu hút được hơn 400 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đã giải ngân được khoảng 250 tỉ USD v.v…

Thứ ba, đó là thắng lợi của phương pháp cách mạng sáng tạo, xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm hay, bài học tốt của thế giới.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định phương pháp cách mạng sáng tạo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trước sau như một kiên định con đường XHCN đã chọn nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong lựa chọn phương pháp, giải pháp cốt nhằm mục đích hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị đặt ra. Chỉ 7 tháng sau ngày thành lập và công bố đường lối cách mạng của Đảng thể hiện trong Chánh cương vắn tắtSách lược vắn tắt, tại Đại hội tháng 10-1930, Đảng đã quyết định đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, “Thủ tiêu Chánh cương Sách lược và Điều lệ cũ” để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản. Cho dù vậy, Đảng vẫn kiên trì với chủ trương đoàn kết các lực lượng yêu nước, ủng hộ độc lập dân tộc, kể cả một bộ phận thuộc giai cấp tư sản, tầng lớp điền chủ để tập hợp lực lượng tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc. Với chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, nhiều nhà tư sản dân tộc, địa chủ, nhân sỹ yêu nước đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ cùng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, góp phần của cải, tài năng và thậm chí cả xương máu vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam và tách các bộ phận của Lào và Campuchia để thành lập các đảng cách mạng riêng của hai nước đó. Thực tiễn cách mạng của ba nước Đông Dương đã chứng minh chủ trương đó là hết sức đúng đắn, sáng suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng chủ động phát huy vai trò, sức mạnh dân tộc của mình trong đấu tranh giành độc lập tự do. Đồng thời đó cũng là cơ sở cơ bản tạo điều kiện cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đoàn kết gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong đấu tranh cũng như trong xây dựng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tình hình trong nước rất phức tạp. Ở miền Bắc, đội quân của chính quyền Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch lấy danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp kéo theo nhiều đảng phái, tổ chúc chính trị người Việt phản động lưu vong, gây ra nhiều vụ việc chống đối chính quyền nhân dân non trẻ, kích động phá hoại đoàn kết dân tộc. Ở miền Nam, quân đội Pháp theo gót quân đội Anh vào giải giáp, âm mưu chiếm Việt Nam một lần nữa. Trong điều kiện đó, tháng 11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán và thành lập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Thực chất, Đảng rút vào hoạt động bí mật để tạo điều kiện cho cách mạng thu hút rộng rãi các lực lực lượng ủng hộ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tránh sự kích động phá hoại của các tổ chức chính trị phản động.

Đặc biệt, đường lối đổi mới của Đảng được bắt đầu tại Đại hội VI của Đảng năm 1986 là biểu hiện sinh động, bằng chứng đầy sức thuyết phục cho phương pháp cách mạng sáng tạo, gắn bó với thực tiễn đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đánh giá thẳng thắn tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nhìn nhận lại những vấn đề lý luận về thời kỳ quá độ lên CNXH để đưa ra một đường lối mới phù hợp với điều kiện đất nước, bảo đảm giữ vững định hướng XHCN, mở đường cho những thành tựu có tính lịch sử của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

 

4. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Với vai trò là yếu tố then chốt, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới. Nhận thức rõ vai trò to lớn, nặng nề đó của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm tới:

1) Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong mỗi giai đoạn.

2) Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh phản bác những âm mưu, luận điệu chống đối, phá hoại.

3) Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên, đồng thời với tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức.

4) Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

5) Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên.

6) Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.

7) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; hoàn hiện các quy chế, quy định; kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước.

8) Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; hoàn thiện và thực hiện quy chế, chế định về sự giám sát của nhân dân đối tổ chức đảng, đảng viên.

9) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và phúc lợi công cộng cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

10) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, bao gồm từ công tác lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, giám sát quyền lực, cho đến phương pháp ra nghị quyết quán triệt học tập nghị quyết, nghiên cứu lý luận.

*

Tóm lại, bằng cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đều chỉ ra và khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vai trò ấy yêu cầu và đòi hỏi Đảng phải tăng cường thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực vượt qua những khó khăn thách thức, lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

GS.TS Tạ Ngọc Tấn

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

 

 



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, xuất bản lần thứ ba, Nxb CTQG - Sự thật, HN, 2011, tr. 289.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, xuất bản lần thứ ba, Nxb CTQG - Sự thật, HN, 2011, tr.01.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb CTQG-Sự thật, HN, 2002, tr. 100.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-Sự thật, HN, 2011, t. 10, tr. 453.

[5] Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, báo Nhân dân, số ra ngày 01-8-2021.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. CTQG-Sự thật, HN, 2021, tr. 161-162.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. CTQG-Sự thật, HN, 2021, tr. 155-156.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết