Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đổi mới công tác thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Ngày phát hành: 19/01/2022 Lượt xem 3367

 

1. Một số kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và cũng là năm đầu tiên nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được Quốc hội giao, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra. Kết thúc công tác năm 2021, công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, công tác thi hành án dân sự 10 tháng của năm 2021 (từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/7/2021) đạt được một số kết quả chính sau đây:

 

Thứ nhất, về công tác hoàn thiện thể chế: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thể chế, chính sách trong hoạt động THADS, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về THADS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm phát hiện các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn theo yêu cầu tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định cho công tác THADS[2]. Trên cơ sở đó, ngày 26/7/2021, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ[3] dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (trong đó có Luật THADS) để giải quyết bất cập, hạn chế của quy định tại Điều 57 của Luật THADS, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm 2021, đồng thời tiếp tục rà soát những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế của Luật THADS trong thực tiễn thi hành làm cơ sở để tiến tới tổng kết Luật THADS. Trong năm, Bộ Tư pháp đã ban hành 01 Thông tư, 02 Đề án; Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch liên quan đến công tác THADS, trong đó có Nghị quyết số 85-NQ/BCSĐ ngày 01/12/2020 về công tác THADS năm 2021 để lãnh đạo công tác THADS. Đặc biệt, nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Ngày 06/8/2021, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ để thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW trong Bộ, ngành Tư pháp. Tại các địa phương, hầu hết các Tỉnh ủy, Thành ủy đã và đang ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị quan trọng này.

 

Thứ hai, về công tác chỉ đạo, điều hành: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm nêu gương; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Hệ thống THADS. Nhất là Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và gần đây là Chỉ thị số 04-CT/TW. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14; Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS và các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được giao, nhất là các chỉ tiêu về phân loại án, thi hành xong về việc và về tiền. Trong đó, đề ra các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tập trung chỉ đạo thi hành các vụ việc trọng điểm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc tín dụng, ngân hàng; giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm, thiếu sót trong tổ chức thi hành án.

Ngày 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó yêu cầu: Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, thực chất công tác thi hành án dân sự... Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài”. Cùng ngày, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự...”. Trong năm 2021, Thường trực Chính phủ đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh đối với một số vụ việc khó khăn, phức tạp hoặc có giá trị lớn; chỉ đạo sát sao việc phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trong công tác THADS nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp hoặc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...

Để cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện[4] trong toàn Hệ thống THADS; ban hành Chương trình công tác trọng tâm THADS năm 2021, trong đó giao 09 nhóm chỉ tiêu cơ bản[5] cho các cơ quan THADS địa phương để kịp thời triển khai trong toàn Hệ thống THADS. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên toàn quốc, diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, tăng cường lưu hành văn bản trên môi trường mạng (trục liên thông văn bản quốc gia), đồng thời chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện phương án làm việc, tổ chức thi hành án linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, vừa đảm bảo các quy định về phòng chống dịch vừa đảm bảo trình tự, thủ tục luật định nhằm cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

 

Thứ ba, kết quả về việc, về tiền: (i) Về việc: Thụ lý mới là 508.488 việc, giảm 6.023 việc so với cùng kỳ; năm 2020 chuyển sang là 298.399. Tổng số phải thi hành là 796.937 việc. Số việc có điều kiện thi hành là 620.688, chiếm 77,88%; số việc chưa có điều kiện thi hành án là 167.568. Số việc hoãn, tạm đình chỉ theo quy định là 8.681. Đã thi hành xong là 411.026 việc, giảm 14.833 việc so với cùng kỳ, đạt 66,22% (tăng 0,28% so với cùng kỳ). Số việc chuyển kỳ sau là 385.911. (ii) Về tiền: Thụ lý mới là 91.818 tỷ 618 triệu 745 nghìn đồng, giảm 10.599 tỷ 636 triệu 268 nghìn đồng so với cùng kỳ; năm 2020 chuyển sang là 206.867 tỷ 862 triệu 751 nghìn đồng. Tổng số phải thi hành là 286.696 tỷ 413 triệu 335 nghìn đồng. Số có điều kiện thi hành là 153.143 tỷ 512 triệu 808 nghìn đồng, chiếm 53,42%; số chưa có điều kiện thi hành là 118.555 tỷ 641 triệu 954 nghìn đồng; số hoãn, tạm đình chỉ theo quy định là 14.997 tỷ 258 triệu 573 nghìn đồng. Đã thi hành xong 38.667 tỷ 969 triệu 290 nghìn đồng, giảm 2.886 tỷ 802 triệu 948 nghìn đồng; đạt 25,25% (giảm 0,75% so với cùng kỳ). Số tiền chuyển kỳ sau 248.028 tỷ 444 triệu 045 nghìn đồng.

 

Thứ tư, về bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng: Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã tập trung rà soát, xây dựng và triển khai các đề án[6], dự án đầu tư nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu cần thiết về cơ sở vật chất cho các cơ quan THADS, nhất là trụ sở làm việc và kho vật chứng, từng bước đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện làm việc đặc thù, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan THADS, ngày càng đáp ứng tốt hơn điều kiện làm việc, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan THADS hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trong bối cảnh việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2021 còn nhiều khó khăn do cắt giảm, tiết kiệm chi theo chủ trương chung của Chính phủ, các chế độ, chính sách và các khoản chi đặc thù vẫn được quan tâm bố trí để các cơ quan THADS đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Công tác quản lý ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được chú trọng kiểm tra, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này[7].

 

2. Hạn chế của công tác thi hành án dân sự và nguyên nhân

2.1. Hạn chế của công tác thi hành án dân sự

Bên cạnh những kết quả chính đạt được như đã nêu trên, công tác thi hành án dân sự năm 2021 vẫn còn một số hạn chế: (i) Kết quả thi hành về tiền của toàn Hệ thống đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (giảm 0,75% so với cùng kỳ); kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp hơn so với yêu cầu. (ii) Vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ (356/508.488 quyết định, chiếm tỷ lệ 0,07%); tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Kết quả chung về thi hành án dân sự về tiền giảm 0,75% so với cùng kỳ năm 2020; Vẫn còn nhiều trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ (chiếm tỷ lệ 0,07%); tình trạng vi phạm trong trong phân loại, xác minh điều kiện thi hành án, thụ lý đơn yêu cầu thi hành án... chậm được khắc phục.

Qua hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cho thấy, công tác thi hành án dân sự còn xảy ra một số loại vi phạm, như: ra quyết định thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản; xử lý tài sản vật chứng. Viện kiểm sát đã phát hiện 7.305 quyết định thi hành án có vi phạm; vi phạm trong việc phân loại, xác minh điều kiện thi hành án (1.730 việc); vi phạm trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án (106 việc); vi phạm trong xử lý tài sản, vật chứng (726 việc). Viên kiểm sát đã ban hành 1.232 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm...[8],[9].

 

2.2. Nguyên nhân hạn chế của công tác thi hành án dân sự

Thứ nhất, về khách quan: (i) Những tháng gần đây do đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc, trong đó nhiều địa phương có lượng việc, tiền lớn là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai..., hầu hết các địa phương khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo quy định về phòng, chống dịch trong thời gian dài. Trong bối cảnh đó, hoạt động THADS (chủ yếu tác nghiệp tại cơ sở, thực địa như xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản...) bị gián đoạn đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hệ thống THADS. (ii) Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành án chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến vướng mắc, chậm tiến độ (chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau; về thủ tục xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng theo Luật Đất đai, tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...). (iii) Số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là rất lớn (chiếm 24,5% về tiền so với tổng số phải thi hành). Nhiều bản án mới có hiệu lực thi hành, có giá trị tiền, số lượng tài sản kê biên phải xử lý nhiều, cơ quan THADS đang tập trung xác minh, xử lý tài sản để thi hành án, đồng thời nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ thi hành án, làm tăng tỷ lệ về tiền chuyển kỳ sau. (iv) Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn nhiều hạn chế; nhiều đương sự dùng mọi cách, nhất là lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, cản trở việc thi hành án; chống đối quyết liệt, xúc phạm danh dự, uy tín, xâm hại sức khỏe của Chấp hành viên, công chức thi hành án. Trong khi đó, việc xử lý hành chính, kể cả xử lý về hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp cố tình không chấp hành việc thi hành án.

Thứ hai, về chủ quan: (i) Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra tại một số cơ quan THADS chưa cao nên chưa kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, sai sót. Năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, Chấp hành viên một số cơ quan THADS chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong khi tính chất vụ việc thi hành án ngày càng phức tạp. (ii) Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao; có lúc, có việc còn chậm, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản thi hành án, đo vẽ, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai...[10].

 

3. Nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác thi hành án dân sự

Để đổi mới công tác thi hành án dân sự, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS. Tổ chức quán triệt và triển khai toàn diện các văn bản trên xuống các cấp cơ sở.

Hai là, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian, đúng quy định của pháp luật.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan đến THADS theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS, bảo đảm đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả quy định các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể công chức của Hệ thống THADS; tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, trong đó đặt trọng tâm xây dựng và thực hiện “Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS” đến từng cơ quan, từng công chức của Hệ thống THADS.

Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, trong đó trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm đối với tất cả các khâu của quá trình THADS; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo tinh thần “Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “Tham nhũng vặt” trong THADS. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với VKSND các cấp trong việc kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng và những khâu nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm.

Sáu là, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ các đề án, dự án đầu tư công liên quan đến THADS theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về cơ sở vật chất cho các cơ quan THADS, nhất là trụ sở làm việc và kho vật chứng; kinh phí hoạt động; đầu tư xây dựng bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và đúng quy định pháp luật.

Bảy là, củng cố, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng; chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, bộ, ngành liên quan đối với công tác THADS. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các cấp, nhất là chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, kịp thời, phối hợp áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong toả, xử lý tài sản theo đề nghị của cơ quan THADS.

Tám là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ Thừa phát lại thông qua việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập sự, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại, tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về chế định Thừa phát lại.

Chín là, chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THADS tạo sự ủng hộ của cán bộ, công chức và nhân dân đối với công tác THADS. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với đầu tư các nguồn lực tương xứng cho hoạt động THADS[11].

 

4. Đề xuất, kiến nghị đổi mới công tác thi hành án dân sự

Một là, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác THADS.

Hai là, đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật THADS quy định mới về trường hợp ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để tạo điều kiện rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, đặc biệt trong trường hợp thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Ba là, đề nghị Chính phủ: (i) Tiếp tục có giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự theo yêu cầu của Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; (ii) Tăng cường các biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả thi hành các loại án; tăng cường các biện pháp để bảo đảm giải quyết tốt việc thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án kinh tế, tham nhũng; giảm mạnh các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự; bảo đảm việc xác minh, phân loại án, ra quyết định về thi hành án đúng pháp luật; có biện pháp tổ chức thi hành hiệu quả việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tín dụng, ngân hàng; bảo đảm hiệu quả cưỡng chế thi hành án theo đúng quy định của pháp luật trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay; (iii) Làm rõ số liệu về các vụ việc cưỡng chế không thành; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự (khiếu nại, tố cáo đúng, đúng một phần, sai toàn bộ)[12].

Bốn là, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định.

Năm là, đề nghị VKSNDTC tăng cường kiểm sát THADS ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án, nhất là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm sai phạm. Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án[13].

TS. Đỗ Đức Hồng Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

ThS. Phùng Văn Huyên

Chuyên viên cao cấp, Văn phòng Quốc hội

Tài liệu tham khảo

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

[2]. Báo cáo số 246/BC-TCTHADS ngày 23/7/2021 về kết quả rà soát Luật THADS năm 2008.

[3]. Tờ trình số 714/TTr-BTP-m.     

[4]. Quyết định số 71/QĐ-BTP ngày 19/01/2021 ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP.

[5]. Quyết định số 2558/QĐ-TCTHADS ngày 23/12/2020.

[6]. Đề án “Tăng cường trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025”; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng trụ sở và kho vật chứng cho các cơ quan THADS.

[7]. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.

[8]. Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC năm 2021 (số 100/BC-VKSTC ngày 20/8/2021).

[9]. Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (2021), Báo cáo ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án trong 10 tháng năm 2021.

[10]. Bộ Tư pháp (2021), Dự thảo Tờ trình ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Bộ Tư pháp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Tài liệu phục vụ cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 31/8/2021).

[11]. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.

[12]. Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (2021), Báo cáo ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án trong 10 tháng năm 2021.

[13]. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết