Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chủ trương xây dựng xã hội học tập

Ngày phát hành: 30/03/2022 Lượt xem 6130

 

 

I. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một mục tiêu trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 -2020”. Tại Quyết định này, quan điểm triển khai Đề án được khẳng định: Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt, có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao. Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.

 

Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số 1373/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030”. Về giáo dục nghề nghiệp, Quyết định nhấn mạnh: “Đổi mới các phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia Việt Nam và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho công nhân, người lao động”.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có xác định 3 đột phá chiến lược là đổi mới thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Dạy nghề cho lao động nông thôn chính là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ ở địa bàn nông thôn, bao gồm nông dân và những lao động phi nông nghiệp.

 

Dạy nghề cho lao động nông thôn là một hoạt động đào tạo với nhiều hình thức khác nhau: đào tạo mới, đào tạo lại để làm tốt những việc đang làm hoặc để chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn do yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của sự nghiệp công nghiệp hóa, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình và phát triển bền vững. Mục tiêu cuối cùng của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là có được nhân lực chất lượng cao để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa thủ công, tiểu thủ công và của những ngành nghề mới ở nông thôn. Những thương hiệu về cà phê, hạt điều, vải thiều, cá ba sa, hàng thủ công của đồng bào thiểu số...hiện đang được thế giới quan tâm và ưa chuộng không chỉ bởi là đặc sản đơn thuần, mà còn do hàm lượng trí tuệ trong đó nhờ người dân học tập thường xuyên mà có.

 

II. Những vấn đề đặt ra trong việc triển khai chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn.

 

Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Ngày 1/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số 971/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg, trong đó có nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng. Điều này được hiểu là, Chính phủ đã chủ trương gắn việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc học tập thường xuyên và đào tạo suốt đời của người lao động trên địa bàn hành chính cấp xã.

 

Đến nay, bối cảnh dạy nghề cho lao động nông thôn đã có những đặc điểm mới:

- Trước hết, từ quý IV/2019, mọi hoạt động trong xã hội đều phải chủ động tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Đây là một ý tưởng rất quan trọng, gắn các hoạt động trong xã hội nói chung và việc đào tạo nghề nói riêng với xu thế phát triển các công nghệ hiện đại mà yếu tố kĩ thuật trụ cột là trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI), dữ liệu lớn (Big Date), Internet kết nối vạn vật  (Internet of things - Iot) và In 3D (Three Dimensional Printing) hay còn gọi là công nghệ bồi đắp vật liệu.

Trước bối cảnh này, việc dạy nghề cho lao động nông thôn phải tính đến xu hướng hiện đại hóa nông nghiệp và các loại hình lao động nông thôn nhờ trang bị những công nghệ mới.

- Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Với tầm nhìn về xây dựng quốc gia số đến 2030, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đi đầu thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Vì thế, vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ phải tính đến môi trường số ở nông thôn, những người lao động ở nông thôn với tư cách là những công dân số và những mô hình làm ăn gắn với những ứng dụng công nghệ mới.

 

 

Trong điều kiện chuyển đổi số quốc gia, các tổ chức đào tạo nghề nhất thiết phải mang tính mở, hoạt động linh hoạt và hiệu quả. Các khóa đào tạo nghề cũng phải mở, có thể rất ngắn hạn. Những người học sẽ được tiếp cận với nhiều kiến thức và kỹ năng mới, đáp ứng công việc đang làm hoặc chuyển đổi việc làm cũ sang việc làm mới.

Chuyển đổi số các cơ sở đào tạo nghề là nhất thiết, từ đó, nếu có kỹ năng truy cập dữ liệu về nghề, người học có thể thông qua hình thức học trực tuyến để học mọi lúc, mọi nơi, học những gì mà việc làm của họ đang cần.

Tài nguyên đào tạo nghề số hóa và mang tính mở sẽ là kho tri thức quý giá cho người học nghề ở nông thôn. Khi cơ sở dạy nghề có máy tính hoặc học viên có ipad, Tablet hoặc smartphone kết nối với nguồn học liệu mở, những hình thức dạy nghề trực tiếp sẽ không phải sử dụng như hiện nay theo các lớp học truyền thống.

- Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn dù ngắn hạn đến đâu và dù chỉ giới thiệu nghề trình độ sơ cấp thì vẫn phải đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp và lập nghiệp. Phát triển những nghề mới, nhất là các nghề phi nông nghiệp và các dịch vụ đáp ứng yêu cầu nông thôn đổi mới và xu hướng đô thị hóa đang ngày càng tăng là một mục tiêu quan trọng. Ngay trong các làng nghề truyền thống, việc tạo ra những sản phẩm mới, những mô hình sản xuất mới và trang bị những công nghệ mới sẽ làm cho những sản phẩm truyền thống độc đáo được hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được văn hóa bản địa.

- Gắn việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chủ trương xây dựng xã hội học tập là làm cho người học nghề ý thức được rằng, nghề nghiệp không phải là hiện tượng nhất thành bất biến, mà toàn bộ thế giới nghề nghiệp luôn vận động, luôn đổi mới. Mỗi công nghệ mới xuất hiện, mỗi một phát minh mới ra đời sẽ hình thành những việc làm mới, những nghề mới hoặc sẽ yêu cầu nghề phải thay đổi về phương pháp, quy trình sản xuất. Vì thế, việc học tập của người lao động phải tuân thủ phương châm “giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời”     

 

III. Những xu thế lớn trong quá trình đổi mới hệ thống nghề ở nông thôn.

  1. Những xu thế phát triển nông nghiệp.

Những nghiên cứu vào các năm 2020 - 2021 đã cho thấy sản xuất nông nghiệp đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng cấu trúc lại và cách mạng hóa để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

a. Nông nghiệp thông minh

Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp sử dụng công nghệ cao như tự động hóa, cơ giới hóa để bảo đảm sản phẩm an toàn, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Người ta còn gọi nông nghiệp thông minh là nông nghiệp 4.0 và các giải pháp nói trên được gọi là “canh tác số hóa”.

Ở Việt Nam, để tránh tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún trước kia, chúng ta cố gắng ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Hiện đã có gần 3000 mô hình cánh đồng mẫu lớn (Cánh đồng lớn trồng một loại lúa, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm). Đó là mô hình sản xuất - tiêu thụ liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học). Nhà nước và doanh nghiệp đã liên kết các mặt hàng chủ lực lại với nhau. Tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa.

Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang là 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thái Nguyên, Lâm đồng và Quảng Ninh cũng đang tích cực đi theo hướng này. Một số doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao như Vinamilk, TH, Lavifood…

Phát triển nông nghiệp thông minh là nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và không khí trong lành cho người dân.

 

 

b. Khởi nghiệp nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều thanh niên đã về nông thôn để tạo dựng những startup nông nghiệp bởi một lợi thế mà ai cũng dễ nhận ra: Việt Nam là đất nước nông nghiệp, sản phẩm từ nông nghiệp rất đa dạng và phong phú.  Nhiều nhà đầu tư gợi ý cho người dân có ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp mở các Startup về các hướng sau:

- Mở cửa hàng kinh doanh nông sản sạch.

- Kinh doanh hạt giống

- Tư vấn và bán dụng cụ trồng rau sạch.

- Dịch vụ thiết kế vườn rau sạch.

- Cho thuê đất trồng rau sạch.

- Mở trang trại kết hợp với du lịch sinh thái.

- Sản xuất thức ăn chăn nuôi

- Trồng các loại cây gia vị

- Xuất khẩu nông sản

- Làm trang trại nấm

- Trồng các loại cây quý hiếm

- Nuôi lợn dân dã, lợn rừng

- Nuôi gà bằng các loại thức ăn đặc biệt

- Trồng các loại hoa sống trong nước

- Nuôi bỏ thịt

Tất nhiên, trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, nhiều bạn trẻ đã có những doanh nghiệp rất hiệu quả như nuôi những giống gà quý (gà Hồ, gà 9 cựa, gà Đông Tảo, gà lông xù…), nuôi lợn cắp nách (lợn Mường Sa Pa), nuôi dế thương phẩm, mở cửa hàng mỹ phẩm ở nông thôn…

 

c. Mở các hợp tác xã kiểu mới.

Từ năm 2016 trở lại đây, mô hình hợp tác xã kiểu mới là một loại hình kinh doanh trong nông nghiệp có hiệu quả. Thực chất của Hợp tác xã kiểu mới là:

- Đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên.

- Hợp tác xã được tổ chức trong mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong nông nghiệp. Thành viên vừa là chủ, vừa là khách thông qua quy định góp vốn và sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.

- Mọi thành viên đều bình đẳng như nhau, tham gia với tinh thần tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Trong hợp tác xã, phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên. Giới hạn hoạt động của hợp tác xã tùy thuộc năng lực thực tế.

 

d. Nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Trên thế giới, tại nhiều quốc gia, nông nghiệp chất lượng cao đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội.

Israel có diện tích sa mạc rất lớn (70 %), nhưng sản phẩm nông nghiệp rất tuyệt vời. Hệ thống tưới nhỏ giọt đã giúp cho nước này có ngành nông nghiệp công nghiệp cao vượt trội. Họ còn phát triển mạnh nông nghiệp trực tuyến, bất kỳ nông dân nào cũng có thể truy cập hệ thống này để học tập, nhận sự tư vấn của các chuyên gia. Israel còn sử dụng khí nhà kính để phục vụ nông nghiệp.

Nhật Bản trồng rau, củ, quả, cây nông nghiệp trong nhà kính, trồng theo tầng để tăng diện tích trồng trọt. Họ chỉ có 3 % dân số làm nông nghiệp, nhưng phục vụ cho dân chúng cả nước và nhiều nước khác. Không gian nông nghiệp ở Nhật không khác gì công viên. Người Nhật cho ra đời những sản phẩm kỳ lạ và bổ dưỡng: Dưa hấu vuông, cà chua đa sắc màu, dâu tây mini…. Họ có nền nông nghiệp sạch đến mức bảo đảm rau từ nơi trồng vào thẳng bàn ăn trong nhà hàng.

Nhật Bản có chuỗi cung ứng lạnh hoa quả, bao gồm kho lạnh, vận tải lạnh, bảo đảm chất lượng sản phẩm đối với các thị trường khó tính.

Ở Mỹ, công nghệ cao trong nông nghiệp được thể hiện ở các phương tiện lao động rất thuận lợi cho người lao động. Những người lái máy cày hay máy thu hoạch ngồi trong buồng lái có máy lạnh, việc phun thuốc trừ sâu hoàn toàn dùng máy bay, chăn nuôi bò nhốt có máy tính điều chỉnh khẩu phần ăn cho từng con bò.

Tuy trình độ nông nghiệp cao ở Việt Nam còn thua kém xa các quốc gia kể trên, nhưng hiện nay chúng ta cũng đã có những mô hình nông nghiệp công nghiệp cao

Trên thực tế, chúng ta có thể thấy những biểu hiện cụ thể của các loại mô hình nói trên như vườn dưa lưới Điền Trạch farm Thọ Xuân (Thanh Hóa); trang trại hoa Đà Lạt Hasfarm; những doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Sơn La với các mô hình sản xuất hoa, quả, rau; mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty Cổ phần Việt Úc (Bạc Liêu); mô hình trồng nấm công nghệ cao Đức Trung (Lâm đồng).v.v...

 

2. Một số nghề đang phát triển ở nông thôn Việt Nam.

 

a. Kinh doanh những mặt hàng tại nông thôn mới.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành quả đáng kể. Xu thế phát triển nông thôn mới đang thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Kinh doanh những mặt hàng vốn không lớn nhưng hiệu quả cao hiện nay là:

  • Mở cửa hàng tạp hóa
  • Kinh doanh mỹ phẩm, thời trang
  • Phát triển dịch vụ rửa xe
  • Mở các quán ăn nhỏ với các món ăn đặc sản địa phương
  • Mở xưởng làm bún, sợi hủ tiếu, sợi phở khô
  • Mở cửa hiệu sửa chữa đồ dùng điện và điện gia dụng
  • Mở tiệm giặt khô, chăn, gối, quần áo
  • Kinh doanh thuốc trừ sâu
  • Kinh doanh thuốc gia súc, gia cầm
  • Kinh doanh đồ chơi thông minh
  • Tư vấn mô hình vườn - ao - chuồng
  • Xây bể bơi cho trẻ em

-    Mở tiệm cắt tóc, uốn tóc, sửa móng tay

b. Phát triển du lịch nông thôn.

Hiện nay, du lịch nông thôn ở Việt Nam có thể phân thành 3 loại hình chủ yếu:

     Du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là  loại hình du lịch dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng hướng vào khai thác các nét nguyên bản của cộng đồng còn chưa được khai thác hết. Cộng đồng sẽ bảo vệ tài nguyên du lịch và được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra.

     Du lịch canh nông

Du lịch canh nông còn gọi là du lịch trang trại nông nghiệp tại những vùng ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp, là hình thức trải nghiệm tại các trang trại cây trồng hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm (trang trại trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long, vườn chè Thái Nguyên, trang trại cà phê Đắk Lắk...)

    Du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn kết với giáo dục môi trường, bảo tồn và phát triển bền vững.    

Ngoài 3 loại hình du lịch nói trên, ở nông thôn còn có du lịch Lễ hội, du lịch tâm linh.

Du lịch nông thôn thường được gắn với nhiều tên khác nhau do tính chất phong phú của nó như Agri-tourism, agro-tourism, farm tours, study tour,farm holidays.

 

 

c. Các loại hình dịch vụ nông thôn

Ngày nay, các loại hình dịch vụ ở nông thôn đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nông dân và lao động nông thôn. Nhiều dịch vụ mà trước đây khoảng 10 năm chưa phát triển. Các dịch vụ thường gặp:

- Dịch vụ tổ chức cưới xin, ma chay, giỗ chạp.

- Dịch vụ bán hàng tại chỗ kết hợp với giao hàng tận nhà.

- Dịch vụ gieo trồng, cây bừa, thu hoạch bằng các loại máy nông nghiệp: máy cây bừa, máy tuốt lúa, ngô, máy thái sắn, máy xay xát…

- Dịch vụ sửa chữa xe máy, xe đạp điện, xe đạp thường, các loại xe chở nông sản, tivi, tủ lạnh.

- Dịch vụ giống cây trồng vật nuôi.

- Dịch vụ internet, điện thoại.

Nhờ sự phát triển đa dạng các nghề ở nông thôn nên lối sống ở nông thôn ngày càng gần với lối sống đô thị.

 

IV. Lợi ích của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sau 7 năm triển khai chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng  (Theo Quyết định 971QĐ-TTg), Hội Khuyến học Việt Nam đã tiến hành điều tra xã hội học tại nhiều tỉnh, thành phố. Kết quả thu được như sau:

- 92,80 % gia đình học tập được hỏi cho biết, nhờ được  học nghề, người lớn trong gia đình có nghề mới hoặc có kỹ năng để tham gia vào việc làm mới. Thu nhập gia đình tăng thêm, từ đó đời sống được cải thiện.

- 69,20 % người dân được hỏi cho biết, ở địa phương họ đã có thêm nghề mới, nhất là các nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ hoặc phi nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã tổ chức sản xuất hàng hóa theo hợp đồng với doanh nghiệp, tạo ra những chuỗi giá trị mới. Một số hộ gia đình đã liên kết với nhau tạo ra mô hình sản xuất mới.

- 93,70 % hộ gia đình được học thêm nghề, nắm được kỹ thuật mới, công nghệ mới nên đã có đủ tiền mua xe máy, tủ lạnh, máy tính, sửa chữa hoặc cơi nới  thêm nhà cửa. Một số gia đình nhờ học tập kĩ thuật, công nghệ mà chuyển đổi nghề như từ buôn bán vặt sang sửa chữa vi tính, chuyển từ nghề nông sang sản xuất máy thái, gọt củ quả.

- 97,60 % người dân cho biết, nhờ có nghề hoặc việc làm ổn định, xóm làng, thôn bản, tổ dân phố yên ổn làm ăn, kỷ luật trật tự trong cộng đồng được bảo đảm, nhân dân đoàn kết, đồng thuận, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa.

- 84,30 % người dân hài lòng với hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng vì nhờ đó họ học tập được nhiều về kiến thức mới, kỹ năng mới.

 

V. Một số kiến nghị về chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2030.

1. Nông thôn Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Nhờ vào những kĩ thuật tiên tiến, các công nghệ cao, nhiều mô hình làm ăn đã đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp ngày càng đầu tư vào việc sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông, lâm, hải sản. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch đang phát triển ngày càng đa dạng. Do đó, ngành nghề ở nông thôn ngày nay đã có những thay đổi khác trước. Nhu cầu, thị hiếu, lối sống của lao động nông thôn ngày càng sát gần với lối sống đô thị. Từ sự thay đổi này, Nhà nước cần cho xây dựng lại danh mục nghề được đào tạo cho người lao động nông thôn.

 

2. Để đáp ứng với những thay đổi lớn lao trong hệ thống nghề trên địa bàn nông thôn, hệ thống đào tạo nghề phải chuyển sang hệ thống mở và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số. Cách thức dạy nghề, truyền nghề theo phương pháp truyền thống đã bộc lộ sự lỗi thời. Các cơ sở dạy nghề cần nhanh chóng sử dụng các công nghệ mới để giới thiệu hướng phát triển nghề ở nông thôn, những nghề mới đang có xu hướng phát triển trên địa bàn này và xây dựng các phương pháp đào tạo mới như đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến.

 

3. Chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông các cấp trên địa bàn nông thôn, nông nghiệp cần giúp cho học sinh định hướng nhiều hơn vào các nghề sẽ phát triển ở nông thôn mà vẫn bảo đảm được hứng thú này như yêu thích súc vật có thể chọn nghề chăn nuôi ở các trang trại, thích lái xe có thể học lái xe vận tải tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phục vụ du lịch nông nghiệp.

 

4. Mọi giáo trình, học liệu dùng trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất thiết phải đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng vào việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp ở Việt Nam.

 

5. Các Trường đại học, nhất là đại học và cao đẳng đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn, các doanh nghiệp ... cần góp phần tạo nên hệ tài nguyên giáo dục mở trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng các cơ chế, chính sách chia sẻ những tri thức, kinh nghiệm phát triển nghề ở nông thôn của nước ta và của những quốc gia tiên tiến./.

 

GS.TS Phạm Tất Dong - Hội Khuyến học Việt Nam

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

  1. Chính phủ (2015):

 

Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  1. Chính phủ (2013):

Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”

 

  1. Chính phủ (2021):

Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”;

 

  1. Đảng CSVN (2019):

Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”;

 

  1. Đảng CSVN (2021):

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà nội, 2021

 

  1. Phạm S (2015):

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu tất yếu để nhập quốc tế, Nhà XB khoa học kỹ thuật – HN

  1. Lê Đăng Lăng

(chủ biên) 2019:

Hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhà Xuấ bản kinh tế, thành phố HCM

 

 

 

 

 

       

         

 

 

 

 

 

         

 

 

       

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          

 

 

 

 

 

 

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

            

       

 

 

 

 

 

         

 

 

 

 

 

    

 

 

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết