Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Đẩy mạnh quá trình phát triển đất nước trên nền tảng số qua thực tiễn phòng, chống dịch Covid_19 và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày phát hành: 06/09/2020 Lượt xem 3662

Từ thực tiễn phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua, bài viết đưa ra một số nghiên cứu ban đầu về những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, sơ bộ những vấn đề lý luận – thực tiễn đặt ra đối với phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trên nền tảng số và đề xuất một số giải pháp làm cơ sở góp phần xây dựng định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 


1. Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tế phòng, chống đại dịch Covid-19
Thứ nhất, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đề ra. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy bài học quý giá về lòng yêu nước và sức mạnh cộng đồng. Tình cảm đại đoàn kết nhân dân phát huy vai trò và sức mạnh to lớn khi được dẫn dắt bởi những chủ trương đúng đắn của Đảng và sự thực thi của một bộ máy nhà nước tinh thông, hiệu quả.
Thứ hai, chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch. Các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động tuyên truyền, đưa tin với nhiều hình thức phong phú. 
Thứ ba, khoa học và công nghệ đã được ứng dụng và triển khai mạnh mẽ vào phòng, chống dịch Covid-19. Bộ KH&CN đã phối hợp xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ kít phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát. Đến nay, chúng ta đã chủ động sản xuất sinh phẩm chẩn đoán; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công vi-rút Covid-19. Lực lượng chuyên gia, nhà khoa học các lĩnh vực được huy động và tích cực tham gia, sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm Covid-19 trong thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, đạt tiêu chuẩn EC; nghiên cứu sản xuất nhiều thiết bị, vật tư y tế, phần mềm phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đã sản xuất được máy thở. Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại được triển khai trong phòng chống dịch Covid-19 như phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa.
Thứ tư, chúng ta đã chủ động, kịp thời đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế -xã hội để vừa thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, vừa bảo đảm hoạt động bình thường, hiệu quả với hình thức họp trực tuyến, học online, xử lý công việc trên môi trường mạng; đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử... Hệ thống thông tin điện tử một cửa, cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, ngành, địa phương từng bước phát huy hiệu quả trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh.   
Thứ năm, chúng ta đã chủ động và làm tốt các hoạt động hợp tác quốc tế. Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nghiên cứu, triển khai, hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu vắc-xin... Chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu sẻ chia từ nhiều quốc gia bạn bè, cộng đồng quốc tế đồng thời chúng ta cũng đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế chất lượng sản xuất tại Việt Nam cho nhiều nước được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.


2. Cơ hội và thách thức đối với quá trình đẩy mạnh phát triển đất nước trên nền tảng số, trong bối cảnh tác động của Covid-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới, vốn chưa phục hồi hoàn toàn từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái. IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng -3%, trong đó Mỹ là -6,1%; Trung Quốc là 1,2% (riêng quý I -6,8%); khu vực đồng Euro là -7,5%; Nhật là -5,2%; trong khu vực ASEAN, Singapore là -3,5%, Thái Lan là -6,7%, Malaysia là -1,7%, Indonesia là 0,5%, Việt Nam là 2,7%, cao nhất khu vực.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra . Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh. Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải...  Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3% . 
Bên cạnh tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 nêu trên, chúng ta cũng chịu sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể hơn, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang nảy sinh nguy cơ đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ. Ví dụ, đối với ngành dệt may Việt Nam, trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như CTPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á – Âu,... việc tiếp cận thành tựu công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất. Tuy vậy, Dệt may Việt Nam, đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức với đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm mạnh, và khách hàng yêu cầu giảm giá đáng kể. Công nhân trong các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có nguy cơ bị kẹt ở giữa trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về lao động trên toàn cầu, với một bên là nhân công rẻ hơn từ các nước Campuchia, Bangladesh, Myanmar v.v…, và bên kia là các robot đang được ứng dụng ngày một rộng rãi ở các nước phát triển và cả ở Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự chuyển dịch của sản xuất trong phân khúc có giá trị cao hơn trở lại các nước phát triển và trở lại Trung Quốc để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn, các trung tâm nghiên cứu - phát triển và các trung tâm cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện. Về phía doanh nghiệp Dệt may, chi phí cho giao thông và thông tin sẽ giảm xuống, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn, và các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, tất cả sẽ làm mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về phía cung ứng, nhiều ngành công nghiệp đang chứng kiến sự du nhập của các công nghệ mới, nó tạo ra những cách hoàn toàn mới để phục vụ cho nhu cầu trong hiện tại và thay đổi triệt để các chuỗi giá trị ngành công nghiệp đang hoạt động. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, cải thiện phẩm chất, tốc độ, giá cả mà khi được chuyển giao nó có giá trị hơn. Công nghiệp 4.0 lần này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn,... Dệt may Việt Nam có lợi thế nhân công giá thấp, có kỹ năng tay nghề cao, sự phù hợp của tính cách người lao động Việt Nam với nghề dệt may, cùng vị trí địa lý thuận lợi do có nhiều cảng biển. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển mới của nền kinh tế thế giới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu diễn ra, với trình độ tự động hóa, robot hóa cao, cùng với internet kết nối vạn vật (IoT) áp dụng trong quá trình sản xuất, lưu thông thì tất yếu lượng lao động cần thiết trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, với các mặt hàng đơn giản, sản xuất mang tính lặp lại thì việc sử dụng robot thay thế con người là điều tất yếu trong thời đại 4.0, dẫn đến nguy cơ mất việc làm đối với người lao động. Điều này cũng cần tính đến trong phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ ngành dệt may trong thời đại công nghiệp 4.0. Trong một số ngành khác như: ngành điện tử, khả năng thay thế công nhân bằng robot tại các tập đoàn đa quốc gia sẽ dẫn tới việc làm của hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh doanh có liên quan như cung cấp suất ăn hay chỗ ở, vận chuyển công nhân đi làm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp cho các tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng theo; trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ phải đầu tư để thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị thích ứng với Công nghiệp 4.0, cụ thể là phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao, giảm dần vai trò của các chi nhánh, đảm bảo bảo mật thông tin và an ninh mạng tài chính quốc gia; trong lĩnh vực du lịch, truyền thông xã hội qua mạng Internet sẽ tác động mạnh đến quyết định lựa chọn điểm đến và đặt dịch vụ tại Việt Nam của khách du lịch, tạo điều kiện cho phát triển du lịch ở Việt Nam nếu được quan tâm đầu tư; trong lĩnh vực y tế, Công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho ngành Y tế Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ khoa học - công nghệ y tế của thế giới và khu vực, rút ngắn thời gian trong quá trình phát triển hệ thống y tế với kỹ thuật cao, chuyên sâu nhờ sự gia tăng ở cấp số nhân của sức mạnh điện tử và sự tiếp cận nguồn dữ liệu y tế rộng lớn, từ phần mềm được sử dụng để tìm ra các loại thuốc, vắc xin mới tới các thuật toán được sử dụng để tiên đoán, hỗ trợ ra quyết định lâm sàng cho bác sĩ. Việc số hóa các giao dịch, tương tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dựa trên bệnh án điện tử sẽ tạo ra kho dữ liệu lớn phục vụ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hứa hẹn mang lại nhiều đột phá về ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

 


Với thực trạng tác động của đại dịch Covid-19 và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như nêu ra ở trên, phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam trong giai đoạn đoạn mới dựa trên nền tảng số, chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số là một quá trình tất yếu. Nếu Việt Nam có chính sách phù hợp thì chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Phát triển nền tảng số, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế trong bối cảnh CMCN 4.0 và đây càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Để phát triển nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, chúng ta cũng cần đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức tại Việt Nam.
- Về điểm mạnh: (1) Nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; (2) Ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam về xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại, độc lập và tự chủ; (3) Không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ; (4) Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tỷ lệ sử dụng công nghệ phát triển rất nhanh; (5) Nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu; (6) Điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên.
- Về điểm yếu: (1) Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nên nguồn lực đầu tư hạn chế; (2) Thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số; (3) Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo chưa cao; (4) Đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa đáp ứng nhu cầu; (5) Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng ICT còn thấp. 
- Về cơ hội: (1) Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng; (2) Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình; (3) Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.
- Về thách thức: (1) Những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt, tổ chức, doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc bị thay thế; (2) Nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số. Người dân chưa có đủ kỹ năng số cần thiết. Nguy cơ mất việc làm khi người lao động không được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về kỹ năng mới; (3) An toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa.

 


3. Đề xuất một số giải pháp góp phần xây dựng định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới
Trước mắt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, các kinh nghiệm quý báu về phòng chống dịch thời gian qua cần được tiếp tục phát huy cụ thể:  Thứ nhất, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước cùng với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện;  Thứ hai, tiếp tục khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc ta;  Thứ ba, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phòng chống dịch Covid -19 và trong phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng dịch, các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, đồng thời phải tiếp tục tăng cường đầu tư cho KH&CN để tạo dựng được năng lực công nghệ tự chủ và bền vững; Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông, vừa góp phần tạo đồng thuận xã hội và định hướng dư luận, vừa hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách; kịp thời công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, trao đổi và kiểm tra, giám sát, củng cố niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước;  Thứ năm, cần phải tiếp tục chủ động đưa ra các sáng kiến và tham gia có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch và giải quyết các thách thức toàn cầu, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, khẳng định, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; Thứ sáu, chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động chuẩn bị mọi phương án để phòng chống dịch trong mọi tình huống, chú trọng tăng cường năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.

Để phát triển đất nước trong giai đoạn mới trên cơ sở tận dụng được các xu thế công nghệ của CMCN 4.0, chúng ta cần phải chú ý đến một số giải pháp sau: 
Thứ nhất, cần triển khai thực chất và hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị:  tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo và các mục tiêu, chủ trương và chính sách để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời đã giao trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, các tổ chức đảng, chính quyền cần quán triệt và tổ chức triển khai Nghị Quyết 52-NQ/TW thực chất và hiệu quả. 
Thứ hai, cần tập trung kiến tạo thể chế và thúc đẩy phát triển công nghệ, thể chế và công nghệ  là động lực của chuyển đổi số. Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH&CN; thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ các công nghệ, nền tảng, dịch vụ, giải pháp phục vụ sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số. 
Thứ ba, phải có sự bứt phá thực sự về CNTT: CMCN 4.0 được phát triển trên nền tảng của CNTT, để có thể tiếp cận xu thế của CMCN 4.0, trước hết phải thúc đẩy sự phát triển của CNTT trong nước, với các trụ cột chính như: i) Hạ tầng CNTT: Mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngõ ngách, đảm bảo kết nối cho toàn bộ các thành phần máy móc, thiết bị với dữ liệu, các quy trình, cũng như con người; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh những công nghệ mới (4G, 5G); ii) Trung tâm dữ liệu: Có chính sách đặc biệt khuyến khích để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phục vụ nhu cầu trong nước; iii) Ứng dụng CNTT: Có chính sách thực sự thiết thực về tài chính để doanh nghiệp ứng dụng CNTT và đổi mới công nghệ; kiên quyết yêu cầu hoạt động của Chính phủ phải thông qua mạng; thúc đẩy thuê ngoài CNTT; iv) Nhân lực CNTT: Xoá mù về CNTT trong toàn xã hội, đưa vào đào tạo từ cấp phổ thông; mạnh mẽ thực hiện cách mạng trong đào tạo về CNTT (cấp bằng thông qua đào tạo từ xa…).
Thứ tư, làm thông thoáng môi trường cạnh tranh kinh doanh: Xu thế CMCN 4.0 có những tác động trực tiếp, ngày một gia tăng đến sản xuất, kinh doanh. Do vậy, cần tiếp tục cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh môi trường cạnh tranh kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp và sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hoá thủ tục hành chính.
Thứ năm, cần có sự thay đổi căn bản về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: CMCN 4.0 bao gồm một loạt các công nghệ với một không gian rộng lớn cho đổi mới sáng tạo. Do đó, Việt Nam cần một cách làm mới để tạo ra công thức cạnh tranh hiệu quả, trong đó cần tập trung: Xây dựng cơ chế tài chính thiết thực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp với tôn chỉ doanh nghiệp là trung tâm; đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách thiết thực để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.
Thứ sáu, là, cần quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề: Bên cạnh kết cấu hạ tầng, môi trường kỹ thuật số năng động này cũng cần phải nuôi dưỡng những tài năng mới. Các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung: Thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh triệt để tự chủ đại học, dạy nghề với một số ngành đặc thù như CNTT, thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học.
Thứ bảy là, cần thực sự có một số sản phẩm có cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia: Việc phát triển các sản phẩm cạnh tranh chiến lược của đất nước cần bám sát với các công nghệ sản xuất mới, do đó cần: Xác định một số sản phẩm để tập trung phát triển kèm theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước; tích hợp những công nghệ mới như IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo vào phát triển các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam./.

 

Bùi Thế Duy

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ



TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trong 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%. Chỉ số sản xuất nhiều ngành công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị giảm 9,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 8,2%.

[2] Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 23,6% (cùng kỳ tăng 10,1%); doanh thu du lịch lữ hành giảm 45,2% (cùng kỳ tăng 12,6%); khách quốc tế giảm 37,8% (riêng tháng 4 giảm 94,2%); vận tải hàng không giảm 36%.

[] Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 9,6%, cùng kỳ 2019 tăng 8,8%; riêng tháng 4 giảm 26%.


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết