Cổng Tam quan chùa Từ Hiếu - Ngôi cổ tự độc đáo bậc nhất xứ Huế
Đặt vấn đề
Tôn giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một thực thể xã hội luôn tác động đến xã hội trên cả hai phương diện: tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh ấy, "hòa bình chung sống", chủ động nhận diện nguồn lực tôn giáo để phát huy và phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước đã trở thành quan điểm ứng xử với tôn giáo của nhiều quốc gia thuộc các thể chế chính trị khác nhau.
Tuy nhiên, nguồn lực tôn giáo mang lại cho mỗi quốc gia, nhà nước khác nhau không giống nhau. Trong cùng một nhà nước, ở các giai đoạn khác nhau, tác động (tích cực và tiêu cực) của tôn giáo đối với xã hội cũng khác nhau.
Vì vậy, trước khi bàn đến định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước, cần nhận diện nguồn lực tôn giáo và mặt trái (nếu có) của sự phát huy ấy ở nước ta hiện nay.
Nhận diện nguồn lực tôn giáo
Có nhiều cách tiếp cận nguồn lực tôn giáo. PGS, TS Nguyễn Hồng Dương cho rằng nguồn lực tôn giáo suy cho cùng có: nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất[1]. Nguồn lực tinh thần có: tư tưởng" dân là gốc", "khoan thư sức dân", "Quốc thái dân an", "chăm lo người nghèo khó", "lượng hình, xá tội của Nho giáo, Phật giáo được Đảng ta vận dụng vào trong đường lối, chính sách; có lối sống thiện căn, tu tâm, dưỡng tính khuyên con người làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, biết sợ phạm tội; lối sồng vì tha nhân của tôn giáo; có lễ hội truyền thống - một nguồn lực trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có nguồn lực của sức mạnh đoàn kết, một nguồn lực mang giá trị thường hằng,.. Về nguồn lực vật chất, các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều gắn đạo với đời, với tư tưởng nhập thế, được thể hiện qua những việc làm cụ thể mà các tôn giáo có thế mạnh như hoạt động từ thiện, văn hóa - xã hội, tham gia vào dịch vụ công để chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Trong phát triển bền vững, tôn giáo đặc biệt có vai trò bảo vệ môi trường, đề cao việc sống hòa đồng gần gũi với thiên nhiên,...
Tiếp cận nguồn lực tôn giáo qua các con số, các mối quan hệ của tôn giáo, qua địa tôn giáo và thông qua phân tích chức năng của tôn giáo dưới đây cũng đưa đến kết quả tương tự về nguồn lực tôn giáo, song cách tiếp cận này có thể cho phép nhìn nhận rõ hơn về nguồn lực của từng loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo gắn với vùng miền, giai đoạn khác nhau; đồng thời cho thấy việc phát huy nguồn lực tôn giáo đôi khi cũng cần một số sự chấp nhận.
Tiếp cận qua một số con số
Tôn giáo, nếu nhìn nhận là một thực thể xã hội thì thực thể này ở nước ta khá lớn. Theo kết quả thống kê 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo (2003 - 2018), đến tháng 6/2017 Việt Nam có 27% dân số theo tôn giáo với 25,3 triệu tín đồ,[2] là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số theo tôn giáo không nhỏ trên thế giới nếu tính cả số người có tình cảm với Phật giáo thì tỷ lệ này có thể lên tới 70-80%. So với một số đoàn thể, cộng đồng người theo tôn giáo đang có số lượng thành viên lớn hơn[3].
Tôn giáo ở Việt Nam 15 năm qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu số lượng tín đồ tôn giáo năm 2015 so với năm 2003 tăng 35% thì cùng thời gian này, số lượng chức sắc, chức việc tôn giáo tăng gần 70%, số lượng cơ sở thờ tự của tôn giáo tăng 33%[4]. Khó có lực lượng xã hội nào có được kết quả tăng trưởng này. Dự kiến tôn giáo ở Việt Nam còn tiếp tục phát triển.
Trong số 25,3 triệu người theo tôn giáo có gần 200 ngàn chức sắc, chức việc (khoảng 125 tín đồ/1 chức sắc, chức việc). Đây là lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt tín đồ cả việc đạo và việc đời. Chức sắc, chức việc các tôn giáo nhìn chung có học vấn, được đào tạo Thần học bài bản, trong đó một bộ phận chức sắc, chức việc còn được đào tạo để am hiểu nhiều lĩnh vực từ tâm lý đến văn hóa, từ kinh tế đến chính trị và kỹ năng giao tiếp, thuyết phục. Phần lớn chức sắc, chức việc các tôn giáo có tính Thần quyền - một dạng quyền lực gần như không có giới hạn, không theo nhiệm kỳ, và được tín đồ tự nguyện, tự giác "vâng phục" một cách tuyệt đối. Tính vâng phục bề trên (lãnh đạo) của tín đồ tôn giáo thường nghiêm cẩn, tự giác hơn rất nhiều sự tuân thủ nguyên tắc tổ chức thứ bậc hành chính trong các đoàn thể khác.
Cả nước hiện có 50 cơ sở đào tạo tôn giáo, thực hiện đào tạo từ trung cấp giáo lý đến thạc sĩ, tiến sĩ Thần học. Hệ thống này tồn tại độc lập, bên ngoài hệ thống giáo dục quốc dân. Nói cách khác, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tự chủ trong đào tạo và xây dựng chủ thuyết Thần học cho riêng mình. Sự tự chủ này được pháp luật ghi nhận và cho phép. Điều này rất khác các đoàn thể, lực lượng xã hội khác.
Đức tính vâng phục của tín đồ và đặc tính quyền lực gần như tuyệt đối của chức sắc trong mối quan hệ với tín đồ đã đem lại cho tôn giáo sức mạnh của đoàn thể có tổ chức và sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên mà không phải thiết chế nào cũng có được.
Sức mạnh của đoàn thể có tổ chức của một số tôn giáo đã được thể hiện trên thực tế ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, rõ nhất trong các cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với Công giáo, lịch sử ghi nhận có vai trò thúc đẩy thực dân Pháp xâm lược Việt Nam của một số giáo sĩ phương Tây, sau này có thêm một số giáo sĩ người Việt, nhưng đồng thời ghi nhận tấm gương "tốt đời đẹp đạo", "đồng hành cùng dân tộc" của đa số giáo dân và chức sắc Công giáo. Với đạo Tin lành, không phủ nhận tính thân Mỹ của đạo Tin lành nhưng cũng không thể không thừa nhận người Việt theo đạo Tin lành nhưng vẫn yêu nước và sẵn sàng lên án, thậm chí tham gia đấu tranh chống đế quốc Mỹ như Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) những năm 1954 - 1975.Với Phật giáo, đóng góp của Phật giáo đi cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thống nhất và xuyên suốt qua các triều đại phong kiến đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước với biểu tượng đỉnh cao là "trái tim bất diện" của Bồ tát Thích Quảng Đức. Trong đạo Cao Đài, dù đã có lúc đạo Cao Đài lập "quân đội riêng" để chống cộng nhưng cũng chính đạo Cao Đài có "12 phái liên giao cứu quốc",...
Rõ ràng, tiếp cận ở phương diện thực thể, nguồn lực tôn giáo chính là sức mạnh của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân, bộ phận ấy được tổ chức trong những thiết chế tôn giáo riêng rẽ nhưng thống nhất ở tính đoàn kết và vâng phục. Tôn giáo trong trường hợp này vừa có thể là lực lượng cách mạng vừa có thể là lực lượng mà cách mạng cần phải vượt qua nhưng không phải luôn bằng vũ khí và bạo lực.
Tiếp cận trên phương diện văn hóa
Khi viết về ý nghĩa của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện ở trang cuối của tập thơ “Nhật ký trong tù” như sau: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa””[5] . Người đã tiếp cận tôn giáo như là một thành tố của văn hóa.
Nhà thờ gỗ Kon Tum - Tốp 10 nhà thờ đẹp ở Việt Nam
Trở lại lịch sử. Năm 1533, Công giáo vào Việt Nam; năm 1911, đạo Tin lành truyền tới. Cả hai tôn giáo này đều phủ nhận thờ cúng ông bà tổ tiên - một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt. Nhìn ở góc độ này chỉ thấy ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo và Tin lành. Nhưng đứng ở phương diện ngôn ngữ - một thành tố khác của văn hóa thì Công giáo lại có công sáng tạo ra chữ viết nước ta hiện nay. Đạo Tin lành tuy chưa chấp nhận cho tín đồ thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên như Công giáo đã làm sau hơn 400 năm truyền giáo ở Việt Nam, nhưng đã khá rõ ý định khôi phục và sử dụng nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số vào đời sống tôn giáo với thành công đầu tiên là cồng chiêng Tây Nguyên. Đạo Tin lành cũng đã góp phần đẩy nhanh việc xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu trong đồng bào Mông (ma tươi, ma khô), tham gia kiến tạo nếp sống văn hóa, văn minh của đồng bào.
Khác với Công giáo hay đạo Tin lành, cũng là tôn giáo ngoại nhập nhưng Phật giáo được đánh giá luôn có đóng góp tích cực cho văn hóa dân tộc nước nhà. Sự đóng góp của Phật giáo lớn đến nỗi đối với người đa số người Việt, Phật giáo gần gũi, thân quen, không còn giống tôn giáo ngoại nhập.
Nhìn vào tôn giáo nội sinh, trường hợp đạo Cao Đài lại cho thấy khả năng tích hợp các văn hóa, tín ngưỡng khác nhau của một tôn giáo. Từ Chúa Giê-su, đến Đức Phật Thích ca mâu ni; cả thánh nhân và hiền nhân; cả nhà khoa học đến nhà chính trị học, từ phương Đông qua phương Tây.. đều được người sáng lập đạo Cao Đài sùng bái, tôn vinh ngang hàng nhau.
Như vậy, không phải tôn giáo nào cũng đi ngược lại văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng không có tôn giáo nào là hoàn toàn cản trở, phủ nhận văn hóa dân tộc, ngược lại đều ít nhiều tham gia làm giàu, làm mới, lưu giữ và nuôi dưỡng những nét đẹp của văn hóa dân tộc. Đây chính là nguồn lực của tôn giáo trên phương diện văn hóa. Những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc sẽ sớm muộn khẳng định chỗ đứng của nó trong lòng các tôn giáo dù là tôn giáo ngoại nhập hay nội sinh.
Tiếp cận trên phương diện kinh tế
Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) khẳng định: Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tôn giáo với tư cách là một thành tố của văn hóa, tôn giáo tất yếu có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của kinh tế. Sự ảnh hưởng là thúc đẩy hay kìm hãm kinh tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tự do tôn giáo được tổ chức Pew Porum (Hoa Kỳ) chỉ ra là yếu tố có tính quyết định đến ảnh hưởng của tôn giáo lên kinh tế. Cụ thể, Pew Porum chỉ ra:
- Tự do tôn giáo giúp giảm bớt tham nhũng bởi các giá trị đạo đức tôn giáo được phát huy. Tình trạng tham nhũng là một trong những yếu tố tác động mạnh và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế bền vững. Luân lý và đạo đức tôn giáo đều khuyến thiện và cỗ vũ lối sống trung thực, lìa xa sự lợi dụng vì mục đích cá nhân, ích kỷ, dưới bất kỳ hình thức nào... Do đó tự do tôn giáo tạo điều kiện thuận lợi để những người kinh doanh có thể đưa những giá trị tôn giáo và giáo lý đạo đức vào trong ứng xử và hoạt động kinh doanh của họ, làm cho họ trở thành những đối tác tin cậy và trách nhiệm hơn, các hợp đồng kinh tế sẽ được minh bạch hơn.
- Tự do tôn giáo góp phần tích cực vào việc kiến tạo hòa bình bằng cách giảm căng thẳng, xung đột bạo lực liên quan đến tôn giáo và điều đó là quan trọng đối với doanh nghiệp. Nơi có sự ổn định sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư và tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường và có thể dự báo được, đặc biệt là trong các thị trường mới nổi và thị trường mới.
- Hầu hết các hoạt động tôn giáo ở các mức độ khác nhau đều mang ý nghĩa kinh tế. Các hoạt động tôn giáo, từ việc đi lại để tham gia các sinh hoạt liên quan tôn giáo, hoạt động truyền thông tôn giáo và tổ chức các sự kiện tôn giáo, đến việc xây dựng các cơ sở tôn giáo,.. đều phát sinh giao dịch mang tính cung - cầu. Chính vì vậy, hoạt động tôn giáo được tự do sẽ làm gia tăng các giao dịch kinh tế, kích cầu, tạo thêm việc làm,... do đó trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương hay quốc gia.
- Tự do tôn giáo thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái là một yếu tố căn bản của phát triển bền vững. Giáo lý các tôn giáo đều đề cao lối sống trách nhiệm giữa con người với nhau và với môi trường sống cho thế hệ mai sau. Khi tự do tôn giáo được tôn trọng, đạo đức tôn giáo sẽ được phát huy vào cuộc sống nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, góp phần ngăn ngừa việc sử dụng hóa chất gây hại cho sức khỏe con người hay môi trường sống và hạn chế tình trạng khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu chất thải có hại cho môi sinh.
Kết quả nghiên cứu trên của Pew Porum là một trong nhiều tài liệu đề cập đến vai trò thúc đẩy kinh tế của tôn giáo. Dù không phải kết quả nghiên cứu nào cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam song không thể phủ nhận nhiều thông tin trong nghiên cứu của Pew Porum đã được thực tế tôn giáo Việt Nam kiểm chứng là đúng. Du lịch tâm linh là một ví dụ điển hình cho việc tôn giáo thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và thu nhập (chùa Bái Đính, khu du lịch Đại Nam, lễ hội Chùa Hương,..); chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc); sản phẩm do tôn giáo làm ra thường dễ được xã hội tin dùng (thức ăn chay của Phật giáo, sản phẩm đóng dấu Halah của Hồi giáo, rượu nho của Công giáo,...). Những hiện tượng như Phủ Tây Hồ, Bà Chúa Kho, đền Trần đông nghịt những người đi cầu tài, xin lộc, vay của bà Chúa để làm ăn, kinh doanh,.. theo Giáo sư, cựu Viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam Bùi Đình Thanh trong tham luận "Một vài suy nghĩ về phương pháp luận nghiên cứu xã hội học tôn giáo"[6] cho rằng: không chỉ đơn giản là hiện tượng mê tín mà có mối liên hệ với kinh tế. Cũng trong tham luận này, Giáo sư dẫn kết quả nghiên cứu của tác giả J. Naisbitts và P.Aburdens về thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của một số quốc gia, vùng lãnh thổ được cho là có liên quan đến tôn giáo như sau: "Thành công của Hồng Kông là sự biết kết hợp Khổng giáo với lề lối kinh doanh của Mỹ; thành công của Thái Lan là do biết thuên theo con đường trung dung của đạo Phật, L.Vandermesch, nguyên Giáo đốc trường Viễn Đông Bắc Cổ trong tác phẩm "Thế giới hán hóa" cũng nhấn mạnh nhân tố hán hóa trong sự cất cánh của bốn con rồng ở Đông Á và Đông Nam Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Xingapo)".[7]
Song tôn giáo cũng có thể làm phương hại đến môi trường kinh doanh, làm thiệt hại về kinh tế như vụ việc biểu tình quá khích do một bộ phận giáo dân, linh mục ở Giáo phận Vinh thực hiện liên quan đến sự cố môi trường biển (Formosa) vừa qua.
Rõ ràng, tôn giáo (một thành tố của văn hóa) có khả năng trực tiếp và gián tiếp tác động đến sự phát triển của kinh tế. Văn hóa kinh doanh phản ánh văn hóa tôn giáo.
Tòa thánh Tây Ninh - công trình kiến trúc tâm linh độc đáo
Tiếp cận trên phương diện chức năng tôn giáo
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, tôn giáo là sản phẩm của con người, phản ánh sự bất lực của con người trước các hiện tượng thiên nhiên và bất công trong xã hội mà không thể lý giải được; nhưng tôn giáo cũng là cách phản ánh khát vọng của con người về một cuộc sống không có áp bức. Vì thế, tôn giáo có khả năng liên kết những người đồng đạo, xoa dịu nỗi đau cho những người yếm thế và điều chỉnh hành vi của con người bằng công cụ đạo đức.
Tiếp cận tôn giáo ở phương diện này cho thấy tôn giáo gắn liền với con người. Con người tạo ra tôn giáo rồi lại buộc mình vào chính sản phẩm ấy và lệ thuộc nó, chịu sự chi phối của nó.
Trong phát triển kinh tế, con người là nhân tố quyết định. Con người chịu sự chi phối của một học thuyết tôn giáo nào đó, tất học thuyết ấy tham gia vào quá trình làm kinh tế của người ấy, rộng hơn là của cộng đồng cùng tin theo tôn giáo ấy. Điều này đã được Max Veber (1864 - 1920) chỉ ra trong tác phẩm "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản". Qua tập trung nghiên cứu cộng đồng Thanh giáo, Max Veber chỉ ra rằng: tư tưởng đạo đức Tin lành (căn cơ, tiết kiệm, đạm bạc, dấn thân, làm việc vì niềm vui sống tinh thần,...) là cơ sở gốc rễ hình thành tinh thần chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, theo Max Veber đạo đức Tin lành góp phần hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều này chưa kết thúc tranh luận. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã vượt qua sự tái sản xuất bằng nền đạo đức Tin lành và không còn cần đến gốc rễ cơ sở mang tính tôn giáo nữa. Thực tế cũng đã chứng minh không chỉ có "nền đạo đức Tin lành" là duy nhất có vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở phương Tây. Tinh thần chủ nghĩa cộng sản, sự giáo dục lao động cống hiến,.. thời phục hồi kinh tế ở Liên Xô cũ sau chiến tranh là một ví dụ minh chứng cho thực tế này.
Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu của Max Veber vẫn được ghi nhận vì rõ ràng trong một bối cảnh cụ thể, tôn giáo có khả năng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế.
Thêm một lần nữa, từ phương diện chức năng củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn cho mối quan hệ qua lại giữa tôn giáo và kinh tế.
Tháp Nhạn Tuy Hòa-Phú Yên, một tháp Chăm cổ, nằm trên núi Nhạn soi bóng xuống dòng sông Đà Rằng
Tiếp cận trên phương diện địa tôn giáo
Tiếp cận trên phương diện địa tôn giáo, ta có:
- Tôn giáo nội sinh - tôn giáo ngoại nhập
- Tôn giáo vùng dân tộc thiểu số
- Tôn giáo trong khu công nghiệp, khu chế xuất
- Tôn giáo trong Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài
- Tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Tiếp cận từ phương diện này cho thấy tôn giáo ở mỗi khu vực, vùng miền khác nhau sẽ có thế mạnh hay nguồn lực khác nhau. Việc phát huy nguồn lực tôn giáo vì vậy phải gắn với điều kiện tự nhiên - xã hội của mỗi vùng, miền, tôn giáo.
Tiếp cận dưới góc độ quan hệ của tổ chức tôn giáo
Tôn giáo ở Việt Nam phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Công giáo từ Pháp vào, hiện quan hệ trực tiếp với Vatican và với các quốc gia có Công giáo. Tin lành từ Mỹ đến, hiện quan hệ đa phương với tất cả các châu lục, quốc gia, vùng lãnh thổ có đạo Tin lành. Phật giáo từ Trung Quốc, Ấn Độ sang, hiện là một kênh gắn kết ba nước Đông Dương, lớn hơn là các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông, Phật giáo Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hồi giáo ở Việt Nam tuy nhỏ nhưng vẫn là một phần của Hồi giáo thế giới, vẫn có khả năng đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới thông qua thương hiệu Halah của Hồi giáo,..
Thực tiễn phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam
Về chính sách, pháp luật
Phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định từ khá sớm, bắt đầu từ Sắc lệnh 234-SL (1955) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương này được tiếp nối qua các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, gần đây là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng trước Chỉ thị số 18-CT/TW (2018) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo duy chỉ có Sắc lệnh 234-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định tổ chức tôn giáo được mở trường tư thục, làm kinh tế còn đa số các văn bản khác đều đề cập đến vấn đề này một cách chung chung với các từ như "khuyến khích", "tạo điều kiện", "phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo",... Từ Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn giáo đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo gần như không có bước tiến nào trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo. Cụ thể:
Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn giáo quy định "Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân được khuyến khích" (Điều 4); "Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo được hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội như mọi công dân khác"; "Chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo hoạt động từ thiện theo quy định của Nhà nước. Các cơ sở từ thiện do chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo bảo trợ hoạt động theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng của Nhà nước" (Điều 17).
Đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo cũng dừng ở quy định "tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo" (Điều 5). Điều 33, quy định: "1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật.// 2. Chức sắc, nhà thu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật".
Có thể thấy, trước Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và liên quan đều dừng lại ở việc cho phép cá nhân tôn giáo thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo với tư cách công dân (không với danh phận chức sắc tôn giáo); đối với tổ chức tôn giáo thì chỉ được hỗ trợ hoặc tham gia.
Tới Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cùng với việc khẳng định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại (Điều 30), Điều 55 của Luật quy định tổ chức tôn giáo "được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan". Đây là bước tiến so với các quy định trước đó, song quy định này chỉ mang tính mở đường vì còn phụ thuộc vào các pháp luật chuyên ngành.
Hoạt động trên thực tiễn
Tính đến tháng 10 năm 2014 theo thống kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôn giáo đã tham gia xã hội hóa giáo dục, y tế, hoạt động bảo trợ xã hội, dạy nghề những con số khá ấn tượng như sau:
- Trên lĩnh vực giáo dục, cả nước đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cá nhân tôn giáo thành lập (26 tỉnh, thành phố có quy mô trường) với 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm 15,6% so với số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cá nhân tôn giáo thành lập đã huy động 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc và chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập.
- Trong lĩnh vực y tế, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mở 185 cơ sở khám chữa bệnh trong đó có 143 cơ sở khám bệnh đông y hoặc đông tây y kết hợp, 42 cơ sở tây y (33 tủ thuốc, 09 nhà thuốc) và 01 trạm xá. Trong 3 năm từ 2011 đến 2014, tổng số lượng người được khám, chữa bệnh, chăm sóc khức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của các tôn giáo là gần 1,5 triệu lượt. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo đã phối hợp khám chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho hơn 177 triệu lượt người; bốc, phát thuốc miễn phí hoặc bán giá rẻ gần 306 triệu thang thuốc cho bệnh nhân nghèo.
- Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội. Đến năm 2014 cả nước có 402 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập (đa số của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo). Các địa phương có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Hà Nội, Vĩnh Long,..
- Trong lĩnh vực dạy nghề. Giáo hội Công giáo Việt Nam có một số cơ sở (trường, trung tâm) dạy nghề như: Toà Giám mục Giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) có Trường Trung cấp nghề Hòa Bình (đào tạo 10 ngành nghề bậc trung cấp theo chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Dòng Don Bosco (Lâm Đồng) có Trường Trung cấp nghề Tân Tiến (trường có 06 khoa: cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, điện, công nghệ thông tin, may mặc, tài chính doanh nghiệp; mở 4 trung tâm dạy nghề ở các địa phương khác); Trung tâm dạy nghề tư thục Lasan Đà Lạt (trực thuộc Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam); Trung tâm dạy nghề tư thục Vinh Sơn Đà Lạt (trực thuộc Dòng Vinh Sơn Việt Nam).
Có thể thấy về quan điểm phát huy nguồn lực tôn giáo, chúng ta đã xác định được từ khá sớm, nhưng thiếu định hướng và chưa có giải pháp, quy định cụ thể để phát huy và quản lý trên thực tế.
Định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo
(1) Người theo tôn giáo ở nước ta đang chiếm số đông trong xã hội và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nguồn lực đầu tiên trong tôn giáo cần được phát huy đó chính là sức mạnh tổng hợp của lực lượng quần chúng theo các tôn giáo khác nhau. Làm cho đồng bào theo các tôn giáo khác nhau đoàn kết với nhau và đoàn kết với đồng bào không theo tôn giáo để hợp thành khối đại đoàn kết toàn dân, chung lòng chung sức xây dựng đất nước chính là mục tiêu cốt lõi của công tác tôn giáo đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX chỉ đạo tại Nghị quyết số 25-NQ/TW (2003).
(2) Tiếp cận ở phương diện chức năng thấy rõ tôn giáo có lợi thế để thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, chăm sóc người tàn tật, người nhiễm HIV, cứu trợ thiên tai, huy động vốn xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội (cầu, đường, giếng nước sạch,...). Đây là nguồn lực thuộc điều kiện có sẵn của tất cả các loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo khác nhau và có thể được phân loại như sau:
- Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng làm tốt hơn các thành phần khác là hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội.
- Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng chia sẻ, giảm tải cho nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng là lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề.
- Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng hỗ trợ, gồm: tham gia bảo tồn, nuôi dưỡng, quảng bá và làm giàu văn hóa dân tộc; góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu hàng hóa (sản phẩm Halah của Hồi giáo), hình thành đạo đức, nhân cách con người.
(3) Việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế cần căn cứ vào mục tiêu phát triển của quốc gia trong từng giai đoạn để xác định nguồn lực tôn giáo phù hợp cần phát huy; đồng thời chú ý phát huy đúng thế mạnh của từng loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo cụ thể.
Tôn giáo Việt Nam là một cộng đồng gồm nhiều thực thể khác nhau. Do đó phát huy nguồn lực tôn giáo cần chú ý đến đặc điểm và khả năng riêng khác của từng loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo để khai thác, phát huy. Ví dụ, với một Công giáo vâng phục, chặt chẽ về giáo quyền, vốn có khoảng cách nhất định với dân tộc thì đoàn kết giáo dân, chức sắc Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân nên là mục tiêu cao nhất trong phát huy nguồn lực Công giáo ở giai đoạn cần ổn định xã hội như hiện nay. Đối với Phật giáo, tìm kiếm sự đồng thuận xã hội thông qua Phật giáo là một kênh có thể khai thác vì số lượng Phật tử gấp gần 2 lần số giáo dân Công giáo và hơn rất nhiều số lượng tín đồ của các tôn giáo khác, chưa kể số người có tình cảm với Phật giáo. Phật giáo có khả năng "huy động vốn" lớn và nhanh cho các công trình phúc lợi, dân sinh. Đối với đạo Tin lành, số lượng tín đồ không đông lại phân tán trong nhiều tổ chức, nhưng cần thấy Tin lành có mối quan hệ quốc tế rộng, đặc biệt gần gũi với các quốc gia là đối tác chiến lược của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, một số nước châu Âu,.. Quan hệ quốc tế của đạo Tin lành trong một số trường hợp cũng là nguồn lực tôn giáo. Sản phẩm đóng dấu Halah của Hồi giáo được tất cả các quốc gia Hồi giáo chấp thuận, đây cũng là một kênh để đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước. Tôn giáo nào thế mạnh ấy, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, mục tiêu trước mắt và lâu dài để phát huy. Song để việc phát huy có tính thời điểm được hiệu quả thì trước đó cần có sự nuôi dưỡng tốt cho mối quan hệ giữa tôn giáo với nhà nước, không thể "tranh thủ thời vụ" đối với tôn giáo.
Một số vấn đề cần lưu ý trong phát huy nguồn lực tôn giáo
(1) Để phát huy nguồn lực tôn giáo, cần nhìn nhận đúng, khách quan về nguồn lực của tôn giáo, tránh "tô hồng" đối với "tôn giáo người nhà", "bôi đen" đối với tôn giáo bị định kiến. Tôn giáo có một số thế mạnh, song không vì thế mà tuyệt đối hóa hay đề cao thái quá nguồn lực của tôn giáo so với các thành phần, lực lượng xã hội khác; cần nhận thức rõ nguồn lực của tôn giáo không phải là nguồn lực không thể thay thế.
(2) Trong phát huy nguồn lực tôn giáo, về chính sách chỉ cần tạo hàng lang pháp lý để tổ chức tôn giáo được tham gia các lĩnh vực bình đẳng như những pháp nhân khác, mà không cần và không nên có chính sách ưu đãi riêng cho tổ chức tôn giáo, vì ưu đãi riêng cũng đồng nghĩa với khuyến khích tôn giáo phát triển. Chúng ta chỉ cần khơi thông nguồn lực tôn giáo sẵn có và đưa nguồn lực ấy vận hành trong khung pháp lý với những điều kiện như những pháp nhân khác.
(3) Về quản lý, cần phân biệt các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, dạy nghề của tôn giáo với hoạt động tôn giáo và nên tách bộ máy thực hiện các hoạt động này ra khỏi bộ máy hành chính đạo của tôn giáo, hướng các tổ chức tôn giáo thành lập pháp nhân riêng (hoặc là pháp nhân phi thương mại, hoặc là pháp nhân thương mại, tùy thuộc mục đích) để điều hành hoạt động trên các lĩnh vực mà tôn giáo có khả năng tham gia/hỗ trợ như: giáo dục, y tế, dạy nghề, bảo trợ xã hội và làm kinh tế. Ví dụ: Nếu tổ chức tôn giáo hoạt động kinh tế thì phải thành lập pháp nhân riêng và cùng bị điều chỉnh bởi một chính sách, pháp luật về kinh tế và thuế chung như những pháp nhân kinh tế khác. Bằng cách này vừa phát huy được nguồn lực tôn giáo, vừa lành mạnh hóa đời sống tôn giáo, vừa thuận cho công tác quản lý. Phương thức này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong Sắc lệnh 234/SL năm 1955 về tôn giáo tại các điều:
"Điều 8. Các tổ chức của các tôn giáo có tính chất kinh tế, văn hoá, xã hội đều được hoạt động sau khi đã xin phép chính quyền và được chính quyền chuẩn y chương trình, điều lệ. Những tổ chức ấy đều coi như những tổ chức của tư nhân và được pháp luật bảo hộ.
Điều 9: Các tôn giáo được phép tổ chức mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học".
(3) Đặt vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội thì cũng nên đồng thời chấp nhận thực tế là sự hiện diện và ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội sẽ theo đó mà tăng lên, cạnh tranh với dịch vụ của nhà nước, tổ chức xã hội khác.
(4) Phát huy nguồn lực tôn giáo cần tránh thương mại hóa tôn giáo, càng tránh chính trị hóa tôn giáo.
(5) Phát huy nguồn lực tôn giáo không có nghĩa không hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo.
Kết luận
Thực tế là dù Nhà nước bàn hay không bàn về mặt tích cực của tôn giáo, phát huy hay không phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo thì tôn giáo vẫn hàng ngày tham gia, tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội. Khi Nhà nước đặt vấn đề nhận diện, phát huy nguồn lực tôn giáo thì sự phát triển của tôn giáo sẽ là sự phát triển có định hướng, nguồn lực tôn giáo được tập trung để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tuy nhiên phát huy nguồn lực tôn giáo như thế nào hoàn toàn không đơn giản. Vấn đề này cần sự thống nhất về nhận thức, hơn thế là sự chỉ đạo của trung ương về việc cụ thể hóa quan điểm phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng thành quy định của pháp luật, từ pháp luật về dân sự, kinh tế, đất đai đến giáo dục, y tế, dạy nghề và từ thiện, nhân đạo, bảo trợ xã hội,.. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống chế tài để đảm bảo hoạt động tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo, chấn chỉnh nhận thức và ứng xử đối với tôn giáo cả theo lối nặng định kiến cả theo lối dễ dãi, cảm tính, bỏ qua các nguyên tắc và quy định của pháp luật./.
TS Bùi Thanh Hà
Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 25 về công tác tôn giáo (2017), Tờ trình về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Tờ trình số 12-TTr/BCDDTWW ngày 31/7/2017.
2. PGS, TS. Nguyễn Hồng Dương (2015), Nguồn lực tôn giáo, tín ngưỡng - mấy nhận thức luận, Tạp chí Công tác tôn giáo, Số 10(110), tr. 9-10.
3. TS. Nguyễn Xuân Hùng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2017), Người Tin lành Việt Nam và tư duy kinh tế, tham luận tại Hội thảo Khoa học về tôn giáo và kinh tế, Hà Nội.
4. GS, TS. Đỗ Quang Hưng (2002), Nhà nước và giáo hội - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (5), Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh toàn tập (2009), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t3, tr 431.
6. Bùi Quang Nhượng (2015), Kết quả nghiên cứu tại Mỹ: Tự do ton giáo được tôn trọng sẽ có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, Tạp chí Công tác tôn giáo, Số 10(110), tr.57-58.
7. Nguyễn Đức Sự (2001), Mác, Ăghen, Lênin bàn về tôn giáo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Mã Phúc Thanh Tươi (2013), Đạo đức Tin lành và lối sống đạo đức của tín đồ tại Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng và chủ nghĩa Duy vật Lịch sử, Trường ĐHKHXH và Nhân văn, Hà Nội.
9. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn (1998), Những vấn đề lý luận về thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.166-167.
10. Max Veber (1864-1920), Nền đạo đức Tin lành và tư tưởng chủ nghĩa tư bản, Nxb Trí thức, Hà Nội, tái bản lần thứ nhất, 2010./.
[1] PGS, TS. Nguyễn Hồng Dương, Nguồn lực tôn giáo, tín ngưỡng - Mấy nhận thức luận, Tạp chí Công tác Tôn giáo số 10 (110), 10/2015, tr 9.
[2] Tổng hợp từ báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của các tỉnh, thành ủy. Trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2003, cả nước có khoảng 18 triệu tín đồ, với 34.181 chức sắc, 78.913 chức việc, 20.929 cơ sở thờ tự tôn giáo.
[3] Hội Nông dân Việt Nam năm 2013 có 12 triệu thành viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2007 có khoảng 14 triệu hội viên; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2014 có hơn 7 triệu hội viên,...
[4] Tổng hợp từ báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của các tỉnh, thành ủy. Trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2003, cả nước có khoảng 18 triệu tín đồ, với 34.181 chức sắc, 78.913 chức việc, 20.929 cơ sở thờ tự tôn giáo.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t3, tr 431.
[6] Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn (1998), Những vấn đề lý luận về thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.166-167.
[7] Giáo sư, cựu Viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam Bùi Đình Thanh (1998), "Một vài suy nghĩ về phương pháp luận nghiên cứu xã hội học tôn giáo", trong tác phẩm "Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam" do GS Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.166.