Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị trong tình hình mới

Ngày phát hành: 31/03/2021 Lượt xem 1381

 

1. Mấy khía cạnh về tổng kết thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu lý luận

1.1. Tổng kết thực tiễn là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhưng tổng kết thực tiễn phục vụ cho bổ sung, phát triển lý luận thuộc trách nhiệm các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng gắn với vai trò tư vấn, tham mưu, hoạt động chuyên môn - nghiệp vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các ban đảng Trung ương. Cần phân biệt hoạt động tổng kết thực tiễn phục vụ trực tiếp cho lãnh đạo, điều hành gắn với quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị sau một chu trình thể chế (5 năm, 10 năm) với tổng kết thực tiễn phục vụ cho bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Hoạt động tổng kết thực tiễn phục vụ cho bổ sung, phát triển lý luận của Đảng đòi hỏi lấy thực tiễn để kiểm chứng các các nguyên lý, quy luật, quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, nhất là những mâu thuẫn lớn, những vấn đề có độ vênh giữa nhận thức lý luận với thực tiễn, đòi hỏi lý luận phải tìm câu trả lời từ thực tiễn, phải có đột phá về mặt nhận thức để giải phóng tư tưởng, đổi mới tư duy. Khi gặp khó khăn, thách thức trong thực tiễn phải đem từng vấn đề ra mổ xẻ, phân tích thấu đáo, truy tìm căn nguyên, đâu là do nhận thức lý luận, đâu là do khâu tổ chức thực tiễn. Kinh nghiệm cho thấy, khi bằng quyết tâm chính trị cao trong thực tiễn mà vẫn không giải quyết được các mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc thì phải truy tìm nguyên nhân từ nhận thức lý luận và tìm giải pháp đột phá tư duy lý luận. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, những lúc chúng ta thoát khỏi khó khăn đều bằng đổi mới tư duy lý luận, gắn với tổng kết thực tiễn, dám đối mặt với các thách thức lý luận bằng lòng can đảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”.

1.2. Hình thành chương trình tổng kết thực tiễn một cách căn cơ, bài bản đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau gây lúng túng, thiếu thống nhất nhận thức tư tưởng trong Đảng và đồng thuận xã hội, cản trở tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách trong thực tiễn. Các vấn đề học thuật thì dành cho tranh luận khoa học, còn những vấn đề đụng chạm đến thực tiễn hằng ngày không thể tìm giải pháp thuần túy bằng tranh luận mà phải lấy thực tiễn để kiểm chứng đúng - sai, rồi điều chỉnh nhận thức lý luận. Trong điều kiện hiện nay, nổi lên nhiều vấn đề sau đây liên quan đến bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng phải được tập trung tổng kết thực tiễn để làm rõ: mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế sáng tạo; giá trị thặng dư trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người máy thế hệ mới; vai trò, địa vị kinh tế - xã hội của trí thức, của doanh nhân trong điều kiện cơ cấu kinh tế thay đổi; phân kỳ trong thời kỳ quá độ và mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở các giai đoạn phát triển,... Nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau mà thực tiễn đặt ra cấp bách không thể né tránh, chần chừ, do dự, cần cho “thí điểm mô hình” đi kèm với xác định thời gian, phương pháp, chủ thể chịu trách nhiệm tổng kết thực tiễn một cách bài bản, có trách nhiệm.

1.3. Tổng kết thực tiễn không thể tiến hành biệt lập mà phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học. Trên thực tế không có phương pháp tổng kết thực tiễn chuyên biệt, mà tất cả đều phải dựa trên phương pháp luận khoa học, các lý thuyết thao tác, các phương pháp của khoa học liên ngành hoặc chuyên biệt. Không nắm vững phương pháp luận khoa học, không sâu về mặt lý thuyết, không thành thục về kỹ thuật nghiên cứu thì chỉ có thể đưa đến một báo cáo hành chính mà không thể tổng kết thực tiễn tầm lý luận, không sản sinh ra một công trình lý luận có giá trị. Vì vậy, khi triển khai tổng kết thực tiễn tùy đối tượng nghiên cứu mà xác định các lý thuyết công cụ cần thiết, các kỹ thuật sử dụng, các thao tác của phương pháp liên ngành hay phương pháp chuyên biệt không thể bỏ qua. Đây chính là lấy lý thuyết để soi rọi thực tiễn, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý thuyết, sử dụng các công cụ, phương tiện, thao tác, kỹ thuật cho phép tối ưu hóa hiệu quả nghiên cứu. Trong tổng kết thực tiễn, các thao tác của phương pháp thu thập thông tin trực tiếp từ hiện trường có vai trò cực kỳ quan trọng như điền dã, quan sát, phỏng vấn sâu, điều tra, chọn mẫu,… đòi hỏi người nghiên cứu phải lăn lộn với thực tế, lắng nghe những người thuộc đối tượng tác động trực tiếp của lý luận. Tổng kết thực tiễn còn thông qua các hình thức “hội nghị đầu bờ”, tọa đàm, thảo luận nhóm, tranh biện giữa các ý kiến khác nhau đối với thông tin thu được từ quan sát thực tiễn, phân tích bằng quan điểm khoa học, từng bước rút ra các tri thức kinh nghiệm chân xác. Phải xem trường Đảng, nhất là các lớp bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược, không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức một chiều, mà phải biến mỗi buổi học thành nơi tranh luận, cọ xát giữa lý luận với thực tiễn, đối chiếu kinh nghiệm địa phương này với kinh nghiệm địa phương khác, để giúp cho cán bộ trưởng thành hơn nhận thức, khắc phục cả bệnh giáo điều lý luận và chủ nghĩa kinh nghiệm, giúp cho những người làm công tác lý luận có thêm không gian tổng kết thực tiễn, kiểm định, hiệu chỉnh và bổ sung vốn lý luận mà mình có được. Thiếu các thao tác này sẽ đẩy tổng kết thực tiễn biến thành hình thức, không phản ánh đầy đủ hơi thở của cuộc sống, không thấy được sự va đập, cọ xát của lý luận trong thực tiễn mà chúng đụng chạm đến số phận mỗi con người, đến tiền đồ và tương lai của sự nghiệp cách mạng. Tổng kết thực tiễn phục vụ cho nghiên cứu lý luận phải sử dụng đến tư duy trừu xuất, nâng các tri thức kinh nghiệm thành bài học, cao hơn là các quy luật. Vì vậy, hoạt động tổng kết thực tiễn phải phối hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, nhất là so sánh các quan điểm đang ngự trị với những quan điểm “họ hàng”, các quan điểm trái chiều, những kinh nghiệm của thế giới, kinh nghiệm của ông cha trong lịch sử… để từ đó xác lập một hệ thống tri thức mới vững chắc, khoa học, xứng tầm bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện mới.

 

 

2. Một số đề xuất kiến nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận trong giai đoạn tới

2.1. Định hình tư duy đổi mới trong chỉ đạo xử lý tốt mối quan hệ giữa chính trị và lý luận theo hướng chính trị đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, tạo môi trường, điều kiện cho công tác lý luận; còn lý luận phục vụ chính trị bằng tư duy mở đường, dẫn đường, thiết kế tương lai, hiện thực hóa các mục tiêu chính trị bằng khả năng đột phá và phát triển rút ngắn. Đánh mất khả năng mở đường, dẫn đường, thiết kế tương lai sẽ làm suy yếu chức năng thiên khải của lý luận, khiến cho lý luận chỉ còn thuyết minh một chiều cho chính trị. Chính trị đề ra quan điểm, xác định phương hướng, nhiệm vụ cho lý luận, bảo đảm mọi nghiên cứu lý luận phải đứng trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, lợi ích quốc gia - dân tộc, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dựa trên quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ đó, hoạt động lý luận tác nghiệp độc lập theo đời sống riêng của nó, mà bản chất là tôn trọng quy luật khách quan, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào có khả năng làm sai lệch chân lý khách quan. Công bố, sử dụng kết quả nghiên cứu lý luận như thế nào lại là vấn đề của chính trị. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính trị và lý luận đòi hỏi phải khắc phục các biểu hiện né tránh, khất lần, đùn đẩy các vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Khi chính trị đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ cho lý luận thì bản thân công tác lý luận phải chủ động nghiên cứu, không trông chờ, ỷ lại, đủ dũng khí và bản lĩnh đối mặt đột phá vào những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Phải phân tách rõ hai vấn đề: Đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng cho công tác lý luận và sử dụng kết quả nghiên cứu lý luận thuộc lĩnh vực chính trị; còn nghiên cứu độc lập, khách quan bằng phương pháp khoa học đặc thù để truy tìm chân lý thuộc lĩnh vực lý luận.

2.2. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm của công tác lý luận trong Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương. Cần phân tách đề án chuẩn bị nghị quyết Trung ương và đề án công tác lý luận toàn khóa. Từ đầu nhiệm kỳ cần đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung lý luận cần giải quyết của cả nhiệm kỳ, nhất là các vấn đề lý luận khó, phức tạp, nhạy cảm, tồn đọng trong thời gian dài để nghiên cứu, thảo luận, kết luận, cung cấp luận cứ chắc chắn cho hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Các đề án nghiên cứu lý luận phải dành thời gian thỏa đáng cho tranh luận, tổng kết thực tiễn trước khi đưa ra thảo luận tại Ban Chấp hành Trung ương. Cuối nhiệm kỳ phải có sơ kết, tổng kết, đánh giá những đóng góp, bước phát triển mới về mặt lý luận của cả nhiệm kỳ. Cần khắc phục tình trạng khất lần, gác lại những vấn đề lý luận khó, phức tạp, nhạy cảm từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, rồi nhận định “lý luận còn lạc hậu chưa theo kịp thực tiễn” mà không truy tìm ngọn nguồn, không đánh giá rõ trách nhiệm của từng nhiệm kỳ. Xác định rõ đề án công tác lý luận trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương giúp cho mỗi Ủy viên Trung ương Đảng thấu hiểu, thấu cảm trước khó khăn, nan giải của công tác lý luận; nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trước những vấn đề lý luận khó, phức tạp; xác định quyền và trách nhiệm tham dự vào đóng góp bổ sung, phát triển lý luận, khắc phục bệnh “khoán trắng”  công tác lý luận cho các cơ quan nghiên cứu lý luận chuyên trách.

2.3. Cá thể hóa trách nhiệm từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác lý luận của Đảng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cần định hình một danh mục các chủ đề nghiên cứu lý luận, nhất là những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, tồn đọng từ lâu chưa có kết luận, giao từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì những chủ đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Kết quả nghiên cứu được đưa ra Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận thấu đáo, có kết luận rõ ràng để làm căn cứ cho hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp cũng như đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu giáo dục lý luận chính trị. Mỗi Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quyền thành lập nhóm chuyên gia độc lập, có chế độ, chính sách xứng đáng, để nghiên cứu, thảo luận thấu đáo các vấn đề lý luận chính trị được giao nhiệm vụ.

2.4. Hoàn thiện chế độ thảo luận, tranh luận, công bố, xử lý, tiếp thu kết quả nghiên cứu lý luận. Đề cao dân chủ trong nghiên cứu lý luận, thúc đẩy văn hóa tranh luận trong nội bộ Đảng. Tôn trọng ý kiến thiểu số trong tranh luận, thực hiện bảo lưu có thời hạn, tránh quy chụp, nâng cao quan điểm khi chưa kết luận những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Khi đường lối, chủ trương gặp  thất bại trong thực tiễn, dù đã sử dụng tối đa mọi biện pháp tổ chức thực hiện, thì phải truy tìm nguyên nhân từ tư duy nhận thức lý luận, nhất là đưa các ý kiến khác biệt được bảo lưu trước đó đem ra phân tích, mổ xẻ cẩn trọng bằng thái độ khoa học. Hội đồng Lý luận Trung ương cần có một Tạp chí nội bộ đưa các vấn đề mới, khó, phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau để tranh luận. Hoàn thiện cơ chế công bố kết quả các cuộc tranh luận và kết quả nghiên cứu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Xác định rõ trách nhiệm các chủ thể tiếp thu hoặc giải trình lý do không tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận. 

2.5. Đầu tư xây dựng các cơ quan chuyên trách nghiên cứu lý luận chính trị xứng tầm, đủ vị thế, tiềm lực thực hiện các nhiệm vụ. Hội đồng lý luận Trung ương và cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị  (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…) đóng vai trò tư vấn, tham mưu, chuyên trách nghiên cứu các vấn đề lý luận chính trị cần phải có cơ chế, nguồn lực, lực lượng tương xứng để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Khác với các ban đảng chủ yếu tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận ngành, chuẩn bị trực tiếp cho từng nghị quyết, thẩm định các chính sách thì Hội đồng lý luận Trung ương, các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị vừa thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản, vừa tư vấn, phản biện dự thảo các nghị quyết và đề xuất kiến nghị những vấn đề tầm lý luận. Vì vậy, cần mở rộng cơ chế đặt hàng của Trung ương cho các cơ quan này những vấn đề lý luận khó, phức tạp, nhạy cảm, gắn với tạo môi trường dân chủ hoạt động khoa học, đầu tư nguồn lực xứng đáng. Mỗi nghị quyết chuẩn bị ban hành khi còn ở dạng dự thảo, trước khi đưa ra Trung ương, Bộ Chính trị thảo luận, cần giao nhiệm vụ cho Hội đồng lý luận Trung ương, cơ quan nghiên cứu lý luận phản biện, cho ý kiến, nhất là những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Các cơ quan hàng đầu nghiên cứu lý luận chính trị phải được đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu lưu trữ, tra cứu, liên kết với các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới. Tạo môi trường, điều kiện cho trao đổi, mở rộng hợp tác giữa các cơ quan lý luận nước ta với các nước gắn với nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của hoạt động hợp tác. Xây dựng quy định chặt chẽ hoạt động tổng kết thực tiễn của các cơ quan này gắn với xác định trách nhiệm các bộ/ngành, tỉnh ủy/thành ủy phối hợp tham gia. Hoàn thiện cơ chế tiếp thu, xử lý kiến nghị đề xuất và ý kiến phản biện của các cơ quan nghiên cứu lý luận, kể cả đối thoại, trao đổi giữa các cơ quan chủ trì đề án với các cơ quan lý luận trên những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Các ban đảng Trung ương đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác lý luận của Đảng, không chỉ là cơ quan tham mưu chuyên trách trên từng lĩnh vực, mà còn nghiên cứu, tư vấn những vấn đề cụ thể về đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng gắn với chuẩn bị các đề án, dự án và thẩm định các đề án của Chính phủ. Chất lượng dự thảo của các nghị quyết trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến phụ thuộc rất lớn vào trình độ lý luận của các ban đảng. Để mỗi ban đảng thật sự là cơ quan lý luận ngành, tham mưu những vấn đề ngành/lĩnh vực, phải bố trí những cán bộ giỏi, tâm huyết, tránh tình trạng “tiến vi bộ, thoái vi ban”; xây dựng các cơ cấu trực thuộc đủ năng lực thực hiện vai trò là think tank của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; chăm lo dựng đội ngũ chuyên gia xứng tầm, có chế độ, chính sách xứng đáng. Các ban đảng còn có vai trò thẩm định các đề án của Chính phủ, bảo đảm cho các chính sách ban hành không chệch hướng khỏi Cương lĩnh và đường lối, đòi hỏi phải có trình độ lý luận cao, chuyên môn sâu và bản lĩnh vững vàng khi đưa ra nhận xét, kết luận, kiến nghị đúng tư cách là “người gác cổng về mặt lý luận”. Không dừng lại ở đó, các ban đảng còn giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm bắt, giám sát các phân hệ - lĩnh vực đảm bảo thực hiện đúng Cương lĩnh, đường lối, nên phải vững vàng về lý luận, không dao động, mơ hồ, càng không bị cám dỗ, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

2.6. Đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ chuyên gia nòng cốt làm lý luận chính trị là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách. Trong điều kiện chuyên gia nghiên cứu lý luận chính trị mỏng, cần phải có chiến lược và giải pháp đột phá cho vấn đề này. Rà soát, lựa chọn cán bộ cấp chiến lược đã nghỉ quản lý nhưng còn thật sự minh mẫn, có tư duy đổi mới, thường xuyên tự học tập để xây dựng đội ngũ chuyên gia mạnh. Đội ngũ này phải được cung cấp thông tin, tài liệu thường xuyên, tránh để bị gián đoạn và thiếu cập nhật thông tin, không nắm chắc tình hình nên tư vấn và phản biện không sát yêu cầu đặt ra. Lựa chọn chuyên gia các học viện, trường đại học thật sự có chuyên môn sâu, tâm huyết với lĩnh vực lý luận chính trị theo tinh thần trọng dụng nhân tài, có chính sách hợp lý, huy động và tập hợp tham gia nghiên cứu, đề xuất phát triển các vấn đề lý luận chính trị quan trọng đang đặt ra. Bằng cách này mới tận dụng được vốn nghiên cứu cơ bản, đồng thời làm cho tri thức nghiên cứu cơ bản được cọ xát với lý luận chính trị, làm cho đội ngũ này thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn, thách thức của công tác lý luận. Phải bố trí đủ thời gian cho đội ngũ này lăn lộn với thực tiễn để hiểu sâu hơn thực tế địa phương, bộ/ngành, nhờ đó đưa ra các kiến nghị sát hơn với thực tiễn. Có cơ chế ưu dãi để mở một khóa đặc biệt tuyển chọn, đào tạo chuyên gia làm công tác nghiên cứu lý luận, trên cơ sở thu hút những sinh viên xuất sắc các ngành khoa học cơ bản rồi cử đi học lý luận chính trị chuyên sâu, cử đi thâm nhập thực tiễn, bố trí ở những vị trí còn mỏng, còn yếu cán bộ lý luận chính trị, kể cả các ban đảng Trung ương. Hoàn thiện chế độ, chính sách ưu tiên đặc biệt cho những người làm công tác nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, có hình thức tôn vinh, khen thưởng bậc cao đối với các công trình khoa học, ra sức khơi gợi lòng tự hào, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

 

PGS.TS Đoàn Minh Huấn

Ủy viên Trung ương Đảng,

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết