Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đổi mới sáng tạo – Cần bước chuyển để bứt phá

Ngày phát hành: 28/03/2021 Lượt xem 1495

 

Bước vào thế kỷ XXI, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự chuyển hướng, tập trung thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp…

Bộ cũng đẩy mạnh các hoạt động cùng với các cơ chế, chính sách liên quan nhằm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Đến nay, bức tranh tổng quát về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có những thay đổi về chiến lược nhằm tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam.

 

Hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh Châu Âu (INSEAD), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng và xuất bản báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Những năm gần đây, kết quả GII của Việt Nam liên tục tăng và Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia. Việt Nam được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới (các luật) được xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới sáng tạo được tổ chức dưới hình thức các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước (từ xác định nhiệm vụ, đến tuyển chọn thực hiện, đánh giá nghiệm thu, phổ biến, chuyển giao kết quả nghiên cứu...).

Nhìn từ khía cạnh chính sách, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ cung cấp đầu vào tri thức cho quá trình đổi mới thông qua nghiên cứu và triển khai (R&D), xây dựng năng lực, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo hình thành thị trường sản phẩm mới, tạo ra yêu cầu mới về chất lượng; hình thành các thành phần của hệ thống đổi mới, thay đổi các tổ chức trực tiếp tham gia đổi mới sáng tạo, xây dựng mạng lưới và liên kết tri thức, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua việc ươm tạo, cung cấp tài chính và tư vấn...

Hiện tại, hệ thống đổi mới sáng tạo Việt Nam đang hình thành, trong đó, một số thực thể, thể chế và liên kết đã xuất hiện và hoạt động, nhưng còn thiếu vắng nhiều thể chế, thực thể và liên kết khác, do đó cần có những thay đổi về chiến lược nhằm tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Trong bối cảnh mới, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất, thông qua tiếp nhận, phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua hoạt động sáng chế. Đồng thời, phân bổ nguồn lực dành cho các chương trình nghiên cứu và triển khai với mục tiêu tạo ra công nghệ mới; hỗ trợ nguồn lực để các dự án đổi mới sáng tạo thành công. Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo. 

Để tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam, cần khắc phục các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh gồm các quy định hạn chế không cần thiết, giới hạn cạnh tranh, hạn chế về đổi mới sáng tạo và tài chính cho khởi nghiệp; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tiến tới tạo ra công nghệ mới; nâng cao chất lượng và sự phù hợp của hoạt động R&D và tạo ra tri thức…

 

Tháo gỡ điểm yếu để bứt phá

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ: Bức tranh tổng quát về đổi mới sáng tạo, từ khái niệm, bản chất, thực trạng, thành tựu đổi mới sáng tạo đến nay cần những thay đổi về chiến lược nhằm tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam. 

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một quan sát gọi là "Nghịch lý của đổi mới sáng tạo" nghĩa là các nước đi sau có thể thừa hưởng, du nhập, bắt chước những công nghệ, những đổi mới mà các nước tiên phong phát triển để nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước. Nhưng trên thực tế, đa số các nước đi sau lại không thực hiện được hoặc thực hiện ở mức rất khiêm tốn những cơ hội này. Ngay tại Việt Nam, qua kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của một số quốc gia phát triển,hoạt động quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn gặp nhiều vướng mắc và những điểm yếu cần tháo gỡ để bứt phá.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi mức độ nhất định năng lực hấp thụ công nghệ, hấp thụ tri thức, năng lực quản lý và tổ chức, đòi hỏi doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở quốc gia đó phải tích lũy được nền tảng tri thức cần thiết cho đổi mới sáng tạo. Thực tế, năng lực quản lý sản xuất còn hạn chế, rất khó để doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo. Do vậy, tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau các quốc gia xây dựng các chính sách đổi mới sáng tạo phù hợp.

Liên quan đến đổi mới sáng tạo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia Phạm Dũng Nam cho biết: Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 có những sửa đổi về chính sách thúc đẩy hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách hình thành và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia quy mô quốc tế. Theo đó, Đề án đưa ra mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đặt tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về khởi nghiệp sáng tạo, nhằm đạt được mức chỉ số về lượt chuyên gia, tập đoàn tham gia vào hoạt động cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Bên cạnh đó, Đề án cũng hướng đến xây dựng Innovation hub ở các trường đại học để hỗ trợ các startup, đặc biệt là những startup đang ở giai đoạn đầu, chưa thể gọi vốn đầu tư. Theo đó, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai hình thành Trung tâm ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân và sắp tới là ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra "Chuỗi chương trình tăng tốc khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Sihub- Expara năm 2021", tập trung vào 3 chương trình chính gồm: Tăng tốc khởi nghiệp Sihub- Expara khóa 3 năm 2021; tăng tốc Spin-off, Spin-out và tăng tốc, tư vấn, kết nối tài chính cho các doanh nghiệp chuẩn bị IPO (phát hành chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng). 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub cho biết, tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp Sihub - Expara, các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) xuất sắc sẽ có cơ hội nhận được đầu tư lên đến 150.000 USD; cơ hội tiếp cận hơn 20 Quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời được đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ, Ba Lan, Nga, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đào tạo, cố vấn, thúc đẩy hoàn thiện mô hình kinh doanh và mở rộng thị trường.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết