Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một trong 10 nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ đề ra là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số chính là cơ sở, tiền đề để thực hiện nhiệm vụ trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel. Ảnh VGP
Đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP
Từ Đại hội Đảng lần thứ III, IV, Đảng và Nhà nước ta đã xác định thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là một nội dung quan trọng hàng đầu trong đường lối đổi mới đất nước của Đảng, Nhà nước ta 35 năm qua.
Từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tính chất, trình độ hiện đại của đất nước ở các giai đoạn luôn được Đảng, Nhà nước ta xem xét, điều chỉnh phù hợp với tính chất, trình độ chung trên thế giới.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn với phát triển kinh tế tri thức để tri thức, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là những nguồn lực quan trọng hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Đến Đại hội XIII của Đảng đã đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện khát vọng trên.
Công nghệ số là một bước phát triển ở trình độ cao hơn của công nghệ thông tin, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối; các thông tin, dữ liệu đều được chuyển thành thông tin, dữ liệu điện tử, được số hóa, được lưu trữ, truyền tải với dung lượng lớn hơn, được xử lý nhiều hơn, nhanh hơn. Công nghệ số có tác động và ảnh hưởng lớn và đồng thời đến hầu như tất cả mọi ngành, lĩnh vực; kết nối, truyền dẫn thông tin, lưu giữ, quản lý, xử lý thông tin, tạo nên tổ chức và hoạt động của cả hệ thống, tạo nền tảng cho các công nghệ khác được thực hiện.
Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu trên các công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet.
Nội dung về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện Đại hội. Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định “phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”.
Kinh tế số cũng được Đại hội XIII đưa thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong những năm tới. Đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội phải đạt bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng phải đạt khoảng 45%. Đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt 50%.
Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua chuyển đổi số
Để thực hiện các định hướng, quan điểm và chỉ tiêu đề ra về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, các văn kiện Đại hội XIII đã đề ra đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần quan tâm tới thể chế cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, như: xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới; phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử; phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại.
Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Cụ thể, đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, năng lượng sạch… để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử; thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước...
Đẩy mạnh công nghiệp hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, tập trung phát triển những ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính-ngân hàng, thương mại điện tử; nông nghiệp số, du lịch số, công nghiệp văn hóa số; y tế, giáo dục và đào tạo.
Đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số, cần phát triển một số doanh nghiệp chủ lực thực hiện vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Đối với các ngành dịch vụ, cần đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, nhất là với các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, logistic, vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, kế toán, kiểm toán, y tế, giáo dục đào tạo...
Theo số liệu thống kê của Cisco Việt Nam (Cisco là công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và kết nối mạng), việc ứng dụng công nghệ số của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực. Năm 2020, có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Đây là một bước nhảy vọt so với con số 32% của năm 2019; đáng chú ý có 46% cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ phía khách hàng.
Để phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030 phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước như công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano… Đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực
Và chuyển đổi số chính là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững./.
Theo TTXVN