II. Vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất trong phát triển nông nghiệp hàng hóa
1. Khái niệm tích tụ, tập trung ruộng đất :
“Tích tụ ruộng đất” được hiểu là việc chuyển quyền sở hữu ruộng đất (hay quyền sử dụng ruộng đất như chế định của Luật pháp Việt Nam) vào một chủ sở hữu (sử dụng) cụ thể để có quy mô ruộng đất canh tác lớn hơn. Còn “Tập trung ruộng đất” được hiểu là việc các chủ thể sở hữu (sử dụng) ruộng đất liên kết ruộng đất lại với nhau (dưới nhiều hình thức khác nhau) để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Điểm chung là tích tụ và tập trung ruộng đất đều hướng tới hình thành các quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn hơn trên một địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, việc lựa chọn và khuyến khích thúc đẩy hình thức tích tụ hay tập trung, hay kết hợp hợp lý giữa hai hình thức này phụ thuộc vào điều kiện cụ thể và trình độ phát triển nông nghiệp hàng hóa của từng vùng, từng lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Thực tiễn phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn trên thế giới cho thấy rằng tập trung ruộng đất thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở các hộ nông dân (trang trại) sản xuất hàng hóa là dòng chủ đạo và mang tính phổ biến nhất; còn tích tụ ruộng đất thường gắn với quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất, giảm số hộ và lao động trong nông nghiệp.
2. Những khó khăn, trở ngại đối với quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất
Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nhất là nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại đòi hỏi phải tích tụ - tập trung ruộng đất tới những quy mô thích hợp (đối với từng lĩnh vực và đối tượng sản xuất) để đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên quá trình này ở nước ta đang gặp những trở ngại khách quan và chủ quan như sau :
1). Ruộng đất ở nhiều vùng còn rất manh mún (cả nước có hơn 15 tr. hộ nông thôn với khoảng hơn 70 tr. mảnh ruộng), điều kiện tự nhiên ở nhiều nơi khó khăn không dễ quy hoạch, cải tạo thành những vùng thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, nhất là vùng nông nghiệp công nghệ cao; nếu cải tạo đòi hỏi phải đầu tư lớn.
2. Tình trạng nông dân “bỏ ruộng” đã xuất hiện từ khoảng năm 2005, nhưng nay đã trở thành một hiện tượng lan rộng ở nhiều tỉnh, nhất là ở các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh Bắc Miền Trung. Hiện nay đang có những ý kiến khác nhau về mặt tích cực và tiêu cực của hiện tượng này. Vấn đề đặt ra là cần xem xét, nhận thức đúng bản chất của hiện tượng này, để trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Có những ý kiến cho rằng đó là tất yếu khách quan, phản ánh xu hướng tích cực của quá trình rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, dưới tác động và sức hút tự nhiên của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và đô thị hóa. Điều này có mặt đúng, nhưng chưa phản ánh đầy đủ bản chất của vấn đề, vì :
(i). Hiện tượng “bỏ ruộng” đang diễn ra một cách tự phát chủ yếu ở những vùng hộ nông dân đang là sản xuất hàng hóa nhỏ, gặp nhiều khó khăn và chưa có “lối thoát” căn bản và có hiệu quả (hiện tượng này hầu như không diễn ra ở những vùng núi sản xuất nông nghiệp có khó khăn và mang nặng tính tự nhiên - tự cung tự cấp như ở miến núi phía Bắc, hay ở vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã phát triển cao hơn như ở Đồng bằng Sông Cửu Long).
(ii). Hiện tượng đó cũng không phải chủ yếu diễn ra ở các hộ đã có cơ sở kinh tế ngoài nông nghiệp tương đối vững chắc để “bỏ ruộng”, bỏ nghề nông đi làm ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao và ổn định hơn, mà chủ yếu là các hộ nông dân với trạng thái kinh tế hộ rất thấp (sản xuất nông nghiệp thu không đủ bù chi, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu), bấp bênh và không ổn định.
(iii). Xét về bản chất kinh tế, trên bình diện cả nước cũng như ở các vùng, ý nghĩa kinh tế của sản xuất nông nghiệp liên tục giảm đi một cách tương đối so với công nghiệp và dịch vụ. Đối với những hộ nông dân có quy mô ruộng đất canh tác quá nhỏ (như ở đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh Miền Trung) lại gắn với thuần nông trồng lúa, ngành nghề kém phát triển, làm cho trạng thái và quy mô kinh tế của hộ nông dân nhỏ bé, luôn rơi vào tình trạng không vượt qua được ngưỡng tái sản xuất giản đơn chứ chưa nói tới có lãi để tái sản xuất mở rộng. Khi đó ruộng đất mất đi chức năng là yếu tố và điều kiện của sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chỉ còn là yếu tố và điều kiện của “niêu cơm sinh tồn” (nhưng cũng không đảm bảo được đầy đủ và vững chắc), và trở thành “gánh nặng” đối với các hộ nông dân, ngay cả khi sản xuất hay không sản xuất vẫn phải đóng góp rất nhiều khoản, buộc hộ nông dân trả ruộng hay bỏ ruộng.
(iv). Chiến lược “An ninh lương thực” của nước ta còn những mặt bất cập, hiệu quả không cao cả về mặt kinh tế, xã hội và sử dụng tài nguyên đất. Mặc dù là nước xuất khẩu trên 7 triệu tấn lương thực mỗi năm, nhưng ở nhiều vùng vẫn thiếu lương thực, nhiều địa phương diện tích ruộng trồng lúa hàng hóa ít, hiệu quả thấp, nhưng các hộ nông dân vẫn bị “trói” vào mục đích trồng lúa bởi hai lý do : phải trồng lúa mới đảm bảo được ổn định lương thực cho gia đình, hoặc địa phương không cho chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác do đã “quy hoạch” vào đất lúa, mặc dù chỉ có mấy sào ruộng.
(v). Tình trạng ở không ít nơi, người nông dân không còn “gắn bó” với ruộng đất, cho mượn, cho thuê, trả lại ruộng cho xã, HTX hoặc bỏ ruộng hoang, phản ánh những “nút thắt” đang làm suy yếu đi động lực phát triển nông nghiệp - nông thôn, suy yếu đi động lực phát triển của Kinh tế hộ nông dân. Đó là : Sự “Đối thoại” giữa công nghiệp và dịch vụ với phát triển nông nghiệp - nông thôn chưa có hiệu quả cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn còn nhiều bất cập; tính tự cung tự cấp - sản xuất nhỏ manh mún của kinh tế hộ nông dân ở những vùng này còn cao, và do đó chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, mức độ toàn dụng lao động ở nông thôn còn thấp; lưu chuyển ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa còn nhiều khó khăn trở ngại.
3. Làm ruộng theo kiểu “đi thuê” : Trên thế giới, nền nông nghiệp có hiệu quả phải là nền nông nghiệp của các hộ nông dân trực canh (bằng lao động trực tiếp của các chủ nông trại, lao động trong gia đình là chính, ngay cả các nông trại sản xuất hàng hóa lớn cũng sử dụng rất ít lao động làm thuê, thường sử dụng một số lao động thuê theo thời vụ). Nhưng hiện nay ở nước ta, ngay tại vùng đồng bằng Sông Hồng và nhiều địa phương khác ở miền Bắc và Miền Trung, các hộ nông dân làm ruộng nhưng rất nhiều khâu sản xuất đều đi thuê (thuê làm đất, gieo cấy, thu hoạch…). Do quy mô ruộng đất canh tác rất nhỏ không thể nuôi trâu bò cày như trước, cũng không thể tự trang bị máy móc làm đồng. Ngay ở đồng Bằng Sông Cửu Long các hộ nông dân trồng lúa hàng hóa cũng canh tác theo phương thức đi thuê các khâu chủ yếu như làm đất, gieo xạ, thu hoạch, vận chuyển, phơi xấy…Làm ruộng theo kiểu “đi thuê” sẽ làm cho chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp, không bền vững. Vấn đề các hộ nông dân “làm ruộng” theo kiểu đi thuê hầu hết các khâu đang là một biến thái đáng quan ngại (nó khác biệt nghề nông hiện đại trên thế giới), cần phải được nghiên cứu kỹ và có giải pháp phù hợp.
4. Những điều trình bày ở trên cho thấy tình trạng lưu chuyển ruộng đất trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa còn nhiều khó khăn không chỉ là do tương quan về giá cả “đầu vào - đầu ra” trong sản xuất kinh doanh bất lợi cho hộ nông dân, mà là hệ quả của nhiều yếu tố cả về kinh tế, xã hội, thể chế và điều kiện tự nhiên…tạo nên những trở ngại cho quá trình chuyển dịch - tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Thực tiễn cho thấy những trở ngại chủ yếu về tích tụ - tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn như sau:
- Ruộng đất manh mún, hoặc điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lớn (như ở một số địa phương miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Miền Trung…)
- Tâm lý giữ ruộng (dù bỏ hoang) như một tài sản thừa kế của các thế hệ trong gia đình (như ở không ít nơi miền Bắc).
- Các chính sách cho chuyển dịch ruộng đất và cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhiều bất cập (thời hạn giao đất, quy mô tích tụ ruộng đất, chính sách cho thuê, sang nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, thuế, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thị trường tiêu thụ nông sản, thủ tục hành chính…).
- Ý nghĩa kinh tế của ruộng đất đối với hộ gia đình nông dân bị giảm đi so với công nghiệp và dịch vụ, nhất là ở những vùng đất chật người đông.
- Sự phát triển công nghiệp và dịch vụ không đủ sức thu hút lao động nông nghiệp mạnh và ổn định[1]. Điều này còn đang đứng trước thách thức tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hay tác động của đại dịch Covid - 19 đang diễn ra.
- Các HTX, các doanh nghiệp thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả. Giữa hộ nông dân với các HTX, các Doanh nhiệp đang thiếu nền tảng pháp lý, thiếu sự tin cậy lẫn nhau trong việc hình thành các chuỗi sản xuất, liên kết tích tụ - tập trung ruộng đất quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là trong một thời gian dài 10 - 20 năm trở lên (Hộ nông dân sợ mất đất, Doanh nghiệp lo hộ nông dân đòi đất ngang chừng, tình trạng “bẻ kèo” rất phổ biến trong các hợp đồng tiêu thụ nông sản…).
- Kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh nông nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao,hội nhập quốc tế của các hộ nông dân, các HTX và cả các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trình độ sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
- Các hộ nông dân, các HTX và các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa lớn.
- Những rủi ro từ thị trường và từ thiên nhiên, biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Để thúc đẩy quá trình lưu chuyển, tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hệ thống cả ở tầm quốc gia, tầm khu vực, địa phương, trực tiếp đối với hộ nông dân, HTX và các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các nút thắt trên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận động của quan hệ ruộng đất trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa nước ta. Bước phát triển mạnh chỉ có thể đạt được nếu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ… nhằm rút bớt lao động và giảm số hộ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đồng thời các hộ nông dân liên kết với nhau tích tụ - tập trung ruộng đất tạo được các vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nhưng vấn đề quan trọng cần phải xử lý là tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa phải theo những mô hình phù hợp, gắn và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhất là lợi ích của hàng triệu hộ nông dân, chứ không chỉ vì lợi ích của những chủ thể và doanh nghiệp được tích tụ - tập trung ruộng đất với quy mô lớn. Không thể bằng các biện pháp hành chính áp đặt để thực hiện quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn. Trong vấn đề này Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng.
III. Một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy lưu chuyển - tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa
1. Một số vấn đề có tính nguyên tắc :
i). Cần nhận thức cho rõ nội hàm và cấu trúc của nền nông nghiệp hàng hóa Việt Nam nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế, nhất là trong điều kiện tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
ii). Cần nhận thức cho rõ - phù hợp nội dung và mô hình của nền nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và cụ thể trong từng lĩnh vực, mối quan hệ với sử dụng ruộng đất; mô hình, lộ trình và bước đi trong từng giai đoạn. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là sản phẩm của các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, mà còn phải trở thành phương thức sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân hiện đại.
iii). Vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững đòi hỏi phải xác định rõ vai trò nền tảng cơ bản của của các hộ nông dân sản xuất hàng hóa, vai trò kết nối hữu cơ của hệ thống các HTX (kiểu mới), vai trò trung tâm của các Doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất đến tiêu dùng.
iv). Kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ rõ rằng, do tính chất đặc thù của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Nhà nước đóng vai trò “kiến tạo” đặc biệt quan trọng: khộng chỉ ban hành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp, mà còn phải dành nguồn lực đầu tư thích đáng của nhà nước cùng với điều tiết các nguồn lực của xã hội cho phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân, đồng thời còn phải là một “đối tác phát triển tin cậy” trực tiếp chỉ đạo, tham gia, hướng dẫn hình thành các hình thức, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững (như xây dựng các HTX kiểu mới, các mô hình liên kết giữa các hộ nông dân và các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường…).
v). Tích tụ - tập trung ruộng đất không phải lấy mục đích phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn làm mục đích tự thân gắn với chủ yếu hình thành các doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo phương thức thuê lao động; mà là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng - hiệu quả cao, có sức cạnh tranh, đảm bảm bảo bền vững an ninh lương thực - an ninh thực phẩm quốc gia; đảm bảo hài hòa và ồn định lợi ích của tất cả các chủ thể liên quan, nhất là lợi ích của hàng triệu hộ nông dân.
vi). Tích tụ - tập trung ruộng đất phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, ...); tuân theo quy luật thị trường; tuân thủ các mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, trục lợi từ sự đầu cơ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
2. Những hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất chủ yếu
Xét cả về lý luận và thực tiễn, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tùy theo điều kiện và trình độ phát triển của từng vùng, từng lĩnh vực, có thể diễn ra với các hình thức (hướng) chủ yếu sau:
i) - Các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các hình thức HTX thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đây là hình thức các hộ nông dân vẫn có quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất riêng biệt; nhưng thống nhất với nhau (liên kết với nhau) ở những cấp độ khác nhau, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn (như lúa, hoa quả, rau, cá…), có sự liên kết đầu tư, đảm bảo các dịch vụ đầu vào - đầu ra.
ii) - Tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi (trang trại sản xuất hàng hóa lớn) với các quy mô khác nhau trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ở hình thức này, quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất được chuyển cho các hộ nông dân sản xuất giỏi thông qua quá trình mua bán, sang nhượng, hay thuê quyền sử dụng ruộng đất (có thời hạn, hay lâu dài).
iii) - Các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hành hóa lớn. Trong mô hình này quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc các hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng ruộng đất (mục đích sản xuất) đã có sự thống nhất giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Trong mô hình này cũng có các cấp độ liên kết khác nhau giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân : Cấp độ thấp nhất là doanh nghiệp hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân tiêu thụ một loại nông sản nào đó theo từng mùa vụ; cấp độ cao hơn là các hộ nông dân sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp; cao hơn nữa là các doanh nghiệp có sự hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho các hộ nông dân và bao tiêu sản phẩm; cao hơn nữa là doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất với các hộ nông dân có sự hỗ trợ đầu tư, chia sẻ rủi ro và phân chia lợi ích hợp ích hợp lý giữa các bên. Trong quá phát triển, mô hình tập trung ruộng đất này thường có sự tham gia của một chủ thể quan trọng nữa là các HTX. Các HTX là cầu nối hữu cơ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp.
iv) - Tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Đây là hình thức tích tụ ruộng đất vào các doanh nghiệp nông nghiệp thông qua việc thuê hoặc mua lại đất nông nghiệp (hay quyền sử dụng đất). Hình thức này không chỉ đòi hỏi điều kiện ruộng đất thuận tiện cho quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào loại sản phẩm hàng hóa nông sản có thể sản xuất được trên đất đó một cách liên tục để đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh theo phương thức doanh nghiệp (ví dụ như chăn nuôi bò sữa quy mô lớn…). Hình thức này sẽ khó (không) phù hợp với sản xuất những loại sản phẩm có tính mùa vụ dài ngày (không liên tục) mà lại sử dụng lao động làm thuê theo phương thức tư bản, vì sẽ không có hiệu quả (khó có doanh nghiệp nào mua hay thuê ruộng đất chỉ để sản xuất lúa mà đảm bảo có lãi).
Mỗi hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất nêu trên có những ưu thế và hạn chế khác nhau trong những điều kiện ruộng đất, quy mô ruộng đất, trình độ nền sản xuất và loại hình nông sản khác nhau. Điều kiện ruộng đất và trình độ nền nông nghiệp ở các vùng của Việt Nam rất khác nhau, do đó việc lựa chọn hình thức nào cho phù hợp và hiệu quả cần được xem xét cụ thể. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của thế giới và tình hình thực tế đang thay đổi của Việt Nam, có thể thấy hiện nay hình thức phổ biến nhất sẽ là các hộ nông dân sản xuất hàng hóa này liên kết ruộng đất với nhau (tập trung ruộng đất) trong các HTX để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và liên kết với các doanh nghiệp; đồng thời từng bước tích tụ ruộng đất để hình thành các hộ nông dân sản xuất hàng hóa lớn (trang trại). Còn hình thức tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ phát triển có hiệu quả trong một số lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp phù hợp.
Vấn đề không chỉ tích tụ, tập trung ruộng đất ở quy mô lớn là có nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại; mà điều rất quan trọng là phương thức, mô hình và trình độ sản xuất của nền nông nghiệp đó. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều có quy mô ruộng đất bình quân hộ nông dân thuộc loại nhỏ (1-3ha), nhưng đã phát triển được nền nông nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao. Trong khi đó, quy mô ruộng đất bình quân hộ nông dân ở Philippine cao hơn nhiều, có nhiều hộ sở hữu hàng trăm, ngàn ha (gia đình Tổng thống Benigno Aquino sở hữu đồn điền trồng mía 4.500 ha; ngày 24-11-2011 Tòa án đã phán quyết rằng 4.500 ha sẽ được chia cho 6.296 nông dân nghèo), nhưng vẫn có nền nông nghiệp trình độ thấp hơn, kém hiệu quả hơn so với các nước trên. Điều này cũng cho thấy quy mô sở hữu (sử dụng) ruộng đất lớn của các hộ nông dân chưa phải là yếu tố quyết định chủ yếu để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn.
3. Những giải pháp chủ yếu
Việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn là một quá trình, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là các chính sách của nhà nước và trình độ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa. Có thể nêu tóm tắt một số giải pháp chủ yếu sau đây :
1). Hoàn thiện cơ sở pháp lý để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Trước hết phải thực hiện nghiêm túc việc giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân (và các chủ thể khác) với đầy đủ các quyền theo luật định (quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê…). Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tài sản (trong đó có quyền sử dụng ruộng đất), vốn, tư liệu sản xuất và quyền tự do kinh doanh để các hộ nông dân và các doanh nghiệp thực sự yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Đẩy mạnh phát triển Kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực và theo quy hoạch. Vì các hộ nông dân là chủ thể cơ sở và lực lượng đông đảo nhất, có vai trò quan trọng hàng đầu trong nền nông nghiệp hàng hóa. Cần khắc phục phương thức sản xuất của các hộ nông dân chủ yếu bằng thuê lao động; thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ tư duy và năng lực - trình độ sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của hộ nông dân; thúc đẩy phát triển mạnh các hộ chuyên sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phát triển các trang trại hiện đại. Cần làm cho nghề nông từng bước thoát khỏi “kinh nghiệm thuần túy” “không cần đào tạo”. Kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến cho thấy các chủ nông trại phải được đào tạo rất kỹ và tổng hợp về ứng dụng khoa học - công nghệ, hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất…, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Đã đến lúc phải thực hiện các giải pháp hình thành đội ngũ các chủ hộ nông dân được đào tạo (qua một hệ thống trường lớp, chương trình thích hợp) có văn hóa, có trình độ, có vị trí xã hội không kém gì các ngành nghề khác. Phải có đội ngũ chủ hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi mới có cơ sở nền tảng tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững.
2). Quy hoạch trung và dài hạn phát triển các vùng và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao theo quan điểm thị trường.
Quy hoạch ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với phát huy cao lợi thế so sánh của từng vùng, từng sản phẩm; gắn với đẩy mạnh phát triển và lành mạnh hóa thị trường hàng hóa nông sản trong nước kết nối có hiệu quả với thị trường quốc tế. Phát triển thị trường phải gắn liền với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt, với nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch, với đảm bảo truy suất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nông sản. Quy hoạch ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với hình thành các chuỗi sản xuất - kinh doanh hiệu quả, bền vững, để không xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, trồng - chặt tự phát, các chiến dịch giải cứu nông sản…”.
Điều rất quan trọng là phải từng bước hình thành đồng bộ thị trường vốn, lao động, tư liệu sản xuất, ruộng đất, nông sản… dưới sự quản lý, điều tiết và định hướng của Nhà nước, khắc phục các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa bền vững.
3). Tiếp tục hoàn thiện luật pháp và chính sách ruộng đất để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao
Chế định rõ, công khai, minh bạch cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền của người sử dụng đất, cho sự vận động công khai, minh bạch, hiệu quả của quan hệ ruộng đất trong kinh tế thị trường.
Thực hiện chính sách mở rộng “hạn điền”, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất hợp lý cho những chủ thể trực tiếp quản lý - sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực (theo những hình thức nêu trên). Kinh nghiệm của nhiều nước có nền nông nghiệp lúa nước, cũng như thực tiễn của Việt Nam cho thấy mức hạn điền hiện nay đối với các hộ nông dân chưa phải là yếu tố cản trở lớn nhất, chủ yếu nhất đối với phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn ở nước ta. Cần có các chính sách và giải pháp phù hợp để đẩy mạnh quá trình “dồn điền đổi thửa”, hình thành các “cánh đồng lớn”; đẩy mạnh thực hiện các chính sách về luân chuyển quyền sử dụng ruộng đất (cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác, liên kết, góp vồn bằng quyền sử dụng đất…), tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Việc lựa chọn các phương hướng tích tụ - tập trung ruộng đất trên cần phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực; đảm bảo hài hòa lợi ích và sự phát triển bền vững của hộ nông dân, của nông thôn, của doanh nghiệp và các chủ thể tham gia cả về mặt kinh tế và xã hội, chứ không thể chỉ nghiêng về lợi ích của những chủ thể được tích tụ ruộng đất. Vấn đề đặt ra là: Trong điều kiện hiện nay ở nước ta còn một tỷ lệ rất lớn lao động và dân cư sống dựa vào nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ chưa đủ sức thu hút phần lớn lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, hơn nữa cần tính tới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về chuyển dịch cơ cấu lao động, cho nên phải rất coi trọng hình thức các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các HTX, liên kết bền vững với các doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao[2]. Việc thu hồi ruộng đất để giao cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn - công nghệ cao cần phải được xem xét kỹ trong những điều kiện cụ thể, phải đảm bảo ổn định và thỏa đáng lợi ích của các hộ nông dân.
Khuyến khích và ưu tiên tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu[3]; từng bước hạn chế tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng. Ban hành các quy định để loại bỏ tình trạng tích tụ - tập trung và sử dụng ruộng đất theo kiểu “đầu cơ” (để rồi xin chuyển đổi mục đích sử dụng), theo kiểu “phát canh thu tô”. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ - tập trung ruộng đất.
Về lâu dài, không nên coi đẩy mạnh xuất khẩu lương thực là chiến lược. Cần xây dựng chiến lược “an ninh lương thực” - “An ninh dinh dưỡng” quốc gia hợp lý, hiệu quả, để quy hoạch quỹ đất lúa phù hợp theo quan điểm phát huy lợi thế của từng vùng; giảm bớt diện tích đất trồng lúa cho năng xuất thấp, kém hiệu quả. Sử dụng linh hoạt quỹ đất nông nghiệp. Quy hoạch đất đai để phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp hàng hóa .
4). Phát triển các mô hình HTX kiểu mới :
Phải đổi mới một cách căn bản các mô hình HTX hiện có cũng như phát triển các mô hình HTX kiểu mới trên cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi”; thực hiện đúng hộ và HTX là hai chủ thể kinh tế, HTX phải hoạt động trên cơ sở hiệu quả của chính mình, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa. Do điều kiện khách quan và trình độ phát triển nền nông nghiệp, trình độ kinh tế hộ ở nước ta còn khác nhau nhiều giữa các vùng, cho nên cần phải phát triển ba hoại hình HTX phù hợp với ba loại trình độ kinh tế hộ nông dân: HTX mang tính chất liên kết hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất của các hộ nông dân sản xuất chủ yếu còn mang tính tự cung, tự cấp; HTX thực hiện cung cấp một số dịch vụ đầu vào cho các hộ nông dân còn ở trình độ chủ yếu sản xuất hàng hóa nhỏ; HTX liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ (cả dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra) cho các hộ nông dân đã đi vào sản xuất hàng hóa. Chế định khung pháp lý và cơ chế liên kết bền vững giữa các HTX với các doanh nghiệp.
5). Đẩy mạnh đổi mới và phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao :
Doanh nghiệp phải là chủ thể trung tâm kết nối với các hộ nông dân, các HTX và với thị trường trong nền nông nghiệp hiện đại; cần phải đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình doanh nghiệp trong nông nghiệp; phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn (dịch vụ vật tư, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến công, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ…) tới hộ nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo khâu chế biến và bao tiêu sản phẩm đối với các hộ nông dân và các HTX, xóa bỏ các khâu trung gian phi lý. Cần phải chống tình trạng độc quyền, cửa quyền, ép giá, ép phương thức mua bán đối với nông dân. Nhà nước phải đóng được vai trò quản lý, điều tiết và hướng dẫn trong việc đảm bảo dịch vụ cho nông dân.
6). Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hoàn thiện và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh bền vững trong nông nghiệp
Phát triển kinh tế hộ nông dân - phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả đòi hỏi phải xây dựng được đa dạng các hình thức liên kết bền vững giữa các hộ nông dân trong các HTX, với các doanh nghiệp và với các chủ thể khác. Phải hình thành được các chuỗi liên kết hợp lý, có sự chia sẻ cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro giữa các hộ nông dân với các HTX, các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Cần rà soát và đánh giá lại tất cả các chuỗi sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, ở các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo các tiêu chí trên. Tùy theo trình độ, quy mô và đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có thể lựa chọn và phát triển đa dạng, đa tầng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh (ngang - dọc) phù hợp, hiệu quả, bền vững, nhất là đối với các chuỗi sản xuất - kinh doanh nông sản sạch, chất lượng cao. Chính quá trình liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân trong các HTX và với các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất kinh doanh - chuỗi giá trị bình đẳng, công bằng, minh bạch, cùng có lợi là cơ sở để thúc đẩy quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn.
7). Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao KH - CN trong nông nghiệp
Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được coi là khâu then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Điều quan trọng là phải phải đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH - CN, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp. Trọng tâm là phải xây dựng được cơ chế liên kết việc nghiên cứu - ứng dụng KH - CN theo các chuỗi sản xuất kinh doanh từ hộ nông dân tới thị trường đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, và chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia; đảm bảo lợi ích xứng đáng và hài hòa giữa các chủ thể liên quan. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, cần tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu như : giống cây, con chất lượng cao, chế biến (nhất là chế biến sâu) - bảo quản chất lượng cao; quy trình canh tác tiên tiến; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh tiên tiến; phát triển các sản phẩm cao cấp. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong nông nghiệp là một tiền đề - điều kiện rất quan trọng đề sử dụng đất nông nghiệp một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, hạn chế việc tích tụ - tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng.
Đảng và Chính phủ cần đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và khung chính sách chung về vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho việc lưu chuyển ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là về : chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, mua bán, thừa kế, thế chấp, ủy thác canh tác, góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, hạn điền, thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất trong khuôn khổ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa…Trên cơ sở đó cần xây dựng các đề án cụ thể, phù hợp đối với điều kiện đất đai, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ sản xuất, lĩnh vực sản xuất…của từng khu vực, địa phương. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp nước ta theo chiều sâu và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.
(hết)
PGS.TS Trần Quốc Toản
Ủy viên Hội đống Lý luận Trung ương
[1] Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2014, cơ cấu lao động ở nước ta đã có sự chuyển dịch đáng chú ý: Số lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản so với cùng kỳ 2013 đã tăng từ hơn 24,289 triệu người lên hơn 24,868 triệu người - tăng 2,39%, nên tỷ trọng lao động của nhóm ngành này trong tổng số lao động đã tăng từ 46,8% lên 47,1%. Số lao động đang làm việc ở nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đã giảm từ hơn 11 triệu người, xuống còn 10,982 triệu người - giảm 0,19%, nên tỷ trọng của nhóm ngành này trong tổng số đã giảm từ 21,2% xuống còn 20,8%. Số lao động đang làm việc ở nhóm ngành dịch vụ đã tăng từ 16,608 triệu người lên gần 17 triệu người - tăng 2,05% nên tỷ trọng của nhóm ngành này trong tổng số đã tăng từ 32% lên 32,1%. Những con số chuyển dịch tỷ trọng lao động trong các nhóm ngành cho thấy xu hướng chuyển dịch lao động không tích cực; chưa thúc đẩy mạnh rút lao động ra khỏi nông nghiệp.
[2] Ví dụ tham khảo : Chính phủ Thái Lan có chương trình hỗ trợ xây dựng các nông trai trồng lúa quy mô lớn giai đoạn 2016-2019 nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Đến 7/9/2016 đã có 386 nông trại với sự tham gia của 57.775 hộ nông dân từ 6 tỉnh. Có khu vực xây dựng 126 nông trại với diên tích 126.000ha .
[3] Ví dụ tham khảo : Chính phủ Nhật bản có chính sách hỗ trợ phát triển các nông trại hiện đại nhưng quy mô diên tích đất sử dụng nhỏ, như nông trại Tomoatsu Hashimoto (vùng Fujisawa) với quy mô ruộng đất chỉ 1 ha, nuôi heo thương phẩm, mỗi tháng xuất chuồng trung bình 4.500 con với trọng lượng 1,5 tạ/con. Hay “nông trại thẳng đứng” (sử dụng theo chiều cao không gian) trồng rau trong nhà được coi thuộc loại “khủng” nhất thế giới chỉ với diện tích khoảng 5.000m2, nhưng đưa ra thị trường trung bình 10.000 cây rau Diếp mỗi ngày.