Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa (phần 1)

Ngày phát hành: 19/05/2021 Lượt xem 2817

                          

 

 

 

Cách tiếp cận:

- Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả và bền vững phải xây dựng thể chế đồng bộ gắn kết hữu cơ giữa kinh tế hộ nông dân, các loại hình HTX, hệ thống các doanh nghiệp, với khoa học - công nghệ và với thị trường, phù hợp với điều kiện cụ thể.

- Quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại gắn hữu cơ với quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, phi nông nghiệp hóa, với quá trình hội nhập quốc tế.

- Vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại là quá trình khách quan, gắn liền với sự vận động, phân hóa và phát triển của lực lượng đông đảo mang tính chất đơn vị cơ bản - nền tảng là kinh tế hộ nông dân (KTHND), với sự phát triển của các HTX, doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

- Vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất là một quá trình lâu dài, không thể chỉ xem xét đơn thuần từ giác độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mà chứa đựng tổng hợp những nhân tố chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, truyền thống, điều kiện tự nhiên, cần được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.

- Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại phải xác định rõ KTHND, các HTX, các DN và các chủ thể liên quan khác có vị trí và vai trò như thế nào trong các chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị gia tăng; Lợi ích của người nông dân ở đâu và được đảm bảo như thế nào trong quá trình phát triển này, gắn với sự pát triển của hệ thống HTX và các loại doanh nghiệp.  

 

I. Kinh tế hộ nông dân và vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa

Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn liên quan trực tiếp trước hết đến sự phát triển của kinh tế hộ nông dân. Kinh tế hộ nông dân (trên thế giới thường gọi dưới cái tên phổ biến nhất là Nông trại) tồn tại, vận động và phát triển với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau: từ tự nhiên - tự cung tự cấp với trình độ còn hết sức thô sơ, đến sản xuất hàng hoá lớn với trang bị kỹ thuật hiện đại. Sự tồn tại khách quan, phổ biến của KTHND dưới các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, trình độ phát triển khác nhau bị quy định bởi những quy luật nội tại, đặc thù riêng có của sản xuất nông nghiệp, trước hết là về phương diện sinh học, đối với đất đai và các tư liệu sản xuất khác.

Trong bước chuyển sang nền nông nghiệp hàng hoá, khi KTHND càng tham gia sâu hơn vào các quan hệ thị trường thì các yếu tố sản xuất (và cũng là các đối tượng sở hữu) sẽ vận động theo hướng thoát khỏi trạng thái khép kín, đi vào liên kết, hợp tác, tích tụ… để sử dụng có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, gắn trực tiếp với ruộng đất và với quá trình sản xuất sinh học vẫn phải chủ yếu là hộ nông dân (người làm nghề nông) thực sự làm chủ các quá trình này. Điều này lý giải vì sao trên thế giới, ngay cả ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, thì chủ thể chủ yếu - cơ bản nhất vẫn là hệ thống các hộ nông dân - hộ nông dân hiện đại, trong sự liên kết chặt chẽ với các HTX, Doanh nghiệp và thị trường.

 

1- Những hình thái vận động của kinh tế hộ nông dân và ruộng đất

KTHND tồn tại, vận động và phát triển dựa trên 4 “chân đế” chủ yếu: đất đai - vốn - lao động - công cụ lao động (ở trình độ cao hơn còn có khoa học - công nghệ đóng vai trò then chốt) quy định trạng thái và trình độ của kinh tế hộ nông dân. Sự vận động của KTHND trong kinh tế thị trường cũng bị quy định bởi sự vận động của các yếu tố cơ bản đó dưới tác động của cơ chế thị trường.

Trong kinh tế thị trường, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, sự vận động của quan hệ ruộng đất là một trong các yếu tố chủ đạo quy định sự vận động của KTHND. Sự vận động của quan hệ ruộng đất trong kinh tế thị trường được biểu hiện chủ yếu dưới hai giác độ: ruộng đất được sử dụng như một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất nông sản hàng hóa; và bản thân ruộng đất trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Sử dụng ruộng đất theo phương thức nào, hộ nông dân gắn bó với ruộng đất tới mức độ nào, hay quyết định chuyển nhượng ruộng đất sang làm ngành nghề khác… phụ thuộc vào ruộng đất có vai trò như thế nào trong việc tạo lập và phát triển của KTHND.

Sự khác biệt về trình độ kinh tế hộ nông dân, về thực chất và chủ yếu là sự khác biệt về trình độ canh tác, sử dụng ruộng đất. Xét theo trình độ sản xuất hàng hoá, về phương diện tổng quát, có thể chia làm ba kiểu vận động gắn với ba loại hộ nông dân:

- Vận động của kinh tế hộ trong khuôn khổ của kinh tế tự cung tự cấp.

- Vận động của kinh tế hộ với trình độ sản xuất hàng hoá hóa nhỏ

- Vận động của kinh tế hộ đi vào sản xuất hàng hóa lớn.

Gắn với ba trình độ này là ba hình thức và quy mô sử dụng vốn, lao động và ruộng đất khác nhau. Ruộng đất được sử dụng như là điều kiện sản xuất sinh tồn, tự cung tự cấp, hay được sử dụng như một đầu vào của sản xuất hàng hoá, đi vào sản xuất hàng hóa phụ thuộc vào quy mô và trình độ canh tác, vào thị trường. Trong đó nổi lên ba trạng thái sử dụng ruộng đất chủ yếu cần lưu ý là:

+ Ruộng đất có ý nghĩa sống còn đối với việc đảm bảo lương thực cho mỗi hộ (theo nghĩa tự cung tự cấp) nhất là đối với những vùng ít đất canh tác, sự lưu thông hàng hóa nói chung và lương thực nói riêng với các vùng khác còn rất hạn chế. Đây là đặc trưng của nhiều vùng núi cao, ít đất canh tác nông nghiệp.

+ Vai trò của ruộng đất giảm xuống một cách tương đối khi các hộ phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, thực hiện kinh doanh tổng hợp, tỷ trọng của phần thu từ nông nghiệp giảm dần trong cơ cấu thu nhập của kinh tế hộ; hoặc quy mô canh tác của hộ quá nhỏ đề đi vào sản xuất nông sản hàng hóa có hiệu quả.

+ Ruộng đất có ý nghĩa quan trọng đối với những hộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chiếm tỷ trọng cao. Song để có hiệu quả cao, các hộ này sẽ từng bước tích lũy ruộng đất với quy mô thích hợp gắn với nâng cao trình độ sản xuất loại hàng hóa đó.

Trong nông nghiệp hàng hóa, sự vận động của đất đai đã mang một bản chất mới: sự vận động của nó gắn giá trị với lợi nhuận thu được từ kinh doanh nông nghiệp.

 

2- Quá trình phát triển và phân hóa kinh tế hộ nông dân gắn với sự vận động của quan hệ ruộng đất trong kinh tế thị trường

Quá trình phân hóa kinh tế hộ nông dân trong kinh tế thị trường, bán ruộng đất hay mua thêm ruộng đất để canh tác diễn ra trên cơ sở hiệu quả sản xuất nông sản hàng hóa, không phải là hậu quả của quá trình tước đoạt hay bóc lột. Quá trình này vận động liên tục làm cho quy mô canh tác trung bình của một hộ sẽ tăng dần lên (nếu tốc độ tăng dân số giữ được ở mức hợp lý), đồng thời số hộ làm nông nghiệp giảm xuống. Đương nhiên quá trình này diễn ra chỉ thực sự có hiệu quả khi nó gắn với quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa.

Quá trình vận động của KTHND gắn với sự vận động của ruộng đất theo những quy luật kinh tế không diễn ra trong một vài năm như một số người suy nghĩ. Nhịp độ vận động của nó phụ thuộc có tính quyết định vào tốc độ phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhất là quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ, thu hút lao động ra khỏi nông nghiệp. Chúng ta có thể thấy điều này thông qua thực tế phát triển nông nghiệp ở Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan…Ví dụ Đài Loan, một trong “năm con rồng” châu Á, có chính sách ruộng đất khá hợp lý, nhưng sự vận động quy mô ruộng đất bình quân của hộ nông dân từ năm 1955 đến năm 1992 liên tục giảm từ 1,19ha/hộ xuống 1,03ha/hộ (1970), rồi lên 1,12ha/hộ (1984), và đến năm 1992 mới lên được 1,2ha/hộ; trong khi số hộ nông dân liên tục tăng từ 679.750 hộ (1952) lên đỉnh điểm 880.274 hộ (1970), sau đó bắt đầu giảm, nhưng đến năm 1981 vẫn cao ở mức 821.564 hộ. Đài Loan phải mất gần 18 năm (1952 - 1970) mới chặn đứng được quá trình tăng số nông trại và giảm quy mô ruộng đất của nông trại. Từ năm 1970 trở đi là quá trình giảm số lượng nông trại và tăng quy mô ruộng đất trung bình của một nông trại, nhưng phải đến năm 1992 quy mô ruộng đất trung bình của một hộ 1.2ha mới cân bằng được so với mức 1.19ha (năm 1955). Ở các nước khác cũng diễn ra quá trình tương tự (Ở Nhật Bản, sau rất nhiều năm số lao động nông nghiệp giảm đi nay chỉ còn khoảng dưới 4,5%, nhưng quy mô ruộng đất bình quân cũng chỉ 1,6 ha/hộ, rất ít hộ có diện tích lớn; còn ở Thái Lan, diện tích ruộng đất bình quân khoảng 4-5 ha/hộ). Ở các nước có quy mô ruộng đất canh tác bình quân/hộ thấp thường thực hiện các chính sách khuyên khích các hộ nông dân tích tụ - tập trung ruống đất dưới các hình thức khác nhau, như liên kết ruộng đất với nhau trong các hợp tác xã thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có điều kiện đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ hiệu quả. Còn ở các nước có quy mô ruộng đất canh tác lớn (như ở Mỹ, bình quân ruộng đất canh tác của một hộ khoảng 150-200 ha, ở các nước Châu Âu - khoảng 50 ha) lại có các chính sách khuyến khích các hộ phát triển các nông trại hiện đại, liên kết với các hợp tác xã và hệ thống các doanh nghiệp liên quan.

Khi nền kinh tế phát triển cao, chuyển sang kinh tế công nghiệp và dịch vụ chiểm tỷ trọng chi phối, số đông dân cư và lao động chuyển sang sống và làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đối với số dân cư còn lại gắn với sản xuất nông nghiệp - coi nông nghiệp là nghề chính thì đa số trong số nông trại là sản xuất hàng hóa. Ruộng đất trở thành một yếu tố đầu vào của sản xuất hàng hóa, sự vận động của nó tuân theo những quy luật kinh tế đi đến những hình thức sử dụng có hiệu quả cao hơn, đến những chủ thể có năng lực và điều kiện sử dụng có hiệu quả hơn trong quá trình phân công lại lao động xã hội.

 

Đoàn cán bộ Hội đồng Lý luận TW tham quan cánh đồng cao sản xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

 

Ở nước ta, quá trình công nghiệp hóa, tốc độ đô thị hoá, phi nông nghiệp hoá mấy năm gần đây có khá hơn, song nhìn chung còn chậm Hiện nay, khu vực nông thôn vẫn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; trong khi nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 13.96% trong GDP.

Trong khi đó dân số nước ta vẫn tiếp tục tăng lên mỗi năm hơn một triệu người, số lượng hộ ở nông thôn và số hộ nông nghiệp vẫn lớn, cùng với quá trình lấy đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng…, gây sức ép đối với vấn đề ruộng đất canh tác nông nghiệp. Theo Tổng cục thống kê tổng số hộ ở nông thôn trong những năm gần đây vẫn đang tiếp tục tăng lên : Số hộ nông thôn cả nước tại thời điểm 1/7/2011 là 15,35 triệu hộ (riêng hộ nông lâm thủy sản là 10,36 triệu hộ, tăng 1,58 triệu hộ so với năm 2006; số hộ sử dụng đất nông nghiệp là 11,95 triệu, tăng 2,5% so với năm 2006. Theo điều tra của Tổng cục thống kê năm 2017, đến 1- 7 - 2016 cả nước có 15,99 triệu hộ nông thôn. So với năm 2011, số hộ nông thôn của cả 6 vùng KT-XH đều tăng. Ngay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nơi sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển cao nhất nước, trong mấy thập kỷ qua, số lượng hộ nông nghiệp - nông thôn tăng lên rất lớn (như tỉnh An Giang số hộ nông nghiệp - nông thôn tăng từ 256.313, năm 1991, lên 365.321, năm 2011; tại tỉnh Tiền giang, cùng thời kỳ này số lượng hộ nông nghiệp - nông thôn tăng từ 221.213 lên 384.318; ở các tỉnh khác nhìn chung xu thế cũng tương tự). Xét trên phạm vi cả nước, số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản những năm gần đây có xu hướng giảm, nhưng năm 2016 vẫn còn khoảng gần 10 triệu hộ.

Điều đó chứng tỏ tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, phi nông nghiệp hóa còn yếu, chưa đủ sức “quân bình” được với quá trình tăng dân số để tạo nên điểm "dừng" của quá trình giảm quy mô canh tác bình quân trên hộ, và giảm mạnh số hộ nông nghiệp. Theo điều tra của Tổng cục thông kê năm 2011, quy mô đất nông nghiệp bình quân hộ trên cả nước năm 2011 hầu như rất ít thay đổi so với năm 2006: quy mô canh tác dưới 0,5 ha, chiếm tới 69% số hộ (năm 2006 chiếm 68,8% số hộ); số hộ có quy mô canh tác dưới 0,2 ha chiếm 34,7% số hộ; số hộ có quy mô canh tác từ 2 ha trở lên chỉ có 740.000 hộ (tăng 8,1% so với năm 2006). Riêng số hộ trồng lúa năm 2011 là 9,3 triệu, chỉ giảm 0,13% so với năm 2006, diện tích canh tác bình quân chỉ 0,44 ha/hộ, không tăng so với năm 2006; số hộ có quy mô canh tác từ 0,2 ha trở xuống chiếm khoảng 50% số hộ, số hộ có quy mô canh tác dưới 0,5 ha chiếm 85% số hộ, số hộ có quy mô canh tác từ 1 ha trở lên chỉ chiếm 11,7% (trong đó số hộ có quy mô canh tác 1- 2 ha chiếm 4,4%, trên 2 ha chiếm 2,3%); riêng quy mô đất lúa bình quân ở Đồng bằng Sông Cửu long có cao hơn, nhưng số hộ có quy mô canh tác từ 2 ha trở lên cũng chỉ chiếm 13%. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới và vẫn tiếp tục giảm: chỉ 0,25 ha, trong khi bình quân trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Trong 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, có khoảng 80% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 1 ha; số hộ nông dân có qui mô ruộng đất trên 3 ha chỉ chiếm khoảng 5%. Trong những năm gần đây, quá trình dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh. Tính đến 01/7/2016, cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa, chiếm 25,6% tổng số xã. Nhờ dồn điền đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước đã tăng từ 1.619,7 m2 năm 2011 lên 1.843,1 m2 năm 2016. Năm 2016, số thửa bình quân một hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 2,5 thửa, giảm 0,3 thửa so với năm 2011. Dồn điền đổi thửa được tiến hành mạnh mẽ đối với đất trồng lúa nên số thửa bình quân một hộ trồng lứa tính chung cả nước năm 2016 chỉ còn 2,5 thửa, giảm 0,5 thửa/hộ so với năm 2011; diện tích bình quân một thửa đạt 1.401,5 m2, tăng 20,8%. Mô hình cánh đồng lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Mặc dù vậy, đất sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu ở dạng manh mún, nhỏ lẻ của từng hộ.

Đây là xu hướng tiêu cực. Nhìn chung quá trình tích tụ - tập chung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa còn rất chậm, đang bộc lộ nhiều hạn chế về sự phát triển của kinh tế hộ nông dân và sự vận động của quan hệ ruộng đất trong phát triển nông nghiệp hàng hóa ở các vùng.

Quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá trước hết phụ thuộc vào quy mô phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp bằng việc rút bớt lao động và hộ nông nghiệp sang các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, sang nhượng lại ruộng đất cho các hộ giỏi làm nông nghiệp (và do đó nâng cao thu nhập và hiệu quả sản xuất của chính các hộ làm nông nghiệp). Đó là dòng chủ đạo của sự vận động quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân, nhưng trên bình diện chung của cả nước đang diễn ra còn chậm và nhiều trở ngại.

Việt Nam hiện nay, trên bình diện chung, nếu xét bình quân diện tích ruộng đất trên một lao động nông nghiệp thì nông nghiệp đang ở giai đoạn thừa lao động thiếu đất canh tác (tuy rằng mức độ ở các vùng khác nhau, đối với các loại đất canh tác cũng khác nhau). Sản xuất lương thực cho gia đình của đa số hộ nông dân còn là vấn đề bức thiết, do đó sự vận động này mang tính đặc thù: đặc thù của thời kỳ quá độ từ nền nông nghiệp còn mang nặng tính tự nhiên, tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ sang nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại.

Khi chúng ta nhận thấy rõ bản chất kinh tế, xã hội của quá trình vận động của kinh tế hộ nông dân gắn với quan hệ ruộng đất trong cơ chế thị trường, gắn với quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta sẽ có được những chính sách, chế định pháp lý và giải pháp đủ hiệu lực để cho sự vận động và phát triển của kinh tế hộ nông dân, của ruộng đất theo hướng ngày càng có hiệu quả hơn, đồng thời ngăn chặn tối đa các hiện tượng tiêu cực về kinh tế - xã hội nảy sinh.

 

 

 

3- Sự tác động của quá trình phát triển nông nghiệp hàng hoá lên quan hệ ruộng đất.

Ruộng đất là một tư liệu sản xuất (TLSX) đặc biệt, về phương diện kinh tế, nó có thể là TLSX của nền kinh tế tự cung tự cấp, nó cũng có thể TLSX của nền kinh tế hàng hóa. Chính vì vậy, sự vận động của quan hệ ruộng đất trong cơ chế thị trường phụ thuộc một cách cơ bản vào ý nghĩa kinh tế của ruộng đất đối với kinh tế hộ nông dân và các chủ thể sử dụng ruộng đất.

Đối với những hộ nông dân đã thực sự đi vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá, mục tiêu lợi nhuận đã gắn với sản xuất hàng hoá, đã chi phối ngay từ đầu của quá trình định hướng sản xuất, sử dụng lao động, sử dụng vốn và sử dụng đất đai. Ở đây đất đai trở thành một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất hàng hoá, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của kinh tế hộ nông dân. Các hướng sử dụng và khai thác ruộng đất cũng vận động theo thị trường, trước hết là theo cung cầu và giá cả nông sản.

Do điều kiện và sự phát triển không đều của các vùng ở nước ta, nên mức độ giải phóng đất đai khỏi quan hệ kinh tế sinh tồn, sản xuất hàng hóa nhỏ và quy mô tham gia của quan hệ ruộng đất vào thị trường ở các vùng có khác nhau. Cần lưu ý rằng, trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, các yếu tố đất đai, tư liệu sản xuất khác, vốn, lao động, thị trường… mới chỉ là những điều kiện - dù là rất quan trọng đối với sản xuất hàng hóa, yếu tố quyết định nhất là năng lực sản xuất - kinh doanh hàng hoá của chủ hộ và các chủ thể sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chính sự khác biệt về năng lực sản xuất - kinh doanh hàng hoá của hộ nông dân và các chủ thể liên quan khác là một trong những yếu tố cơ bản nhất có tác động quyết định đến mức độ tích tụ - tập trung ruộng đất tham gia vào sản xuất hàng hoá; có những chủ thể phát triển hơn lên, tích tụ, mở rộng quy mô canh tác, lại có một số chủ thể không phát triển, thậm chí giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Sự thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất theo hướng sản xuất hàng hoá và nâng cao hiệu quả kinh tế là một chỉ số cơ bản của nền nông nghiệp hàng hoá, cũng như mức độ tham gia của quan hệ ruộng đất vào cơ chế trường.

Hai xu hướng sử dụng ruộng đất : Thực tiễn phát triển các nền nông nghiệp hiện đại trên thế giới (cũng như mới bắt đầu ở nước ta) cho thấy hai khuynh hướng sử dụng ruộng đất gắn với hai phương thức - mô hình - trình độ phát triển nền nông nghiệp là :

i). Phát triển nền nông nghiệp theo chiều rộng : gắn với xu hướng tăng quy mô ruộng đất canh tác ngày càng lớn của một hộ hay doanh nghiệp. Ở phương hướng này cũng có những giới hạn khách quan, đó là ruộng đất không thể tăng lên được nhiều, nhất là ở những nơi đất chật người đông, mất đất cho quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa; hơn nữa việc tăng quy mô canh tác vượt quá năng lực quản lý - quản trị và vượt quá trình độ kỹ thuật canh tác sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh. Đây là điều không phải khi nào cũng đảm bảo cho sự phát triển nền nông nghiệp bền vững, nhất là khi đi vào phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn.

ii). Phát triển nền nông nghiệp theo chiều sâu dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - tức là phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Trong mô hình này ruộng đất được sử dụng với các quy mô không lớn (thậm chí là nhỏ) - hợp lý - hiệu quả đối với từng lĩnh vực nông nghiệp và sản phẩm hàng hóa nông sản (thậm chí sử dụng rất ít đất, phát triển theo chiều cao không gian - trang trại đứng, canh tác không sử dụng đất...). Sự phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Nhật bản, của Itsrael và ở những nước khác là một điển hình cho phương hướng này.

Đối với Việt Nam, do điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội và trình độ phát triển của nền nông nghiệp rất khác nhau giữa các vùng, lại đang còn chủ yếu phát triển theo chiều rộng; đồng thời, trong giai đoạn tới phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao - chất lượng cao, thì việc đổi mới chính sách ruộng đất - chính sách sử dụng và tích tụ ruộng đất để kết hợp có hiệu quả hai khuynh hướng sử dụng ruộng đất trên phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong từng giai đoạn là vấn đề quan trọng. Về cơ bản và yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại không nên khuyến khích tích tụ ruộng đất lớn thái quá cho các chủ thể phát triển nền nông nghiệp theo chiều rộng

(còn tiếp)

 

                       PGS.TS Trần Quốc Toản                      

                                             Ủy viên Hội đống Lý luận Trung ương

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết