Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Học Bác, học từ những điều bình dị nhất

Ngày phát hành: 12/05/2021 Lượt xem 1740


 

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung, biện pháp, song điều quan trọng và thiết thân hàng ngày chính là học Bác lối sống bình dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng Nhân dân.

Vì sao lại đặt vấn đề cần phải sống bình dị? Câu trả lời bắt đầu từ cơ sở hình thành và phát triển của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, từ lịch sử dựng nước, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, quê hương xứ sở.

Đất nước Việt Nam có đặc điểm địa hình, khí hậu tài nguyên thiên nhiên vừa ưu đãi, vừa khắc nghiệt. Khí hậu nhiệt đới, gió mùa và một môi trường sinh thái phong phú, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Nhưng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng thử thách con người ghê gớm. Trong quá trình ông cha ta trụ lại, khai phá mảnh đất này, đã phải đấu tranh với thiên nhiên. Sống bình dị, đó là lối sống tự bao đời của người dân trên mọi miền đất nước. Cốt cách đó định hình từ nền văn hóa truyền thống làng xã, ruộng vườn với tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm”, “thương nhau chia củ sắn lùi”, sự mộc mạc chân phương “canh rau muống, cà dầm tương”…. Điều đó, làm cho sự cố kết cộng đồng, sự gắn bó giữa các thành viên lại với nhau trở thành yêu cầu tự nhiên, tất yếu để tồn tại và phát triển. Tất cả những thành tựu trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước đều thắm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ. Từ đó, mọi người Việt Nam đều nặng tình, nặng nghĩa với quê hương. Đó là cơ sở vững chắc của tình yêu đất nước.

Người cán bộ, đảng viên sinh ra, lớn lên dù ở thôn quê hay thành thị đều mang cốt cách từ ông bà, cha mẹ hoặc ảnh hưởng của cốt cách đó, khi đồng bào “chân lấm tay bùn, một nắng hai sương”, lẽ nào người cán bộ, đảng viên lại mang lối sống xa hoa, nhung lụa, phè phỡn, phung phí? Có thấu hiểu cốt cách này thì người cán bộ, đảng viên mới có thể điều chỉnh để sống sao cho đúng, cho xứng và để được đồng bào tin yêu. Hòa đồng với quần chúng thì trước hết, phải hòa mình với đời sống người dân, với phong tục, văn hóa bản địa, từ bữa ăn, lời nói đến cách ứng xử, việc làm.

Không chỉ Việt Nam, các dân tộc trên thế giới đều có một nguyên tắc định hình: sống càng bình dị, càng gần gũi, càng được dân tin, dân yêu thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên mới thực sự có hiệu quả. Cũng chỉ có thể sống bình dị, sống hòa mình vào quần chúng, người đảng viên mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con. Thấu hiểu để điều tiết hành vi ứng xử của mình. Giá trị của nền độc lập, tự do ngày nay là kết quả của bao xương máu các thế hệ đi trước, nếu ai không biết quý trọng giá trị đó là vô ơn, phụ lại thành quả cha ông để lại.

 

 

Sinh thời, Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân… làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm… Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Với Bác Hồ, khiêm tốn và giản dị là một trong những đức tính đặc sắc nhất. Trong cuốn sách “Vĩ đại một con người”, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ rất sôi nổi, long trời lở đất đến như vậy, tiếng thơm lan tỏa khắp năm châu bốn bể, trong Đảng và Chính phủ (nhà nước và đoàn thể) Việt Nam. Cụ Hồ là người lãnh đạo tối cao được kính mến như vậy, nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính khiêm tốn, giản dị của Cụ được ca tụng hết lời, cũng như đức quên mình vì mọi người”.

Năm 1948, từ chiến khu Việt Bắc, Bác gửi thư chúc thọ cụ Phùng Lục, phụ lão cứu quốc huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Thư viết:

“Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn mạnh khỏe…”. Thời điểm đó, vị Chủ tịch nước 58 tuổi gửi thư cho một bậc thượng thọ, tự xưng mình là cháu, quả là một việc làm hiếm hoi.

Cũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1950, Bác đi chiến dịch biên giới. Anh em cảnh vệ kiếm được con ngựa mời Bác cưỡi. Bác nói: “Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện”.

Anh em khẩn khoản mãi, Bác không nỡ từ chối, Bác trả lời:

- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.

Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Bác đứng giữa trời nắng nói chuyện với nhân dân, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô định giương lên che cho Bác, Bác quay lại hỏi:

- Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu.

Có lẽ những mẩu chuyện như thế còn nhiều lắm, từ bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su, ngôi nhà sàn đơn sơ Bác ở. Quả thực, nếu chỉ nhìn nhận những vật dụng thông thường Bác sử dụng thì không có gì đáng nói, nhưng đằng sau những thứ ấy lại là một nếp sống thanh cao, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.

Bác Hồ thường nói rằng: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”.

Bác đến với các chiến sĩ trên mặt trận, cùng chiến sĩ hành quân; thăm chỗ ở, nhà bếp, công trình vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng, làm thủy lợi; thăm cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; viết thư thăm hỏi người già, trẻ em… Bác chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều này được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm của Người, có sức cảm hóa to lớn. Nhà thơ Hải Như đã đúc kết một cách sâu sắc trong bài thơ ngắn gọn: “Người sau không bị khuất”

                                           Bác Hồ đứng

                                           Người sau không bị khuất

                                           Ta đứng (thường quên)

                                           Che lấp…

                                           Bạn mình!

Những ai đã từng sống ở thời kỳ đời sống còn khó khăn thì mới thấy hết được giá trị của việc làm của Bác. Và ở thời kỳ đời sống khá giả thì đó là việc Bác sống cho dân, vì dân và phục vụ dân, sống cho đời chứ không phải cho riêng mình. Đó chính là mẫu hình người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động tiêu cực, chúng ta không thể cứ đổ lỗi hết cho khách quan, cho cơ chế thị trường rồi chỉ biết than phiền. Bác Hồ chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Bởi vậy, việc học, làm theo Bác, học lối sống bình dị, trọng dân, vì dân của Bác là hết sức cần thiết đối với mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên./.

 

Khuất Minh Phương

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết