Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Bầu cử Quốc hội khóa XV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết:" Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam", với nội dung chính là tập trung trả lới 4 câu hỏi lớn: CNXH là gì ? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì ? Bài viết càng có ý nghĩa hơn, khi năm nay kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước và Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội XIII, tiếp tục cụ thể hóa con đường đi lên CNXH, chuẩn bị cho 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập Nước năm 2045.
Các vấn đề trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là cơ sở để hình thành lý luận của Việt Nam về CNXH. Bài viết tạo được sự quan tâm lớn của người đọc không chỉ ở cách tiếp cận từng nội dung, sự nhuần nhuyễn trong lập luận, lý giải vấn đề không mới, nhưng cô đọng, hàm chứa ở đó những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam kết hợp với tinh hoa, tiến bộ mới của nhân loại, do vậy mang tính thuyết phục cao. Có nhiều luận điểm quan trọng được Tổng Bí thư đề cập, ở đó phải kể đến vấn đề "gắn kinh tế với xã hội" được phân tích khi bàn về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khái quát từ tám đặc trưng cơ bản về xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng được nêu trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011), để khẳng định: " Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới"[1].
Sau khi nhắc lại nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Viêt Nam đã được tổng kết, đề cập trong các văn kiện quan trọng của Đảng, từ thực tiễn Việt Nam, Tổng Bí thư khẳng định: " Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường"[2]. Rằng đó không phải là nền kinh tế thị trường TBCN và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ. Đây là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Kinh tế thị trường là một thành quả phát triển, giá trị tinh hoa của nhân loại, có nhiều cấp độ, mô hình khác nhau, tuy đã phát triển cao dưới CNTB, nhưng do bản chất chế độ, cấu trúc xã hội và cơ chế vận hành…, cho nên ở đó, mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển và đã có điều chỉnh thích nghi, nhưng nhiều vấn đề lớn, căn bản để đi tới một xã hội văn minh, tiến bộ vẫn không giải quyết được. Các vấn đề về khủng hoảng chu kỳ, phân hóa xã hội sâu sắc thậm trí dẫn đến xung đột xã hội ngay ở những nước tư bản phát triển.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có nhiều thuộc tính, trong đó một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng "Là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển"[3]. Đây là luận điểm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, trở thành chủ trương, đường lối và cụ thể hóa thành chính sách qua các giai đoạn phát triển ở Việt Nam. Quan điểm này thực sự nhất quán với chủ trương lấy con người làm trung tâm, mọi thành quả phát triển của đất nước cũng là vì còn người, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó được thực hiện ngay từ buổi đầu cách mạng, trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc và từ khi đất nước độc lập, thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới đến nay. Chúng ta nhất quán thực hiện kể cả những lúc "khó khăn nhất, ngàn cân treo sợi tóc" trong chiến tranh và cho đến ngày nay: " Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Rõ ràng rằng, đó là thực tiễn Việt Nam, lý luận của Việt Nam.
Quan điểm trên cho thấy, chúng ta không chờ đến khi kinh tế phát triển ở trình độ cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngày từ đầu, trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Tất nhiên, sự gắn kết này phải đảm bảo tính thống nhất hữu cơ, có sở khoa học, không khiên cưỡng và mâu thuẫn, theo đó mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội phải tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; vừa thúc đẩy giải phóng sức sản xuất xã hội, khuyến khích làm giầu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng là điều lý giải vì sao Việt Nam, từ một điểm xuất phát thấp, bị chiến tranh tàn phá, trong bối cảnh thế giới với nhiều biến động phúc tạp, khó lường vẫn vững vàng, giữ vững ổn định, từng bước thực hiện phát triển nhanh và bền vững, đạt và về trước nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.
Trong suốt 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Quy mô kinh tế đứng thứ tư trong ASEAN, năm 2020 đạt 342,7 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3512 USD. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 62 tuổi năm 1990 lên73,7 tuổi năm 2020. Năm 2000 cơ bản hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2010 phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Chăm sóc sức khỏe, y tế cho người dân luôn được quan tâm, đại dịch Covid hiện nay, Việt Nam luôn được thế giới đánh giá cao về các biện pháp bảo vệ người dân, chống dịch có hiệu quả. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo. Bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy…
Rõ ràng rằng, thực tiễn thế giới hơn một thế kỷ qua và bối cảnh trong nước hiện nay, đặc biệt là sau biến cố về sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông âu và Liên xô trước đây, càng làm cho bài viết của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút được sự quan tâm lớn của độc giả trong và ngoài nước. Đành rằng một bài viết, không thể bao quát hết những vấn đề lý luận về CNXH nhìn từ thực tiễn của Việt Nam, nhưng cần khẳng định, đây là một công trình khoa học rất quan trọng, thể hiện tầm tư duy lý luận cao, sắc bén, mang tính tổng kết thực tiễn sâu sắc, gợi mở ra nhiều vấn đề lý luận cần được đi sâu, làm rõ thể hiện tính độc đáo, sáng tạo của Việt Nam. Những vấn đề lý luận này, còn có ý nghĩa trực tiếp góp phần tiếp tục định hình và định hướng con đường đi lên CNXH phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của Việt Nam, thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong các giai đoạn tiếp theo./.
PGS.TS Phạm Văn Linh
Phó Chủ tịch HĐLLTƯ
[1] GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam