Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Giá trị hiện thực trong quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ ở một số quốc gia châu Âu hiện nay

Ngày phát hành: 28/11/2020 Lượt xem 2762

 

1. Quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ:

Một trong những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen về lý luận là tư tưởng về nguồn gốc nhà nước, bản chất dân chủ, về tiếp cận dân chủ từ góc độ một hình thức nhà nước. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhiệm vụ của cách mạng vô sản là sau khi dành được chính quyền, phải biết sử dụng có hiệu quả quyền lực nhà nước để xây dựng một thiết chế kinh tế, chính trị - xã hội mới, ở đó nhân dân lao động từng bước trở thành người chủ của xã hội, đó là chủ thể tối cao, duy nhất của mọi quyền lực. Mác và Ăngghen khẳng định: Giai cấp vô sản sau khi giảnh được chính quyền cần: “Tạo ra một chế độ dân chủ và nhờ đó mà trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền lực thống trị chính trị của giai cấp vô sản”.(1)

Theo Ăngghen, bản chất của dân chủ với tính chất là một chế độ nhà nước, trong đó nhân dân giữ vai trò trung tâm; nhân dân là cơ sở quyết định, là lý do tồn tại của chế độ nhà nước dân chủ, chế độ dân chủ là chế độ nhà nước của nhân dân.

Ăngghen đánh giá cao sự phát triển của dân chủ từ thấp đến cao, từ dân chủ chủ nô đến dân chủ tư sản, sau này đến dân chủ vô sản (Dân chủ xã hội chủ nghĩa). Mặc dù đánh giá cao những giá trị dân chủ đạt được trong chủ nghĩa tư bản đương thời, đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Ph.Ăngghen cũng khẳng định những mặt trái, hạn chế của dân chủ tư sản. Ph.Ăngghen viết: “Chế độ dân chủ, giống như bất kỳ chính thể nào khác, rốt cuộc cũng là sự mâu thuẫn ở ngay trong bản thân, cũng là sự dối trá, chẳng qua cũng chỉ là sự giả dối…Tự do chính trị là tự do giả, là chế độ nô lệ tồi tệ nhất; nó chỉ là vẻ bề ngoài của tự do, và vì thế, nó là chế độ nô lệ. Bình đẳng chính trị cũng như vậy, vì thế chế độ dân chủ cũng như bất kỳ hình thức quản lý nào khác, cuối cùng phải tan rã; sự giả dối không thể tồn tại lâu dài, mâu thuẫn che đậy ở trong đó tất yếu sẽ bộc lộ ra; hoặc là chế độ nô lệ thực sự tức là chế độ chuyên chế không che đậy; hoặc là tự do thực sự và bình đẳng thực sự tức là chủ nghĩa cộng sản”(2).

Như vậy, việc phân tích của Ăngghen về tính chất tạm thời, tính chất nhất định sẽ bị vượt qua của dân chủ tư sản đã dẫn đến tư tưởng về tính tất yếu của cách mạng vô sản như là một bước mà xã hội loài người nhất định phải trải qua để đi đến một xã hội dân chủ thực sự. Theo Ph.Ăngghen, bản chất giai cấp của dân chủ tư sản là dân chủ đối với thiểu số bóc lột và chuyên chính đối với đa số nhân dân lao động, đó là dân chủ giả dối của bản chất nô lệ, dân chủ thực sự, tự do bình đẳng thực sự chỉ có thể đạt được dưới chủ nghĩa cộng sản. Ph.Ăngghen cho rằng, xã hội xã hội chủ nghĩa – Cộng sản chủ nghĩa sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện trên thực tế nguyên tắc: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(3).

Theo Ph.Ăngghen trong giai đoạn thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp vô sản phải trở thành giai cấp thống trị, phải “giành lấy dân chủ”. Người khẳng định chỉ có giành được chính quyền nhà nước, giai cấp vô sản mới xây dựng và phát huy được nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử là đưa nhân dân, trước hết là nhân dân lao động trở thành người chủ của xã hội, là chủ thể tối cao và duy nhất của mọi quyền lực.

          Trong tư tưởng của Ph.Ăngghen về dân chủ, sự tham gia chính trị của nhân dân là yếu tố cốt lõi, quyết định đối với vai trò làm chủ của nhân dân trong chế độ nhà nước dân chủ. Do đó “Chế độ nhà nước, một khi không còn là biểu hiện thật sự ý chí của nhân dân nữa thì trở thành một cái hữu danh vô thực”.(4)

Dựa trên lý luận về hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa duy vật lịch sử, coi sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên, Ph.Ăngghen giải thích, dân chủ dựa trên quy luật vận động phát triển của xã hội loài người, trong đó kinh tế là một yếu tố quan trọng. Dân chủ luôn gắn liền với sự phát triển của lịch sử loài người, nó là sản phẩm phản ánh các mối quan hệ của con người mà quan trọng nhất là quan hệ về kinh tế.

          Ph.Ăngghen cho rằng, nền dân chủ tư sản chỉ là nền dân chủ giành cho thiểu số bóc lột, tức là giai cấp tư sản dựa trên sự tước đoạt tự do của công nhân và nhân dân lao động. Với những tên gọi, chiêu bài như: “Nhà nước phúc lợi chung”, “nhà nước tự do”, “sản phẩm lao động toàn vẹn”…đã che đậy bản chất bóc lột của giai cấp tư sản, nhằm biện hộ cho giai cấp tư sản, những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa tính chất xã hội hóa của sản xuất và quan hệ tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn này làm cho các cuộc khủng hoảng về kinh tế xã hội của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc. Một nền dân chủ chân chính phải là nền dân chủ của đa số nhân dân lao động, do đa số nhân dân lao động làm chủ quyền lực trong xã hội. Xã hội mới ấy là xã hội cộng sản chủ nghĩa, đúng như C. Mác và Ph.Ăngghen viết trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845): “Trong khuôn khổ của xã hội cộng sản chủ nghĩa, cái xã hội duy nhất mà trong đó sự phát triển độc đáo và tự do của các cá nhân không còn là lời nói suông – Sự phát triển ấy chính là do mối liên hệ giữa những cá nhân quyết định, mối liên hệ được biểu hiện một phần trong những tiền đề kinh tế, một phần trong sự cố kết tất yếu của sự phát triển tự do của mọi người, và cuối cùng trong tính chất phổ biến của hoạt động của các cá nhân, trên cơ sở lực lượng sản xuất hiện có”(5). Xã hội ấy chính là: “Một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” như C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong tuyên ngôn Đảng cộng sản năm 1848. (6) Nghiên cứu tư tưởng của Ph.Ăngghen về dân chủ, có thể thấy vấn đề cốt lõi trung tâm là tự do và coi trọng quyền lực của nhân dân. Điều ấy cũng chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả khi hướng dân chủ tới mục đích tự do, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân.

Ph.Ăngghen đã phân tích sự xuất hiện của nhà nước, đó là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, về bản chất nhà nước là quyền lực chính trị của giai cấp thống trị về mặt kinh tế nhằm duy trì trật tự xã hội hiện hành, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, trấn áp sự phản kháng của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Điều này theo quy luật lịch sử, giai cấp nắm chính quyền nhà nước phải là giai cấp thống trị về mặt kinh tế, do đó cũng là giai cấp được xã hội thừa nhận là đại biểu chung của xã hội. Trong thời cổ đại, đó là giai cấp chủ nô, thời trung cổ là giai cấp quý tộc phong kiến; trong chủ nghĩa tư bản đó là giai cấp tư sản và ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là giai cấp vô sản. Lịch sử cho thấy, giai cấp nắm chính quyền nhà nước thực hiện sự thống trị chính trị dưới các hình thức nhà nước khác nhau. Mỗi kiểu nhà nước tồn tại dưới hình thức nào tùy thuộc những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa trong và ngoài nước, tùy thuộc vào tương quan so sánh lực lượng của các giai cấp trong xã hội. Do vậy, nền dân chủ ở các xã hội có chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cũng có bước tiến lớn từ chế độ nô lệ đến chế độ phong kiến và nhất là dưới chủ nghĩa tư bản.

          Dưới chủ nghĩa tư bản, hình thức nhà nước phổ biến là chế độ cộng hòa dân chủ tư sản (Cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện, cộng hòa hỗn hợp). Nhà nước tồn tại dưới hình thức này thừa nhận quyền dân chủ của mọi công dân, tuyên bố quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân cũng như V.I.Lênin đã nhận xét: Chế độ cộng hòa tư sản “Xét về phương diện phát triển của xã hội trên toàn thế giới, đều là một bước tiến rất lớn”.(7) Song, khi nhà nước còn tồn tại trên cơ sở chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thì quyền lợi thực sự vẫn thuộc về giai cấp tư sản. Do vậy, vạch trần bản chất dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản, Ph.Ăngghen khẳng định: “Người ta tưởng tượng là đã tiến được một bước táo bạo phi thường, nếu họ tự giải thoát khỏi lòng tôn sùng chế độ quân chủ và trở thành những người theo chế độ cộng hòa dân chủ. Nhưng thực ra, nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác; điều đó, trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ”. (8)

2. Giá trị hiện thực trong quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ ở một số quốc gia châu Âu hiện nay:

          Tư tưởng của Ph.Ăngghen về dân chủ được thực tiễn lịch sử ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản và thực tiễn ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, được chứng minh là đúng đắn, khoa học. 

         Trong khi chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào tình trạng thoái trào thì chủ nghĩa tư bản hiện đại chuyển sang thời kỳ chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa. Hiện nay chủ nghĩa tư bản đang nắm ưu thế về sở hữu vốn, khoa học công nghệ và thống trị phần lớn thế giới, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão. Dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tạo tiền đề mới cho chủ nghĩa xã hội ra đời, thay thế cho chủ nghĩa tư bản; tuy vậy, chủ nghĩa tư bản còn nhiều tiềm năng phát triển. Nền dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản cũng có bước phát triển mới mặc dù còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn gay gắt.

Trong thời gian qua, thế giới chứng kiến mô hình Bắc Âu-mô hình về xã hội dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa Bắc Âu, chứa đựng những giá trị tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền, những giá trị phúc lợi phục vụ cho người dân. Mô hình này khá thành công cả về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh.

Ở các nước Bắc Âu, nhằm xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và bình đẳng hơn, người dân có khả năng tham gia vào chính trị ngày càng tích cực hơn, người dân được biết tương đối đầy đủ về chính quyền, chính phủ đang và sẽ làm gì. Những sáng kiến chính trị của người dân được lắng nghe, tôn trọng và có cơ chế hiện thực để trình bày, thẩm định và nếu khả thi thì được pháp luật có cơ chế để hiện thực hóa. Quyền của người dân được tham gia vào các hoạt động kinh tế và thụ hưởng thành quả của nền kinh tế xã hội, ngoài cơ chế phân phối theo lao động, phúc lợi xã hội được quan tâm hơn.

Các nước Bắc Âu có nền kinh tế thị trường khá phát triển, năng động và được điều tiết vì những lợi ích xã hội. Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội cũng có bước tiến đáng kể, trong khi ở các nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do và các nước xây dựng nền kinh tế thị trường gặp khó khăn, tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng, thì ở mô hình Bắc Âu, sự phân hóa giàu nghèo thấp hơn nhiều. Quốc gia phúc lợi với chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội là công cụ điều tiết quan trọng nhất để đạt tới bình đẳng xã hội. Chính quyền chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ phúc lợi của các công dân. Trách nhiệm chính quyền ở đây mang tính toàn diện, khá chu đáo cho tất cả, đều do một “mạng lưới an sinh xã hội” đảm bảo. Các nước này trong nhiều năm qua, về mọi tiêu chí tích cực luôn nằm ở tốp đầu của thế giới. Riêng trong năm 2016-2017 và hiện nay, Phần Lan, Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch được coi là những quốc gia phát triển thành công, bền vững nhất thế giới. Đây là những quốc gia có độ ổn định cao về chính trị, có khả năng cạnh tranh về kinh tế, phúc lợi xã hội cao (Giáo dục, y tế, an sinh…) và đạt được chỉ số hạnh phúc rất cao.

Mô hình quốc gia phúc lợi Bắc Âu đề cao tính hiệu quả, hiệu lực, công bằng xã hội, bền vững. Phát triển xã hội, phát triển con người là mục đích cao nhất trong quá trình phát triển. Các nước Bắc Âu cho rằng, muốn có nguồn lực để thực hiện phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của con người, thì cần phải có nhiều của cải vật chất, muốn vậy thì cần phải phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ bền vững dựa trên thị trường cởi mở hiệu quả. Kinh tế thị trường xã hội của các nước Bắc Âu được xem là một trong những mô hình phát triển khá phù hợp hiện nay. Nền kinh tế thị trường xã hội là một nền kinh tế thị trường kết hợp tự do cá nhân, năng lực hoạt động kinh tế với điều tiết của chính phủ vì tiến bộ và công bằng xã hội.

Mô hình Bắc Âu theo đuổi các mục tiêu: Đảm bảo và nâng cao tự do về vật chất cho mọi công dân bằng cách bảo đảm cơ hội kinh doanh và hỗ trợ cho các cá nhân tham gia bằng một hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây là nền kinh tế thị trường kích thích mạnh mẽ sáng kiến cá nhân và lợi ích toàn xã hội đồng thời từng bước phòng tránh các khuyết tật của thị trường chống lạm phát, giảm thất nghiệp và những bất trắc khác qua hệ thống bảo hiểm đa dạng, đa diện. Các quyết định kinh tế, chính trị của chính quyền được hoạch định trên cơ sở quan tâm đến nhu cầu cá nhân và hài hòa nó với lợi ích cộng đồng. Thực hiện công bằng xã hội cả trong khởi nghiệp và trong phân phối đã giúp cho ổn định bên trong của xã hội, điều này góp phần khắc phục những khuyết tật cố hữu của nền kinh tế thị trường như cạnh tranh khiến cho phân tầng, phân cực xã hội sâu sắc, theo đuổi lợi ích cá nhân trên cơ sở hy sinh lợi ích xã hội…

Chính phủ các nước Bắc Âu qua những khảo sát, đánh giá của Tổ chức Minh Bạch quốc tế trong thời gian qua đều được đánh giá cao các chỉ số về minh bạch, hạn chế tham nhũng, luôn đạt các thứ hạng cao trong các xếp hạng về chính phủ minh bạch, lòng tin của xã hội và có mức tín nhiệm với các thể chế chính trị hiện hành. Ở các nước này, để phát triển dân chủ hướng tới xây dựng đồng thuận và lòng tin xã hội, chính điều này cũng tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Niềm tin xã hội của công dân đối với chính phủ Bắc Âu giúp cho xã hội vừa năng động trong kinh tế thị trường lại vừa cân bằng hài hòa trong một quốc gia phúc lợi. Rõ ràng, đạt được công bằng trên thực tế và lòng tin của xã hội vào chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các nước Bắc Âu đã coi lòng tin xã hội là một thứ vốn trong kinh doanh, là chất keo gắn kết cả xã hội vào một khối mà nhân lõi là nền chính trị dân chủ.

Mô hình trên của các nước tư bản chủ nghĩa Bắc Âu cũng gây ra nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, đó là sự tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, đó là cách để kéo dài chủ nghĩa tư bản, là một cách để vượt qua chủ nghĩa tư bản, hoặc là một kiểu phủ định chủ nghĩa tư bản. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song nền dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa Bắc Âu hiện nay cũng tồn tại nhiều hạn chế, khiếm khuyết trong khuôn khổ của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều này được thể hiện rõ dưới tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, như cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008-2009, và nhất là sự tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhất là làn sóng thứ hai của đại dịch đã làm cho Châu Âu chao đảo. Những biện pháp phong tỏa cục bộ và toàn khu vực khiến cho kinh tế khu vực này vốn đã mỏng manh nay càng kiệt quệ thêm, kinh tế suy thoái, tình trạng thất nghiệp gia tăng, nền kinh tế của Liên minh Châu Âu EU giảm 11,8% dự báo trong năm 2020. Người dân tỏ ra bực bội và mệt mỏi trong bối cảnh giãn cách xã hội, mất việc làm và giảm thu nhập. Thực tế trên càng khẳng định tính đúng đắn quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản, nhất là khẳng định của các nhà kinh điển C.Mác – Ăngghen khi cho rằng: Điểm khác biệt căn bản giữa chế độ dân chủ với chế độ chuyên chế là “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì pháp luật, mà pháp luật tồn tại vì con người…Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”. (9)

Khủng hoảng khu vực Eurozone thời Covid-19 ngày càng trầm trọng. Nhiều chính phủ ở châu Âu hiện đang tăng cường các khoản chi tiêu để bù đắp vào những thiệt hại về kinh tế mà các biện pháp giãn cách xã hội gây ra. Điều này là cần thiết khi một nền kinh tế đang sụt giảm, các chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt đoạn, tuy nhiên, điều này lại làm gia tăng nợ công trong toàn khối và từng quốc gia. Theo dự báo của quỹ tiền tệ quốc tế, từ nay đến hết năm 2020, nợ công sẽ đạt mức trung bình 100% GDP tại khu vực Eurozone. Làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Âu hiện nay là hậu quả trực tiếp của cuộc đua mở cửa thị trường sau thời gian dài phong tỏa để phục hồi kinh tế. Đây là bài toán nan giải mà chính phủ các nước châu Âu cần giải quyết.

Thực tế cho thấy, trước những xu thế phát triển mới của thời đại, nhất là phong trào đấu tranh của nhân dân lao động và giai cấp công nhân, chủ nghĩa tư bản không những có những điều chỉnh về kinh tế mà cả kết hợp giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến vấn đề dân chủ. Mặt khác, ngay từ trong lòng xã hội tư bản cũng xuất hiện những nhân tố mầm mống của xã hội tương lai như công ty cổ phần, các hợp tác xã của những người lao động…

C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản ngay khi chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ đang phát triển. Bảo vệ và phát triển một cách sáng tạo học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen về nhà nước và dân chủ trong thời đại đế quốc và cách mạng vô sản, V.I.Lênin đã phê phán, vạch trần sai lầm của những quan điểm cơ hội chủ nghĩa về nhà nước và dân chủ của phái Becsxtanh và Cauxki. Những người này đã thần thánh hóa nền dân chủ tư sản, sùng bái chế độ đại nghị, tuyên truyền “dân chủ thuần túy”, đối lập một cách siêu hình dân chủ với chuyên chính vô sản. Về thực chất, họ phủ nhận việc giai cấp vô sản thống trị xã hội thông qua việc nắm chính quyền nhà nước, phủ nhận chuyên chính của giai cấp vô sản. V.I.Lênin đã khẳng định: “Chỉ những người đã hiểu rằng chuyên chính của một giai cấp là tất yếu không những cho mọi xã hội có giai cấp nói chung, không những cho giai cấp vô sản sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản, mà còn cho suốt cả thời kỳ lịch sử từ chế độ tư bản chủ nghĩa đến “xã hội không có giai cấp”, đến chế độ cộng sản chủ nghĩa, chỉ những người đó mới thấm nhuần được thực chất học thuyết của C.Mác về nhà nước”. (10)

          Nhà nước vô sản là nhà nước kiểu mới, về bản chất nó là chính quyền của nhân dân, là quyền lực của nhân dân. Do đó, quá trình tăng cường, củng cố quyền lực của nhà nước và sự phát triển mở rộng của dân chủ đối với nhân dân trong chủ nghĩa xã hội không những không đối lập mà còn thống nhất với nhau. Chính vì lẽ đó, dưới chủ nghĩa xã hội, từ thực tiễn của nước Nga Xô Viết, V.I.Lênin đã coi: “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn”, là một trong những nhiệm vụ cấu thành của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là một vấn đề có tính quy luật của sự phát triển và hoàn thiện nhà nước vô sản, để đảm bảo “dân chủ vô sản gấp triệu lần dân chủ tư sản” như V.I.Lênin đã khẳng định. (11)

3. Vận dụng quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ ở Việt Nam

          Đảng cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Ph.Ăngghen về dân chủ, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật đảm bảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là một hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

          Nhà nước tôn trọng và đảm bảo các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và Pháp luật quy định. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảm bảo để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân.

          Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”.(12)

          Để thực hiện mục tiêu trên, đại hội XII của Đảng cũng khẳng định: “Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết cần đảm bảo phát huy dân chủ trong Đảng, là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội”(13)

          Đảng và nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật kỷ cương. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung mối quan hệ thứ mười cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới là: Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn trên cơ sở vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về dân chủ, về mối quan hệ giữa dân chủ và chuyên chính. Điều này phù hợp với yêu cầu thực tiễn và lịch sử cụ thể của Việt Nam hiện nay.

          Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện khác về bản chất với nền dân chủ tư sản và các nền dân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử nhân loại. Đó là nền dân chủ tiến bộ, nhân văn, của tập thể nhân dân lao động, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được đảm bảo bằng hệ thống pháp luật, bằng hệ thống tổ chức nhà nước do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện cùng với quá trình mở rộng, làm phong phú thêm các yêu cầu đa dạng của nhân dân về quyền tự do, tự quyết và các điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người. Nền dân chủ ấy chính là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu chân chính của cách mạng, vừa giữ vai trò động lực, phát triển trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

          Nhằm tiếp tục hoàn thiện, phát triển nền dân chủ trong điều kiện mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm thứ hai sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: “Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”.(14)

          Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả các quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.(15)

 

PGS. TSKH Trần Nguyễn Tuyên

   Hội đồng Lý luận trung ương

 

Chú thích:

  1. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, trang 469-470.
  2. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, trang 723.
  3. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, trang 628.
  4. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, trang 394.

       5)  C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, trang 644.

       6)C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, trang 628.

       7) V.I.Lênin Toàn tập, NXB Tiến bộ, Maxcơva, năm 1976, tập 39, trang 94.

       8)  C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1995, tập 22, trang 290 - 291.

      (9) C. Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2002, trang 350.

     (10) V.I.Lênin Toàn tập, NXB Tiến bộ, Maxcơva 1977, tập 33, trang 43-44.

      (11) V.I.Lênin Toàn tập, NXB Tiến bộ M, 1977, tập 33, trang 97.

       (12) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, trang 169-170.

      (13) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, trang 170.

(14)+(15) Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trang 17, 50.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết