1. Điểm mới về nhận thức trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng về vai trò của khoa học - công nghệ là không chỉ nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, mà còn đề cao yêu cầu “đổi mới sáng tạo” như một định hướng trung tâm của phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng với đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc, với những nội dung mang tính sáng tạo ở tầm rất cao là trí tuệ nhân tạo, robots, internet vạn vật, kinh tế số…
Nêu rõ phải phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển (R&D); tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.
Đồng thời, lần đầu tiên, chính thức xác định phải xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng môi trường hoạt động khoa học - công nghệ dân chủ, công khai, minh bạch; khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, hành chính hoá trong hoạt động khoa học - công nghệ; tạo động lực nền tảng, quan trọng nhất cho phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
2. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đang đứng trước bối cảnh mới: Trên thế giới, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, sức mạnh mềm…, và được quy tụ thành cạnh tranh vị thế quốc gia, cạnh tranh năng lực tự chủ và phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng ẩn sâu bên trong các cuộc cạnh tranh chiến lược là cạnh tranh về sở hữu trí tuệ nhân tạo - về công nghệ cao; ai nắm được sở hữu trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao là người đó nắm được vận mệnh của sự phát triển; đối với các nước lớn đó là khả năng chi phối và “cầm chịch” các thể chế phát triển và “luật chơi ” trên thế giới; đối với các nước nhỏ và đang phát triển thì đó là khả năng vươn lên, không bị tụt hậu, không bị lệ thuộc thụ động trong quá trình phát triển. Quá trình đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ ở rất nhiều nước trên thế giới với những cấp độ khác nhau, đặt ra những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ.
Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội và thách thức này. Định hướng chiến lược là phải đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa chủ yếu vào năng suất các nhân tố tổng hợp, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động lớn đến mọi mặt, tất cả các lĩnh vực của nước ta. Vì thế, cần có chiến lược và chính sách phù hợp để khai thác, tận dụng thành công những cơ hội và ứng phó hiệu quả với các khó khăn, thách thức.
Chính yêu cầu này đặt đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là công nghệ cao vào vai trò đột phá đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
3. Trong mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều rộng, với đặc trưng cơ bản là thâm dụng vốn, đất đai và tài nguyên, lao động giá rẻ, sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, sơ chế với trình độ công nghệ thấp, thiên về tăng quy mô số lượng, giá trị gia tăng thấp. Mô hình tăng trưởng đó đã phát huy vai trò quan trọng đổi với sự phát triển đất nước trong gần 35 năm qua. Tuy nhiên, với trình độ công nghệ thấp không đưa lại năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm thấp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và của cả nền kinh tế thấp, chậm được cải thiện. Chính điều này đã làm suy giảm đáng kể động lực tăng trường trong giai đoạn 2010 - 2016. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu khách quan phải chuyển mạnh sang mô hình phát triển theo chiều sâu; điều này được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (2011). Tuy nhiên cho đến nay chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đổi mới sáng tạo giữ vai trò then chốt đối với phát triển mọi mặt của xã hội, nhất là tăng trưởng kinh tế. Động lực tăng năng suất lao động quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo, trọng tâm là phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Đổi mới sáng tạo được xác định với với năm trụ cột đầu vào là thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh; và hai trụ cột đầu ra là sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo[1]. Nhưng, tùy theo điều kiện của mỗi nước mà lựa chọn con đường và mô hình cụ thể cho mình. Sự thành công tùy thuộc vào khả năng nhận biết, nắm bắt, ứng dụng và phát triển tiến bộ công nghệ của mỗi nước. Ngay các nước trong khối ASEAN cũng đã nhận thức rõ vấn đề này. Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 tại Hà Nội (ngày 13-9-2018), đã đưa ra thông điệp nổi bật: Mỗi nước cần chủ động phát huy tinh thần doanh nghiệp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo với tầm nhìn đa chiều, dài hạn để phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4. Chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, sáng tạo đã trở thành động lực quan trọng nhất, với bản chất cốt lõi là sự tăng trưởng và phát triển phải là kết quả chủ yếu của tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao. Có thể nói đây là “con đường độc đạo” bắt buộc Việt Nam phải đi qua, nếu muốn phát triển nhanh, bền vững.
Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đây cũng là nhân tố cốt lõi để đất nước không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Nếu vẫn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng vốn và lao động giá rẻ, tăng đầu tư FDI thiếu sự lựa chọn mang tính chiến lược với quá nhiều ưu đãi không phù hợp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chất lượng không cao, thúc đẩy tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ở những phân khúc công nghệ thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp…thì hiệu quả tăng trưởng sẽ thấp và tiếp tục suy giảm. Sự chênh lệch lớn về trình độ đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao trong một môi trường quốc tế có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía không làm chủ được công nghệ tiên tiến. Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta.
Con đường duy nhất là phải coi đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao là một đột phát chiến lược. Phải hiện thực hóa nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phải được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách cụ thể đối với sự phát triển của đất nước, nhất là đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, phải hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gồn ba cơ chế : cơ chế phát triển khoa học - công nghệ hướng vào ứng dụng (tạo cung), cơ chế phát triển kinh tế - xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo (tạo cầu) và cơ chế liên kết phát triển khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội (liên kết cung cầu); phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho phát triển khoa học và đổi mới công nghệ. Thực hiện trên thực tế “khoa học-công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tai Hội Chính phủ với các địa phương vào đầu năm 2018 đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước, mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn (có thể nói một cách hình ảnh là “có một không hai”, “bây giờ hoặc không bao giờ”) để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, nếu xác định đúng và thực hiện thành công đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao là một đột phát chiến lược. Trong đó đặt nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao vào trung tâm của quá trình phát triển; tạo thành “tam giác vàng: Con người - Thể chế - Công nghệ”, bảo đảm đồng bộ tính khả thi về khoa học - công nghệ, tính khả thi về mặt kinh tế, tính khả thi về mặt xã hội và tính khả thi về bảo vệ môi trường; để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nền tảng, quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
PGS.TS Trần Quốc Toản
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Đổi mới sáng tạo là năng lực tạo ra và ứng dụng giải pháp kỹ thuật, thành tựu công nghệ, sự linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp Viện INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Mỹ) tính toán. Năm 2018, bộ chỉ số này gồm có 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, được chia thành bảy trụ cột chính với năm trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh, và hai trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.