Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Học tập phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh

Ngày phát hành: 12/05/2020 Lượt xem 4699


Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phong cách lãnh đạo của Người là sự thống nhất hữu cơ không thể chia tách giữa lòng yêu nước vô bờ bến, tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người vô hạn với mục đích sống, mục tiêu phấn đấu trước sau như một là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và bác ái, bình đẳng cho con người; giữa một trí tuệ mẫn tiệp, vốn tri thức uyên thâm, những trải nghiệm cuộc sống phong phú với tác phong làm việc dân chủ, sáng suốt, quyết đoán, thái độ thân thiện, trân trọng với mỗi số phận, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả; giữa một tâm hồn cao thượng, chiều sâu văn hóa ưu việt, sứ mệnh vĩ đại với lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, tác phong gần gũi, khiêm nhường, kính già, yêu trẻ.

          1. Lãnh đạo là để đạt được mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, mang lại những giá trị mới mẻ, tốt đẹp cho xã hội, cho con người

 

 

        Mục đích của toàn bộ nhận thức và hoạt động lãnh đạo của Hồ Chí Minh, cái làm nên cốt lõi phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, chính là ở mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích ấy gắn bó hữu cơ, nhất quán với chính mục đích sống, mục đích đấu tranh trong suốt cuộc đời của Người. Trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh tuyên bố rất rõ ràng, khảng khái: «Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành »[1]. Nói chuyện với nhân dân Hà Nội trước khi sang thăm nước Pháp, Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[2]. Đó không chỉ là lời nói. Đó là chất lý tưởng chảy trong huyết quản,  là tâm nguyện nung nấu trong tâm can, và là chính cuộc đời của Người – cuộc đời của một vị thánh, dâng hiến tất cả cho mục đích cao cả. Vì mục đích lý tưởng này mà Người quyết chí ra đi, bôn ba khắp năm châu bốn biển, chịu bao gian khổ, hiểm nguy, vượt lên đói rét, tù đày, tìm ra con đường đúng đắn, học cách tổ chức cuộc đấu tranh cứu nước, cứu dân.

Mục đích cứu nước, cứu dân lúc nào cũng đau đáu trong tim, thôi thúc Người sống, chiến đấu. Trong nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc, Người tự nhủ mình giữ vững tinh thần để chờ ngày trở về tiếp tục sự nghiệp lớn chưa thành: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Giữa núi rừng Việt Bắc, trong cơn sốt hiểm, mỗi lần tỉnh dậy sau cơn mê sảng, Người lại gọi Võ Nguyên Giáp đến để căn dặn rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập”[3]. Đối với Hồ Chí Minh, Tổ quốc và nhân dân là những điều tốt đẹp nhất mà Người đấu tranh và dâng hiến. Đó cũng chính là chân lý cuộc sống, rất rõ ràng, dễ hiểu. “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”[4]. Chân lý ấy chi phối và thể hiện trong tất cả mọi quyết định, mọi phương pháp, hành vi của hoạt động lãnh đạo trong thực tiễn của Người, nhất là trong những thời điểm khó khăn, phức tạp.

Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, muốn lãnh đạo cho đúng thì việc đầu tiên là “phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”, có nghĩa là phải xác định cho đúng mục tiêu của công việc, chỉ ra được cái đích đúng đắn cho mỗi giai đoạn cách mạng. “Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng”. Có nghĩa là phải dựa vào nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, xem đâu là mong muốn, lợi ích chính đáng của nhân dân, những điều ấy có phù hợp với các điều kiện thực tế và kinh nghiệm của nhân dân không. Bởi vì, “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[5]. Đó cũng chính là những điều, những việc mà chính Người thực hành mỗi ngày.

Hồ Chí Minh cống hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc, quên tình riêng vì nghĩa lớn, quên mình cho nhân dân.Người là một con người như bao con người khác, có tình yêu rộng lớn, cao cả giành cho quê hương, đất nước, nhân dân, và cũng có tình yêu tha thiết, thầm kín giành cho gia đình, người yêu thương. Câu chuyện mà Sơn Tùng kể lại trong tác phẩm “Búp sen xanh”, và còn những câu chuyện nào nữa mà chính Người chưa kể, tất cả cùng đến một cái kết cao cả, thiêng liêng – dứt tình yêu riêng vì tình yêu chung, tình yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu nhân dân.

Năm 1946, trong một lần gặp Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng ứng tác hai câu thơ với ngụ ý hỏi chuyện riêng tư của Người:

Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già

Cụ ông thấy, Cụ bà không?

Lúc đó Người chỉ cười không nói gì. Nhưng trong thời gian đi thăm nước Pháp, Hồ Chí Minh đã gửi về riêng cho Huỳnh Thúc Kháng một bài thơ:

Nghĩ rằng ra thơ để trả lời,

Nhớ ơn cụ lắm, cụ Huỳnh ơi,

Non sông một mối chung nhau gánh,

Độc lập xong rồi cưới vợ thôi![6]

Nhưng rồi độc lập chưa xong, hòa bình không thể cứu vãn do sự ngoan cố của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến 9 năm chống xâm lược Pháp, can thiệp Mỹ, lại tiếp đến miền Nam “Nửa mình còn trong lửa nước sôi”.  Và, Hồ Chí Minh đã đi hết cuộc đời mình chỉ với một tình yêu lớn – tình yêu non sông, đất nước, chỉ với một gia đình lớn – gia đình dân tộc, nhân dân.

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh rằng, nhân dân là chủ nhân của đất nước, của chế độ xã hội, và đảng viên, cán bộ lãnh đạo là “đầy tớ” của nhân dân. “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”[7]. Người nói như thế và sống đúng như thế, tự giác như một sự tất yếu là như thế, yêu thương, trân trọng với mỗi con người, chia xẻ, hòa đồng không kể cấp bậc, địa vị xã hội. Nhưng ý nghĩa còn cao cả hơn, nhân văn hơn, khi Người thực sự là một đầy tớ suốt đời phụng sự mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân!

 2. Lãnh đạo là sự nhìn xa trông rộng, làm chủ tình hình, đưa ra những quyết định đúng đắn trong mọi tình huống, nhất là trong những tình huống phức tạp, khó khăn

 

 

Bình tĩnh, sáng suốt và quyết đoán là những đặc điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Trước khi đi thăm nước Pháp, người căn dặn Huỳnh Thúc Kháng rằng “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó là phép quyền biến, thống nhất nhuần nhuyễn từ nhận thức đến các quyết định, hành vi lãnh đạo của Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng.

Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lênin cái “cẩm nang thần kỳ” cho cách mạng Việt Nam. Nhưng Người nhận thức rằng, “Chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”[8], vì thế, những người cộng sản tuyệt nhiên không tiếp nhận nó như những giáo lý khô cứng, mà phải biết cụ thể hóa, vận dụng làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, từng lúc và từng nơi một cách hợp lý. Kết luận đó trở thành một phương pháp tư duy, phương pháp hành động trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin, Người đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta để giải quyết một loạt vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng, vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, v.v..

Tại Hội nghị thành lập Đảng, những nguyên tắc, định hướng chung của cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được xác định, trong đó đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc.“Sách lược vắn tắt của Đảng” do người chuẩn bị khẳng định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”[9]. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau, tức là vào tháng 10-1930, “Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng” đã phê phán toàn bộ đường lối do Hội nghị thành lập Đảng đề ra trong đó coi việc lôi kéo tầng lớp “tiểu, trung địa chủ” là “sai lầm nguy hiểm”, tôn chỉ của tổ chức công, nông hội thì “mất cả ý nghĩa đấu tranh giai cấp”. Và Án nghị quyết đã tuyên bố: “Thủ tiêu chánh cương sách lược và Điều lệ cũ của Đảng, lấy kinh nghiệm trong thời kỳ vừa qua mà thực hành công việc cho đúng như Án nghị quyết và Thơ chỉ thị của Q.T.C.S” và “Bỏ tên “Việt Nam Cộng sản Đảng” mà lấy tên “Đông Dương Cộng sản Đảng”[10]. Có thể nói, đây là một “bước lùi” sách lược của Đảng do Hồ Chí Minh chủ trương để thích ứng với yêu cầu của Quốc tế Cộng sản lúc đó. Trong thư của Trung ương gửi cho các cấp đảng bộ” ngày 9-12-1930 cũng xác nhận “Đồng chí ấy (tức Nguyễn Ái Quốc – TNT) nay đã nhận rõ những điều sai lầm và cũng đã đồng ý với T.ư mà sửa đổi những chỗ sai lầm lúc trước”[11].

Tuy nhiên, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng ta không thay đổi, thậm chí có phần còn mở rộng hơn tùy theo tình hình cụ thể. Năm 1955, sau khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Người còn nhấn mạnh: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”[12]. Thực tế đã chỉ ra rằng, tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc chính là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam, một nước thuộc địa, nửa phong kiến, và chính đó là một yếu tố góp phần tăng cường sức mạnhlực lượng cách mạng, một điều kiện hàng đầu bảo đảm cho những thắng lợi to lớn trong đấu tranh cũng như xây dựng đất nước.

Hồ Chí Minh luôn đưa ra các quyết định và hành động một cách quyết đoán. Trong hoàn cảnh Hội nghị Phôngtennơblô thất bại, tình thế cách mạng  vô cùng phức tạp, vận mệnh của đất nước đặt trước thách thức nguy hiểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt tại Pháp, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp đã tranh thủ dàn xếp ký với Chính phủ pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946. Đây là một quyết định sáng suốt, quyết đoán, một sách lược ngoại giao tài tình của Người. Mặc dù có nhượng bộ cho phía Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam, nhưng Tạm ước 14-9 đã buộc Chính phủ Pháp thi hành các quyền tự do, dân chủ và ngừng bắn ở Nam Bộ, kéo dài thời gian hòa hoãn, giúp cho nhân dân ta có thêm thời gian chuẩn bị sức người, sức của cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Với mục tiêu cách mạng trước sau như một không thay đổi, nhưng để tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân tộc, chống lại sự xuyên tạc, chống phá đối với nhà nước công nông non trẻ, Hồ Chí Minh đã có những quyết định có ý nghĩa quan trọng: Mời các đảng chính trị thân với Pháp, thân đội quân can thiệp của nước ngoài cùng tham gia Chính phủ lâm thời; giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác; và sau đó tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai, tháng 2-1951, đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam. Đó là những quyết định thể hiện sách lược thông minh, sáng suốt,ứng biến kịp thời với điều kiện lịch sử cụ thể và yêu cầu của cách mạng của nhà lãnh đạo tài trí Hồ Chí Minh. Đúng như nhận xét của Chủ tịch nước Cu Ba Đorticos: “Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân văn cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào mà trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như thế”[13].

 

3. Lãnh đạo là thu phục nhân tâm, xây dựng lực lượng, dựa vào nhân dân để thực hiện thành công mục tiêu cách mạng

 

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để làm nên phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh chính là phương pháp công tác – những năng lực đã góp phần tập hợp lực lượng, gia cường sức mạnh tổ chức, động viên, cổ vũ hàng triệu người vào cuộc đấu tranh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạncách mạng.

Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo đặc biệt coi trọng dân chủ và thực hành dân chủ. Trong phong cách lãnh đạo của Người, dân chủ trước hết là nhận thức đúng, tôn trọng, bảo vệ và thực hành quyền của người dân với tư cách là chủ nhân của đất nước, chủ nhân của chế độ xã hội. Đối với Người, nhân dân là từ lớn nhất, đẹp nhất và mạnh mẽ nhất. Người nhấn mạnh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[14]. Đó là nguồn gốc tất yếu để dẫn tới kết luận có sức nặng như hòn đá tảng, cơ sở phương pháp luận chỉ đạo nhận toàn bộ thức lý luận cũng như hành động trong thực tiễn: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[15]. Gần 600 năm trước, khi qua cửa Bạch Đằng, Nguyễn Trãi đã viết “Phúc chu thủy, tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân là sức nước); hơn 2.300 năm trước, Tuân Tử đã nhận ra rằng: “Dân do thủy dã, thủy năng tải châu, nhi năng phúc châu” (Sức dân là sức nước, chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước). Khi coi “ý dân là ý trời”, Người không chỉ nắm bắt được quy luật của lịch sử, mà còn nhận thức quy luật đó ở chiều sâu sắc, ở tầm rộng lớn hơn. Khi nói về chế độ ta, Người xác định, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân/ Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân...”[16]. Bởi vậy, trách nhiệm của các cấp chính quyền, nghĩa vụ của mọi cán bộ, đảng viên đều là đầy tớ trung thành của nhân dân. Mọi chính sách hay quyết định lãnh đạo của Người, từ khâu đề ra mục tiêu, xây dựng lực lượng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu, đến kiểm tra, đánh giá, bảo đảm hiệu quả thực hiện mục tiêu, đều phải bắt đầu từ nhân dân và trở về với nhân dân.Đúng như Người nói: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng[17].

 Tôn trọng nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh là người luôn lắng nghe ý kiến cán bộ, gần dân, học hỏi từ nhân dân. Người quan tâm đến từng số phận người dân,Người cải trang đi thăm dân trong dịp tết độc lập đầu tiên, gửi lụa cho người giả cả, yêu thương chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người làm mọi việc vì nhân dân, dựa vào nhân dân. Người nói về kinh nghiệm của mình, đồng thời cũng là lời khuyên cho các học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng: “Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu”[18].

Hồ Chí Minh coi Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng của lãnh đạo, có thể giải quyết mọi khó khăn trong công tác thực tiễn. Bởi vì “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và những người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”[19]. Dân chủ phải gắn liện với tự do tư tưởng, thông qua tự do tư tưởng mà tìm ra chân lý, nghĩa là tìm ra mục tiêu đúng, phương pháp hay, cách làm có hiệu quả. Nhưng khi đã tìm ra chân lý thì “lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý[20]. Nói cách khác, dân chủ phải gắn liền với tập trung. Khi đã tự do tư tưởng, tìm ra được chân lý, có được quyết định chung rồi thì phải nghiêm chỉnh phục tùng, thực hiện cho bằng được.

 Ở Hồ Chí Minh, người lãnh đạo dân chủ với sự giản dị, khiêm tốn, cầu thị, gắn bó chặt chẽ, là điều kiện của nhau. Dân chủ cũng đối lập với tự kiêu. Theo Người, “Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc”[21].

Dân chủ phải gắn bó với kỷ cương, kỷ luật. Người là một tấm gương về tinh thần kỷ cương, kỷ luật. Trong đời thương hay họp hành, đi công tác, Người rất đều rất đúng giờ. Người cũng nghiêm khắc phê bình những cán bộ không làm việc đúng giờ. Trong kháng chiến chống Pháp, một vị tướng đến làm việc với Người nhưng chậm 15 phút do mưa lũ. Người hỏi: “Chú làm tướng mà đi chậm 15 phút thì bộ đội của chú hợp đồng sai đi bao nhiêu?”. Có lần, Người và đồng bào phải đợi một đồng chí lãnh đạo cao cấp đến để bắt đầu cuộc họp. Đồng chí cán bộ xin lỗi Người vì đến muộn mất 10 phút. Người nói: “Chú tính thế chưa đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”. Người phê bình việc chậm trễ trong giờ giấc, đồng thời cũng chỉ ra một bài học rất thực tế, dễ hiểu về tác hại của khuyết điểm ấy.

      Hồ Chí Minh coi trọng phê bình và tự phê bình, coi đó là một phương thức cần thiết để giúp cán bộ, đảng viên tiến bộ, giúp tổ chức đoàn kết. “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”[22]. Với Người, sai lầm hay khuyết điểm là việc không tránh khỏi, “có làm việc thì có sai lầm”. Vấn đề là không sợ khuyết điểm, là phê bình thực thà, thẳng thắn, trong tình thương yêu đồng chí, đồng đội, để giúp đỡ nhau tiến bộ, không phải phê bình để hạ bệ, làm hại lẫn nhau. Sau sai lầm của Cải cách ruộng đất, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 10 mở rộng Khóa II (tháng 10/1956), đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị chỉ ra rằng, đó là “những sai lầm rất nghiêm trọng”, “đã khủng bố tàn khốc những người nông dân vô tội, đả kích mù quáng vào đảng viên và cán bộ tốt của Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng”. Nguyên nhân của những sai lầm đó là do “chính sách không cụ thể”, “tư tưởng chỉ đạo phạm tả khuynh, tác phong đại khái, quan liêu, độc đoán”[23]. Bộ Chính trị tự phê bình trước Trung ương. Trung gửi thư đến toàn thể đảng viên, nghiêm túc tự phê bình và tỏ thái độ “rất đau xót khi xét thấy những sai lầm khuyết điểm vừa qua, khi nghĩ đến những đồng chí, đồng bào bị oan uổng”[24]. Thái độ thành khẩn, nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm khắc tự phê bình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không những không làm yếu Đảng, mà còn cho thấy bản lĩnh chính trị và thái độ trách nhiệm cao của Đảng trước nhân dân, trước sự nghiệp cách mạng cao cả.

Để xây dựng lực lượng, thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đoàn kết. Người cho rằng, “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”[25].“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”[26].  Vì sự đoàn kết tòan dân tộc để thực hiện mục tiêu độc lập, sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Người mời cựu hoàng bảo đại và Linh mục Lê Hữu Từ làm cố vấn cho Chính phủ. Trong Di chúc, Người nhắc nhở Đảng ta “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con người của mắt mình”[27]. Người đã kỳ công kết nối, chia sẻ để giữ gìn sự đoàn kết trong phong trào cộng sản. Trước lúc đi xa, Người vẫn rất đau lòng vì “sự bất hòa” giữa các đảng anh em. Người mong muốn rằng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, ghóp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”[28].

4. Đào tao, rèn luyện, xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trung kiên là yếu tố hàng đầu bảo đảm thành công của lãnh đạo

Người lãnh đạo không thể đạt được mục tiêu đặt ra nếu không biết dùng người, đặc biệt là chọn lọc, đào tạo, rèn luyện và sử dụng những trợ thủ gần gũi, những chuyên gia tư vấn và những người được ủy nhiệm để thực thi những nhiệm vụ quan trọng, nắm giữ những đầu mối trọng yếu của tổ chức. Đó là bộ tham mưu, những người đóng góp trí tuệ, tài năng để thực hiện mục tiêu, cũng là những đại diện để biểu hiện và lan tỏa hình ảnh, làm tăng thêm sức thuyết phục của người lãnh đạo. Kinh nghiệm nhân dân đúc kết rằng: “thần thiêng nhờ bộ hạ”, “dụng nhân như dụng mộc”. Hồ Chí Minh nhận thức rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[29]. Trong chính sách về cán bộ, Người nhấn mạnh những việc cần phải chú ý: Hiểu biết rõ cán bộ; Khéo dùng cán bộ; Cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; Phải phân phối cán bộ cho đúng; Thương yêu cán bộ; Phê bình cán bộ. Với tư cách một nhà lãnh đạo, Người là một điển hình về sự tinh tế và thành công trong dùng người, dùng cán bộ.

      Trong quá trình cách mạng, Hồ Chí Minh đã tập hợp, giáo dục, rèn luyện một đội ngũ cán bộ tài năng, đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, toàn tâm, toàn ý phụ vụ cho lý tưởng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là các thanh niên, trí thức yêu nước, dưới sự giáo dục, dìu dắt, rèn luyện trực tiếp của Người trở thành những chiến sỹ cách mạng trung kiên, đã ngã xuốngtrong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, v.v.; những nhân vật quan trọng trong đội tham mưu chiến đấu của cách mạng, những nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, v.v..

Đó là những nhân sỹ, trí thức và những người đã hoạt động trong bộ máy chính quyền cũ, nghe theo tiếng gọi yêu nước, tham gia gánh vác những trọng trách trong chính quyền nhân dân như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Võ Liêm Sơn, Lê Thước, Bùi Kỷ,Phan Anh, Vũ Ðình Hòe, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Trần Ðăng Khoa, Trương Ðình Tri, Bồ Xuân Luật, v.v..Đó là những trí thức tây học, những người thành danh tại Pháp, nghe theo tiếng gọi của cách mạng và bị thuyết phục bởi Hồ Chí Minh mà tự nguyện tham gia kháng chiến, kiến quốc, có những đóng góp to lớn cho đất nước như: Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Đức Thảo, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hy Hiền (Lê Tâm), Trần Văn Du, v.v..

Huỳnh Thúc Kháng, một chí sỹ, nhà chính trị, nhà báo nổi tiếng, một chiến sỹ tiền bối suýt soát tuổi đời với cụ Nguyễn Sinh Sắc, là người vô cùng tôn trọng và khâm phục tài đức của Hồ Chí Minh. Hơn 70 tuổi vẫn nhận lời mời của Hồ Chí Minh tham gia Chính phủ, làm Bộ trưởng Nội vụ, rồi giữ quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi thăm Pháp. Tháng 8-1941, Phùng Chí Kiên, một cán bộ được đào tạo bài bản tại Trường quân sự Hoàng Phố, từng làm đại đội trưởng Hồng quân công nông Trung Quốc, tốt nghiệp Trường Phương Đông Liên Xô, người phụ trách công tác quân sự của Đảng, bị địch bắt và giết hại. Hồ Chí Minh lựa chọn người để gánh vác nhiệm vụ quân sự thay Phùng Chí Kiên là Võ Nguyên Giáp, một giáo viên dạy sử. Và tên tuổi Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với Điện Biên Phủ và những chiến thắng quân sự lừng lẫy địa cầu, trở thành một trong ít vị tướng nổi tiếng nhất thế giới trong thế kỷ XX.

Toàn bộ đội ngũ cán bộ ấy đã nói lên cái tài, cái khéo trong đào luyện và dùng người, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong phong cách lãnh đạoHồ Chí Minh.

5. Người lãnh đạo là thủ lĩnh, người chỉ đường dẫn lối, tấm gương sáng cho cấp dưới và quần chúng nhân dân noi theo

 

 

Chính là văn hóa và lối sống đã là một phần riêng có, đặc biệt, góp phần tạo nên sự đặc sắc, sức hút của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Chất văn hóa Hồ Chí Minh là kết tinh từ trí tuệ, tài năng và lý tưởng sống cao cả. Lối sống Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của tình yêu đất nước, dân tộc, tình yêu con người vô bờ bến. Văn hóa và lối sống của Hồ Chí Minh tự nó làm nên hình ảnh một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có sức hút mãnh liệt của một vị thánh, một ông tiên giữa đời thường mà không cần bất cứ sự tô vẽ nào, bất cứ thủ thuật hỗ trợ nào.

Cuối năm 1923, nhà văn xô-viết Ôxíp Manđenxtam lần đầu tiên gặp Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vừa từ Paris đến Mátxcơva, đã viết: “Trong cử chỉ cao thượng, trong giọng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy cái viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”; ở người chiến sỹ cách mạng Việt Nam trẻ tuổi ấy “tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”[30]. David Hamberstam nhà báo Mỹ viết trên tờ New York Times: “Khác với một số người mà nhân dân Việt Nam đã thấy ở các xã hội bị nô dịch, càng lên cao càng bị tha hóa, những đối với Cụ Hồ Chí Minh, tính giản dị của Cụ là một chất liệu có sức mạnh to lớn. Càng lên cao, Cụ càng tỏ ra giản dị và trong sạch và luôn luôn gìn giữ những giá trị Việt Nam vĩnh cửu: tôn kính người già, yêu mến thiếu nhi, coi thường tiền bạc, giàu sang”[31]. Hai nhận xét về Hồ Chí Minh, một từ những năm đầu trên con đường cách mạng, một là khi Người đã dừng bước trên đường đời. Cả hai nhận xét có thể khác nhau về ngôn từ nhưng hàm nghĩa chỉ là một – văn hóa Hồ chí Minh, văn hóa ở tầm cao trí tuệ, nhân văn, bình dị và hào sảng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất.

Sau 30 năm bôn ba khắp thế giới, Người vẫn nói tiếng Nghệ, thích ăn cà dầm mắm, nhớ từng câu dân ca, ca dao, nhớ từng người bạn thuở niên thiếu... Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại rằng: “Trong những bữa cơm, tiệc trà thân mật giữa nhân viên cao cấp Chính phủ, Hồ Chủ tịch vui thú, nói chuyện, làm thơ, khôi hài”[32]. Hồ Chí Minh làm thơ, không chỉ tập thơ “Nhật ký trong tù” mà còn nhiều thơ chữ Hán, thơ chữ quốc ngữ, những câu thơ đột xuất trong các diễn văn, bài báo, bài nói chuyện. Hồ Chí Minh viết hàng trăm tiểu phẩm báo chí, một thể loại châm biếm và nhiều khi đặc sắc nhờ vào sự hài hước, tính châm biếm. Khi nói đến các tướng lĩnh, nhà lãnh đạo các nước đế quốc, thực dân đem quân xâm lược nước ta, Người có những cách gọi tên họ rất hóm và cũng rất châm biếm: tổng thống Truman là Tu-ma (tiếng Tày là con chó - TNT), tổng thống Eisenhower là tổng Ai, Mc Arther là Mặt-ác-tệ, Mc Namara là Mặt-nạ-ra-ma, tướng Westmoreland là Vét-mỡ-lợn.. Người “báo tin mừng cho lính Mỹ” rằng, Mỹ mới đặt mua của Philippine 40 vạn cái bao đựng xác để chuyển sang chiến trường Việt Nam.

Là một người lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước, nhưng Người rất giản dị trong lời ăn, tiếng nói, nhiều khi pha chất khôi hài, hóm hỉnh rất tài hoa. Vào thăm gia đình cán bộ văn phòng ở chiến khu Việt Bắc có ba con gái tên là Thu Thủy, Thu Thảo, Thu Vân, Người bảo: “Sao đặt tên văn chương thế, gọi Thu Ngô, Thu Sắn, Thu Khoai có hay hơn không!”.  Khi ra về, Người bảo: “Nói vui thế thôi, chứ những tên Việt Nam ấy rất đẹp”. Đến thăm Nhà máy cơ khí Gia Lâm, thấy biển đề tên nhà máy không có dấu, Người nói vui, “Đây là: Nhà mày có khỉ già lắm”. Một lần đến thăm đơn vị bộ đội, thấy tờ báo tường kẻ dòng chữ “Hô Chu tich muôn năm!” rất đẹp nhưng không có dấu, Người nói vui: “Ừ đúng rồi, Bác đi đường mệt, Hồ Chủ tịch muốn nằm”. Người ôn tồn giải thích: “Các chú viết đẹp nhưng chưa đúng nên mất đẹp đi đấy, chữ Việt ta rất đẹp, khi đúng, đủ dấu càng đẹp hơn”. Đó là một bài học thật sâu sắc,sự phê bình thật nhẹ nhàng, độ lượng. Nhưng với kẻ thù, sự hóm hỉnh, hài hước của Người trở thành một vũ khí châm biếm sắc sảo. Năm 1946 trên đường từ Pháp về nước, Đô đốc Đácgiăngliơ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm quân cảng Cam Ranh với mục đích diễu võ, giương oai. Người ngồi giữa, một bên là Đô đốc hải quân, một bên là thống soái lục quân. Đácgiăngliơ nói bóng gió: “Thưa ông Chủ tịch, hôm nay ông bị đóng khung giữa hải quân và lục quân đó”. Người mỉn cười và nói chậm rãi: “Đô đốc biết đó, chính bức họa mới đem lại giá trị cho bộ khung!”. Câu trả lời như một cử chỉ ngoại giaolịch sự, cũng là một đòn đau cho thói kiêu ngạo của một viên tướng thực dân.

Theo lời kể của Phạm Văn Đồng, người học trò gần gũi của Hồ Chí Minh, Người sống giản dị đến mức “khắc khổ, cần lao và tranh đấu”. Những năm tháng khó khăn, thiếu đói ở chiến khu, Người cùng anh em, đồng chí chịu đựng, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Biệt đãi duy nhất là bát nước cơm mà anh nuôi Lộc mỗi bữa vẫn để dành riêng cho người.Ngày đầu tiên đến Pháp với cương vị thượng khách của chính phủ, bà con việt kiều đến thăm Người quá đông, phòng khách không đủ ghế ngồi, Người ngồi xuống sàn nhà, mời bà con cùng ngồi quây quần nói chuyện. Người chỉ có một chiếc áo dạ là chiến lợi phẩm do bộ đội gửi tặng. Trong chiến dịch Biên Giới Thu Đông năm 1950, khi đến thăm thương binh, Người cởi chiếc ác dạ đang mặc đắp cho một chiến sỹ bị thương đang bị rét. Người tự lập hũ gạo nuôi quân, tiết kiệm gạo để đóng góp nuôi chiến sỹ ngoài mặt trận. Trong khó khăn, gian khổ, Người vẫn sống hạnh phúc, đầy niềm tin và cả chất lãng mạn. Nhà đạo diễn điện ảnh xô viết nổi tiếng Rôman Cácmen xúc động nhớ lại: “Giữa những lùm cây là ngôi nhà tre của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trông không khác gì hàng nghìn ngôi nhà của nông dân Việt Nam. Nền đất, mái lợp lá cọ, không có tường, xung quanh là rừng, là tiếng chim hót, là những tàu cọ kêu xào xạc, là những thân tre kêu cót két. “Chủ tịch phủ” - Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉn cười nói về ngôi nhà của mình”[33].

Thời gian sống ở Hà Nội, ngoài những cuộc tiếp khách, vị Chủ tịch Chính phủ vẫn ngày hai bữa cùng ăn chung với anh em nhân viên, chiến sỹ bảo vệ. Người dành tiền nhuận bút viết báo để mua nước ngọt cho các chiến sỹ phòng không trong những ngày chiến đấu đánh trả các cuộc không kích của máy bay Mỹ, v.v.. Đời sống vật chất giản dị, thanh bạch của Người “càng hòa hợp với  đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”. Bởi thế, Phạm Văn Đồng đã nhận xét với sự trân quý, ngưỡng mộ tột cùng: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết”.

*

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc và Người cũng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Phong cách lãnh đạo đặc biệt của Người bắt nguồn từ chính tâm hồn cao thượng, chiều sâu văn hóa, trí tuệ mẫn tiệp, lý tưởng nhân văn, sứ mệnh vĩ đại, lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, tác phong gần gũi, khiêm nhường, kính già, yêu trẻ, tràn đầy tình thương yêu con người. Không ai có thể học tập và làm theo toàn bộ phong cách lãnh đạo của Người để trở thành một nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh thứ hai. Điều ấy là không thể, không khoa học và phi thực tế. Nhưng nói như Trần Văn Giàu: “Người ta không thể trở thành một cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”[34]. Nếu như mỗi nhà lãnh đạo có thể học tập được một số điều trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, chắc chắn xã hội của chúng ta sẽ có nhiều thêm những giá trị mới tốt đẹp!

 

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t. 4, tr. 187.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 272.

[3]Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký (in lần thứ hai), Nxb QĐND, HN, 2010, tr. 130.

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.63.

[6]Tất cả những câu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh trong bài viết này, không có chú thích, đều lấy từ sách “Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 2 tập, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản năm 2015.

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 83-84.

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 120.

[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 3.

[10]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb CTQG, HN, 2002, tr. 112-113.

[11]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđ d, t.2, tr. 238.

[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 244.

[13] Dẫn theo:GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người, Nxb CTQG, HN, 2010, tr. 296.

[14]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453.

[15]Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.10, tr.63.

[16]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.

[17]Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.1, t.330.

[18]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 103.

[19]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 284.

[20]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378.

[21]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 632.

[22]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.521.

[23]Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 426-427.

[24]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,t. 17, tr. 623.

[25]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.177.

[26]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.119.

[27]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611.

[28]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.613.

[29]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t. 5, tr. 280.

[30]Dẫn theo: Võ Nguyên Giáp (Chủ biên); Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (xuất bản lần thứ ba), Nxb CTQG, HN, 2003, tr. 295.

[31]Dẫn theo: Gs Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh vĩ đại một con người, Nxb CTQG, HN, 2010, tr. 354.

[32]Xem: Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh – tinh hoa, khí phách của dân tộc, Nxb CTQG, HN, 2009, tr. 28-29.

[33]E. Côbêlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb CT-HC, HN, 2010, tr. 460-461.

[34]GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người, Sđd, tr. 332.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết