“Chống dịch Covid-19 như chống giặc”. Đó là khẩu hiệu hành động, là ý chí, sức mạnh và bản lĩnh của Việt Nam. Thật tuyệt vời, đúng vào dịch chúng ta tưng bừng kỉ niệm 45 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố nước ta đã đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch bệnh Covid-19 là một đại dịch nguy hại có tác động to lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Thế giới đã từng chứng kiến những dịch cúm, dịch tả, thương hàn, lao phổi… giết hại hàng triệu người, tàn phá nhiều vùng miền một nước và nhiều nước trong một khu vực.
Đại dịch Covid-19 có sức tàn phá và hủy diệt không hề thua kém các dịch bệnh trước đây với hàng triệu người mắc bệnh, hàng trăm ngàn người tử vong, hàng tỉ người phải cách ly trong hoang mang, lo ngại. Điều rất khác biệt của đại dịch lần này chính là sự lan tỏa vô cùng nhanh chóng, gây tổn thất nặng nề, nhiều mặt trên toàn thế giới và đặc biệt, ở những nước giàu mạnh nhất, tiềm năng và trình độ khám chữa bệnh cao nhất lại có số người tử vong nhiều nhất. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã đưa Covid-19 theo các đường hàng không, đường bộ, đường thủy đến tất cả các châu lục và tàn phá khủng khiếp các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia, Ấn Độ. Covid-19 đã xâm nhập tới hơn 200 nước trên toàn thế giới, tấn công mạnh mẽ vào các trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất toàn cầu.
Đại dịch này tác động nhiều mặt đến toàn thế giới. Toàn bộ hoạt động đời sống xã hội ở tất cả các nước đều bị ngừng trệ, đảo lộn và có nơi, có lúc bị hỗn loạn. Đời sống văn hóa, thể thao, du lịch, tâm linh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tâm trạng lo âu, bất an lan tràn toàn xã hội và đến với mỗi người.
Kinh tế thế giới đứng trước những thách thức nghiêm trọng và đang trên bờ cuộc khủng hoảng mới rất khó đoán định. Dịch Covid-19 tạo ra cú sốc cả về nguồn cung (gián đoạn sản xuất, nghỉ việc, phá sản làm ngắt và giảm sút các chuỗi cung ứng); làm tê liệt nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; làm suy giảm nhanh chóng thương mại và đầu tư quốc tế; làm tăng sự bất ổn và rủi ro về tài chính; gây khủng hoảng niềm tin và kì vọng của mọi hoạt động kinh tế. Đại dịch này trực tiếp gây ra khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng đời sống xã hội, gia tăng bất ổn toàn cầu.
Trong tình hình toàn thế giới như vậy, việc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Truyền thông quốc tế đánh giá, là một nước còn nghèo, lại gần một trăm triệu dân, hệ thống y tế còn hạn chế nhưng Việt Nam đã nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của toàn thế giới. Làm nên điều kì diệu này thể hiện đậm nét bản lĩnh Việt Nam, là ý chí kiên cường, hành động quyết liệt quả cảm và sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước. Với quyết tâm chính trị cao và từ kinh nghiệm thành công trong việc đối phó với dịch SARS năm 2002 và H1N1 năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương đúng đắn và giải pháp hữu hiệu để đối phó với Covid-19 ngay từ tháng 1/2020 – thời điểm Trung Quốc mới báo cáo một số ca bệnh ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên ở nước này. Những giải pháp chính xác, quyết liệt và hiệu quả đã được Chính phủ đưa ra và thực thi lập tức, đồng bộ như kiểm dịch trên diện rộng, truy tìm đến cùng những nguồn tiếp xúc với mầm bệnh. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, là câu cửa miệng và cũng là hành động sâu sát, tỉ mỉ của chúng ta trong thời gian qua. Hạn chế và cấm tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa. Cách ly toàn xã hội kể từ ngày 1/4. Hàng trăm ngàn người đã được đưa vào các khu vực cách ly tập trung, cách ly tại các khu vực dân cư, cách ly tại nhà.
Ý Đảng, quyết tâm của Chính phủ và lòng dân đã hòa quyện thành một sức mạnh tổng hợp để Việt Nam chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, Bộ Chính trị có kết luận và chỉ thị về công tác chống dịch; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi, khích lệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thường xuyên bàn định đưa ra các quyết định và giải pháp sáng suốt, đầy trách nhiệm, vừa đảm bảo cho việc phòng chống dịch bệnh, vừa quan tâm đến đời sống của tất cả nhân dân trong điều kiện khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng thông qua các quyết sách để hỗ trợ dân nghèo, bảo đảm cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện sống chung với dịch bệnh.
Các chiến sĩ áo trắng ngành y không quản hy sinh, gian khổ, đi đầu trong phòng chống dịch bệnh. Tất cả các bệnh nhân nhập các tuyến viện đã được chăm lo chạy chữa với sự quan tâm thấu đáo nhất. Chắc không có nơi nào như ở nước ta, tất cả mọi thông tin về dịch bệnh đều được công khai, minh bạch; từng nguồn nhiễm bệnh đều được thông báo; các bệnh nhân nặng được hàng chục chuyên gia y tế hàng đầu của cả nước thường xuyên hội chẩn để xử lý tình trạng sức khỏe cơ thể. Cho đến hôm nay, chưa có ca tử vong từ dịch bệnh tại Việt Nam. Để phòng, chống và đẩy lủi được dịch bệnh phải kể đến sự quả cảm, tận tâm vì nước, vì dân của lực lượng quân đội, công an. Cán bộ, chiến sĩ từ nơi biên cương Tổ quốc đến các khu cách ly, các địa bàn dân cư đều không ngại khó khăn, gian khổ thực hiện trọn vẹn các nhiệm vụ được giao. Hình ảnh chu đáo hết lỏng của các anh bộ đội, của các chiến sĩ công an nơi tuyến đầu chống dịch làm nức lòng nhân dân ta và cả bè bạn quốc tế. Trong hoạn nạn càng thấy được phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta. Từ những nhà hảo tâm, những doanh nghiệp đến những người còn nhiều khó khăn nhưng thương người như thể thương thân, sẵn sàng chia sẻ và tương thân, tương ái. Khắp các miền Nam, Bắc, ngược xuôi, xuất hiện những trạm tự động phân phát gạo cho người nghèo, nhiều siêu thị phục vụ các mặt hàng thiết yếu không lấy tiền, hàng trăm điểm cung cấp những xuất ăn miễn phí, hàng triệu dụng cụ y tế và khẩu trang được sản xuất và cấp phát cho dân.
Đến nay dịch bệnh Covid-19 đã bị đẩy lủi một bước quan trọng. Đó là thắng lợi to lớn nhưng phía trước vẫn nhiều việc phải làm. Vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn tiếp tục thực thi nhiều giải pháp thích nghi với đại dịch và không lơi lỏng công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện các chính sách hữu hiệu về an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Với bản lĩnh Việt Nam từng hiên ngang vượt qua mọi thách thức và chiến thắng mọi kẻ thủ, nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất, bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm cho sự phát triển mọi mặt của đất nước./.
GS.TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW