Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng không có nghĩa là tách rời Đảng, giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động, với toàn thể dân tộc, mà còn khẳng định một cách sâu sắc Đảng ta là người đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Bản chất đó xuyên suốt, thấm sâu vào tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện không phải chỉ ở số lượng nhiều hay ít đảng viên xuất thân từ thành phần công nhân, mà còn gồm cả lập trường, tư tưởng, quan điểm, đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức của Đảng và việc thực hiện các vấn đề này còn thể hiện ở quan điểm của giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Để giành thắng lợi, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì nó là giai cấp tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất”. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng không hề đối lập với tính dân tộc, mà còn thấm đượm tinh thần dân tộc, nâng dân tộc lên tầm cao mới. Khi nói đến lợi ích của giai cấp công nhân trong tình hình cụ thể của nước ta, là nói đến sự thống nhất giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc; sự đồng thuận giữa lợi ích của dân tộc và toàn thể nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hơn 90 năm ra đời, tồn tại và phát triển, Đảng ta đã phấn đấu cho lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, không ngừng đấu tranh giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta tiến lên, tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện xây dựng và phát triển đất nước ta giàu mạnh, văn minh, hiện đại; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ thực tiễn của cách mạng nước ta, có thể khái quát về bản chất giai cấp công nhân của Đảng ở một số nội dung chủ yếu sau:
- Là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, Đảng có nhiệm vụ đề ra mục tiêu, phương hướng, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của đất nước. Đồng thời, giáo dục, tổ chức, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Đã thể hiện vai trò lãnh đạo, tinh thần phụ trách trước giai cấp và dân tộc khi thắng lợi cũng như lúc gặp khó khăn, thách thức, khi thành công cũng như khi có sai lầm, khuyết điểm luôn tự phê bình và phê bình, dũng cảm đấu tranh để vượt qua, thể hiện được bản lĩnh cách mạng của giai cấp công nhân trong từng giai đoạn của cách mạng.
- Đảng ta đã đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới nhằm tạo ra bước ngoặt lịch sử đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, nghèo đói và bước vào thời kỳ phát triển mới phù hợp với lợi ích chính đáng và nguyện vọng thiết tha của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
- Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức của giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo quan điểm của giai cấp công nhân. Giữ gìn sự đoàn kết để Đảng luôn là một khối thống nhất về ý chí và hành động, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật sinh hoạt Đảng.
- Đảng gắn bó “ máu thịt” với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, tổ chức nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. “Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng”.
- Đảng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, tiến bộ và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác khu vực, cộng đồng ASEAN và quốc tế.
Để tiếp tục tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh trong thời kỳ mới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao trình độ lý luận, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng cách không ngừng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn sinh động đang nảy sinh trong đời sống xã hội và phong trào công nhân lao động ở nước ta và trên thế giới; tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, trí tuệ, tinh hoa của nhân loại. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh và phát triển đường lối, chính sách phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân lao động, của dân tộc và của nhân dân ta. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và chủ động hội nhập quốc tế.
Hai là, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước. Tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là một nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ba là, chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; có cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân lao động, người sử dụng lao động, nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, thiết thực của công nhân lao động như: trình độ học vấn, chuyên môn, công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, môi trường lao động, vệ sinh, an toàn lao động và môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần. Sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với giai cấp công nhân còn được Đại hội XII của Đảng xác định rõ “ …Phải bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập,…các công trình phúc lợi phục vụ công nhân…”
Bốn là, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân có trình độ, giác ngộ về chính trị, tư tưởng xứng đáng vai trò tiên phong. Phát triển giai cấp công nhân về số lượng phải đi đôi với chất lượng. Đẩy mạnh việc phát triển Đảng trong công nhân, trong doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất thân từ công nhân lao động; vận dụng đúng đắn quan điểm giai cấp công nhân của Đảng trong công tác cán bộ của thời kỳ mới phải phù hợp với lập trường và lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc. Đảng ta đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ phải trên cơ sở giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, có chính sách đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng hiền tài”. Thể chế hoá, cụ thế hoá các nguyên tắc về: Quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Công đoàn Việt Nam.
Năm là, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội cũng như nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân và sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của giai cấp công nhân rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật trong lao động và phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối làm việc của người công nhân trong môi trường công nghiệp với khoa học công nghệ hiện đại.
Sáu là, tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam để thu hút, tập hợp công nhân lao động vào tổ chức công đoàn; công đoàn phải là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân lao động. Chú trọng công tác phát triển đoàn viên và xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn cơ sở trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có chất lượng, có hiệu quả thiết thực, thực sự là tổ chức của công nhân lao động. Quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở chuyên trách có trình độ chuyên môn về nghề nghiệp, hiểu biết về chính sách, pháp luật; có năng lực về quản lý lao động, quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế….và có năng lực làm việc, đối thoại với chủ doanh nghiệp và công nhân lao động trong thương lượng ký thoả ước lao động và xây dựng mối quan hệ hài hoà trong lao động.
Bảy là, thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng giai cấp công nhân lao động và xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam vững mạnh. Đồng thời, bản thân tổ chức công đoàn phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của công đoàn đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách đối với công nhân lao động và hoạt động của công đoàn. Xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa công đoàn với Đảng và giai cấp công nhân, góp phần vào sự nghiệp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2020) - Ngày đoàn kết của giai cấp công nhân lao động trên toàn thế giới và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa – cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng và xây dựng, củng cố, hoàn thiện và phát huy vai trò, vị trí của tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, sẽ được đề cập, phân tích một cách khoa học, toàn diện, sâu sắc, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển nhanh, bền vững đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, quán triệt đầy đủ các quan điểm xây dựng giai cấp công nhân trong công tác xây dựng Đảng là những vấn đề cốt lõi, có tính nguyên tắc, đảm bảo cho Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng và khoa học, xứng đáng là một Đảng kiểu mới, một Đảng chân chính trung thành phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam./.
TS. Nguyễn Văn Hùng,
Hội đồng Lý luận Trung ương
………………………………………..
Tài liệu tham khảo: (1). Hồ Chí Minh: Giai cấp công nhân và Công đoàn, NXB Lao động, Hà Nội, năm 1985.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ ba, khoá VIII, Hà Nội, năm 1997.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Hà Nội, năm 2006.
(4). Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2006.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011), Hà Nội, năm 2011.
(6). Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
(7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Hà Nội, năm 2011.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, năm 2016.
(9). Nghị quyết số 25- NQ/TW, ngày 3/6/2013, của Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng, khoá XI “ Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
(10). Chỉ thị số 16/CT- TTg, ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “ Về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
(11). Tham khảo ý kiến trong cuộc tiếp xúc, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân kỹ thuật cao, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 5/5/2019.
(12). Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, tháng 9 năm 2018.