Ngay trong ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười, ngày 7-11-1917, trong phiên họp của Đại hội II toàn Nga các Xô-viết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân tổ chức tại Pê-trô-grát, V.I. Lênin đã tuyên bố với cả thế giới về thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại và nhấn mạnh: “Và giờ đây, ở nước Nga, chúng ta cần phải đặt hết tâm trí vào việc xây dựng một nhà nước vô sản xã hội chủ nghĩa”[1]. Ông đã phác họa ra hình hài đầu tiên khái quát nhất của nhà nước mới sau khi đã phá hủy đến tận gốc bộ máy nhà nước cũ, đó là “một bộ máy quản lý mới sẽ được thành lập dưới hình thức các tổ chức xô-viết”. Chính phủ xô-viết đầu tiên được thành lập với tên gọi là Hội đồng bộ trưởng dân ủy với 13 bộ do V.I. Lênin là Chủ tịch, riêng ghế Bộ trưởng dân ủy Đường sắt còn bỏ trống. Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và Đảng công nhân xã hội – dân chủ (bôn-sê-vích) Nga (tức là Đảng Cộng sản), Nhà nước xô-viết non trẻ đã quản lý đất nước, tổ chức cuộc chiến đấu oanh liệt chống thù trong, giặc ngoài, tổ chức công cuộc cải tạo và phát triển nền kinh tế, đưa đất nước vượt qua những thử thách khắc nghiệt, kể cả lúc lâm vào những tình tình thế “nguy ngập”, “nguy hiểm nhất và gian khổ nhất”, để giành được những thắng lợi to lớn. Một trong những công lao vĩ đại của V.I. Lê nin là đã dự báo, phát hiện và đấu tranh không khoan nhượng với những nhận thức sai lầm, những căn bệnh có hại và những hiện tượng tham ô, tiêu cực để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản, không ngừng xây dựng, củng cố nhà nước xô-viết vững mạnh.
Vấn đề đầu tiên, chính là cuộc đấu tranh để giữ vững những nguyên tắc của nhà nước vô sản. V.I. Lênin đã tiến hành cuộc đấu tranh kiên trì, liên tục, không khoan nhượng với mọi nhận thức sai lầm, mọi sự xuyên tạc, phá hoại về tính chất, vai trò, chức năng của nhà nước vô sản, từ âm mưu lập “chính phủ chủ nghĩa xã hội thuần nhất” của các đảng men-sê-vích và nhóm xã hội chủ nghĩa - cách mạng; sự xuyên tạc bản chất chuyên chính vô sản của Cau-xki và những kẻ cơ hội trong đảng; đến bệnh ấu trĩ tả khuynh trong nội bộ đảng phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng đối với nhà nước xô-viết; quan điểm sai lầm của Tơ-rốt-kít và những người phái “tả” trong đảng chống lại chính sách kinh tế mới và việc thực hiện dân chủ rộng rãi, đòi “nhà nước hóa” tổ chức công đoàn, v.v.. Phản bác lại ý kiến của Cau-xki về tính chất dân chủ của chế độ xô-viết, V.I. Lê nin khẳng định rằng, chính quyền xô-viết được thành lập do thành quả của Cách mạng Tháng Mười là “một chế độ dân chủ vô cùng cao hơn và rộng hơn tất cả những chế độ dân chủ trước kia trên thế giới và mở đầu công cuộc sáng tạo của hàng chục triệu công nhân và nông dân nhằm thực hiện chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn”[2]. V.I. Lênin đã viết một loạt tác phẩm như “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xki”, “Bàn về chuyên chính vô sản”, “Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản”, “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô-viết”..., để nhanh chóng cập nhật tình hình, phân tích, phê phán những sai lầm, chỉ ra bản chất những âm mưu chống phá cách mạng, trình bày một cách hệ thống những nguyên lý, lý luận về nhà nước vô sản, chuyên chính vô sản, hướng dẫn tư tưởng và nhận thức cho cán bộ, đảng viên.
Để xây dựng một nhà nước xô-viết vững mạnh, đủ sức đương đầu với những thử thách vô cùng khó khăn, phức tạp, V.I. đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục, bồi dưỡng, lựa chọn sử dụng cán bộ, chuyên gia. Ông đòi hỏi đội ngũ thanh niên phải học tập, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa cộng sản, tiếp thu những tri thức tinh hoa, hiện đại của nhân loại, “lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ năm cho công tác thực tiễn của mình” để kế tục sự nghiệp cách mạng, gánh vác nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông yêu cầu lựa chọn những công nhân, chiến sỹ hồng quân đã qua thử thách, chứng tỏ sự trung thành với cách mạng và năng lực công tác để đưa vào bộ máy quản lý nhà nước. “Nhiệm vụ của chúng ta là qua thí nghiệm mà thu hút nhiều chuyên gia, rồi bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo mới, lớp chuyên gia mới để họ học cho bằng được công tác quản lý, một công tác mới, hết sức khó khăn, phức tạp, để thay thế chuyên gia cũ”[3].
Chỉ riêng vấn đề sử dụng chuyên gia tư sản trong chỉ huy, quản lý sản xuất đã là một cuộc đấu tranh gian khổ, khó khăn với cả những người “hữu khuynh” lẫn phái “tả khuynh” trong nội bộ đảng ngay từ những ngày đầu của nhà nước xô-viết. V.I. Lê-nin đã đưa ra những cơ sở cả về lý luận lẫn thực tiễn để phê phán mọi ý kiến chống đối, kiên quyết bảo vệ việc sử dụng các chuyên gia tư sản. V.I. Lê-nin cho rằng, nước Nga có thể thực hiện được chủ nghĩa xã hội hay không là tùy thuộc vào kết quả việc kết hợp giữa chế độ quản lý của Chính quyền xô-viết với “những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản”, biến tất cả những cái vốn vô cùng phong phú về văn hóa, tri thức và kỹ thuật mà chủ nghĩa tư bản đã tích lũy được “từ chỗ là công cụ của chủ nghĩa tư bản thành công cụ của chủ nghĩa xã hội”[4]. Một trong số cái vốn đó chính là những trí thức, kỹ sư, nhà quản lý được đào tạo và đã phục vụ dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Việc sử dụng họ không chỉ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, quản lý xã hội hiện tại, mà còn để đào tạo đội ngũ chuyên gia cho tương lại.
V.I. Lê nin rất coi trọng và luôn đòi hỏi nâng cao tính kỷ luật trong hệ thống tổ chức của Nhà nước xô-viết. Ông coi tính kỷ luật như một tính chất đặc trưng, một điều kiện tiên quyết bảo đảm cho hiệu quả hoạt động của Nhà nước xô-viết. Càng vào những thời điểm khó khăn của cách mạng, ông càng đòi hỏi tính kỷ luật cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với các đảng viên cộng sản và cán bộ trong hệ thống nhà nước. Việc nâng cao tính kỷ luật luôn gắn liền với yêu cầu về tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy các cơ quan. Trong “Sơ thảo quy chế về công tác quản lý các cơ quan xô-viết”, V.I. Lê nin yêu cầu củng cố kỷ luật trong các cơ quan xô-viết trên cơ sở “phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng giữa các ủy viên trong hội đồng phụ trách hay giữa các nhân viên phụ trách”, quy định hết sức cụ thể và rõ ràng “trách nhiệm của các nhân viên đang thi hành những nhiệm vụ riêng biệt, bất luận là nhiệm vụ gì”[5]. Ông cũng đòi hỏi tăng cường tính chủ động của các xô-viết các địa phương, thông qua hoạt động của các xô-viết địa phương có thể kiểm tra lại hoạt động của các cơ quan trung ương.
Trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại” nói về phong trào “Ngày thứ bẩy lao động cộng sản”, V.I. Lê nin cho rằng, sự bảo đảm cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là việc giai cấp vô sản “đưa ra và thực hiện được một kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản” và kết quả của nó sẽ là năng xuất lao động cao hơn. Kiểu tổ chức lao động xã hội của chủ nghĩa xã hội “sẽ ngày càng dựa vào một kỷ luật tự giác và tự nguyện của chính ngay những người lao động”. Nhưng, theo V.I. Lê nin, “Kỷ luật mới này không phải từ trên trời rơi xuống, cũng chẳng phải do những mong ước thành tâm nào mà sinh ra được; nó xuất hiện từ những điều kiện vật chất của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa, và chỉ xuất hiện từ những điều kiện đó thôi. Không có những điều kiện này, kỷ luật đó không thể có được”[6]. Đây chính là logic rất chặt chẽ nhưng cũng rất thực tế để dẫn đến đòi hỏi tất yếu là phải thực hiện kế hoạch điện khí hóa nhằm phát triển nền sản xuất lớn của nước Cộng hòa xô-viết làm cơ sở vật chất cho việc xây dựng, củng cố kỷ luật tự giác của người lao động. Và chính V.I. Lê nin chứ không phải ai khác, đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch điện khí hóa nước Nga (Gô-en-rô). Trả lời tờ báo Anh “Daily Express”, ông khẳng định với sự tin tưởng sâu sắc rằng, “Việc điện khí hóa sẽ hồi sinh nước Nga. Điện khí hóa trên cơ sở chế độ xô-viết, sẽ làm cho những nguyên tắc của chế độ cộng sản, những nguyên tắc của một đời sống văn minh không có bọn bóc lột, không có các nhà tư bản, không có địa chủ, không có bọn con buôn, hoàn toàn thắng lợi ở nước chúng tôi”[7].
V.I. Lê nin đã cảnh báo từ rất sớm và đấu tranh rất quyết liệt với căn bệnh quan liêu, giấy tờ, “tác phong lề mề” trong các cơ quan nhà nước xô-viết, coi đó là “nhiệm vụ chính trị” của đảng và Nhà nước xô-viết. Ông cho rằng, đó là thứ bệnh xuất phát từ “trình độ văn hóa” và “sự nghèo khổ tột độ vì chiến tranh”. Bởi vậy, chống căn bệnh này thực sự là một cuộc đấu tranh khó khăn, phải kiên trì nhiều năm, phải thử nghiệm nhiều cách trên thực tế, “áp dụng các phương thức muôn hình, muôn vẻ để đạt tới đích”[8].
Trong 6 bức thư gửi đồng chí Txi-u-ru-xa, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy, viết trong thời gian từ 24-1 đến 7-2-1922, V.I. Lênin đã vô cùng bức xúc về tình trạng quan liêu, giấy tờ của bộ máy các cơ quan nhà nước: Hội đồng bộ trưởng dân ủy, Hội đồng lao động và quốc phòng và Ủy ban tối cao về kinh tế. Ông gọi tình trạng đó là “vũng lầy quan liêu chủ nghĩa đáng nguyền rủa”, “vũng lầy quan liêu chủ nghĩa dơ bẩn của các “cục” và “vụ”, và do đó cần phải có những biện pháp quyết liệt để thoát ra khỏi chúng. Ông cho rằng, các Hội đồng “thiếu kiểm tra việc thực hiện”, họp quá nhiều và bàn quá nhiều “những vấn đề vụn vặt”, bộ máy văn phòng Hội đồng bộ trưởng dân ủy “có đến ¾ không làm việc”. V.I. Lê nin yêu cầu “Không phải là ra những sắc lệnh, tiến hành các cuộc cải tổ mà là lựa chọn người; thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm; kiểm tra công việc thực tế. Nếu không như thế thì không thể thoát ra khỏi chủ nghĩa quan liêu và bệnh giấy tờ đang bóp nghẹt chúng ta”[9]. V.I. Lênin từng cảnh báo rằng, “các phần tử phản cách mạng và bệnh quan liêu trong các tổng cục, các cơ quan trung ương và các nông trường quốc doanh” nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự bởi vì công tác cán bộ của đảng ở đó không được chú ý, đảng chưa đưa tới đó những đảng viên trung kiên. Việc chỉ ra những biểu hiện cụ thể về căn bệnh quan liêu giấy tờ ở những cơ quan đầu não của Nhà nước xô-viết, một mặt phản ánh tình trạng đã đến mức nặng nề, phức tạp, cần phải nhanh chóng khắc phục. Mặt khác, đó cũng chính là biểu thị rõ nhất thái độ quyết liệt, thẳng thắn, không khoan nhượng của V.I. Lênin trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, giấy tờ nhằm xây dựng Nhà nước xô-viết vững mạnh.
Đấu tranh chống tham ô, hối lộ là vấn đề được V.I. Lê nin rất quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhà nước xô-viết. Là người đứng đầu Nhà nước, song V.I. Lê nin thấu hiểu kỹ càng thực tế trong các cơ quan xô-viết, trong đó có tình trạng thực tế của nạn tham ô. Ông chỉ ra rằng, “Bên cạnh những cơ quan đã nhìn thấy tính chất phổ biến của cái tệ đó mà đấu tranh với nó, còn có những cơ quan thường trả lời là “trong ngành chúng tôi, hoặc trong cơ quan, hoặc trong xí nghiệp không có tình trạng tham ô”, “mọi việc đều tốt”[10]. Ông yêu cầu phải có những biện pháp cụ thể để loại trừ nạn tham ô ra khỏi các cơ quan nhà nước, ví dụ, mỗi cơ quan phải báo cáo đề đặn 2 tháng một lần về thực trạng vấn đề tham ô, biện pháp đấu tranh thế nào, những kẻ nào bị truy tố, trong đó có cán bộ lãnh đạo không.
V.I. Lê nin coi nạn hối lộ là “kẻ thù thứ ba” trong con người cộng sản, sau “tính kiêu căng” và “nạn mù chữ”. Việc loại trừ nạn hối lộ ra khỏi hệ thống tổ chức nhà nước xô-viết chính là một điều kiện bắt buộc để củng cố hàng ngũ và tăng cường năng lực công tác của mỗi cơ quan, đơn vị. “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được... Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tế nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”[11].
Ngay trong điều kiện nhà nước xô-viết còn rất non trẻ và hoạt động trong điều kiện rất khó khăn, phức tạp, V.I. Lê-nin vẫn rất quan tâm đến việc đổi mới tổ chức và tinh giản bộ máy trong các cơ quan nhà nước, quyết liệt đấu tranh giảm thiểu những bộ phận thừa, trùng chéo nhau về nhiệm vụ, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, nhân viên thiếu tính kỷ luật, không đủ năng lực công tác, không hoàn thành nhiệm vụ, những phần tử cơ hội “chui” vào tổ chức đảng và nhà nước. Ông cho rằng, đây là một công việc phải làm thường xuyên, “tốn thời gian”, phải trải qua “nhiều, rất nhiều năm tháng”, bời vì hiện tại nước Cộng hòa xô-viết chưa có được bộ máy nhà nước đúng theo yêu cầu, thậm chí còn thiếu rất nhiều “điều kiện” để xây dựng nhà nước đó.
Vào tháng 12-1918, nghĩa là chỉ hơn một năm sau ngày Chính phủ xô-viết được thành lập, khi nói về quy chế công tác quản lý các cơ quan xô-viết, , V.I. Lê-nin đã yêu cầu: “kiên quyết thống nhất, hợp nhất các cơ quan, ban, cục, vụ có công việc giống nhau”. Nên nhớ rằng, có lúc V.I. Lê-nin đã cảnh báo, có đến ¾ cán bộ văn phòng Hội đồng bộ trưởng dân ủy không làm việc. Đó là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng quan liêu, giấy tờ, chậm giải quyết công việc ở cơ quan đầu não của nhà nước. Trong thư gửi Bộ chính trị ngày 3-3-1922, V.I. Lê-nin nhấn mạnh hai nhiệm vụ đặt ra cho Bộ dân ủy tài chính là “giảm biên chế thật sự và giảm thật kiên quyết”, dạy cho cán bộ về buôn bán và làm cho các cơ quan thương nghiệp không “lề mề”.
Đặc biệt, trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” viết xong ngày 2-3-1923, tức là trước khi V.I. Lê-nin từ trần hơn một năm một tháng, ông đã phải thốt lên rằng, tình trạng bộ máy nhà nước xô-viết hiện thời là “rất đáng buồn”, “rất tồi tệ” và đã đến lúc “phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”. Ông cho rằng, “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm đến mức tối đa những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”[12].
Có một vấn đề bây giờ chúng ta mới bàn đến thì từ gần 100 năm trước, V.I. Lê-nin đã nêu ra với đầy đủ lý lẽ, cơ sở thực tế, đó là vấn đề “kết hợp một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô-viết”. Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”, V.I. Lê-nin cho rằng, việc kết hợp linh hoạt, độc đáo giữa một cơ quan đảng và một cơ quan nhà nước chính là “một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta”, là vì chính “lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế”. Ông lấy ví dụ về hoạt động của Bộ dân ủy ngoại giao với công tác đối ngoại của đảng và công tác Kiểm tra đảng với Thanh tra nhà nước xô-viết để phân tích, chỉ ra kinh nghiệm tốt trong thực tế, sự cần thiết phải hợp nhất và những lợi ích không thể chối cãi của sự kết hợp đó. Đối với những ai còn hoài nghi với những lý do khác nhau, V.I. Lê-nin cho rằng: “Về phần tôi, tôi thấy làm như vậy không có trở ngại gì cả. Hơn nữa, tôi tin rằng sự hợp nhất ấy là điều đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có kết quả. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi hoài nghi đối với điều đó đều phát ra từ những xó xỉnh bụi bặm nhất của bộ máy nhà nước của chúng ta, và những hoài nghi ấy chỉ đáng có một điều là: đem ra mà chế giễu”[13]. Những “xó xỉnh bụi bặm” mà V.I. Lê-nin nói đến ấy, chính là những suy nghĩ bảo thủ, giáo điều, sách vở, không xuất phát từ thực tế; những tư tưởng cá nhân, vụ lợi không vì hiệu quả công tác và lợi ích chung của cách mạng.
*
V.I. Lê-nin là nhà thiết kế chính đồng thời là Tổng công trình sư của Nhà nước xô-viết Nga và Liên Xô, người đã hình dung ra hình hài, cấu trúc và trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Ông cũng là người đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng chống lại tư tưởng phản động, xuyên tạc bản chất nhà nước vô sản, những nhận thức bảo thủ, giáo điều, những căn bệnh tiêu cực trong nội bộ để bảo vệ và xây dựng một Nhà nước xô-viết ngày càng vững mạnh, quản lý đất nước xô-viết vượt qua những nguy nan, thử thách khắc nghiệt trong những năm tháng trứng nước của cách mạng. Những tư tưởng và kinh nghiệm thực tiễn của cuộc đấu tranh ấy không chỉ khẳng định công lao vĩ đại của V.I. Lê-nin, mà còn có nghĩa rất quan trọng, rất thời sự trong công cuộc tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của chúng ta hiện nay.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] V.I. toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2006, t. 35, tr.3.
[2] V.I. toàn tập, Sđd, t. 37, tr.373.
[3] V.I. toàn tập, Sđd, t. 39, tr.489.
[4] V.I. toàn tập, Sđd, t. 36, tr.472.
[5] V.I. toàn tập, Sđd, t. 37, tr.448.
[6] V.I. toàn tập, Sđd, t. 39, tr.16.
[7] V.I. toàn tập, Sđd, t. 40, tr.171.
[8] V.I. toàn tập, Sđd, t. 43, tr.337.
[9] V.I. toàn tập, Sđd, t. 44, tr.452.
[10] V.I. toàn tập, Sđd, t. 43, tr.343.
[11] V.I. toàn tập, Sđd, t. 44, tr.218.
[12] [12] V.I. toàn tập, Sđd, t. 45, tr.459.
[13] [13] V.I. toàn tập, Sđd, t. 45, tr.453.