Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Năm xu hướng biến động của giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay

Ngày phát hành: 20/04/2020 Lượt xem 78751


1. Xu hướng trí thức hóa công nhân đồng hành với xu hướng phổ thông hóa lao động công nghiệp 

Đây là xu hướng “kép”. Một mặt, giai cấp công nhân  hiện nay đang có xu hướng  trí tuệ hóa  (còn được gọi là “trí tuệ hóa”, “tri thức hóa”) trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức có những bước tiến dài. Khoa học đạt được nhiều thành tựu, đổi mới công nghệ với chu kỳ ngắn và nhanh; cùng với cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới đã khiến cho lực lượng sản xuất, sức lao động của công nhân phải thường xuyên trí tuệ hóa, tri thức hóa... Kinh tế tri thức là một trình độ mới của sản xuất hiện đại trong đó vai trò của tri thức, công nghệ ở một số lĩnh vực sản xuất đang tỏ rõ vị thế quan trọng. “Tri thức là một động lực cơ bản cho việc gia tăng năng suất lao động và cạnh tranh toàn cầu. Nó là yếu tố quyết định trong quá trình phát minh, sáng kiến, và tạo ra của cải xã hội”[1].

 Xu thế hướng tới kinh tế tri thức là xu thế chung của thế giới để đổi mới cơ cấu kinh tế từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu. Điều này đặc biệt rõ ở những nước phát triển. Năng xuất lao động phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ, tri thức, tay nghề của người lao động. Sản xuất và dịch vụ hiện đại đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết sâu rộng cả về tri thức và kỹ năng nghề nghiệp.  Theo đó, tốc độ “trí thức hóa” công nhân đang diễn ra khá nhanh và công nhân tri thức đã dần chiếm tỷ lệ cao - tới 40% trong tổng số lao động xã hội ở các nước phát triển.   

  Mặt khác, cũng từ toàn cầu hóa hiện nay cũng thấy một xu hướng trái chiều, có tính nghịch đảo khác trong công nhân ở các nước đang phát triển. Đó là xu hướng thâm dụng lao động phổ thông, tận dụng các công nghệ lạc hậu, phân khúc các công đoạn sản xuất và đẩy những công đoạn chỉ cần lao động có năng lực bình thường cho các nước đang phát triển có nhiều lao động và giá lao động rẻ... Cũng vì thế, công nhân các nước đang phát triển vẫn tăng về số lượng, nhưng chủ yếu là nhóm lao động phổ thông.   

Xu hướng kép này thúc đẩy công nhân phát triển theo hướng vừa thống nhất, cập nhật hiện đại hóa; vừa phân hóa, kiềm chế trong công nghệ lạc hậu và “sa vào bẫy thu nhập trung  bình”. Chính sách phát triển giai cấp công nhân  cần phải lưu ý đến thực trạng này.               

2. Xu hướng trung lưu hóa về thu nhập song song với bần cùng hóa tương đối 

Về mặt thuật ngữ, đáng lưu ý là trong các nghiên cứu  khoa học xã hội, cụm từ “middle class” (giai cấp trung lưu) được sử dụng phổ biến hơn cụm từ “middle stratum” (tầng lớp trung lưu). Người ta cho rằng cách sử dụng đó mới phản ánh  được  phản ánh một nhóm xã hội khá đặc thù về nhiều mặt, không chỉ thu nhập, mức sống mà còn xu hướng chính trị. Chúng tôi cho rằng, nên sử dụng khái niệm “nhóm xã hội trung lưu” vì nó phản ánh chính xác hơn xu hướng này. Bởi vì, trung lưu hóa bao hàm trong nó nhiều nhóm xã hội nghề nghiệp, nhiều bộ phận của các giai cấp khác nhau.           

Một số nghiên cứu hiện đại về công nhân ở các nước phát triển cho biết hiện nay “trung lưu hóa” là hiện tượng khá phổ biến. Theo Michel Zweig, ở Mỹ sự phân tầng diễn ra như sau: “giai cấp lao động” chiếm 62%; các nhà doanh nghiệp hay “giai cấp tư bản” chỉ chiếm 2%. Nằm giữa 2 giai cấp này là “tầng lớp trung lưu” (chiếm 36% lực lượng lao động Mỹ).”[2] “Tầng lớp trung lưu là các chuyên gia, chủ doanh nghiệp nhỏ và nhân viên quản lý giám sát. Họ không chỉ là tầng lớp trung gian về phân phối thu nhập, mà là những người sống ở giữa hai giai cấp ở hai cực trong xã hội tư bản. Trải nghiệm của họ có một số khía cạnh giống với giai cấp lao động và một số giống với doanh nhân.”[3]

Thu nhập và mức sống ở “quãng giữa tư sản và công nhân” là đặc thù để nhận biết nhóm xã hội trung lưu. “Đặc điểm của các thành viên thuộc tầng lớp trung lưu là họ có một công việc ổn định, được trả lương.”[4] “Nhiều nghiên cứu xuyên quốc gia đã chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu có những giá trị chính trị khác so với người nghèo: họ coi trọng dân chủ hơn, muốn tự do cá nhân nhiều hơn, bao dung các lối sống khác hơn, v.v.”[5]  

F.Fukuyama nhận thấy: “Các nhà kinh tế học có xu hướng định nghĩa giai cấp trung lưu dựa vào thu nhập. Một cách thường thấy là chọn những người có thu nhập gấp 0,5 đến 1,5 lần thu nhập trung bình. Điều này làm cho định nghĩa về giai cấp trung lưu phụ thuộc vào sự giàu có trung bình của một xã hội và vì vậy, không thể so sánh giữa các quốc gia; vì giai cấp trung lưu ở Brazil có mức chi tiêu thấp hơn ở Hoa Kì. Để tránh vấn đề này, một vài nhà kinh tế học chọn một mức độ tuyệt đối về chi tiêu, từ mức thấp 5 USD/1 ngày hay 1.800 USD/ mỗi năm tính theo sức mua tương đương, hoặc mức thu nhập từ 6000 USD – 31.000 USD thu nhập hàng năm.”[6]

 Tùy theo mức sống của từng quốc gia mà nhóm này có thể có những mức  thu nhập khác nhau. Chẳng hạn ở Mỹ, thu nhập từ trên 20.000 USD đến dưới 200.000 USD/ năm, có thể được xếp vào nhóm xã hội trung lưu. Nhưng ở các nước khác có thể không đạt được mức đó. “Ngân hàng Thế giới (WB) đặt tầng lớp trung lưu của các nước phát triển vào một vành đai trong đó có thu nhập từ 2 đến 13 USD/ngày; ngưỡng thứ nhất đại diện cho ngưỡng nghèo của Ngân hàng Thế giới, còn ngưỡng thứ hai đánh dấu chuẩn nghèo ở Mỹ”.[7] Nhìn chung  đó là “một tầng lớp trung lưu đầy mơ hồ” vì họ là tập hợp của nhiều giai cấp.  

Hiện tượng công nhân gia nhập vào nhóm xã hội trung lưu cũng khác nhau về tỷ lệ theo các quốc gia phát triển. Thông thường, tỷ lệ công nhân đạt tới mức sống trung lưu xê dịch từ 25% đến gần 40%/ tổng số lao động.[8] Tuy vậy quá trình “hữu sản hóa” này (có cổ phiếu, có bảo hiểm lao động và có lương hưu trí) thường khá mong manh và xu hướng lớn hơn là công nhân trung lưu lại rơi trở lại về nhóm nghèo.  

Ảnh hưởng của quan điểm lý luận về nhóm xã hội trung lưu là khá mạnh mẽ. Trong cuộc khảo sát về các quan điểm toàn cầu năm 2012, tổ chức OECD đã coi nhu cầu phải “củng cố tầng lớp trung lưu mới xuất hiện”,  coi “tầng lớp trung lưu là không thể bỏ qua” và thúc giục sự chuyển dịch chính sách từ “tăng trưởng ủng hộ người nghèo” sang “tăng trưởng ủng hộ tầng lớp trung lưu” như là mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách.[9]

Cũng có những nhận định coi sự phát triển nhóm xã hội trung lưu là “xu thế của thế kỷ XXI” và theo đó, dường như có sự thay thế mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân. “Một quan niệm đã đang định hình thế kỷ XXI với tư cách là thời đại của tầng lớp trung lưu toàn cầu. Những công nhân của thế kỷ XX đã bị trục xuất khỏi ký ức; một dự án giải phóng toàn cầu do giai cấp vô sản lãnh đạo đã được thay thế bằng khát vọng toàn cầu hướng tới địa vị trung lưu.”[10]

Đánh giá về nhóm xã hội trung lưu cũng có những quan niệm khá khác biệt. Họ có cổ phiếu, đa số là trí thức chuyên viên, có địa vị nghề nghiệp khá tốt, sống ổn định, lạc quan, tự tin, coi trọng ổn định xã hội và nhiều người đã không tự nhận là giai cấp công nhân theo quan niệm truyền thống nữa. Ở châu Âu, nhóm trung lưu được coi là “cái neo xã hội để con tàu chính trị bớt chòng trành” và là nhóm cử tri cần được tranh thủ khi bầu cử.

Ở các nước đang phát triển, đang chuyển đổi, công nhân trung lưu là sự hiện thực hóa giấc mơ xóa đói nghèo để “cùng khá giả” ở Trung Quốc, Đông Nam Á hoặc Mỹ Latinh... F.Fukuyama cho rằng: “Một tầng lớp trung lưu mạnh với một số tài sản và giáo dục có nhiều khả năng tin tưởng vào sự cần thiết của quyền sở hữu và trách nhiệm dân chủ. Họ muốn bảo vệ giá trị tài sản của mình khỏi những chính phủ cướp bóc hoặc không đủ năng lực, và có thể dành thời gian để tham gia vào chính trị (hoặc yêu cầu quyền được tham gia) bởi vì thu nhập cao hơn đảm bảo mức tốt hơn cho sự sống còn của gia đình. Nhiều nghiên cứu xuyên quốc gia đã chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu có những giá trị chính trị khác so với người nghèo: họ coi trọng dân chủ hơn, muốn tự do cá nhân nhiều hơn, bao dung các lối sống khác hơn, v.v.”[11]  

Nhưng mặt khác, cũng có quan điểm coi nhóm xã hội trung lưu, trong đó có công nhân, là “vật hy sinh đầu tiên” trong khủng hoảng kinh tế. “Người ta có thể mô tả họ là những người chiếm một vị trí của giai cấp công nhân ổn định, hơn là thuộc về một tầng lớp trung lưu đầy mơ hồ. Chính phủ Brazil có xu hướng nhấn mạnh tình trạng dễ bị tổn thương của tầng lớp trung lưu, được cho là luôn có nguy cơ rơi trở lại vào tình trạng nghèo đói...”[12]

Trung lưu hóa còn là sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản để xoa dịu tình cảnh bất công mà Eddi McCabe nhận xét: “Một giai cấp đa số người lao động làm hầu hết công việc và tạo ra tất cả của cải, nhưng được sở hữu rất ít, và một giai cấp thiểu số của những người làm rất ít công việc và không tạo ra sự giàu có, nhưng sở hữu hầu như tất cả của cải.”[13]  Lý luận trung lưu hóa thậm chí còn bị coi là “vô đạo đức, ám ảnh nặng nề về vật chất và không nhạy cảm về mặt xã hội”[14] là vì như vậy.

Không thể phủ nhận những ý nghĩa thực tế nhất định đối với mục tiêu cải thiện đời sống của người lao động từ quá trình trung lưu hóa. Tuy vậy cần nhận thấy, bản chất của lý luận “công nhân trung lưu hóa” là thay thế ý thức giai cấp bằng chủ nghĩa tiêu dùng, lấy chủ nghĩa cá nhân thực dụng thay cho chủ nghĩa xã hội. Theo đó, hai xu hướng đồng hành trong phong trào công nhân hiện đại: “trung lưu hóa” và “bần cùng hóa” đang là một thực tế khá phức tạp và cần được lưu ý trong  nghiên cứu về giai cấp công nhân hiện nay.

 

3. Xu hướng toàn cầu hóa về nhân lực đồng hành với xu hướng phân hóa về trình độ công nghệ và chênh lệch về phần được hưởng 

Toàn cầu hóa và phân hóa là hai mặt của một quá trình tham gia phân công lao động quốc tế của giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay.

Toàn cầu hóa về nhân lực với các nội dung như: dòng lao động và sức lao động có thể dịch chuyển đến nhiều quốc gia; đào tạo công nhân ngày càng được chuẩn mực hóa theo các tiêu chuẩn chung (chẳng hạn ISO); nhà sử dụng lao động lớn nhất thế giới hiện nay là các công ty xuyên quốc gia - TNC “với các tiêu chuẩn sản xuất và điều kiện làm việc của công nhân giống hệt nhau.” Matt Vidal (2018) nhận xét: “Ngày nay, 170 năm sau khi xuất bản Tuyên ngôn, nhà máy Volkswagen Wolfsburg ở Đức đã có hơn 73.000 và khu phức hợp Foxconn 1,4 dặm vuông (2 km2) ở Long Hoa, Thâm Quyến, sản xuất các sản phẩm của Apple có khoảng 400.000 công nhân. Trong khi đó, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực dịch vụ tuyển dụng đến hàng trăm nghìn công nhân (McDonald’s, Amazon, Tesco), đôi khi hơn một triệu công nhân (Walmart) trong điều kiện làm việc giống hệt nhau.”[15] Rõ ràng, như Mác từng nhận định: “Giai cấp tư sản đang tạo ra một thế giới theo hình ảnh của nó” và “giai cấp công nhân  và sứ mệnh lịch sử của nó là một hiện tượng hoàn toàn xa lạ với tính địa phương”, “lịch sử ngày càng trở thành lịch sử thế giới”... 

Tuy vậy, quá trình sản xuất hiện nay với những yêu cầu quy định khá phức tạp về vốn, công nghệ, thị trường và nhiều yếu tố ngoài kinh tế khác, người ta nhận thấy sự phát triển của giai cấp công nhân vẫn bị phân hóa, phân biệt rõ nét.

Chênh lệch về trình độ công nghệ, phần được hưởng của công nhân ở từng quốc gia khi hội nhập là những khác biệt mà nhiều nghiên cứu đã nói tới. Điều đáng quan tâm ở đây là nguyên nhân của những phân hóa, khác biệt ấy không phải chỉ là do khác biệt về trình độ công nghệ mà chủ yếu là do tính ích kỷ của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; cùng với đó là những điều kiện, ràng buộc trong bối cảnh toàn cầu hóa mang đậm tính chất tư bản chủ nghĩa hiện nay.

Theo đó sự phát triển của giai cấp công nhân và tiến trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của nó đang diễn ra theo 2 xu hướng: vừa toàn cầu hóa lại vừa phân hóa và hiện nay đang tương tác với nhau khá phức tạp.                           

4. Xu hướng chuyên môn thuần túy đồng hành với tích cực hóa chính trị - xã hội

Xét từ bản thân mỗi công nhân, do đặc tính của lao động công nghiệp và vị trí làm việc mà họ đảm trách, yêu cầu phải đáp ứng đầu tiên là chuyên môn, trình độ kỹ thuật, khả năng làm việc nhóm...Theo đó, phẩm chất chuyên gia, năng lực nghề nghiệp của công nhân buộc chúng ta phải nhìn nhận họ là một nhà chuyên môn. Trong môi trường khá khắc nghiệt của lao động công nghiệp hiện đại, đáp ứng được hay không các tiêu chuẩn chuyên môn sẽ gắn liền với có việc làm, thu nhập  hay không. Cũng từ đó, ở nhiều nước công nghiệp hiện nay, đã xuất hiện một bộ phận khá lớn công nhân có xu hướng “chuyên môn thuần túy”.

Chuyên môn thuần túy cũng có thể được xem là một sự “tha hóa” của công nhân hiện đại mà tác động chủ yếu là từ thể chế. Mác trước đây có mô tả người công nhân trong đại công nghiệp “như một cái đinh ốc, như một bộ phận của máy móc”, và vì thế lao động hiện đại làm người công nhân bị “tha hóa”. Cũng có những điểm tương tự của công nhân hiện nay khi so với hai thế kỷ trước. Ở Hoa kỳ, một báo cáo của Viện Chính sách Kinh tế xem xét những thay đổi lập pháp ở cấp bang về chính sách lao động và tiêu chuẩn lao động từ năm 2010 cho biết: “Những thay đổi làm suy giảm tiền lương cũng như các điều kiện làm việc, bảo vệ pháp lý hoặc sức mạnh đàm phán của công nhân có tổ chức hoặc không có tổ chức. Hậu quả của chương trình nghị sự lập pháp này là làm suy yếu khả năng của công nhân trong việc kiếm tiền lương từ tầng lớp trung lưu và tăng cường sức mạnh của người chủ trong thị trường lao động. Những thay đổi này không tự nhiên xảy ra mà là kết quả của một chiến dịch chính trị có chủ đích và dai dẳng của các nhóm kinh doanh.”[16] 

Để phản kháng lại, giai cấp công nhân hiện nay tự bảo vệ thông qua tính muôn vẻ của các hoạt động và tổ chức. Các tổ chức xã hội hiện nay lôi cuốn công dân - công nhân tham gia phong trào của mình, đã phong phú hơn vài thế kỷ trước. Không chỉ tham gia vào Công đoàn và các đảng công nhân, họ còn là thành viên khá tích cực của các phong trào vì tiến bộ xã hội, vì dân sinh, dân chủ khác. giai cấp công nhân hiện nay ở các nước tư bản là lực lượng quan trọng, to lớn “mà tất cả các đảng phái đều muốn dựa dẫm vào nó” (Mác, “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1852”). Cũng có những biểu hiện thờ ơ, suy giảm tích cực nào đó với một tổ chức truyền thống nào đó, nhưng có lẽ lỗi không chỉ từ công nhân!

“Công nhân là sản phẩm của đại công nghiệp” nhưng họ cũng là sản phẩm xã hội của chế độ tư bản chủ nghĩa; những định đề của Mác tiếp tục sức mạnh lý tính của nó khi phân tích xu hướng của giai cấp công nhân hiện nay. 

 

5. Xu hướng bản địa hóa, dân tộc hóa đồng hành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân

Trong vài thập niên gần đây, lý luận về giai cấp công nhân, sứ mệnh lịch sử và chủ nghĩa xã hội khoa học có một xu hướng khá mạnh mẽ mà Ăngghen từng khuyên khi tiếp cận với lý luận về giai cấp công nhân - chủ nghĩa xã hội khoa học, là phải “đứng vững trên mảnh đất hiện thực” của mình để “bản địa hóa” chủ nghĩa Mác, hiện thực hóa lý luận chung vào những trường hợp quốc gia - dân tộc cụ thể. Chúng ta được tiếp nhận lý luận về giai cấp công nhân  hoặc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân ở từng quốc gia cụ thể như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba...

Chính bản thân sự phát triển của giai cấp công nhân , phong trào công nhân cũng theo xu hướng đó. Giai cấp công nhân  đang “trở thành dân tộc”, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc và mang trong mình khát vọng phát triển dân tộc, vươn lên trở thành giai cấp tiên phong và đại biểu cho lợi ích của quốc gia - dân tộc... Đây có lẽ là những điểm phân biệt khá rõ trong lý luận về giai cấp công nhân  trước đây và trong giai đoạn từ 1991 đến nay.

Nhưng cũng cần thấy thêm biểu hiện mới của chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay. Chính toàn cầu hóa mang đậm tính chất tư bản chủ nghĩa hiện nay là cơ sở cho chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. C.Mác và  Ph.Ăngghen viết: “Công nghiệp lớn lại tạo ra một giai cấp cùng có những lợi ích như nhau trong tất cả các dân tộc, một giai cấp không còn tính riêng biệt dân tộc nữa.”[17]  Và, vì vậy mà giải phóng lao động không phải là một vấn đề địa phương hay dân tộc, mà là một vấn đề xã hội, bao quát tất cả các nước, và việc giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào sự hợp tác, về mặt thực tiễn và về mặt lý luận của các nước tiên tiến nhất.

Trên thực tế có một hiện tượng dễ nhận ra là các nước phát triển là những nước đã công nghiệp hóa xong. Đặc điểm chung là các nước này luôn dẫn đầu thế giới cả về trình độ sản xuất, quy mô, chất lượng của nền kinh tế và có tỷ lệ lao động công nghiệp - công nhân chiếm đa số hoặc tuyệt đại đa số trong tổng số lao động xã hội của quốc gia. Các nước này cũng luôn đi đầu trong các lần cách mạng  công nghiệp gần đây. Đó là các nước G7, G20…Trong nền sản xuất của các nước đó, như lời Ăngghen, giai cấp công nhân là “giai cấp thường trực của xã hội hiện đại”.

Phong trào công nhân ở các nước phát triển cũng là lực lượng chủ đạo của cuộc đấu tranh vì tiến bộ, dân chủ dân sinh và nhiều mục tiêu cao cả khác của nhân loại hiện nay. Chủ đạo trong nền sản xuất hiện đại là “lực lượng sản xuất hàng đầu” trong các nước phát triển hiện nay, nhưng ở nhiều nước công nhân chưa phải là chủ thể về kinh tế và chính trị. Vươn lên trở thành giai cấp đại biểu cho dân tộc, chủ thể của nền chính trị đang là sứ mệnh của công nhân ở những nước này.  

Với các nước đang phát triển, đặc thù về bối cảnh kinh tế - chính trị hiện nay là chưa công nghiệp hóa xong, độc lập và chủ quyền quốc gia vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ và hoàn thiện. Trong bối cảnh của kinh tế thị trường toàn cầu, quan hệ giữa sở hữu và lao động vẫn còn khoảng cách, vấn đề bóc lột và bị bóc lột vẫn là một thực tế hiện hữu thì với các quốc gia đang phát triển, phát triển nền kinh tế vẫn phải chấp nhận tính chất tư bản chủ nghĩa trong quan hệ sản xuất. Theo đó hai nhu cầu giải phóng và phát triển vẫn đặt ra trực tiếp và thường trực thông qua quá trình phát triển dân tộc: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc…”[18]                    

 

PGS.TS. Nguyễn Viết Thảo

PGS.TS. Nguyễn An Ninh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

 



[1]  Ngân hàng Thế giới, Báo cáo phát triển nhân lực năm 2002.

[2] Michel Zweig,  Sáu điểm lưu ý về giai cấp, Tài liệu dịch của Đề tài: Những nghiên cứu về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay, H. 2019; tr.70.  

[3]  Michel Zweig,  Sáu điểm lưu ý về giai cấp, Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, H. 2019; tr.71.

[4] Birdsall, “Tầng lớp trung lưu (không thể thiếu) ở các nước đang phát triển” (‘The (Indispensable) Middle Class in Developing Countries’) Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, H. 2019; tr.94.  

[5] Fransit Fukuyama, Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủwww: Tinh thần khai minh, 20/5/2017

[6] Fransit Fukuyama, Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủwww: Tinh thần khai minh, 20/5/2017. 

[7] Martin Ravallion, “Tầng lớp trung lưu đang phình lên (song dễ bị tổn thương) của các nước đang phát triển” (‘The Developing World’s Bulging (but Vulnerable) Middle Class’), World Development, tập 38, số 4, 2010. Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, tr. 94.  

[8]  PGS.TS Phan Văn Rân, thành viên của Đề tài, Chuyên đề: “Các đảng dân chủ xã hội với vấn đề GCCN và SMLS của GCCN hiện  nay”  đưa ra những tỷ lệ cao hơn: “Tỷ lệ của nhóm trung lưu thường chiếm từ 50% - 60% trong công nhân.” 

[9]  OECD, Quan điểm phát triển toàn cầu năm 2012 (Perspectives of Global Development 2012), Paris 2011, Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, tr. 93.

[10] Joe Leahy, “Bài phỏng vấn Dilma Rousseff của tờ FT” (‘FT interview: Dilma Rousseff’), FT, ngày 03/10/2012. Cố vấn chính trị của bà đã nói về cam kết khi tái tranh cử năm 2006: “Đất nước Brazil đang chứng kiến sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu mới. Nếu tôi tái đắc cử, tôi sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm này.” Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, tr. 93

[11] Fransit Fukuyama, Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủwww: Tinh thần khai minh, 20/5/2017

[12] Ricardo Paes de Barros cùng các cộng sự, “A nova classe média brasileira: desafíos que representa para a formulacão de políticas públicas, Brasilia 2011. (Giai câp trung lưu mới ở Brasil…) Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, tr. 95

[13] Eddie McCabe (2018), “Lý thuyết về đấu tranh giai cấp của Karl Marx: Giai cấp công nhân & Các cuộc cách mạng”, Con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội, ngày 5 tháng 5 năm 2018, Tài liệu dịch của đề tài, đã dẫn, trang 13.

[14] Pawan Varma, Tầng lớp trung lưu vĩ đại của Ấn Độ (The Great Indian Middle Class), New Delhi 1998, tr. 174. Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, tr. 95.  

[15] Matt Vidal (2018), “Phải chăng Mác đã sai lầm về giai cấp công nhân? Xem xét lại luận điểm người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, International Socialism, 158, http://isj.org.uk/gravedigger-thesis/. Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn,  tr.23.

[16] Gordon Lafer, Cuộc Tấn công lập pháp vào Tiền lương và Tiêu chuẩn lao động của người Mỹ, 2011- 2012, Viện Chính sách Kinh tế, Báo cáo Tóm tắt #364, ngày 31 tháng 10 năm 2013, http://epi.org. Tài liệu dịch của Đề tài, đã dẫn, tr.127.

[17]  C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, NXB CTQG, H. 1995, tập 3, tr.88.

[18] C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, đã dẫn, Tập 4, tr.611. 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết