Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới và sự vận dụng vào thực tiễn Việt Nam

Ngày phát hành: 15/04/2020 Lượt xem 57316

 

I.Tư tưởng của Lê nin về xây dựng chính đảng kiểu mới – Giá trị bền vững trong thời đại ngày nay

           Ngày nay đã tròn một thế kỷ trôi qua, thực tiễn sinh động trong sự phát triển của lịch sử loài người, những thành công và thất bại của phong trào công sản và công nhân quốc tế, càng chứng minh tính đúng đắn, giá trị bền vững trong lý luận của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới- Chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Kế thừa những tư tưởng sâu sắc của Mác, Ăngghen về tính tất yếu ra đời đảng cộng sản khi có sự kết hợp giữa lý luận của CNXH khoa học với phong trào công nhân, như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nêu: “ Vậy là về mặt thực tiễn, những người cộng sản là một bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”[1]. Tư tưởng của Lênin về xây dựng một chính đảng kiểu mới được thể hiện tập trung trong các tác phẩm Làm gì? Được viết vào tháng 3/1902 và tác phẩm Một bước tiến, hai bước lùi, viết vào đầu năm 1904, chỉ rõ những nguyên lý cơ bản để xây dựng chính đảng kiểu mới, cũng là những căn cứ, nguyên tắc để phân biệt một đảng cách mạng, chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân với các tổ chức chính trị, đảng phái khác.

 

a, Giá trị cốt lõi về các nguyên lý xây dựng chính đảng kiểu mới, đó là:

          - Lênin cho rằng, một đảng kiểu mới, là đảng phải lấy Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Chủ nghĩa Mác được hình thành, từ sự kết tinh những giá trị tinh thần sâu sắc, tiến bộ của lịch sử văn minh nhân loại, với những tiền đề về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tư duy đã chín muồi, từ triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và Chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp; Mác và Ănghen đã sáng tạo ra CNXH khoa học, là hệ thống lý luận khoa học, vũ khí lý luận, ngọn cờ tập hợp lực lượng của giai cấp vô sản cách mạng, để chính đảng kiểu mới vạch ra cương lĩnh hành động, chiến lược và sách lược cách mạng, xây dựng chế độ xã hội mới của người lao động.

          - Đảng Cộng sản là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất, có giác ngộ nhất của giai cấp công nhân. Lênin đã từng chỉ ra rằng, tổ chức là một vũ khí nhờ đó mà giai cấp vô sản sẽ tự giải phóng; không có vũ khí nào tốt hơn là sự tổ chức, rằng: “ Tính tự giác của đội tiên phong còn biểu hiện ở chỗ là nó biết tự tổ chức. Mà sau khi đã được tổ chức, nó có một ý chí thống nhất, và ý chí thống nhất ấy của một nghìn, một trăm nghìn, một triệu người tiên tiến sẽ trở thành ý chí của một giai cấp”[2].

          - Đảng kiểu mới phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc sẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo thành một khối vững chắc cho sức mạnh chung của toàn Đảng. Lênin chỉ rõ: “ … Trước kia Đảng ta chưa phải là một khối chính thức và có tổ chức, mà chỉ là một tổng số những nhóm riêng biệt và do đó, giữa các nhóm ấy không thể có những quan hệ nào khác, ngoài sự tác động về mặt tư tưởng. Hiện nay, chúng ta đã trở thành một Đảng có tổ chức, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tạo ra một quyền lực, biến uy tín về tư tưởng thành uy tín về quyền lực, khiến cấp dưới phải phục tùng cấp trên của Đảng”[3].

          - Khi có chính quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị XHCN, đồng thời là một bộ phận của hệ thống đó. Điều quan trọng là sau khi giành được chính quyền, Đảng phải lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công chế độ xã hội mới của người dân. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có lực lượng lãnh đạo, hạt nhân nòng cốt; giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền, xây dựng chế độ mới còn khó khăn hơn. Vì thế không thể coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Lênin khẳng định: “ Chủ nghĩa Mác giáo dục Đảng công nhân, là giáo dục đội tiên phong của giai cấp vô sản, đội tiền phong này đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên CNXH, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động[4].

          - Đảng là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Lênin đặc biệt quan tâm tới sự đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền, cho rằng bất cứ sự bất đồng nào, ngay cả sự bất đồng không đáng kể, cũng có thể trở thành nguy hiểm về mặt chính trị. Đây là nguồn gốc của sự chia rẽ trong nội bộ, tự nó phá hoại sức mạnh của Đảng. Trong đó xác định, trước hết phải là sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Sự đoàn kết, thống nhất ở đây không phải là xuôi chiều, cả nể mà phải trên cơ sở thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình để khắc phục sai lầm và khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Người cho rằng: " Chuyên chính vô sản không thể thực hiện được nếu không có sự đoàn kết nhất trí của những người lao động”, rằng: “ công khai thừa nhận sai lầm” của một đảng là tiêu chí quan trọng để đánh giá xem đảng đó có thật sự là đảng macxit hay không và “ cần phải để cho tất cả các đảng viên được hết sức tự do phê bình các cơ quan trung ương và công kích các cơ quan trung ương”[5]. Sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải dựa trên cương lĩnh, điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng, là sự đoàn kết có nguyên tắc trên cơ sở lợi ích chung của đất nước, dân tộc và giai cấp.

           -Thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng sẽ làm cho đảng mạnh lên. Lênin ý thức rất cao về sự nguy hại của chủ nghĩa cơ hội trong Đảng, đây là bộ phận thoái hóa, biến chất làm cho đảng cách mạng suy yếu, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong nội bộ, sẽ có tác dụng tích cực, làm cho đảng mạnh lên. Người chỉ rõ đặc điểm, nhận dạng loại bệnh này: “ Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giời nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau”[6], rằng: “Chủ nghĩa cơ hội là sự hy sinh lợi ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công nhân, nói cách khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản để chống lại quần chúng vô sản”[7]

          - Đảng kiểu mới phải gắn bó chặt chẽ với quần chúng, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Đây là vấn đề luôn được Lênin lưu ý, đối với chính đảng cách mạng trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền, rằng: “ Muốn trở thành một đảng dân chủ- xã hội, thì cần phải được sự ủng hộ của chính giai cấp”[8].  Bởi vì, đảng không thể lãnh đạo được giai cấp, nếu như không có mối liên hệ chặt chẽ với giai cấp công nhân ngoài đảng và các tầng lớp lao động khác. Người lưu ý: “ Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là sự cắt đứt liên hệ với quần chúng”[9]. Lênin nhấn mạnh, đó “là nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất” để thấy tầm quan trọng của vấn đề. Đồng thời, khi trở thành đảng cầm quyền, một nguy cơ dễ xuất hiện đó là bệnh quan liêu, xa rời quần chúng; những thói hư, tật xấu, như theo đuôi quần chúng hoặc xa rời quần chúng… , đảng cách mạng cần chú ý.

          - Đảng kiểu mới phải tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào đảng; phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi đảng. Đây cũng là vấn đề hệ trọng của công tác xây dựng đảng. Để một đảng cách mạng- đảng kiểu mới xứng đáng là đội tiên phong, không ngừng lớn mạnh thì phải thường xuyên bổ sung những quần chúng ưu tú cho đảng, đồng thời loại bỏ cơ thể mình những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội. Đây cũng là điều kiện để đảng tồn tại và phát triển, đủ uy tín lãnh đạo nhân dân qua các giai đoạn cách mạng ở mỗi nước.

          - Đảng kiểu mới phải theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Đây là vấn đề xuất phát từ bản chất giai cấp của giai cấp công nhân, đòi hỏi đảng kiểu mới phải kết hợp đúng đắn giữa lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp trong từng nước và lợi ích quốc tế; giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cao cả. Lênin chỉ rõ: “ Liên minh với những người cách mạng trong các nước tiên tiến và với tất cả các dân tộc bị áp bức, chống bọn đế quốc chủ nghĩa thuộc bất cứ loại nào, đó là chính sách đối ngoại của giai cấp vô sản”[10]. Trong quan điểm về chủ nghĩa quốc tế vô sản, Người luôn nhấn mạnh phải tránh cả hai khuynh hướng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa sô vanh nước lớn, rằng: “ Thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới, đòi hỏi giai cấp công nhân các nước tiên tiến phải hết sức tin cậy lẫn nhau, đoàn kết anh em hết sức chặt chẽ với nhau và phải hết sức nhất trí trong các hành động cách mạng của họ”[11].

          b, Giá trị đương đại trong tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới.

          Những nguyên lý của Lênin về chính đảng kiểu mới, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là một đóng góp to lớn cho nhân loại cả về lý luận và thực tiễn. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác, Ăngghen về tính tất yếu lịch sử của sự ra đời chính đảng, là sản phẩm tự nhiên của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, Lênin bổ sung, phát triển và xây dựng trên thực tiễn chính đảng kiểu mới- Đảng Bônsevic Nga, chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Hơn 100 năm trôi qua, thế giới đã có nhiều thay đổi, thực tiễn lịch sử và văn minh nhân loại ngày nay cho phép kiểm chứng tính đúng đắn, giá trị đương đại trong tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểm mới vẫn còn nguyên giá trị, là tiêu chí để phân biệt một chính đảng cách mạng chân chính, với các tổ chức chính trị, đảng phái khác. Những giá trị đó thể hiện ở một số điểm chính như sau:

          Một là, một chính đảng muốn trở thành lực lượng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, đảng đó phải thực sự là đại diện cho trí tuệ, tinh hoa của dân tộc. Thế giới ngày nay chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, văn minh nhân loại bước vào giai đoạn mới. Các quốc gia phát triển trong bối cảnh vừa có thuận lợi, khó khăn đan xen, cạnh tranh gay gắt, đồng thời phải đối phó với nhiều vấn đề thách thức. Điều đó đòi hỏi đảng phải thực sự có hệ tư tưởng tiên tiến, thu nạp vào đội ngũ của mình những thành viên ưu tú. Lịch sử nhân loại đến nay, đã chứng kiến những thăng trầm của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, những thành công và thất bại của các nước XHCN trên thế giới, nhưng cũng chính từ thực tiễn đó, càng chứng tỏ tính đúng đắn, giá trị bền vững của Học thuyết Mác-Lênin, tính quy luật của con đường đi lên CNXH mà loại người nhất định sẽ đi tới, như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đã khẳng định. Một chính đảng kiểu mới đòi hỏi phải có hệ tư tưởng tiến bộ, lãnh đạo đất nước, dân tộc, đồng thời phải có đội ngũ tiên phong. Đảng phải thu nạp vào tổ chức mình những thành viêu ưu tú và thường xuyên loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất. Đó mới là đảng chân chính, cách mạng.

          Thứ hai, thế giới ngày nay, các quốc gia có nhiều mô hình phát triển, nhiều chính đảng với tính đại diện khác nhau, cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Những để một chính đảng lãnh đạo ổn định, vững chắc thì chính đảng đó phải là một tổ chức chặt chẽ, có ảnh hưởng xã hội lớn. Ảnh hưởng xã hội ở đây trước hết là đường lối, quan điểm, chủ chương của đảng về giải quyết các vấn đề của đất nước, bởi người đứng đầu đảng và quan trọng nhất là hình ảnh của toàn đảng đối với xã hội. V. Lênin đã chỉ rõ các nguyên tắc để tổ chức đảng được cấu trúc và vận hành chặt chẽ, đó là các nguyên tắc tập trung, dân chủ; phê bình và tự phê bình; kết nạp vào đảng những thành viên ưu tú trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời đưa ra khỏi đảng những người không còn xứng đáng, làm trong sạch đội ngũ, xứng đáng là đội tiền phong, là người lãnh đạo. Ngày nay, dù văn minh nhân loại đã đạt được đến đâu, khoa học và công nghệ phát triển như thế nào, máy móc và quản trị xã hội đã phát triển, cũng không thể bỏ qua các nguyên tắc này, nếu đó là tổ chức chính trị lãnh đạo xã hội. Có ý kiến cho rằng, nên hiểu thế nào cho đúng về tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung hoặc tập trung, dân chủ. Xét về nội hàm, 3 vấn đề này là khác nhau, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức chính trị, tuy nhiên cần có cách tiếp cận biện chứng, tránh máy móc, dập khuôn hoặc chia cắt đơn giản. Tập trung và dân chủ trong tổ chức, hoạt động của chính đảng kiểu mới là thống nhất biện chứng với nhau, trong tập trung có dân chủ và trong dân chủ có tập trung, nhưng để hoạt động của một bộ máy thì phải nhấn tập trung lên trước. Cần phân biệt giữa cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể với nguyên tắc hoạt động để tránh dân chủ hình thức, vô chính phủ và tập trung quan liêu, hay độc đoán mất dân chủ, lợi dụng dân chủ.

Thứ ba, gắn bó với nhân dân và có tinh thần quốc tế trong sáng. Lênin đã từng nhắc nhở, điều nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất là xa rời quần chúng. Thực tiễn ngày nay, những thành công và thất bại của các đảng cầm quyền, kể cả đảng cộng sản ở một số nước XHCN cũng cho thấy, khi nào xa rời nguyên tắc này đều thất bại. Đối với chính đảng kiểu mới, đảng cách mạng của giai cấp công nhân, lợi ích của đảng là lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, đảng không có lợi ích nào khác ngoài lãnh đạo nhân dân thông qua Nhà nước và toàn xã hội xây dựng đất nước dân chủ, tự do, nhân dân ấm no và hạnh phúc. Chính từ mục đích đó, từ trong bản chất của đảng, được nhân dân ủng hộ, vì thế không có con đường nào khác, chính đảng cách mạng phải gắn bó máu thịt với nhân dân. Ngược lại, ở các quốc gia khác, một đang hay đa đảng, để tranh thủ sự ủng hộ của người dân, các chính đảng phải đưa ra khẩu hiệu, chương trình tranh cử cũng phải dựa trên nguyện vọng của người dân, có thể chương trình đó là mỵ dân, nhất thời. Thực tế này, người dân ở nhiều quốc gia đã chứng kiến. Vì vậy, muốn lãnh đạo xã hội, muốn cầm quyền thì chính đảng phải gắn với dân, tranh thủ người dân. Bên cạnh đó, sự gắn kết lẫn nhau giữa các quốc gia trong thế giới đương đại, không chỉ được quy định bởi tính phụ thuộc, bổ trợ lẫn nhau, mà hợp tác và cạnh tranh là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, khu vực hóa. Sự khác biệt của chính đảng cách mạng với các đảng phái chính trị khác, là xử lý hài hòa quan hệ dân tộc và quốc tế trong sáng.

II. Sự vận dụng nguyên lý về xây dựng chính đảng kiểu mới vào thực tiễn Việt Nam.

 

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, đã lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc từ chế độ thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt hàng thế kỷ phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột; tiếp tục đánh đuổi đế quốc, thực dân làm nên những kỳ tích Điện Biên Phủ và mùa xuân 1975 trấn động địa cầu, để thống nhất non sông. Và, cũng từ công cuộc đổi mới của Đảng, sau 35 năm đã đưa Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày nay. Có được những thành quả đó, trước hết là vì, Việt Nam có một chính đảng kiểu mới, một đảng cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Lênin về xây dựng đảng kiểu mới, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Điều đó thể thấy trên 3 vấn đề chính như sau:

-Từ thực tiễn bối cảnh thế giới và trong nước trước và sau chiến tranh thế giới thứ 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm ra con đường giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, “ con đường cách mạng vô sản”, thành lập nên Đảng Lao động Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin làm cốt:” Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Lênin”[12]. Điểm sáng tạo cần nhấn mạnh ở đây, trước hết là, tìm ra được con đường đúng đắn trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh không lặp lại sai lầm của những nhà nho yêu nước trước đó, không máy móc giáo điều trong điều kiện Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế tiểu nông là chính, chưa có phong trào công nhân, giai cấp công nhân quá nhỏ bé. Người  tập hợp được những cán bộ ưu tú yêu nước, giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lênin để thành lập một chính đảng cách mạng kiểu mới, chính đảng vô sản- mang bản chất của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Điều này thể hiện sự nhận thức sâu sắc, kế thừa và phát triển lý luận về một chính đảng kiểu mới, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, để lãnh đạo cách mạng thành công.

-   Trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của Lê nin về xây dựng chính đảng kiểu mới, nhờ đó Đảng không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ khi thành lập, đến năm 1945 lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, Đảng ta lúc đó có 5 nghìn đảng viên, đến nay khoảng hơn 5 triệu đảng viên; uy tín và ảnh hưởng của Đảng ở trong nước và trên trường quốc tế không ngừng được mở rộng. Có thể nói rằng, cho đến hiện nay, ở Việt Nam không một tổ chức chính trị nào có thể thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo đất nước phát triển. Những tư tưởng sâu sắc của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới luôn luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện Việt Nam. Điều đặc biệt hơn, minh chứng cho tính đúng đắn của những tư tưởng này, là sự ổn định,vững vàng và phát triển của Việt Nam và một số nước, và cả những thăng trầm của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, những Đảng Cộng sản ở một số nước XHCN, đã xa rời tư tưởng của Lênin, dẫn tới đổ vỡ, thất bại. Những tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới không chỉ được ghi vào Cương lĩnh, điều lệ, các văn kiện quan trọng của Đảng, mà còn được cụ thể hóa trên thực tiễn, qua các giai đoạn cách mạng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng được tiến hành thường xuyên, trở thành nề nếp, thành quy luật phát triển đảng.

 

 

- Tính sáng tạo trọng vận dụng và phát triển tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới còn ở chỗ, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng đảng trong điều kiện mới, không dập khuôn, máy móc, giáo điều.Thế giới ngày nay có nhiều đặc điểm khác xa với thời của Mác, Lênin; đặc điểm của mỗi quốc gia, dân tộc cũng khác nhau, vì vậy làm rõ những giá trị cốt lõi của các nguyên lý, bổ sung và phát triển lý luận, đặc biệt là sự vận dụng, tổ chức thực hiện trong điều kiện từng nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhìn lại thực tiễn cách mạng Việt Nam, qua các gia đoạn lịch sử, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh những nguyên lý của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới, được coi là những nguyên tắc bắt buộc trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Một số những quy định mang tính nguyên tắc luôn được nhấn mạnh trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng:

+ Coi trọng nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, như giữ gìn “ ngươi của mắt mình”. Nhờ sự đoàn kết thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi như ngày nay.

+ Đề cao việc giáo dục đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác xây dựng Đảng. Lênin đã đề cập đến chống chủ nghĩa cơ hội, đây là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng giáo dục đạo đức nói chung và chống chủ nghĩa cá nhân có vị trí không kém để làm cho đảng kiểu mới vững mạnh. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

+ Chú trọng việc nêu gương của người đứng đầu, theo nguyên tắc đảng viên nêu gương trước quần chúng, người đứng đầu nêu gương trước tập thể. Khi sai phạm xử lý không có vùng cấm. Từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đi đầu về nêu gương, mà Người thường xuyên nhắc nhở ” đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

+ Thường xuyên đấu tranh chống các tư tưởng sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc đấu tranh chống các tư tưởng sai trái, thù địch đã được các nhà kinh điển macxit quan tâm từ rất lâu. Tuy nhiên ngày nay, nội hàm của bảo vệ nền tảng tư tưởng có nhiều nội dung mới, cả về lý luận và thực tiễn đã được tổng kết ở Việt Nam và trên thế giới./.

 

PGS.TS.Phạm Văn Linh

                                                 Phó Chủ tịch Hội đồng LLTW    



[1] C.Mac và Angghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002,t4, tr614-615

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005, tập 24, tr 47-48

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005, tập 8. tr 428-429

[4] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005, tập 33. tr 33

[5] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005, tập 46. tr 430

[6] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, H.2005, tập 8, tr476-477

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, H 2006, tập 26, tr307-308

[8] V.I Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia.H. 2005, tập 8, tr 293

[9] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia.H. 2005, tập 44, tr 426

[10] V.I.Lênin:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia.H 2005, tập 32, tr 425

[11] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H 2005. tr 425

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng. Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2005,Tập 1, tr 24

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết