Chủ Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

Đại dịch Covid-19 và những cảnh báo

Ngày phát hành: 13/04/2020 Lượt xem 2126


Những ngày ngày, cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, một đại dịch mà như nhiều chính khách, nhà khoa học, học giả trên thế giới cho rằng hàng trăm năm mới xảy ra một lần. Hơn 3 tháng trước, dịch mới chỉ là một điểm nhỏ bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thì nay đã lan ra hơn 200 quốc gia trên khắp các châu lục, hầu như bao trùm khắp toàn cầu, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ nước nhỏ đến nước lớn, nước phát triển đến nước kém phát triển. Mức độ “toàn cầu hóa” của nó nhanh chưa từng thấy, chưa một lĩnh vực nào theo kịp. Mặc dù con virus này kích thước vô cùng nhỏ bé, không chỉ mắt thường mà những cả kính hiển vi thông thường cũng không thể nhìn thấy, chỉ có bằng kính hiển vi điện tử mới có thể thấy sự tồn tại của nó, nhưng nó đã làm đảo lộn cả thế giới. Lúc này, nó chứ không phải thứ vũ khí nguyên tử đang đe dọa sự sống của con người.

Mặc dù đến nay, dịch vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nước, dịch được cho rằng vẫn chưa lên đến đỉnh điểm, nhưng đã có gần 2 triệu người bị nhiễm dịch, hơn 100 nghìn người đã chết vì dịch. Số người bị nhiễm dịch, chết vì dịch vẫn tăng lên từng ngày. Những tổn thất về tình thần và vật chất mà nó gây ra là vô cùng nặng nề. Nhiều cảnh báo cho rằng đại dịch này sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái sâu, nặng nề hơn nhiều các cuộc khủng hoảng trước đây và có cả những dự báo về thế giới sau đại dịch sẽ khác nhiều, khác xa với thế giới hôm nay. Sau này, khi đại dịch đã đi qua và có thể phải nhiều năm sau nữa mới có thể đánh giá hết được nhưng tác động và hậu quả của nó gây ra. Tuy nhiên, từ diễn biến của đại dịch, trước nhưng hậu quả nặng nề mà nó gây ra và trước cách thức các quốc gia và thế giới chống dịch, vẫn có thể và cần thiết nêu ra những cảnh báo để mọi người cùng suy ngẫm.

 

Trước hết là cảnh báo về những hậu quả nặng nề mà con người phải gánh chịu, trả giá cho việc tàn phá tự nhiên của mình; cảnh báo về sự chịu đựng của tự nhiên đã tới giới hạn. Không ai cho rằng tất cả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên Trái Đất đều do con người, bởi nhiều thiên tai, dịch bệnh đã và sẽ xảy ra trong tự nhiên mà không phải do tác động của con người, do lỗi của con người. Nhưng con người không thế chối bỏ trách nhiệm của mình trước nhiều thiên tai, dịch bệnh như bão, lũ, lụt, lốc xoáy, hạn hán, ngập mặn, các bệnh ung thư, HIV, các dịch SARS, MERS, Ebola, Covid-19… xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn, cường độ ngày càng mạnh hơn, sức tàn phá ngày càng lớn hơn, nguy hại hơn. Nhiều chương trình khoa học đã tìm thấy, chỉ ra mối liên hệ, nguyên nhân, nguồn gốc của các hiện tượng này đều gắn với hoạt động khai thác, tàn phá tự nhiên của con người. Đó là tình trạng tàn phá rừng, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, độc độc đất, nước, không khí từ mặt đất đến sâu trong lòng đất, từ bề mặt các đại dương đến sâu trong lòng các đại dương, từ bầu khí quyển đến tầng Ozon bảo vệ Trái Đất khỏi các tia vũ trụ, bằng hàng tỷ, hàng tỷ tấn hóa chất, những chất thải độc hại do sản xuất và tiêu dùng không được kiểm soát của con người tạo ra, bằng hàng tỷ tấn khí phát thải con người đưa vào khí quyển. Môi trường sống bị hủy hoại, sự sống của rất nhiều loài sinh vật bị hủy diệt, cân bằng sinh thái trong tự nhiên bị phá vỡ. Đây là cội nguồn của những hậu quả con người phải gánh chịu.

 

Con người, một sinh vật có trí tuệ, tác động vào tự nhiên, khai thác tự nhiên, sử dụng tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình, nhưng con người đã quên rằng con người cũng chỉ là một thành phần, một sản phẩm của tự nhiên, sức mạnh của con người là sức mạnh của tự nhiên, do tự nhiên đem lại. Con người không thể “ thống trị” tự nhiên như một lực lượng đứng ngoài tự nhiên. Quá trình khai thác tự nhiên của con người đã diễn ra từ lâu, qua nhiều thế kỷ, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, ngày nay những khai thác đó đã đến giới hạn mà thiên nhiên có thể chịu được, vượt quá giới hạn đó sẽ là những thảm họa cho tự nhiên và cho con người. Trong một số thấp kỷ gần đây, trước tác động của ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều lực lượng xã hội, liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo về những hậu quả do hành động tàn phá tự nhiên của con người, nhưng những cảnh báo đó chưa đủ sức cảnh tỉnh những người vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, còn những người có quyền và truyền thông xã hội lại bị họ chi phối. Hy vọng rằng, đại dịch Covid-19 lần này, với tốc độ và quy mô lan truyền chưa từng có, sự sống của con người, bất kể giàu nghèo, đều trở nên mong manh như hơi thở, sẽ đủ sức cảnh tỉnh, thức tỉnh con người thay đổi thái độ và cách ứng xử của mình với thiên nhiên trước khi quá muộn.

Thứ hai là cảnh báo về sự chia rẽ của con người, của các quốc gia ở thời điểm rất cần phải có sự đoàn kết, hợp tác và phối hợp để đối phó với bệnh dịch, làm cho hậu quả của dịch bệnh thêm nghiêm trọng. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, từ những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh này, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã được các nước thống nhất thành lập để phối hợp, thống nhất hoạt động, ngăn ngừa, làm trọng tài điều hòa, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa các quốc gia trong các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội đến chủ quyền lãnh thổ, biển đảo… Vai trò của các tổ chức này được phát huy đã góp phần đem lại sự ổn định, phát triển của thế giới trong nhiều thập kỷ. Các nước Tây Âu, do đó có nhiều đặc điểm tương đồng về chính trị, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, đã đi đầu trong việc liên kết từng bước để trở thành một khối thống nhất[1]. Trong những thập kỷ gần đây, toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh, nhiều hình thức liên kết khu vực và quốc tế mới xuất hiện với phạm vi và mức độ cam kết cao hơn, gắn bó chặt chẽ hơn. Đây là những xu hướng tiến bộ, vì lợi ích chung của các quốc gia, của nhân loại, rất được kỳ vọng.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, từ những điều diễn ra trên thế giới, nhất là cách ứng xử của nhiều quốc gia, đã cho thấy thế giới đang bị chia rẽ sâu sắc, hết sức đáng lo ngại. Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế hầu như tê liệt, không kịp thời xác định, phát huy được vai trò của mình. Khi dịch bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, thay vì phối hợp, hỗ trợ dập dịch thì nhiều quốc gia chỉ xem đây là việc riêng của Trung Quốc, khoanh tay đứng nhìn (thậm chí vui mừng), tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan ra toàn cầu, để rồi họ cũng trở thành nạn nhân của dịch bệnh. Khi dịch Covid-19 lan tới Châu Âu, các nước thuộc Liên minh Châu Âu mạnh ai nấy lo, không chỉ không có sự thống nhất, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau mà còn giành giật của nhau các vật tư y tế khan hiếm, làm tan biến hình ảnh của một liên minh Châu Âu hùng mạnh, thống nhất, làm suy yếu khả năng chống dịch của từng quốc gia cũng như cả châu lục.

Không chỉ sự chia rẽ giữa các quốc gia, sự chia rẽ giữa người với người, giữa cá nhân và cộng đồng càng làm suy yếu khả năng chống dịch của xã hội. Quyền con người, tự do của mỗi người là thành quả của tiến bộ xã hội. Tuy nhiên mỗi cá nhân là một thành viên của cộng đồng, nếu mỗi cá nhân không gắn bó với cộng đồng, nhất là trong tình huống khủng hoảng như đại dịch Covid-19, không biết hy sinh tự do cá nhân vì cộng đồng, thì sẽ làm trở ngại, khó khăn lớn cho ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, chống dịch có hiệu quả. Đây chính là những khó khăn của không ít quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 hiện nay, làm cho hậu quả của đại dịch thêm nặng nề. Hy vọng rằng đại dịch Covid-19 là một phép thử, để cảnh tỉnh con người và thế giới để sau đại dịch Covid-19 sẽ là một thế giới đoàn kết, gắn bó hơn, xã hội hòa hợp hơn, ứng phó có hiệu quả hơn với mọi thách thức.

Thứ ba là cảnh báo về sự chủ quan, thiếu sẵn sàng ứng phó với đại dịch của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia giàu có và cái giá phải trả cho sự chủ quan này. Thực tế cho thấy, đối với đại dịch có khả năng lây truyền nhanh chóng trên quy mô lớn như Covid-19, bí quyết hay chìa khóa để ngăn chặn, chống dịch có hiệu quả là cách ly xã một cách triệt để và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng ở tất cả mọi người dân để giảm thiểu tối đa, chặt đứt con đường lây nhiễm lan rộng. Ngay từ đầu phải phát hiện nhanh, kịp thời những người đã bị lây nhiễm, đã mang mầm bệnh (F0) để cách ly và điều trị; truy tìm và cách ly, giám sát những người tiếp xúc với người bị nhiễm, có nguy cơ nhiễm bệnh ( các đối tượng F1, F2,… ). Ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu nguy cơ lây truyền dịch bệnh ra diện rộng, hạn chế tối đa những người nhiễm bệnh để có điều kiện tập trung cứu chữa là cách chống dịch hiệu quả và đỡ tốn kém nhất. Tuy nhiên, nhiều quốc gia giàu có, có tiềm lực kinh tế mạnh, trình độ y học phát triển cao vì chủ quan ( cho rằng đây chỉ là dịch cúm thông thường, với khả năng sẵn có có thể đẩy lùi nhanh chóng hoặc cho rằng có thể cho phép lây nhiễm cộng đồng để mỗi người tự tạo ra kháng thể chống lại dịch bệnh ) đã bỏ lỡ “thời gian vàng” có thể ngăn chặn, khống chế dịch, để dịch lan rộng, vượt quá khả năng kiểm soát, dẫn đến hoảng loạn. Các quốc gia này có các kho dữ trữ chiến lược khổng lồ với nhiều thứ hàng hóa, đặc biệt là đầy ắp vũ khí các loại, kể cả vũ khí giết người hàng loạt, nhưng lại thiếu những vật tư, thiết bị y tế đơn giản, nhưng rất cần thiết và hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh như: khẩu trang, nước sát khuẩn, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế, máy thở cho bệnh nhân… Họ còn quên mất rằng quốc gia họ có tỷ lệ người già, người béo phì, người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch cao, những bệnh nền tiếp sức cho virus corona hoành hành, đánh bại sức đề kháng của người bệnh, dẫn đến những tổn thất lớn với sinh mệnh con người.

Rồi đây, cuối cùng, đại dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi, nhưng cái giá phải trả vì sự chủ quan, có thể nói là vô trách nhiệm của người cầm quyền ở các quốc gia này là những bài học đắt giá không thể để lặp lại. Ngày nay, trên quả địa cầu mà chúng ta đang sống, không chỉ con người sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ nhờ những thành tự mới của khoa học công nghệ, mà thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta, cả thế giới vô cơ và hữu cơ đều đang thay đổi, mà những thay đổi này còn nhanh và đa dạng hơn nhiều so với những tiến bộ của con người. Song, những ảnh hưởng tác động của những thay đổi này đến con người thế nào, bản thân con người còn chưa dự báo được. Bởi vậy, mọi thái độ chủ quan đều có thể phải trả giá đắt, có thể đưa đến thảm họa.

 

Thứ tư là cảnh báo về những hậu quả xấu có thể xảy ra sau đại dịch do sự thiếu tỉnh táo, sáng suốt, có trách nhiệm của con người. Đại dịch Covid-19 sẽ làm cho hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều quốc gia phá sản, hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người thất nghiệp, rất nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, đứt đoạn, các dòng thương mại, đầu tư quốc tế bị suy giảm, đình đốn, kinh tế nhiều nước, có thể toàn cầu, rơi vào suy thoái… Để phục hồi kinh tế , nhiều nước đã công bố những gói cứu trợ lớn; các chương trình miễn, giảm, lùi thời gian nộp thuế, tăng cung ứng tiền, giảm lãi suất, lùi thời gian trả nợ ngân hàng… Điều này là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo, sáng suốt để các chương trình này được thực hiện, những nguồn lực to lớn này được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không dẫn đến lạm phát, đến tham những, thất thoát, lãng phí, điều đã từng xảy ra nhiều lần ở nhiều nước trên thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội cho công nghệ số, kinh tế số phát triển. Nhiều nước đã dùng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để nhận diện, quản lý, giám sát nhưng người nhiễm dịch, có nguy cơ nhiễm dịch rất có hiệu quả. Bằng công nghệ, các cơ quan quản lý có thể từ xa biết được nhiệt độ cơ thể, trạng thái sức khỏe, những nơi đến, những đối tượng tiếp xúc, nội dung các cuộc gọi điện thoại, các tin nhắn của hàng trăm triệu người. Đại dịch cũng tạo cơ hội cho phát triển thương mại điện tử, cho dạy và học qua mạng, tổ chức hội nghị qua mạng, các dịch vụ công trực tuyến,… những điều mà trước đây việc thực hiện còn tiến triển chậm chạp thì đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ, tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển sắp tới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, điều rất quan trọng là phải tỉnh táo, sáng suốt định hướng sự phát triển, ứng dụng tiến bộ nhưng phải để công nghệ phục vụ con người, ngăn ngừa việc sử dụng công nghệ xâm phạm vào quyền con người, an ninh, an toàn của con người, những quyền được pháp luật bảo vệ.

Thế giới đang bị chia rẽ, đại dịch Covid-19 chỉ làm điều đó lộ rõ hơn mà thôi. Đây sẽ là một nguy cơ tiềm tàng to lớn đối với sự ổn định, phát triển trên thế giới. Bài học về sự phân chia thế giới sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933 tàn phá, đẩy lùi sự phát triển của nhiều nước tư bản phát triển trên thế giới thời kỳ đó đã tạo điều kiện cho sự phát triển các trào lưu, các xu hướng chính trị dân tộc cực đoan, hình thành và phát triển chủ nghĩa phát xít, quân phiệt ở một số quốc gia, những thủ phạm gây nên cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Sau đại dịch Covid-19, các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới cần phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, cảnh giác ngăn chặn, đẩy lùi sự trỗi dậy của các trào lưu, xu hướng chính trị dân tộc chủ nghĩa cực đoan, đã có mầm mống, cơ hội từ sự chia rẽ của thế giới hiện nay, để ngăn chặn những thảm họa mà nó có thể gây ra cho thế giới. Hy vọng rằng trong thời đại mới các lực lượng dân chủ, tiền bộ đủ sức mạnh để làm được điều này./.

 

Đức Minh



[1] Từ Cộng đồng than thép Châu Âu ECSC (1952) đến Cộng đồng kinh tế Châu Âu EEC ( 1957), Cộng đồng Châu Âu EC ( 1992), liên minh Châu Âu EU ( 1993 ). Có hội đồng Châu Âu, Nghị viện Châu Âu, Hội đồng bộ trưởng Châu Âu , Đồng tiền chung Châu Âu

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết