Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Ngày phát hành: 18/04/2020 Lượt xem 6597

 

1. Vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Đã có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đối với Nhà nước và xã hội. Tính tất yếu của vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội để củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng; phản bác âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Nhà nước và xã hội là những vẫn đề đã được nghiên cứu, lý giải khá sâu sắc.

Tuy nhiên, còn một vấn đề chưa được nghiên cứu nhiều đó là vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội bắt nguồn từ đâu. Nói cách khác, căn cứ vào đâu để hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng (Điều 4 Hiến pháp) ?

Vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội dựa trên hai cơ sở sau:

- Một là, cơ sở thực tiễn.

Đảng CS Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua ba giai đoạn: 1930 - 1945; 1945 - 1975; 1975 đến nay.

Trong giai đoạn 1930 - 1945, nhân dân Việt Nam đã chứng kiến biết bao nhiêu đảng viên Đảng CS Việt Nam đã chiến đâu kiên cường, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người dân tin Đảng và nguyện đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, cùng với Đảng chiến đấu chống ngoại xâm.

Giai đoạn 1945 - 1975, nhân dân Việt Nam đã chứng kiến hàng trăm ngàn đảng viên Đảng CS Việt Nam xung phong đi đầu trong tuyến đầu cuộc chiến tranh chống ngoại xâm dành độc lập cho dân tộc. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tinh thần xung kích, gương mẫu, đi đầu trong chiến tranh của hàng trăm ngàn đảng viên đã lôi cuốn, cổ vũ, động viên hàng chục triệu người Việt Nam hăng hái tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Từ sau ngày 30.4.1975 đến nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, đã có hàng chục ngàn đảng viên ưu tú luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên lợi ích cá nhân... hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân và được các tầng lớp nhân dân yêu quý, tin tưởng.

Các cụ xưa dạy: “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Người Việt Nam, nhân dân Việt Nam không chỉ có nghe mà họ đã thấy, đã chứng kiến, đã trải nghiệm, đã bị thuyết phục bởi tấm gương chiến đấu, hy sinh cao cả và lao động sáng tạo với tấm lòng trong sáng của hàng triệu đảng viên Đảng CS Việt Nam trong gần 90 năm qua.

Đó là cơ sở thực tiễn chắc chắn nhất xác định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

- Hai là, cơ sở lý luận.

Xin trích dẫn Điều lệ Đảng CS Việt Nam:

“Đảng Cộng sảng Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc”1. Đảng CS Việt Nam“gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng...”2.

“Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên lợi ích cá nhân... hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng...”3.

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam “không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác...”4, và “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân...”[1].

Những trích dẫn thể hiện những nét cơ bản nhất về mục đích, tôn chỉ, hoạt động của Đảng CS Việt Nam và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân của các đảng viên Đảng CS Việt Nam. Điều lệ đảng là văn kiện công khai cho mọi đảng viên thực hiện; đồng thời Đảng cũng cho nhân dân biết để nhân dân thực hiện sự giám sát của mình đối với hoạt động của Đảng, các đảng viên và tham gia xây dựng Đảng.

Như vậy, xét trong mọi quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân, thì có thể hiểu Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam như là bản cam kết của Đảng với nhân dân. Khi Đảng và mọi đảng viên của Đảng thực hiện đầy đủ, đúng đắn những điều ghi trong Điều lệ Đảng thì nhân dân tin tưởng Đảng và giao cho Đảng thực hiện vai trò lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Trên đây là cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội mà linh hồn của nó là lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

2. Các nhân tố tác động đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Có nhiều cách khái quát và nêu vấn đề khác nhau. Theo cách tiếp cận triết học, vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội chịu tác động của hai nhân tố cơ bản: Nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan.

- Về nhân tố khách quan.

Có nhiều nhân tố khách quan tác động đến vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu là hoạt động chống phá của các thế lực chống cộng ngoài nước, trong nước. Xin lưu ý: nếu không có sự hậu thuẫn mọi mặt của các thế lực chống cộng ngoài nước thì các thế lực chống cộng trong nước cũng không thể làm được gì đáng kể.

Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, bài viết về chiến lược “diễn biến hòa bình” (DBHB) mà các thế lực chống cộng quốc tế, cầm đầu là Mỹ, đã và đang sử dụng để loại bỏ vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa hay phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các học giả Nga và Trung Quốc là những người có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về chiến lược DBHB mà Mỹ và các nước phương Tây đã sử dụng để làm mất vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản trong hệ thống các nước XHCN trong thế kỷ XX[2].

Trong số hàng chục cuốn sách về DBHB và chống DBHB, nổi lên ba tác phẩm: 1. “Goocbachốp - bạo loạn - Sự kiện tháng tám nhìn từ bên trong”của “ba người trong cuộc” V.Paplov, A.Lukianốp, V.Criuscốp; 2. “Bí ẩn sự diệt vong của Liên Xô  - Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945 - 1991”của A.P.Sheviakin; 3.“Sự thật về các cuộc “cách mạng màu”“của nhà báo Canada Mark Mckinnon. Với hàng trăm thông tin, tư liệu được kiểm chứng (có thật), ba cuốn sách này đã bóc trần quá trình triển khai chiến lược DBHB của Mỹ và các nước phương Tây đối với Liên Xô (1945 - 1991), đối với Ukraine, Gruzia và Kurgistan (2003 - 2005).

Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ B.Obama đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có điều khoản hai bên cam kết tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển chính trị của nhau. Vì thế mà cho rằng Mỹ sẽ không thực hiện chiến lược DBHB để loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam là mơ hồ và ấu trĩ về chính trị.

- Về nhân tố chủ quan.

Có nhiều nhân tố chủ quan tác động đến vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, trong đó sức mạnh chiến đấu của Đảng có vai trò chủ yếu. Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh và gắn bó máu thịt với nhân dân như cam kết trong Điều lệ Đảng thì dân tin Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Khi người dân tin Đảng thì mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch chỉ như“ném đá ao bèo”!

Do đó, biện pháp căn bản nhất, quyết định nhất chống DBHB là xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh và gắn bó máu thịt với dân.

Các thể lực chống cộng quốc tế đã có các hoạt động chống Đảng CS Liên Xô ngay từ sau ngày 7-11-1917 chứ không phải mới chống từ những năm 80 - 90 của thế kỷ XX. Mặc dù mắc một số sai lầm cả về đối nội và đối ngoại nhưng giai đoạn 1917 - 1967 (1967 là mốc thời gian chỉ có tính tương đối), Đảng CS Liên Xô còn khá mạnh, còn găn bó với nhân dân Liên Xô. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Đảng CS Liên Xô dần dần đi vào thời kỳ trì trệ, rồi từ trì trệ tích dồn tiêu cực, tha hóa ngày càng xa rời Cương lĩnh, Điều lệ Đảng CS Liên Xô. Trong cuốn sách “Cải tổ: lịch sử của những sự phản bội”, N.L.Ruscốp - Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng CS Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1985 - 1991) - đã trình bày chân thực quá trình tha hóa của Đảng CS Liên Xô đi đến tự đánh mất quyền lãnh đạo.

Phương ngôn có câu “Dậu đổ bìm leo”. Một khi sức chiến đấu của Đảng CS Liên Xô suy yếu, thì hoạt động chống phá thông qua chiến lược DBHB của các thế lực thù địch sẽ như một tác nhân thúc đẩy Đảng nhanh đi đến tan rã và mất vai trò lãnh đạo.

Thực tiễn sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu những năm 80 - 90 của thế kỷ XX cho thấy: trong hai nhân tố tác động đến vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, nhân tố chủ quan - sức mạnh chiến đấu của Đảng có vai trò quyết định. Không được mơ hồ, mất cảnh giác với hoạt động DBHB của các thế lực thù địch, nhưng cần tỉnh táo và có quyết tâm chính trị cao trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm”.

3. Một số giải pháp nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Để củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng phải đồng thời thực hiện hai việc: Chống diễn biến hòa bình và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Hai nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Đảng không mạnh thì không thể chống được DBHB. Đảng suy yếu là điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng để nói xấu, vu cáo, xuyên tạc và gieo mầm nghi ngờ, bất mãn, chống đối từ bên trong. Do đó, chống DBHB và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là hai nhiệm vụ phải tiến hành song song, đồng thời.

- Về chống DBHB.

Trước hết cần một chiến lược cơ bản, lâu dài và bài bản, không thể làm theo chiến dịch, phong trào. Cần có bài giảng về DBHB và chống DBHB trong hệ thống trường chính trị quận - huyện, trường chính trị tỉnh - thành phố thuộc TW, trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện khu vực và trong các lớp đào tạo, bổi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.

- Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trước đây hơn năm chục năm, tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản, chứ không vì lợi ích nào khác. Nhưng số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, truỵ lạc, thậm chí sa vào tội lỗi[3].

Hồ Chí Minh nêu ra hiện tượng trên vào tháng 1.1965, khi đó số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống còn rất ít, thậm chí là cá biệt.

52 năm sau “tình hình tham nhũng lãng phí còn nghiêm trọng hơn với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn...”[4].

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiêm khắc phê phán:

“Trong khi ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân xoay sở làm giàu; ăn uống chè chén xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”[5].

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”[6].

Những hiện tượng tiêu cực, tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang “gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”[7].

Lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước là nền móng, là giá đỡ vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước suy giảm thì vai trò lãnh đạo của Đảng cũng bị suy yếu. Do đó, việc đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là biện pháp quan trọng nhất, quyết định nhất để dân tin, dân yêu Đảng, qua đó vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố vững chắc.

Nghị quyết TW4 (khóa XII) đã quyết định các biện pháp để đẩy lùi tiêu cực, tha hóa trong bộ máy công quyền. Nghị quyết TW4 (XII) là văn kiện đầy đủ nhất, hoàn chỉnh nhất, trong đó có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi để đẩy lùi tiêu cực, tha hóa nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của Đảng. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là tổ chức thực hiện Nghị quyết TW4 (XII) đạt được mục tiêu.

Phải có quyết tâm chính trị cao để thực hiện bằng được NQ TW4 (XII) và đây không phải là lần đầu tiên Đảng ra nghị quyết về xây dựng Đảng. Từ 1986 đến nay, nghị quyết của 7 kỳ đại hội (VI, VII, VIII, IX, X, XI và XII) và ít nhất cũng có 7 nghị quyết của Ban Chấp hành TW và hàng chục chỉ thị của Ban Bí thư, các quyết định của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra hàng chục biện pháp thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tha hóa, nhưng vẫn chưa đẩy lùi được tệ nạn này, vẫn không thắng được “giặc nội xâm”. Nếu Nghị quyết TW4 (XII) lại như Nghị quyết TW6 (lần 2 - 1997) và Nghị quyết TW4 (XI) thì khó lòng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã nhiều lần lỡ hẹn với nhân dân và với đảng viên.

Nghị quyết TW4 (XII) đã đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ để đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tha hóa nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của Đảng. NQ TW4 (XII)  đẩy đủ, rõ ràng mọi việc cần phải làm, tôi xin kiến nghị ba việc:

- Một là, đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho hoàn thiện một bước hệ thống giám sát, kiểm tra. Quyền lực không bị giám sát chặt chẽ thì chắc chắn tha hóa. Đó là quy luật và không có ngoại lệ. Chỉ cần lấy vụ Trịnh Xuân Thanh ra mổ xẻ đến cùng thì thấy hệ thống giám sát quyền lực của ta như thế nào. Nếu cần thì phải sửa đổi Điều lệ Đảng, sửa đổi Hiến pháp để có cơ quan giám sát quyền lực đủ mạnh hoạt động theo kiểu “thượng phương bảo kiếm”. Đảng CS Trung Quốc có Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật hoạt động khá hiệu quả, chúng ta nên tham khảo cách làm của Trung Quốc.

­- Hai là, đề nghị Trung ương chỉ đạo một quận - huyện, tốt nhất là một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc TW, tập trung mọi cố gắng làm thí điểm việc triển khai thực hiện NQ TW4 (XII); từ đó rút ra vấn đề có tính quy luật. Tôi tin là chúng ta sẽ làm được. Từ một tỉnh nhân rộng ra cả nước.

- Ba là, đề nghị thực hiện bằng được những vấn đề nêu ra trong Nghị Quyết: “Trong tư tưởng cũng như trong hành động phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với hướng tâm của người cộng sản, mọi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa...?

Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban phát cho mình những đặc quyền, đặc lợi”[8].

Tất cả phải bắt đầu từ đây và cũng từ đây dân sẽ tin Đảng, dân sẽ bảo vệ Đảng và mặc nhiên vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội sẽ luôn được củng cố vững chắc./.

 

Thiếu tướng, PGS,TS. Lê Văn Cương

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học, Bộ Công an.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Liên Xô: “Cương lĩnh, Điều lệ Đảng Cộng sản Liên Xô”

(Đã được Đại hội XXVII Đảng CSLX thông qua) Nxb Sự thật, Hà Nội: Nxb Thông tấn Nô-vô-xit: Mat-xcơ-va, Hà Nội, 1986.

2. Paul Kennedy: “Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc - Thay đổi kinh tế và xung đột quân sự từ 1500 tới 2000”. Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992.

3. Ruscốp Nhicôlai Ivanovich: “Cải tổ: Lịch sử của những sự phản bội”. Tổng cục II - Bộ Quốc phòng dịch in, 1992.

4. V.Páplốp, A.Lukianốp, V.Criuscốp: “Goócbachop - Bạo loạn, sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong”. Nxb CTQG, Hà Nội, 1994.

5. Viện Khoa học Công an: “Sự phản bội của Goócbachop” Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998

6. N.A.Zencovich: “Những ngày cuối cùng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô”. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000.

7. Ph.M.Rudinski: ““Vụ án Đảng Cộng sản Liên Xô” tại Tòa án Hiến pháp”. Nxb CTQG, Hà Nội, 2001.

8. A.L.Vlasor: “Bí ẩn của một đế chế sụp đổ”. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.

9. A.P.Sheviakin: “Bí ẩn diệt vong của Liên Xô: Lịch sử của những âm mưu và phản bội 1945 - 1991”. Viện Chiến lược và Khoa học Công an dịch in, Hà Nội, 2005.


 



1, 2, 3, 4, [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng CS Việt Nam. Nxb CTQG, HN, 2011, các trang 4, 5, 7, 8, 9.

[2] Các học giả Trung Quốc có nhiều cuốn sách có giá trị về chiến lược DBHB: “Chiến lược diễn biến hòa bình của Mỹ” của Lương Văn Đống và các cộng sự; “Diễn biến hòa bình và chống diễn biến hòa bình” của nhiều tác giả; “Cuộc đọ sức giữa hai chế độ - bàn về chống diễn biến hòa bình” của Cốc Văn Khang; “Hãy cảnh giác! Cuộc đại chiến thế giới không có khói súng” của Lưu Đình Á.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, T14, tr.49.

[4] Đảng CS Việt Nam: Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII. Nxb CTQG, HN, 2016, tr.185.

[5] Báo An ninh Thế giới cuối tuần số 178 tháng 6.2016.

[6] Tạp chí “Người Cao tuổi” số 96 tháng 9.2016.

[7] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII.Nxb CTQG, HN, 2016, tr.285.

[8] Đảng CS Việt Nam: Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI. Nxb Sự thật, HN, 1987, tr.139;140.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết