Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chuẩn bị nhân sự đại hội - công việc “gắn liền với vận mệnh của Đảng”

Ngày phát hành: 29/04/2020 Lượt xem 1513

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23-4 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, coi đó không chỉ đơn thuần là công việc có ý nghĩa “cực kỳ quan trọng” đối với việc tổ chức một kỳ Đại hội Đảng, mà là “công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.

 

 

Đây là một vấn đề mang tính quy luật, một bài học lớn được chắt lọc từ chính thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng ta cũng như từ toàn bộ lịch sử của phong trào công nhân, cộng sản thế giới. Cơ sở xuất phát của vấn đề trước hết nằm ở vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Theo Điều lệ Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đại hội là cơ quan quyết định về đường lối, bầu ra Ban Chấp hành T.Ư, nơi tập trung cao nhất sự thống nhất ý chí của toàn Đảng, thể hiện tập trung nhất tính tiên phong và vai trò của Đảng, đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn dân tộc. Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Song, Ban Chấp hành T.Ư là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ đại hội, lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối của Đại hội Đảng trong thực tiễn, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Trước hết, Ban Chấp hành T.Ư là cơ quan cụ thể hóa đường lối của Đại hội Đảng thành các chủ trương, giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng lúc; đặc điểm, tính chất từng ngành, từng lĩnh vực; yêu cầu, đòi hỏi đáp ứng với từng đối tượng cụ thể. Ban Chấp hành T.Ư cũng là cơ quan lãnh đạo việc tổ chức thực hiện, kiểm tra để bảo đảm việc thực hiện các chủ trương, giải pháp mang lại hiệu quả trên thực tế. Nói cách khác, đường lối của Đại hội đề ra có được thực hiện thành công hay không, phụ thuộc trước tiên vào năng lực của Ban Chấp hành T.Ư. Đặc biệt, Ban Chấp hành T.Ư cũng chính là cơ quan chủ trì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là công tác có ý nghĩa sống còn, bảo đảm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững và không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân. Trách nhiệm đó đòi hỏi Ban Chấp hành T.Ư phải là một tập thể trí tuệ, sáng suốt, một tổ chức đoàn kết, thống nhất ý chí, một đội ngũ những người chí công, vô tư, hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

Thứ hai, Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi đồng chí trong Ban Chấp hành T.Ư đều được giao trọng trách, là người đứng đầu một cơ quan, tổ chức, hoặc nắm giữ một vị trí chủ chốt trong bộ máy của hệ thống chính trị Trung ương hoặc các địa phương. Họ chính là những cán bộ, đảng viên cụ thể có vai trò hàng đầu quyết định đường lối của Đảng đi vào thực tế ra sao, hiệu quả như thế nào, quyết định sự thành bại của đường lối của Đảng trong mỗi lĩnh vực công tác, mỗi địa phương cụ thể. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nếu đồng chí đó là “cán bộ tốt”, có nghĩa là người vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc, người hội đủ năm tính tốt “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” thì công việc của Đảng, sự nghiệp của nhân dân sẽ thành công. Ngược là, công việc sẽ thất bại.

Thứ ba, Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội nên Ban Chấp hành T.Ư Đảng chính là ngọn cờ thu hút niềm tin của nhân dân, động viên, tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mỗi đồng chí trong Ban Chấp hành T.Ư là một đại biểu ưu tú của Đảng, đại diện đặc biệt quan trọng của Đảng trước nhân dân, giữ mối liên hệ với nhân dân. Người dân nhìn nhận, đánh giá mỗi đồng chí đó không chỉ là về một cá nhân cán bộ, mà còn là về cả tổ chức đảng, về sự tin cậy với Đảng. Nếu đúng là “cán bộ tốt”, sống có lý tưởng, có đạo đức, hết lòng vì nhân dân, yêu thương, kính trọng nhân dân, đó sẽ là một tấm gương tốt để cán bộ cấp dưới và nhân dân noi theo, là điểm tựa cho niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ được củng cố. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Ngược lại, đó sẽ là nhân tố làm hao mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, không có sự “tuyên truyền” nào có thể thay thế.

Trong lịch sử hơn 90 năm qua, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa nước ta từ một nước thuộc địa, không có tên trên bản đồ thế giới, trở thành một nước độc lập, tự chủ, đánh thắng nhiều đế quốc xâm lược, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân một cách toàn diện, nâng cao vị thế quốc tế, tạo dựng nên một cơ đồ đất nước rất đáng tự hào như hôm nay. Toàn bộ những thắng lợi đó không thể tách rời những thành tựu to lớn của công tác cán bộ, trong đó đặc biệt là công tác xây dựng các thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Nhiều đồng chí là Tổng Bí thư, Ủy viên thường vụ Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng đã dũng cảm chiến đấu trên chiến trường, kiên cường đấu tranh trong ngục tù đế quốc, hy sinh, dâng hiến cuộc đời mình cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng đã nêu gương sáng, chí công vô tư, dám nghĩ dám làm, lao động sáng tạo, cống hiến không mệt mỏi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước cường thịnh, cho dân chủ, công bằng và văn minh. Chính họ đã góp phần to lớn làm nên “một pho lịch sử bằng vàng” của Đảng, làm nên cơ sở vững chắc để Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Ðảng ta thật là vĩ đại!”.

Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình xây dựng, phát triển của Đảng ta, vẫn còn ở đâu đó những hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ trong cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đó là những cán bộ lười học tập, tu dưỡng, hạn chế về năng lực công tác, phai nhạt lý tưởng; những người cơ hội, quan liêu, xa dân, chui vào Đảng vì mục đích vụ lợi cá nhân; những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét của dân làm giàu cho riêng mình... Chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa XII, đến nay đã có gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật. Đáng buồn là trong số đó có cả những người đã tham gia vào Bộ Chính trị, đã hoặc đang là Ủy viên T.Ư, đã hoặc đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan đảng, nhà nước. Đó chính là những “ung nhọt” trên cơ thể Đảng, làm suy yếu Đảng, làm cho “đất nước phát triển chưa xứng với tiềm năng”, làm cho “suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Việc Đảng tự nhìn ra và kiên quyết cắt bỏ những “ung nhọt” đó, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là “Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm..., rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 301). Song, từ thực tế đó cũng cho thấy, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội cần phải tiếp tục có những đổi mới kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa để không cho phép lặp lại những sai sót, không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng những người không xứng đáng, những kẻ cơ hội, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, những mầm bệnh làm suy yếu Đảng.

Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ tốt đẹp, những cơ hội phát triển thuận lợi như hiện nay. Nhưng thách thức đối với chúng ta cũng không đơn giản. Trong nước, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những tác động tích cực là chủ yếu, cũng đã làm thay đổi mạnh mẽ các mối quan hệ xã hội, làm đảo lộn một phần trong thang giá trị xã hội. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng lãng phí chỉ mới bước đầu được ngăn chặn. Trên trường quốc tế, tình hình diễn biến vô cùng phức tạp, sự cạnh tranh quyền lực và lợi ích giữa các quốc gia, nhất là các nước lớn, ngày càng căng thẳng. Tình hình an ninh phi truyền thống tác động mạnh mẽ vào cuộc sống của nhân loại, trong đó có nước ta. Việc chèo lái đưa con thuyền đất nước vượt qua sóng to, gió cả, đến được bến bờ bình yên, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ, đặt lên vai của Đảng mà trực tiếp là Ban Chấp hành T.Ư.

Đúng là đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm theo dõi, băn khoăn lo lắng về những vấn đề nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đó là bởi cán bộ, đảng viên và nhân dân đang nhìn vào Đảng với vai trò là người đại diện cho lợi ích của mình, tin vào Đảng như là người dẫn dắt dân tộc, đất nước đi đến tương lai tốt đẹp hơn, mang lại hạnh phúc ngày càng toàn diện và xung mãn hơn cho nhân dân. Điều đó càng đòi hỏi công tác nhân sự của Đại hội phải bảo đảm thật chặt chẽ, khách quan, dân chủ, bám sát các yêu cầu, phương pháp, cách thức tiến hành theo quy định, đồng thời lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân, của cán bộ, đảng viên, giúp cho Đại hội XIII của Đảng lựa chọn cán bộ, xây dựng được Ban Chấp hành T.Ư hội đủ trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sạch, gương mẫu, gắn bó máu thịt với nhân dân, bảo đảm cho vận mệnh của Đảng vững mạnh, chế độ bền vững và đất nước phát triển ngày càng to đẹp, đàng hoàng như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

 

GS, TS TẠ NGỌC TẤN

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết