Trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương về bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
- Nhận định chung của các nhà nghiên cứu lý luận cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là công trình nghiên cứu rất sâu sắc với nhiều luận điểm mới về nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp trên cơ sở cả lý luận và thực tiễn. Giáo sư có thể trao đổi cụ thể hơn những nội dung chính được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư?
Như trong mở đầu bài viết, đồng chí Tổng Bí thư đã nói rõ, bài viết nhằm trả lời 4 câu hỏi, cũng có nghĩa là làm rõ 4 vấn đề: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao chúng ta đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội? Chúng ta phải làm gì để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì trong bước đường tiếp theo?
Đây là 4 vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa như nền tảng, cơ sở lý luận để Đảng ta dựa vào đó mà hoạch định đường lối, đề ra các nhiệm vụ chính trị cần giải quyết trong mỗi giai đoạn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; dựa vào đó mà vận động, thuyết phục nhân dân, tập hợp lực lượng, huy động các nguồn lực, khơi dậy ý thức dân tộc, lòng yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh của mỗi người dân, của cả cộng đồng dân tộc nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mang lại sự phát triển toàn diện cho mỗi con người, mang lại tự do, hòa bình, giàu mạnh cho đất nước ta. Vì đây là 4 vấn đề lý luận rất quan trọng nên nó luôn được đặt ra, luôn được người ta quan tâm và đòi hỏi chúng ta nhận thức một cách đúng đắn.
- Giáo sư có thể phân tích rõ hơn những nội dung được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự khác biệt giữa CNTB và CNXH, về tính ưu việt của CHXH, về con đường xây dựng CNXH mà Đảng ta lựa chọn?
Trong bài viết, Tổng Bí thư xem xét, đánh giá, phân tích, nhận định về sự khác biệt một cách căn bản giữa CNXH và CNTB. Bản chất sự khác nhau chính là tính mục đích của 2 chế độ đó. Mục đích của CNXH là vì nhân dân, vì hạnh phúc của toàn thể nhân dân lao động chân chính, coi hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của mỗi con người cụ thể cũng như của toàn thể nhân dân là mục đích tối thượng của chế độ. Mục đích ấy thể hiện nhất quán trong đường lối của Đảng ta ngay từ khi mới thành lập. Mục đích ấy thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đây là sự khác biệt lớn nhất của CNXH so với CNTB. Bởi, CNTB là chế độ chính trị do giai cấp tư sản cầm đầu, nó tổ chức quản lý, phát triển nền kinh tế, vận hành xã hội nhằm mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ trong xã hội, đó là giai cấp của những nhà tư bản, những người có tiền, có quyền, và vì có tiền nên họ cầm quyền. Nếu như có những cải thiện nhất định nào đó đối với những người dân sống trong chế độ TBCN ấy, thì đó chỉ là những cải thiện nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của các ông chủ tư bản. Hay nói cụ thể hơn, thứ nhất, những cải thiện đó là kết quả của quá trình đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đạt được, thứ hai, những cải thiện đó nhằm nâng cao năng suất lao động để mang lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cao hơn và lại phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, những cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những phong trào phản kháng của quần chúng nhân dân bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây như phong trào “99 chống 1”... đã chứng tỏ bản chất của chế độ TBCN là chế độ thống trị của số ít giàu có và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao vẫn chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền.
Thực tiễn cách mạng ở đất nước ta trong hơn 90 năm qua kể từ khi có Đảng đã là minh chứng đầy sức thuyết phục cho sự lựa chọn CNXH của Bác Hồ, của Đảng ta và cũng là của nhân dân ta. Đi theo đường lối cách mạng của Đảng, chúng ta đánh đổ đế quốc, thực dân, xâm lược, giành và giữ vững độc lập, tư do, chủ quyền, lãnh thổ, biển trời, và sự thống nhất của non sông đất nước. Chỉ mới 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, chúng ta đã đoàn kết toàn dân, khai thác các nguồn lực, lao động sáng tạo không ngừng để có một cơ đồ, tiềm lực rất quan trọng, vị thế và uy tín quốc tế đáng tự hào. Quan trọng hơn nữa, đời sống nhân dân ta đã được cải thiện một cách cơ bản. Trong khó khăn, hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh, Đảng ta đã lãnh đạo, Nhà nước ta đã quản lý, phát huy vai trò làm chủ, ý thức yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của con người Việt Nam, để bảo vệ nhân dân, sớm vượt qua những thử thách khắc nghiệt, mang lại cuộc sống bình yên, ổn định cho nhân dân. Đối với bạn bè quốc tế, chúng ta sẵn sàng làm bạn tin cậy, làm đối tác có trách nhiệm, cùng chung tay đấu tranh vì một thế giới tiến bộ, bình đẳng và hợp tác vì sự phát triển, cùng mang lại lợi ích chính đáng cho con người. Những kết quả ấy bắt nguồn trực tiếp từ sự lãnh đạo của Đảng, từ sự lựa chọn CNXH của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta. Đó là một thực tế rõ ràng, sáng tỏ, không ai có thể phủ nhận!
Vậy vấn đề quá độ đi lên CNXH của nước ta mà Tổng Bí thư trình bày trong bài viết là gì, giáo sư cho thể nói rõ hơn?
Những phân tích về quá độ lên CNXH trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất phát từ cơ sở lý thuyết của vấn đề. Theo học thuyết về CNXH của các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lê nin thì toàn bộ quá trình, vận động, phát triển của xã hội loài người đều tuân theo theo quy luật. Chi phối tính quy luật ấy chính là yếu tố vật chất. Theo tính quy luật ấy, lịch sử loài người bắt đầu từ thời kỳ cộng sản nguyên thủy đến thời kỳ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, CNTB và tất yếu đi lên CNXH. Cương lĩnh của Đảng ta đã chỉ rõ và khẳng định điều đó. Nhưng để tiến tới xã hội XHCN nhân loại tất yếu phải qua thời kỳ quá độ. Đó là thời kỳ mà như Bác Hồ đã nói, đó là một sự nghiệp khổng lồ, phải giải quyết một loạt nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đầy tính sáng tạo, vượt qua tất cả những tàn tích của chế độ cũ, từng bước xây dựng chế độ mới. Đó là quá trình xây dựng lực lượng sản xuất tiến bộ, hiện đại, xây dựng nền sản xuất có năng suất cao. Đó là quá trình xây dựng và hoàn thiện dần dần quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất phát triển không ngừng. Đó còn là quá trình giáo dục, cải tạo, phát triển con người, từ con người vì mình để trở thành con người hài hòa giữa vì mình với vì mọi người, trở thành con người khỏe mạnh cả thể chất và tâm hồn, con người phát triển một cách toàn diện cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần...
Nhưng khác với một số nước trên thế giới, chúng ta tiến lên CNXH qua thời kỳ quá độ và bỏ qua giai đoạn TBCN. Nhưng bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN là bỏ qua thể chế chính trị TBCN, bỏ qua nhà nước của giai cấp tư sản, bỏ qua chế độ người bóc lột người, mà không bỏ qua quá trình lao động sáng tạo để xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động. Cũng không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ, những di sản văn hóa mà nhân loại đã tạo nên. Cần khẳng định lại, đó là những thành tựu của nhân loại tạo nên. Đó là tất cả những gì mà những người công nhân, nông dân, trí thức, những người lao động chân tay và lao động trí óc, bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của mình để làm ra. Chúng ta phải biết tận dụng, phát huy tất cả những thành tựu ấy để phục vụ cho mục tiêu xây dựng CNXH, mang lại hạnh phúc ngày càng nhiều hơn cho nhân dân, cho dân tộc. Nói như Lê nin, chúng ta phải dang cả hai tay mà đón nhận tất cả những gì tốt đẹp nhất của nhân loại. Đó là chính quyền Xô viết, cộng với hệ thống đường sắt Phổ, cộng với kỹ thuật và cách tổ chức các tờ-rớt ở Mỹ, cộng với nền giáo dục của Mỹ, cộng với tất cả những gì tốt đẹp nhất của nhân loại, đấy chính là con đường xây dựng CNXH.
Trên cơ sở nhận thức chung về thời kỳ quá độ lên CNXH, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra và phân tích, làm rõ các cơ sở khoa học, thực tiễn của đường lối của Đảng ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, về xây dựng nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về chính sách đối ngoại tôn trọng độc lập chủ quyền, hai bên cùng có lợi... Đó cũng chính là kết quả nhận thức lý luận của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin, những kinh nghiệm quốc tế vào tình hình, bối cảnh thực tế, tổng kết thực tiễn để tìm ra những bài học kinh nghiệm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Tất cả những đường lối đó đều gặp nhau ở một điểm hội tụ duy nhất, đó là vì nhân dân, vì con người, nói rõ hơn là vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển tự do, toàn diện của con người.
- Quan điểm về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được coi là một đột phá về lý luận của Đảng ta. Giáo sư có thể phân tích rõ hơn quan điểm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết?
- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự tiếp nối ý tưởng rất quan trọng của V.I. Lênin, từ khi Lênin tổ chức thực hiện chính sách kinh tế mới ở Liên Xô khi mới thành lập Liên bang Xô viết. Trong đó, Lênin đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của sản xuất hàng hóa và quan hệ trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhà máy, xí nghiệp với nông dân. Đó chính là những gợi ý về một thị trường hàng hóa như một điều kiện thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ở nước xô viết non trẻ. Chủ trương Đảng ta đề ra về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với sự vận hành đầy đủ các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, chính là sự tiếp nối những quan điểm rất sáng tạo của Lê nin trong chính sách kinh tế mới. Đồng thời, đây cũng là sự phát triển rất sáng tạo của Đảng ta dựa trên những cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênnin về thời kỳ quá độ lên CNXH, bài học rút ra từ mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu , Trung Âu, và từ chính bài học từ thực tiễn xây dựng và phát triển ở đất nước ta trước đây.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, lý luận về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sáng tạo có tính đột phá của Đảng ta. Đó là một trong những thành quả lý luận rất quan trọng từ quá trình thực hiện đường lối đổi mới. Đó là sự tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là nền kinh tế đa thành phần sở hữu, vận hành đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường hiện đại nhưng đặt dưới sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một đặc tính cơ bản, quyết định và có tính mục đích của bền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ trong từng bước, từng chính sách và hướng tới hạnh phúc của người dân. Nhà nước quản lý và Đảng lãnh đạo chính là để bảo đảm cho tính mục đích đúng đắn, nhân văn ấy.
Có một số người cố tình xuyên tạc, nói lấy được rằng kinh tế thị trường là kinh tế thị trường và không thể có định hướng XHCN ở đây. Trong thực tế, nền kinh tế thị trường ở thế giới tư bản chủ nghĩa cũng không đồng nhất. Mỗi nước có một mô hình, định hướng khác nhau và từ những mô hình đó dẫn tới những kết quả có sự khác biệt nhất định về xã hội. Mô hình nền kinh tế thị trường của các nước Bắc Âu khác với mô hình nền kinh tế thị trường của Mỹ, kinh tế thị trường của Đức, Pháp hay Thụy Sĩ đâu có hoàn toàn giống như kinh tế thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Điều đó phụ thuộc, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, từ bối cảnh kinh tế-xã hội đến đặc điểm văn hóa, lối sống con người… Nói gì đi nữa thì nền nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta đã và đang phát triển, là một thực tế sống động, không thể phủ nhận. Điều quan trọng nhất của nền kinh tế ấy chính là định hướng để bảo vệ lợi ích, sự tiến bộ, sự phát triển của con người, vì hạnh phúc của nhân dân và hạn chế rồi dần dần khắc phục, xóa bỏ sự bóc lột lẫn nhau giữa người với người.
- Trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Vậy giáo sư có thể phân tích để làm rõ hơn quan điểm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ được thể hiện như thế nào từ lý luận đến thực tiễn ở nước ta?
Sự khái quát về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là một sự khái quát vừa dựa vào tính chất, quy luật của sự phát triển của một đất nước để vượt qua thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đồng thời đó là sự vận dụng rất sáng tạo với điều kiện thực tiễn của nước ta. Về mặt quy luật, bất cứ cuộc cách mạng nào cũng cần có một đảng chính trị lãnh đạo. Sự lãnh đạo của đảng chính trị đó thành hay bại là dựa vào lý thuyết, nền tảng tư tưởng, vào xác định mục tiêu và phương pháp cách mạng. Ở nước ta, Đảng lãnh đạo với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin, dựa vào mục tiêu đúng đắn, phù hợp với lòng người, lòng dân là giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH. Đảng lãnh đạo ở đây là sự bảo đảm cho thắng lợi của cuộc cách mạng và sự bảo đảm ấy được khẳng định bởi tính chất của Đảng ta. Đảng ta là Đảng đại diện trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nông dân, liên minh công – nông và tầng lớp trí thức, đồng thời là đại diện trung thành cho lợi ích của toàn dân tộc. Vì thế đó là điều kiện bảo đảm cho tính chính danh của Đảng ta. Mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, cùng thực tế đã chứng minh Đảng ta chỉ có một lợi ích duy nhất là hạnh phúc của nhân dân, cho nên Đảng hợp lòng dân, được lòng dân, được nhân dân tin tin cậy. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng phải thông qua Nhà nước. Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý xã hội thông qua vai trò xây dựng hệ thống pháp luật, hệ thống cơ quan tổ chức điều hành để thực hiện các đường lối, chính sách, nghị quyết, pháp luật trên thực tế và không ngừng hoàn thiện hệ thống tư pháp để kiểm tra, bảo đảm hệ thống cơ quan nhà nước vận hành đúng pháp luật, phù hợp lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân. Nhân dân là chủ thể lịch sử, là chủ nhân của xã hội, hạnh phúc của nhân dân là mục đích của toàn bộ cuộc cách mạng. Nhân dân cũng chính là lực lượng để xây dựng CNXH. Mọi quyền lực chính trị trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, đó chính là cơ chế vận hành, thực thi quyền lực, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, cơ chế bảo đảm cho sự bền vững của chế độ, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước ta. Trong quá trình thực hiện đường lối Đổi mới, sự vận hành của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là điều kiện căn bản, tiên quyết để mang lại thành tựu rất to lớn, có tính lịch sử về xây dựng, phát triển đất nước, cải thiện căn bản, toàn diện và không ngừng đời sống nhân dân. Đó cũng chính là điều kiện để làm cho đất nước ta chưa bao giờ “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”, là sự khẳng định tính đúng đắn của con đường mà chúng ta đã lựa chọn, con đường đi lên CNXH, vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!