Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Có thể làm chậm lại quá trình già hóa dân số ?

Ngày phát hành: 03/09/2021 Lượt xem 6903

               

  

Giới thiệu

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những mục tiêu phát triển cụ thể của đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2030, và 2045. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.[1] 

Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định rõ những thách thức đang đặt ra đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Xu hướng già hóa dân số nhanh là một trong số những thách thức đó, ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế.[2]

Với xu hướng già hóa dân số nhanh, cả tỷ trọng và quy mô nhóm dân số người già ở nước ta đều tăng nhanh. Xu hướng này đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho nhóm người già. “Già trước khi giàu” chính là nguy cơ đối với việc bảo đảm tính bền vững trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Việc thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, thực hiện thành công các mục tiêu về duy trì vững chắc mức sinh thay thế và bảo đảm mức tăng dân số hợp lý, sẽ có tác động tích cực đến việc làm chậm lại xu hướng/quá trình già hóa dân số ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến 2045. 

 

Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam

Tương tự như nhiều nước đang phát triển ở trên thế giới, Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số. Đây là một quá trình biến đổi nhân khẩu học về cơ cấu tuổi của dân số. Già hóa dân số là thời kỳ quá độ chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già. Thời kỳ già hóa dân số bắt đầu khi tỷ trọng nhóm dân số từ 65+ tuổi trở lên (người già) đạt mức 7,0%, thời kỳ này kết thúc khi tỷ trọng nhóm người già đạt mức 14,0% trong cơ cấu dân số. Tiếp sau đó là thời kỳ dân số già. Một đặc điểm của thời kỳ già hóa dân số ở nước ta là quá trình này diễn ra tương đối ngắn hơn so với nhiều nước khác ở trên thế giới. Quá trình già hóa dân số đang đặt ra những thách thức nhất định đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn từ nay đến 2045. Một câu hỏi đặt ra là liệu có thể làm chậm lại quá trình già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta?

 

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số của một quốc gia. Mức sinh cũng là một chỉ báo phản ánh mức độ phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới[3]. Ở hầu hết các nước đang phát triển, có mức thu nhập từ trung bình trở lên, đều có mức sinh tương đối thấp, số con trung bình/phụ nữ dao động quanh mức sinh thay thế hoặc thấp hơn. 

Mức sinh thay thế là mức sinh mà một đoàn hệ phụ nữ trung bình có vừa đủ số con gái để “thay thế” họ trong quá trình tái sinh sản dân số; tương ứng với Tổng tỷ suất sinh (TFR)/số con trung bình là 2,10 con/phụ nữ.[4]

Quá trình giảm sinh mạnh mẽ trong hơn 30 năm qua ở nước ta đã dẫn đến việc thay đổi rõ rệt cơ cấu các nhóm dân số theo độ tuổi. Trước hết, có thể thấy ngay là tỷ trọng số trẻ em trong dân số đã giảm nhanh. Tỷ trọng số trẻ em ở nước ta đã giảm từ 39,2% năm 1989, xuống 33,1% năm 1999; 24,5% năm 2009; và còn 24,3% năm 2019. Tương ứng với mức sinh ở các năm đó theo số con trung bình/phụ nữ lần lượt là 3,8; 2,3; 2,1; và 2,1 con.[5]

 

 

Trong hơn 30 năm qua, đồng thời với việc tỷ trọng số trẻ em đã giảm nhanh, thì tỷ trọng số người già trong dân số đang có chiều hướng tăng nhanh. 

Tỷ trọng nhóm người già (65+) trong dân số ở nước ta đã tăng từ 4,7% năm 1989, lên 5,8% năm 1999; 6,4% năm 2009; và đạt 7,7% năm 2019 (Biểu đồ 2). Tỷ trọng số người già từ 65+ trở lên tăng nhanh hơn trong mười năm vừa qua so với các giai đoạn 1989-1999 và 1999-2009 trước đó. Khoảng từ năm 2012, tỷ trọng số người già đã bắt đầu vượt ngưỡng 7% dân số.

Tỷ trọng nhóm dân số người già tăng nhanh do hai nguyên nhân chủ yếu là (i) tỷ trọng nhóm dân số trẻ em đã giảm mạnh; và (ii) tuổi thọ trung bình của người dân ở nước ta đang được cải thiện rõ rệt.  

 

Tuổi thọ trung bình của người dân ở nước ta đã tăng lên từ 65,2 tuổi năm 1989, lên 68,2 tuổi năm 1999; lên 72,8 tuổi năm 2009; và đạt 73,6 tuổi năm 2019. Trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,0; và của nữ giới là 76,3 tuổi.

Dự báo tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số nước ta sẽ đạt khoảng 11% vào năm 2030[6] và chạm ngưỡng 14% trước năm 2040. Theo số liệu của Liện Hợp Quốc công bố năm 2020, với quy mô số người già (65+) của nước ta khoảng hơn 7,5 triệu người, Việt Nam xếp thứ 18 về số lượng người già trong so sánh với các nước khác trên thế giới. Việt nam xếp ngay sau Thái Lan (17) và Hàn Quốc (16) với số lượng người già tương ứng là 7,6 và 7,8 triệu người.[7]  Cũng theo tài liệu này, Trung Quốc đã trở thành “xã hội già cả” lớn nhất Thế giới với số lượng người già lên tới gần 170 triệu người. So sánh với Ấn Độ là một quốc gia có quy mô dân số tương đương, Trung Quốc có số lượng người già nhiều hơn gấp đôi. 

 

Tác động của già hóa dân số đến phát triển kinh tế xã hội ở nước ta

Già hóa dân số là một quá trình biến đổi nhân khẩu học về cơ cấu tuổi mang tính quy luật ở các xã hội hiện đại. Ở một số quốc gia/vùng lãnh thổ, bao gồm cả Việt Nam, thời kỳ già hóa dân số tương đối ngắn, có thể chỉ kéo dài khoảng 30 năm. Xu hướng già hóa dân số nhanh ở nước ta có liên quan trực tiếp tới quá trình mức sinh giảm tương đối nhanh trong giai đoạn 1989-1999. Số con trung bình/phụ nữ đã giảm từ 3,8 xuống còn 2,3 con trong 10 năm. Xu hướng già hóa dân số nhanh ở nước ta đang đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế và việc đổi mới các chính sách an sinh xã hội.

Trước hết, quá trình già hóa đi liền với quá trình suy giảm nguồn cung lao động cho nền kinh tế, dẫn tới làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nó. Tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc vào mức tăng năng suất lao động và tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực[8]. Khi một quốc gia có cấu trúc dân số trẻ, số người bước vào độ tuổi lao động thường lớn hơn nhiều so với số người bước ra khỏi độ tuổi lao động. Mức chênh lệch về số lượng giữa hai nhóm này sẽ giảm dần khi các quốc gia bước vào thời kỳ già hóa dân số. Tỷ lệ giữa số lao động tăng thêm hàng năm so với quy mô dân số trong độ tuổi lao động là tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực. Ở các quốc gia đang có cấu trúc dân số già hoặc đang trong quá trình già hóa dân số, tỷ lệ tăng này có xu hướng giảm dần. Khi tỷ lệ này xuống quá thấp hay dao động ở mức trên dưới 0,5% thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các mối quan hệ này giúp góp phần giải thích tại sao hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới trong những năm gần đây vẫn không thể phục hồi lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như trước đây sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008[9]

        

Kết quả phân tích các số liệu thống kê về biến đổi cấu trúc tuổi của dân số Việt Nam trong giai đoạn từ 2009-2034 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực ở nước ta có xu hướng giảm nhanh. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống ở mức khoảng 0,5% trong giai đoạn 2029-2034.

Cùng với tác động làm suy giảm nguồn cung lao động cho nền kinh tế, quá trình già hóa dân số nhanh đang gây những áp lực nhất định lên hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD[10]. Già hóa dân số trong bối cảnh trình độ phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam còn thấp, là một thách thức vô cùng to lớn vì quy mô số người già tăng lên nhanh sẽ đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp. Mặt khác, một đặc điểm của nhóm người già ở nước ta hiện nay là tình trạng sức khỏe không tốt. Theo kết quả của một nghiên cứu[11], hơn một nửa số người già (từ 60 tuổi trở lên) có sức khỏe kém và rất kém. Khoảng 50% số người già không nằm trong bất cứ một chính sách an sinh xã hội nào. Dân số già không khỏe mạnh và không có thu nhập đảm bảo cuộc sống sẽ buộc Nhà nước phải có những khoản chi tiêu rất lớn và những khoản chi tiêu này sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách quốc gia cũng như sự bền vững tài chính dài hạn của toàn bộ nền kinh tế.[12]

 

Biến đổi mức sinh và già hóa dân số

Xem xét biến đổi mức sinh ở nước ta trong giai đoạn mười năm gần đây (2009-2019), mức sinh (tổng tỷ suất sinh) chỉ dao động nhẹ trên dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) (Biểu đồ 4). Khi mức sinh thay thế được giữ ổn định, có thể thấy, tỷ trọng số trẻ em trong dân số chỉ giảm không đáng kể, từ 24,5 xuống còn 24,3% từ năm 2009-2019. Trong khi đó, tỷ trọng số người già chỉ tăng khoảng 0,7% từ năm 2012-2019.

Như vậy có thể nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi mức sinh và quá trình già hóa dân số ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Khi duy trì được mức sinh thay thế, như trong hơn mười năm vừa qua, tỷ trọng số người già đã tăng chậm hơn so với một số dự báo trước đây, khi cho rằng thời kỳ già hóa dân số ở nước ta có thể chỉ kéo dài khoảng 20 năm.   

 

Thực tiễn biến đổi mức sinh và già hóa dân số ở một số nước tại châu Á như Thái Lan hay Trung Quốc cho thấy, khi các quốc gia này không duy trì được mức sinh thay thế, và để cho mức sinh/tổng tỷ suất sinh xuống thấp dưới ngưỡng 2,1 con/phụ nữ, tỷ trọng số lượng người già sẽ tăng lên nhanh  trong cơ cấu dân số, và thời kỳ già hóa dân số bị rút ngắn lại. Việc cố gắng đưa tổng tỷ suất sinh tăng lên về quanh mức sinh thay thế, ở các quốc gia trên, bằng nhiều giải pháp chính sách khuyến khích sinh đẻ hầu như là bất khả kháng. Trong hơn 10 năm qua, Thái Lan đã để cho tổng tỷ suất sinh liên tục ngày càng xuống thấp, từ mức khoảng 1,8 vào năm 2010, xuống 1,6 năm 2015, và xuống còn 1,5 năm 2020. Tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số Thái Lan đã tăng từ 8 lên12% trong giai đoạn 2010-2020.[13]

 

 Dân số ở Trung Quốc đang ở giai đoạn giảm nhanh nhất trong vài thập kỷ gần đây. (Nguồn: worldfinance.com).

 

Trung Quốc cũng đã để cho tổng tỷ suất sinh ở mức thấp là 1,5 con/phụ nữ trong giai đoạn từ 2010 đến 2015. Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con, nhưng đến năm 2020, tổng tỷ suất sinh vẫn dừng ở mức 1,5 con/phụ nữ. Tỷ trọng số người già ở Trung Quốc đã tăng từ 8 lên 13% trong giai đoạn từ 2010-2020. Theo số liệu mới được công bố của Liên Hợp Quốc, năm 2021, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ còn 1,3 con/phụ nữ[14]. Tỷ trọng số người già ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã có thể vượt ngưỡng 14%, và Trung Quốc đã có cơ cấu dân số già. Như vậy, thời kỳ già hóa dân số ở Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 21 năm (2000-2021). Việc thực hiện chính sách một con trong một thời gian tương đối dài (từ 1980-2015), và chậm chuyển đổi sang chính sách hai con (chỉ từ 2016) đã làm cho Trung Quốc có thời kỳ già hóa dân số ngắn nhất so với các quốc gia khác trên thế giới. Đây là lý do buộc chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách ba con từ năm 2021 này[15].

 

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế của cả nước

Thực tiễn biến động mức sinh ở Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới cho thấy khi mức sinh/tổng tỷ suất sinh bị giảm xuống dưới mức sinh thay thế thì sẽ rất khó để đưa mức sinh tăng lên trở lại, và quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh hơn khi mức sinh xuống thấp như vậy.

Các số liệu ở Bảng 1 cho thấy, với tổng tỷ suất sinh khoảng 1 con/phụ nữ như Hàn Quốc hay Singapore trong năm 2020, tỷ trọng số người già của hai quốc gia này sẽ tăng rất nhanh trong vòng 30 năm tới, thậm chí đạt gần bằng với Nhật Bản, quốc gia có tỷ trọng số người già cao nhất Thế giới hiện nay (29%).

 

Bảng 1. Số con trung bình, tỷ trọng trẻ em và người già ở một số quốc gia, 2020

Quốc gia

Số con trung bình

TFR

Tỷ trọng trẻ em

(0-14)

Tỷ trọng người già (65+)

2020

2050*

Nhật Bản

1,3

12%

29%

36%

Hàn Quốc

0,9

12%

16%

35%

Singapore

1,1

15%

14%

34%

Trung Quốc

1,5

17%

13%

26%

Thái Lan

1,5

17%

12%

29%

Việt Nam

2,1

23%

8%

22%

 Nguồn: PRB, 2020. World Population Datasheet 2020. www.prb.org

              *PRB, 2018. World Population Datasheet 2018. www.prb.org

 

Thực tiễn biến đổi mức sinh ở một số quốc gia trên Thế giới như nêu trên cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố là tổng tỷ suất sinh và tốc độ tăng tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số. Khi tổng tỷ suất sinh xuống dưới 2,0 hay thậm chí xuống dưới 1,5 con/phụ nữ, tỷ trọng số người già sẽ tăng nhanh hơn như trường hợp của Trung Quốc hay Thái Lan.

Trong hơn 10 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, và tỷ trọng số người già chỉ tăng chậm từ 7 lên 8%. Thực tiễn thực thi chính sách dân số ở nước ta chỉ ra rằng, chúng ta có thể làm chậm lại quá trình già hóa dân số trong giai đoạn từ nay đến 2030 nếu thực hiện thành công mục tiêu: ”Duy trì vững chắc mức sinh thay thế;…” đề ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. 

 

Một vấn đề đặt ra liên quan tới việc thực thi chính sách dân số hiện nay là thực trạng biến đổi mức sinh không đồng đều giữa các vùng và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, hầu hết các tỉnh, thành phố ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ có tổng tỷ suất sinh thấp hơn so với mức sinh thay thế. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh có tổng tỷ suất sinh chỉ còn 1,39 con/phụ nữ, năm 2019. Đa số các tỉnh, thành phố ở các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Trung du và miền Núi phía Bắc đang có tổng tỷ suất sinh cao hơn so với mức sinh thay thế.

 

Thực tiễn biến động mức sinh ở nhiều nước trên thế giới cho thấy khi mức sinh/tổng tỷ suất sinh bị giảm xuống dưới mức sinh thay thế thì sẽ rất khó để đưa mức sinh tăng lên trở lại. Bởi vì, mức sinh là chỉ báo phản ánh trình độ phát triển kinh tê-xã hội của một quốc gia. Biến đổi mức sinh luôn diễn ra theo xu hướng giảm trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Trường hợp của Singapore hay Nhật Bản cho thấy, các quốc gia này trong hơn hai mươi năm vừa qua đã không thể đạt được mục tiêu đưa mức sinh tăng lên trở lại. Họ chỉ có thể giữ cho mức sinh giảm chậm lại nhiều nhất có thể. Do đó, những địa phương đã có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế, rất khó có thể đưa mức sinh tăng lên trở lại (về mức sinh thay thế).

 

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu của chính sách dân số hiện nay ở nước ta là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, cần có cách tiếp cận hệ thống trong hoạch định và thực thi chính sách về mối liên quan chặt chẽ với nhau trong tương quan mức sinh giữa các vùng, giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mức sinh đang cao hơn mức sinh thay thế ở hơn 30 tỉnh, thành phố hiện nay đang là một yếu tố rất quan trọng cho việc bù vào mức sinh thấp ở các vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, góp phần vào việc duy trì mức sinh thay thế chung của cả nước trong hơn mười năm vừa qua.

Mặt khác, vì biến đổi mức sinh luôn diễn ra theo xu hướng giảm trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, mức sinh ở hơn 30 tỉnh, thành phố nêu trên sẽ vẫn ở trong xu hướng tiếp tục giảm trong giai đoạn từ nay đến 2030. Đây là một thách thức thực sự đối với việc thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Từ góc độ về di cư và dịch chuyển lao động trong nền kinh tế thị trường, nguồn nhân lực sẽ từ các địa phương có nhiều lao động dịch chuyển dễ dàng tới các địa phương khác đang thiếu lao động. Trên phạm vi toàn quốc, nguồn nhân lực ở các tỉnh, phố có mức sinh cao hơn sẽ có thể giúp cân đối với nguồn nhân lực ở những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp hơn. Do đó, việc đặt ra mục tiêu giảm 10%  tổng tỷ suất sinh ở hơn 30 tỉnh, thành phố có mức sinh cao[16] là không phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.

 

  Trong giai đoạn từ nay đến 2030, các mục tiêu và giải pháp của chính sách dân số cần được thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn quốc. “Việc rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành[17] cần được thực hiện đồng bộ ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.[18] 

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao ở trên thế giới vào năm 2045. Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế của cả nước trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ góp phần rất quan trọng vào việc làm chậm lại quá trình già hóa dân số. Từ đó, thời kỳ già hóa dân số ở nước ta có thể kết thúc sau năm 2045. Việt Nam có thể không vướng vào bối cảnh “chưa giàu đã già” như một số dự báo trước đây.

Các mục tiêu và giải pháp của chính sách dân số ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đã được chuyển đổi một cách cơ bản. Việc thực hiện thành công mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế của chính sách dân số và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

 

TS. Hà Việt Hùng

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd.

[3] Tổng cục Thống kê, 2021. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Thực trạng và các yếu tố tác động đến mức sinh tại Việt Nam.

[4] Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở. Nxb Thống kê, tháng 12/2019.

[5] Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019. Sđd

[6] Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

[7] PRB, 2020. World Population Datasheet 2020.

[8] Ruchir Sharma, 2016. Quốc gia thăng trầm. Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế. Bản dịch tiếng Việt (2018), Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam. NXB Thế giới.

[9] Ruchir Sharma, 2016. Sđd

[10] Đảng Cộng sản Việt nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd

[11] Giang Thanh Long, 2019. Báo cáo điều tra người cao tuổi và bảo hiểm y tế

[12] UNFPA, 2011. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam.

[13] PRB, World Population Datasheet 2010, 2015, 2020. www.prb.org

[14] PRB, World Population Datasheet 2021. www.prb.org

[16] Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, ngày 28 tháng 4 năm 2020.

[17] Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ, Sđd.

[18] Hà Việt Hùng, 2020. Chính sách dân số từ góc nhìn biến đổi mức sinh ở Việt Nam giai đoạn từ nay đến 2030. Tạp chí Nghiên cứu chính sách và quản lý, số 4 năm 2020.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết