Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Luận giải và đề xuất đột phá chiến lược thúc đẩy quá trình đổi mới-phát triển giai đoạn 2021-2030 (phần 2)

Ngày phát hành: 25/05/2020 Lượt xem 2759

 

2) Đột phá về đổi mới Thể chế phát triển - xây dựng Thể chế phát triển nhanh - bền vững theo chiều sâu

Đại hội XI của Đảng đã xác định “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một Đột phá chiến lược. Thực tiễn chỉ rõ rằng xác định đó là đúng đắn. Song trước bối cảnh và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cho thấy rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực tiễn cho thấy không thể hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường nếu không được triển khai đồng bộ với hoàn thiện thể chế phát triển đất nước về phương diện chính trị và phương diện xã hội (thể hiện ở yêu cầu đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế và xã hội), giữa đổi mới hệ thống chính trị với xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân, phát triển nền dân chủ với thể chế kinh tế thị trường. Điều này lại càng thấy rõ hơn khi đã khảng định tính tất yếu khách quan và cấp thiết của việc chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng là chủ yếu sang mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều sâu. Yêu cầu phát triển theo chiều sâu có nghĩa là phải dựa chủ yếu vào nguồn lực khoa học - công nghệ trình độ cao, vào nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao, vào năng lực sáng tạo của mỗi con người, của tất cả các chủ thể và của toàn xã hội, vào chất lượng thể chế phát triển ở trình độ cao hơn. Nhưng đó lại phải là sản phẩm của thể chế phát triển tổng hợp đất nước (được hình thành đồng bộ giữa thể chế phát triển kinh tế với thể chế phát triển chính trị và thể chế phát triển xã hội), không đơn thuần chỉ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mà tạo lập được. Cả về lý luận và thực tiễn phát triển trên thế giới cho thấy rằng để một đất nước phát triển ở trình độ cao, bền vững - hiện đại cả về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái, phải dựa trên một thể chế phát triển hiện đại đồng bộ giữa kinh tế - chính trị - xã hội - môi trường; giữa Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội. Vì vậy đột phá chiến lược trong giai đoạn mới không chỉ là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, mà là xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo cho sự phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới.  

Thực tiễn phát triển của các nươc trên thế giới cho thấy: Một hệ thống thể chế phù hợp sẽ huy động - kết nối - sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực, tạo được động lực mạnh cho sự phát triển lành mạnh và sáng tạo, nhân lên những giá trị tốt đẹp (đó cũng là một động lực nội sinh quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế và xã hội). Ngược lại, một hệ thống thể chế không phù hợp sẽ không chỉ là “lực cản”, làm hao phí các nguồn lực, mà còn là “tác nhân” gây nên sự “phát triển lệch lạc”, kém hiệu quả, “kích hoạt và lan tỏa” những “gía trị tiêu cực” trong kinh tế, trong đạo đức xã hội và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; “đẩy” những giá trị tốt đẹp vào thế yếu - không được bảo vệ, không được tôn vinh và dần bị băng hoại, trong đó băng hoại về lòng tin vào những giá trị tốt đẹp là một cảnh báo nghiêm trọng, nó làm giảm đi động lực phát triển trong mỗi con người, mỗi đơn vị xã hội, mỗi cộng đồng cũng như trong toàn xã hội. Vì vậy, một thể chế phát triển hiệu lực, hiệu quả, trước hết phải tạo lập được lòng tin của nhân dân, của xã hội, hình thành niềm tin Quốc gia - Dân tộc. Có thể, chính vì vậy, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyến Phú Trọng đã nhấn mạnh phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, “để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân[1].  

Chính vì vậy việc xây dựng và thực thi thể chế phát triển đồng bộ phù hợp và hiệu quả là một đột phá trọng yếu tạo nên động lực phát triển đất nước  trong giai đoạn mới. Nếu đột phá đổi mới tư duy với tầm quan trọng có tính mở đường - tạo tiền đề, thì đột phá về đổi mới Thể chế - xây dựng thể chế phát triển theo chiều sâu đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững có tầm quan trọng trực tiếp tạo nên động lực phát triển.

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh - bền vững, Thể chế phát triển cần được xây dựng phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của đất nước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu cao của hội nhập quốc tế trong từng giai đoạn. Có thể khái quát các đặc trưng cơ bản của thể chế phát triển nhanh - bền vững như sau:

i).  Đó phải là một thể chế vượt trội, có khả năng đón nhận được các cơ hội, những xu hướng phát triển mới, thay đổi với tốc độ nhanh, mang tính đột biến, như cuộc CMCN 4.0; “hóa giải”được các thách thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực, các mô hình quản lý - quản trị tiên tiến và trình độ công nghệ cao để tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ. Thể chế phát triển nhanh - bền vững phải là thể chế “dung hợp” cao, đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp giữa thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế xã hội và thể chế hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới

ii). Thể chế chính trị thể hiện tập trung ở đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, ở vai trò trung tâm, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền; đưa ra định hướng đường lối, chiến lược, mục tiêu phát triển đúng đắn; đề cao nguyên tắc pháp quyền với hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo gắn kết hữu cơ “dân chủ - kỷ cương - trách nhiệm xã hội”; định hướng xây dựng thể chế kinh tế thị trường phù hợp, hiện đại, hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhanh - bền vững, bao trùm. 

iii). Thể chế lãnh đạo - quản lý - quản trị sáng suốt, năng động, hiệu lực, hiệu quả; phát huy sáng tạo, dân chủ; thể chế hành chính minh bạch, đơn giản, hiệu quả; chỉ đạo triển khai tập trung, thống nhất; tập trung nguồn lực phát triển cho những lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn.   

iv). Xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị, nhất là bộ máy nhà nước, tinh gọn, họat động hiệu lực, hiệu quả; Đội ngũ cán bộ, công chức “thực đức - thực tài”, liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo.

v). Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức trong xã hội trong sự phát triển; coi trọng nhân tố con người, đổi mới, sáng tạo.

vi). Phân phối thành quả, lợi ích phát triển hài hòa, tương đối công bằng giữa các tầng lớp, thành viên xã hội; quan tâm thích đáng đến các đối tượng yếu thế.

vii). Quy tụ được nhân tâm của nhân dân, gắn kết được các lợi ích lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc; tạo được niềm tin và ý chí chấn hưng quốc gia của dân tộc - đó là một động lực cốt lõi của thể chế phát triển nhanh - bền vững.

viii). Trong Thể chế có những chế định mang tính nguyên tắc chi phối chung, lâu dài; có những chế định mang tính thời đoạn, thích ứng với những điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể.

Việc xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh - bền vững theo chiều sâu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Vì không thể chuyền đổi thành công mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, không thể đón nhận và tận dụng có hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không thể hội nhập có hiệu quả cao với thế giới thay đổi ngày càng nhanh…nếu thể chế còn chứa đựng nhiều yếu tố bất cập của “thể chế 1.0, 2.0, 3.0” .

3) Đột phá về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là công nghệ cao

 

Trong mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều rộng, với đặc trưng cơ bản là thâm dụng vốn, đất đai và tài nguyên, lao động giá rẻ, sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, sơ chế với trình độ công nghệ thấp, thiên về tăng quy mô số lượng, giá trị gia tăng thấp. Mô hình tăng trưởng đó đã phát huy vai trò quan trọng đổi với sự phát triển đất nước trong gần 30 năm qua. Tuy nhiên, với trình độ công nghệ thấp không đưa lại năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm thấp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và của cả nền kinh tế thấp, chậm được cải thiện. Chính điều này đã làm suy giảm đáng kể động lực tăng trường trong giai đoạn 2010 - 2016. Đặt ra yêu cầu khách quan phải chuyển mạnh sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Điều này được đặt ra từ Đại hội XI của Đảng (2011). Tuy nhiên cho đến nay chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Đến nay (2020), đã thấy rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã không thể cơ bản hoàn thành được. Những chỉ số phát triển tổng hợp cho thấy nền kinh tế - xã hội vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng : năng xuất lao động vẫn thuộc loại thấp nhất trong các nước ASEAN[2]; năng xuất các yếu tố tổng hợp TFP (phản ánh trình độ hiện đại của nền sản xuất xã hội) vẫn thuộc loại thấp và chậm được cải thiện, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP còn thấp và chậm được cải thiện[3], bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 25,5% so với 24,48% (giai đoạn 2001-2005) và 23% (giai đoạn 2006-2010), trong khi đóng góp của yếu tố tăng vốn vào tăng trưởng GDP là 51,5% và yếu tố tăng lao động là 23% ; chỉ số ICOR (thể hiện hiệu suất đầu tư) vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và so với các nước công nghiệp mới nổi trong cùng giai đoạn[4]. Trình độ công nghệ của nền sản xuất xã hội nhìn chung còn thấp, thậm chí lạc hậu (nhất là trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước nội địa)[5]; trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp FDI chủ yếu là trình độ công nghệ trung bình, mang nặng tính gia công, lắp ráp, tỷ trọng công nghệ cao còn ít[6]. Công nghệ phụ trợ yếu và chậm phát triển.

Quá trình đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang diễn ra mạnh mẽ ở rất nhiều nước trên thế giới. Cần nhận thức rõ rằng sự cạnh tranh vị thế quốc gia, cạnh tranh kinh tế giữa các nước trên thế giới nằm sâu bên trong là cạnh tranh về trình độ công nghệ gắn liền với sở hữu trí tuệ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đổi mới sáng tạo giữ vai trò then chốt đối với phát triển mọi mặt của xã hội, nhất là tăng trưởng kinh tế. Động lực tăng năng suất lao động quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo, trọng tâm là phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Đổi mới sáng tạo được xác định với với năm trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh, và hai trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo[7]. Nhưng, tùy theo điều kiện của mỗi nước mà lựa chọn con dường và mô hình cụ thể cho mình. Sự thành công tùy thuộc vào khả năng nhận biết, nắm bắt, ứng dụng và phát triển tiến bộ công nghệ của họ. Ngay các nước trong khối ASEAN cũng đã nhận thức rõ vấn đề này. Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 tại Hà Nội (ngày 13-9-2018), đã đưa ra thông điệp nổi bật: Mỗi nước cần chủ động phát huy tinh thần doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) với tầm nhìn đa chiều, dài hạn để phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số sáng tạo đã trở thành động lực quan trọng nhất, với bản chất cốt lõi là sự tăng trưởng và phát triển phải là kết quả chủ yếu của tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao. Có thể nói đây là “con đường độc đạo” mà bắt buộc Việt Nam phải đi qua, nếu muốn phát triển nhanh - bền vững.

Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh - bền vững đất nước. Đây cũng là nhân tố cốt lõi để đất nước không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những có hội lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Nếu vẫn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng vốn và lao động giá rẻ, tăng đầu tư FDI thiếu sự lựa chọn mang tính chiến lược với quá nhiều ưu đãi không phù hợp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chất lượng không cao, thúc đẩy tham gia vào chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ở những phân khúc công nghệ thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp…thì hiệu quả tăng trưởng sẽ thấp, tiếp tục suy giảm[8]. Sự chênh lệch lớn về trình độ đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao trong một môi trường quốc tế có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía không làm chủ được công nghệ tiên tiến[9]. Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta.

Con đường duy nhất là phải coi đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao là một đột phát chiến lược. Phải hoàn thiện đồng bộ ba cơ chế : cơ chế phát triển khoa học - công nghệ hướng vào ứng dụng (tạo cung), cơ chế phát triển kinh tế - xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo (tạo cầu) và cơ chế liên kết phát triển khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội (liên kết cung cầu); phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho phát triển khoa học và đổi mới công nghệ. Thực hiện trên thực tế “khoa học-công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tai Hội Chính phủ với các địa phương vào đầu năm 2018 đã nhấn mạnh: Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước, mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.

4)  Đột phá về phát triển con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - chủ thể và mục tiêu của quá trình đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 

Cần phải xác định phát triển con người - nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - trình độ cao là đột phá của các đột phá. Đại hội XI của Đảng xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một trong ba đột phá chiến lược. Điều này rất đúng, song đứng trước yêu cầu phát triển có tính bước ngoặt của đất nước trong giai đoạn mới, đột phá này cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn. Vấn đề phát triển con người cần được tiếp cận không chỉ từ giác độ “nguồn nhân lực” - người lao động, mà phải từ giác độ “phát triển con người - chủ thể và mục tiêu của quá trình đổi mới và phát triển đất nước”. Hơn nữa cần nhận thức rõ yêu cầu của giai đoạn mới là phát triển con người - phát triển nhân lực trong và cho thể chế phát triển theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Xét một cách tổng quát về mọi giác độ, thì phải có những con người có đủ phẩm chất đạo đức, tâm thế của người chủ nhân đất nước, có trình độ tư duy, năng lực chuyên môn và năng lực thực hành đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì mới có được tư duy đổi mới và đổi mới được thể chế phát triển, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng - phát triển sang chiều sâu. Nhưng những con người như thế lại là “sản phẩm” không chỉ của quá trình giáo dục - đào tạo trong nhà trường, mà còn là “sản phẩm” trực tiếp của thể chế chính trị - xã hội và thể chế kinh tế. Và điều rất quan trọng là đối với các quá trình đổi mới và cải cách rộng lớn trong xã hội không thể chỉ cần có một số ít những con người tài năng “tồn tại” được qua ý chí kiên định và bản lĩnh của cá nhân; mà xã hội cần có những thế hệ, đội ngũ đông đảo những con người đổi mới. Đây phải là “sản phẩm” của “thể chế dung hợp - nuôi dưỡng”, khuyến khích tự do sáng tạo cũng như trách nhiệm xã hội. Bởi vì các cuộc đổi mới hay cải cách xã hội sâu rộng thành công, suy cho cùng, bao giờ cũng phải là kết quả của sự đồng thuận về tư duy và hành động của những người tiên phong tư duy đổi mới với đội ngũ lãnh đạo - quản lý các cấp (nhất là những người đứng đầu) và với các tầng lớp xã hội - nhân dân liên quan.

Nhưng nhìn tổng thể, nguồn nhân lực nước ta chất lượng và trình độ còn tương đổi thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại. Vì thế đào tạo, phát triển con người - nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, làm lực lượng chủ đạo cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn có tính bước ngoặt (phát triển theo chiều sâu, bền vững và tăng tốc), nhất là trong bối cảnh tốc độ thay đổi và phát triển của các lĩnh vực trên thế giới diễn ra nhanh, đột biến là một nhiệm vụ chiến lược rất hệ trọng, có tác động chi phối đến tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy có thể nói phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao là đột phá của các đột phá. Đối với nước ta, do những điều kiện cụ thể, việc phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn mới cần nhận thức rõ các đặc điểm sau:

- Phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực phải “vượt lên trước một bước”, định hướng vào đáp ứng yêu cầu chuyển sang phát triển theo chiều sâu - thể chế phát triển theo chiều sâu của đất nước. Có nghĩa là phải tạo được mức “thặng dư” nhất định về nhân tố con người - nguồn nhân lực (về trình độ và đội ngũ) cho sự phát triển theo chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực. Chỉ có như vậy mới thực hiện thành công chiến lược phát triển “đi tắt đón đầu”, “bắt lịp”, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo “con đường rút ngắn”, đi vào phát triển kinh tế tri thức.

- Do trình độ phát triển của các vùng, các lĩnh vực trong đất nước không đều nhau, không thể tất cả cùng một lúc đi vào phát triển theo chiều sâu, trình độ cao; trong một thời gian còn dài vẫn còn cần phải kết hợp có hiệu quả phát triển theo chiều sâu với phát triển theo chiều rộng ở những lĩnh vực và mức độ cần thiết. Vì vậy phát triển con người - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phải đáp ứng có hiệu quả sự đa tầng của trình độ phát triển đó trong mỗi giai đoạn cụ thể, lĩnh vực cụ thể, không thể “lao vào” đào tạo trình độ cao, chất lượng cao xa rời nhu cầu của thực tiễn.

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực không chỉ theo những giá trị, chuẩn mực, tiêu chí của dân tộc, mà còn phải hướng tới những giá trị, chuẩn mực và tiêu chí chung của nhân loại - mang tính toàn cầu và thích ứng với môi trường phát triển đa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.

- Nâng cao chất lượng đào tạo con người - đào tạo nguồn nhân lực vừa là yêu cầu vừa là nội dung quan trọng nhất của đột phá chiến lược này.

Nội dung và mục tiêu phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta phải xuất phát từ yêu cầu phát triển nhanh - bền vững của đất nước trong giai đoạn mới, để xác định các giá trị về con người, giá trị xã hội, yêu cầu phẩm chất và năng lực của nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó mà xác định mục tiêu - tiêu chí - các chuẩn giáo dục và đào tạo, nhằm tạo ra nguồn lực con người với phẩm chất tổng hợp về nhân cách (tâm lực), tri thức (trí lực), thể lực và năng lực thực hành. Có thể khái quát những tiêu chí cơ bản của phát triển con người - nguồn nhân lực là: i) - Văn hóa, đạo đức, nhân cách, lý tưởng, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng,  trách nhiệm xã hội; ii) - Năng lực tư duy sáng tạo - đổi mới; iii) - Năng lực tri thức chuyên môn; iv) - Năng lực thực hành; v) - Kỹ năng mềm, hợp tác và chia sẻ.

Khi đi vào phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, những tiêu chí trên đều đòi hỏi ở trình độ cao và sự đồng bộ giữa các tiêu chí; song tiêu chí về tư duy và năng lực sáng tạo - đổi mới, tiêu chí về năng lực nghiên cứu - ứng dụng - triển khai, tiêu chí về năng lực gắn nghiên cứu với sản xuất và tổ chức sản xuất, với năng lực kinh doanh được đặc biệt chú trọng. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, cùng với đổi mới căn bản đào tạo các loại nguồn nhân lực (từ người lao động đến các nhà lãnh đạo cấp cao) là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.

Với bối cảnh và những đặc điểm, yêu cầu nêu trên, việc thực hiện đột phá “Phát triển con người - nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - trình độ cao” có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, theo nghĩa đó là chủ thể quyết định việc xây dựng và thực thi có hiệu quả tất cả các đột phá chiến lược khác./.

(Hết)

PGS.TS Trần Quốc Toản

                                             Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

                             Tài liệu tham khảo :

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN,   NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng CSVN, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016

3. Đặng Hữu,  Đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá dựa trên tri thức ; Tạp chí Cộng sản số 2 – 2005.

4. Trần Quốc Toản, Chủ biên, Phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

5. Trần Quốc Toản, Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong phát triển Khoa học - công nghệ Việt Nam hiện nay ; 2012.

6. Thế Dũng, Đột phá thể chế kinh tế; “Người lao động”, Thứ Năm, 23/01/2014

7. Li Tan. Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp : Tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước; NXB Trẻ. 2008

8. TS. Lê Đăng Doanh. Cải cách thể chế và chính sách kinh tế để thúc đẩy KH&CN ; tiasang.com.vn 01:43-08/04/2013.

9. Hà Hoàng Hải,  Đột phá thể chế thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế ;  Nhân dân điện tử, Chủ nhật, 24/11/2013

10. Chất lượng nguồn nhân lực: Thách thức lớn đối với Việt Nam

11. Chất lượng nhân lực - Chủ đề nóng của doanh nghiệp Việt Nam. Theo CafeF.vn , ngày 04 Tháng 11-2011; PGS.TS. Lê Quân (Đại học Quốc gia Hà Nội).            

 12. GS.TS. Phạm Minh Hạc, Đi vào thế kỷ XXI phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNH-HĐH đất nước. Tạp chí LĐ-XH. Số 215 (2003).

 13. Phát triển nhân lực nhân, tài - Lựa chọn của Trung Quốc trong chiến lược phát triển bền vững. TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Danh mục: Bài viết Tạp chí  Năm 2009, Số 3 .

 14. Nguồn nhân lực chất lượng cao – cần một nền giáo dục đại học đẳng cấp;  ThS. Vũ Hải Yến Trường Đại Học Kỹ Thuật Công Nghệ TP HCM;   http://eduviet.vn/index.php

 15. Daron Acemoglu & James A. Robinson , Tại sao các quốc gia thất bại ,NXB Trẻ , 2013.



        [1] Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyến Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII; chiều 12.10.2019,

 

      [2] Theo Tổng cục Thống kê năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn cả Lào, và chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước đang tiếp tục gia tăng: Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào".

 

         [3]  Đối với các nước phát triển, sự đóng góp của tăng TFP vào sự tăng trưởng của GDP là rất cao, thường trên 50% và đặc biệt có những nước tới trên 90% như Nhật Bản.

       [4] Chỉ số ICOR giai đoạn 2011 - 2016 vần gần 6,0 – một con số quá cao so với chỉ số ICOR của các nước Đông Á trong thời kỳ cất cánh: Nhật Bản ICOR=3,2 (1961-1970) ; Hàn Quốc ICOR=3,2 (1981-1990); Đài Loan ICOR=2,7 (1981-1990).

 

     [5] Theo kết quả khảo sát của VCCI năm 2016 tại 10 ngành, trong đó có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, có đến gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Các công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%). Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.

 

      [6] Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI : công nghệ trung bình chiến tới 80%, công nghệ cao chỉ khoảng 6%, còn lại là công nghệ thấp; đối với Việt Nam chủ yếu là gia công và được hưởng giá trị gia tăng thấp; rất ít kết nối với các thành phần kinh tế trong nước; xếp hạng các quốc gia về chuyển giao công nghệ từ FDI ở Việt Nam chỉ đạt điểm số 4,1, thấp hơn cả Campuchia - 4,7 và Philippines - 4,5, trong khi đó Singapore - 5,9 và Malaysia - 5,4 điểm.  

      [7] ĐMST là năng lực tạo ra và ứng dụng giải pháp kỹ thuật, thành tựu công nghệ, sự linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và phát triển DN. Chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp Viện INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Mỹ) tính toán. Năm 2018, bộ chỉ số này gồm có 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, được chia thành bảy trụ cột chính với năm trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh, và hai trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

        [8]  Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất khẩu của cả nước năm 2018 đạt khoảng 233,07 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu 164,82 tỷ USD, chiếm 70,7%. Điều đáng lưu ý là xuất siêu của cả nền kinh tế là 6.89 tỷ USD, nhưng xuất siêu riêng của doanh nghiệp FDI là 29 tỷ USD, có nghĩa là các doanh nghiệp nội địa nhập siêu tới 22,11 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011-2016 các doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vuwvj doanh nghiệp ngoài nhà nước 181%, trong khi đó thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước, nếu trừ đi thuế gián thu là phần do người dân Việt Nam nộp thì phần FDI nộp ngân sách nhà nước chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước. Điều này cho thấy phaannf lớn lợi nhuận của doanh nghiệp FDI được chuyển về nước họ, Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế suy yếu đi : tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia GNI chiếm trong GDP hiện nay chỉ là 95%, so với 98,6% GDP của năm 2000 (Nghịch lý trong điểm sáng tăng trưởng, Bùi Trinh, Thời bảo Kinh tế Sài Gòn, số 52-2018, ngày 27.12.2018, tr.14).

      [9] Theo trang The Conversation giá thành của một iPhone 7 sản xuất vào cuối năm 2016 được ước tính chừng 237,45 USD. Trong đó,Trung Quốc chỉ nhận được 8,46 USD, hay 3,6% giá thành, bao gồm cả một cục pin do công ty Trung Quốc cung cấp và tiền công trả lao động lắp ráp. Mỹ và Nhật mỗi quốc gia nhận chừng 68 USD, Đài Loan được chừng 48 USD và Hàn Quốc chừng 17 USD cho việc xuất cảng các bộ phận vào Trung Quốc cho việc lắp ráp.

        Tại Việt Nam, năm 2017, Samsung Việt Nam đạt doanh thu gần 64 tỷ USD, với khoảng 160.000 lao động. Giả sử lợi tức, bao gồm làm thêm và tiền thưởng, cả năm cho mỗi lao động là 3.000 USD, thì tổng chi phí lao động là 480 triệu USD chỉ khoảng 0,75% tổng doanh thu (TTXVN, Tin tham khảo NB, số 001/TKNB-QT, ngày 2/1/2019, tr. 9-11).

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết