Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Vận dụng những bài học trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Ngày phát hành: 28/05/2020 Lượt xem 1881


Năm 2020 - năm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), năm diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Một trong những vấn đề mà toàn Đảng, toàn dân ta đang rất quyết tâm là xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến những bài học trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cần vận dụng, thực hiện tốt trong công tác cán bộ hiện nay.

1. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về cán bộ và công tác cán bộ, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, căn cứ vào thực tiễn, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều luận điểm nổi tiếng về cán bộ và công tác cán bộ. Trong đó, có luận điểm rất ngắn gọn, dễ hiểu và rất chính xác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[1].

Trong thực tế, nhận thức và vai trò, vị trí của cán bộ, công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện”[2]. Nghị quyết cũng xác định “Cán bộ là nhân dân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”[3].

2. Vận dụng và thực hiện tốt hơn các khâu của công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Hồ Chí Minh, công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng; muốn có cán bộ tốt, phải chú trọng công tác cán bộ. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu: tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ.

Một là, coi trọng khâu tuyển chọn cán bộ.

Đây là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Theo Hồ Chí Minh “Khâu chọn giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”. Hồ Chí Minh đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn cán bộ:

“a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.

b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết việc dân chúng.

c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vân đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn.

d) Những người luôn giữ đúng kỷ luật”[4].

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về lựa chọn cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến tiêu chí cán bộ. Mới đây, ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra các tiêu chí để lựa chọn cấp ủy viên các cấp, trong đó chỉ rõ việc lựa chọn cấp ủy viên các cấp theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về “Tiêu chí chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý”.

Chỉ thị số 35-CT/TW nêu rõ: Việc lựa chọn, giới thiệu nhận sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Cấp ủy các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị số 35-CT/TW để cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cấp mình. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dan chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”. “tự chuyển hóa”. Ngày 23/9/2019 Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó đã chỉ rõ sáu hành vi chạy chức, chạy quyền, tám hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Đảng ta cũng ban hành nhiều quy định về nêu gương của cán bộ: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy trình và hồ sơ nhân sự cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; .v.v..

Như vậy, hệ thống các văn bản liên quan đến lựa chọn cán bộ đã tương đối đầy đủ, toàn diện và rõ ràng. Vấn đề đặt ra là căn cứ vào các quy định, quy chế, quy trình của Trung ương, các cấp ủy cần cụ thể cho phù hợp với cấp mình. Và điều kiện quan trọng nhất là thực hiện thật tốt những quy định, quy chế, quy trình ấy theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần căn dặn “nói đi đôi với làm”.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Quy định 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Căn cứ vào những quy định trên, các cấp ủy tổ chức đảng cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Hai là, coi trọng và đổi mới việc đào tạo, huấn luyện cán bộ.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[5]; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần kíp”[6].Huấn luyện cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ theo phương châm làm việc gì học việc nấy; huấn luyện chính trị; huấn luyện văn hóa, khoa học, kỹ thuật; huấn luyện toàn diện;… Người chỉ rõ, huấn luyện phải thiết thực và chu đáo, nghĩa là phải nắm được nhu cầu để huấn luyện. Phải xem xét, nghiên cứu mục đích huấn luyến ai, ai huấn luyện, huấn luyện như thế nào, phải kiểm tra ra sao và bài học cần phải áp dụng là gì .v.v. Người cũng chỉ ra những khuyết điểm trong huyến luyện cán bộ, như lý luận và thực tế không ăn khớp, tư duy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, huấn luyện nhiều mà hiệu quả ít, .v.v. Bản thân Người là một mẫu mực trong huấn luyện, đào tạo cán bộ. Đảng ta cũng luôn coi trọng đào tạo, huấn luyện cán bộ. Bên cạnh đó, “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức năng”[7]. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII chỉ rõ: Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.

Điều đó đòi hỏi cần phải tiếp tục coi trọng và đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Ba là, đánh giá cán bộ phải khách quan, có tiêu chí rõ ràng.

Đánh giá cán bộ là việc rất hệ trọng. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở để bố trí, sử dụng đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải hiểu cán bộ. Đánh giá chính xác cán bộ là việc khó, phức tạp. Người căn dặn: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa. Thí dụ: có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng.

Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”[8]. Người chỉ rõ: “xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, tất cả công việc của họ”[9]. Theo Hồ Chí Minh, để đánh giá đúng cán bộ, phải căn cứ theo các tiêu chí và kết quả thực tiễn công tác của cán bộ.

Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về đánh giá cán bộ. Bên cạnh kết quả đạt được, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu từ nhiều năm nay. Nghị quyết Trung ương bảy khóa XII thẳng thắn thừa nhận: Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương ba khóa VIII về chiến lược cán bộ, “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”[10]. Từ đó, Nghị quyết xác định: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, lien tục, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”[11]. Ngoài những quy định đã ban hành, như Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”… Trong các quy định trên đã xác định tiêu chí đánh giá cán bộ. Trên cơ sở bộ khung tiêu chí, cần được cụ thể hóa đối với từng loại cán bộ ở các cấp. Và điều quan trọng hơn là thực hiện nghiêm các quy định ấy, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá cán bộ.

 

 

Bốn là, bố trí, sử dụng cán bộ cho đúng, cho khéo.

Bố trí, sử dụng cán bộ là một khâu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Hồ Chí Minh có nhiều luận điểm về bố trí, sử dụng cán bộ, trong đó có những luận điểm rất ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, dễ nhớ, dễ thực hiện. Người chỉ rõ phải bố trí “người nào việc nấy”, “phải bố trí cán bộ một cách cho đúng”[12], “phải khéo dùng cán bộ”[13]. Người cũng sớm chỉ ra những chứng bệnh trong việc bố trí, sử dụng cán bộ: “Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:

1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.

3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Vì những bênh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả đánh giá của người lãnh đạo”[14].

Hồ Chí Minh chỉ rõ thế nào là dùng cán bộ đúng:

“- Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi.

- Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa.

- Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ.

- Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt.

- Phải có thái độ vui vẻ, thâm mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”[15].

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về bố trí, sử dụng cán bộ. Trong hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, bên cạnh những thành tựu đạt được “việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cách hiểu” xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội”[16]. Từ đó, Nghị  quyết xác định nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ: Hoàn thiện các quy định, quy chế để cấp ủy các cấp có cơ cấu hợp lý, tinh giảm số lợng và nâng cao chất lượng, không nhất thiết địa phương, cơ quan, đơn vị nào cũng  phải có cấp ủy viên. Tiếp tục thực hiện chủ trương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở những nơi có điều kiện; thực hiện nghiêm việc lựa chợn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện. Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên. Cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng chỉ tiêu cơ cấu phù hợp, nếu chưa bảo đảm chỉ tiêu cơ cấu thì phải để trống, bổ sung sau; gắn việc thực hiện chỉ tiêu với trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. Quy định trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài; người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình. Có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kêt cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ.v.v…

Để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà trên đòi hỏi, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Phải tiếp tục cụ thể hóa đối với từng cấp, từng loại cán bộ theo từng giai đoạn cho phù hợp.

Năm là, làm tốt chính sách cán bộ.

Hồ Chí Minh cho rằng cần có chính sách cán bộ đúng, phù hợp. Theo Người để làm tốt chính sách cán bộ, phải yêu thương cán bộ: Người căn dặn: “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi ốm đau được chăm nom, gia đình họ khỏi thiếu thốn, .v.v…

Thương yêu là luôn chú ý để công tác của họ, kiểm soát họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp đỡ họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ”[17]. Đối với những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm, Hồ Chí Minh cũng căn dặn đều có tính nhân văn: “… phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong thực hiện chính sách cán bộ nói riêng và nhân dân ta nói chung. Người lo từ chuyện tương cà, mắm muối, bữa ăn, giấc ngủ cho mọi người dân.

Hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, bên cạnh thành tựu đạt được thì “chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành có mặt cần thiết thống nhất, chưa đồng bộ; chính sách tiền lương, nhà ở và việc xem xét thi đua, khen thưởng chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc”[18]. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước. Xây dựng chính sách nhà ở theo hướng Nhà nước thống nhất ban hành cơ chế, chính sách; địa phương quy hoạch đất ở, nhà ở; cán bộ, công chức, viên chức mua và thuê mua. Thực hiện nghiêm, đúng đắn, chính xác chế độ thi đua, khen thưởng”[19].

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện phù hợp với từng loại cán bộ, ở từng cấp, từng ngành.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ rất bao quát, toàn diện. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về cán bộ và công tác cán bộ. Tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có tính lý luận và thực tiễn vô cùng quý giá. Đảng ta đã vận dụng và thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho cho đất nước phát triển không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”[20].

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ cần tiếp tục vận dụng, phát triển và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong công tác cán bộ hiện nay./.

 

                                                                    PGS.TS Nguyễn Viết Thông

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 



[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t.5, tr.309.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thức bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2018, tr.51.

[3]ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.54.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t.5, tr.315.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.309.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.622.

[7]ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.48.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.317-318.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.318.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.48.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.62-63.

12, [13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.314.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.318-319.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.319.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.49.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, sđd, t.5, tr.322-323.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.49.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.66.

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sđd, tr.50.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết