1. Sự ra đời “Trường học lớn Thanh niên xung phong”
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp (1946 – 1954), cùng với sự trưởng thành của quân đội ta, do yêu cầu bức thiết phục vụ chiến đấu cho các chiến dịch lớn, mở đầu là chiến dịch Biên giới, tháng 6–1950, với tầm suy nghĩ chiến lược Bác Hồ đã đưa ra chủ trương rất sáng suốt và quan trọng về thành lập các đội Thanh niên xung phong, đồng thời Người trực tiếp chỉ đạo việc thành lập các đội Thanh niên xung phong đầu tiên. Người chỉ thị cho Bộ Tổng Tư lệnh: Bên cạnh việc huy động dân công, phải gấp rút huy động một lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu để thành lập các “Đội thanh niên xung phong”, đảm nhận những nhiệm vụ trọng yếu phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực trên các chiến trường. Bác chỉ rõ các “Đội thanh niên xung phong phải được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, được trang bị phương tiện lao động và vũ khí chiến đấu như một đơn vị bộ đội công binh trực tiếp tham gia phục vụ chiến dịch và chiến đấu”. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa sâu xa hơn Bác chỉ rõ đây là “Trường học lớn” của thanh niên xung phong, phải coi trọng cả học tập và rèn luyện để các đội viên thanh niên xung phong không ngừng tiến bộ và trưởng thành, là “Trường học lớn” để đào tạo nguồn cán bộ lãng đạo các cấp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này, khi kháng chiến thành công.
Ngay sau thành lập, các Đội thanh niên xung phong đầu tiên và tham gia phục vụ chiến đấu dũng cảm - thắng lợi, Bác đã đến thăm một Đội Thanh niên xung phong, chỉ rõ tư tưởng và đưa ra lời dạy quan trọng mà thanh niên nói chung cần phải thấm sâu là :
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Thấm sâu lời dạy của Bác Hồ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng vạn thanh niên xung phong từ khắp mọi miền của đất nước đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến trường quan trọng, gian khổ và ác liệt nhất, cho đến thắng lợi của chiến dịch cuối cùng Điện Biên Phủ - “Chấn động năm châu – Lừng lẫy địa cầu”.
2. Phong trào “Ba sẵn sàng”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thấm nhuần và tiếp nối tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn thanh niên xung phong” trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Hậu phương lớn Miền Bắc đã ra đời phong trào Thanh niên “Ba sẵn sàng”. Phong trào Thanh niên “Ba sẵn sàng” ra đời năm 1964, khởi nguồn từ Đoàn thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với phong trào “tam bất kì”, sau đổi thành phong trào “Ba sẵn sàng” với 3 nội dung là: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại leo thang miền Bắc bằng không quân và hải quân ngày 5-8-1964, tối ngày 09-8-1964 Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” trong toàn thành phố với gần 30 vạn thanh niên Thủ đô Hà Nội xuống đường biểu dương lực lượng lên án hành động của Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Tháng 3-1965, Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung : Sẵn sàng chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ Quốc cần. Trong hơn một tháng, cả miền Bắc đã có hơn 1.000.000 đoàn viên và thanh niên biểu thị lòng quyết tâm đăng ký thực hiện “Ba sẵn sàng”.
Một lần nữa, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ ra chủ trương tổ chức lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước” với chỉ thị số 71 ngày 21 - 6 - 1965 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 12-7-1965 Bác Hồ đã trực tiếp nghe Trung ương Đoàn báo cáo về việc tổ chức lục lượng TNXP và các chính sách đối với TNXP; ngày 29-7-1965 Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 105 về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thanh niên, trong đó nêu rõ : “Để phát huy truyền thống của TNXP trong thời kỳ kháng chiến và để đáp ứng với nhiệt tình của thành niên đang sôi nổi thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” cần tổ chức các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước nhằm phục vụ cho chiến đấu và xây dựng. Mỗi đội TNXP phải là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết đồng thời là một trường học văn hóa, kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện Thanh niên về mọi mặt”.
Phong trào Thanh niên sôi nổi gia nhập quân đội, tham gia thanh niên xung phong là biểu hiện sinh động tinh thần “Ba sẵn sàng”. Từ tháng 6-1965 đến tháng 4 - 1975 đã có hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang; gần 200 ngàn đoàn viên, thanh niên, trong đó hơn 69 ngàn nữ tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, họ có mặt ở hầu hết các chiến trường gian khổ nhất, các liệt nhất, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm phục vụ chiến đầu và trực tiếp chiến đấu.
3. Phong trào “Năm xung phong”
Hoà nhịp với phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên miền Bắc, ngày 26-3-1965, tại Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ I. họp ở căn cứ kháng chiến Tây Ninh đã phát động Phong trào Thanh niên "Năm xung phong" với nội dung là:
(1) Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.
(2) Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
(3) Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.
(4) Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
(5) Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.
Phong trào "Năm xung phong" của thanh niên miền Nam đã đáp ứng được nguyện vọng và khát khao cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng quê hương miền Nam, tạo nên một sức mạnh to lớn, động viên hàng vạn thanh niên miền Nam tham gia lực lượng TNXP, đưa đến việc thành lập trên toàn miền Nam lực lượng đặc biệt mang tên “TNXP giải phóng miền Nam” vào ngày 20-4-1965 với 3 hình thức: TNXP tập trung dài hạn, làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường; TNXP tập trung có thời hạn, do các tỉnh hoặc các khu Đoàn tổ chức và chỉ đạo; TNXP ở cơ sở (xã, ấp) được tổ chức rộng rãi ở hầu khắp các tỉnh, với hàng chục ngàn đoàn viên, thanh niên tham gia, là nguồn bổ sung dồi dào cho bộ đội và TNXP tập trung dài hạn. Lực lượng “thanh niên giải phóng miền Nam” không chỉ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm giao liên, mà còn trực tiếp tham gia đấu tranh chính trị với chế độ Mỹ - ngụy, hoạt động bí mật, diệt ác ôn, làm công tác binh vận, sản xuất, xây dựng đời sống mới ở vùng giải phóng, tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên học tập, rèn luyện phấn đấu trở thành lực lượng hậu bị của Đảng...; xây dựng nên truyền thống “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân - đế quốc, với lời hiệu triệu của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”,“Tất cả cho tiền tuyến”, “Quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược”, lực lượng Thanh niên xung phong ở cả hai miền Nam - Bắc đã có những cống hiến vô giá cho đất nước và dân tộc, dù phải trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, đã cùng với những “người lính Cụ Hồ” (cũng tuyệt đại đa số là thanh niên) làm nên những chiến công vĩ đại - giải phóng đất nước, lập lại nền độc lập - tự do và thống nhất đất nước cho dân tộc Việt nam. Những hy sinh và những chiến công đó, không một lời ngợi ca nào, không một tấm huân chương nào, không một tượng đài nào có thể biểu tả đầy đủ và xứng đáng hết được, bởi như một lời thơ đã nói :
“Không có chiến thắng nào không phải hy sinh
Đã biết bao Tuổi xuân quên mình vì nước
Lấy xương làm gạch, lấy máu làm hồ
Đắp tô nền Độc lập” …
Những chiến công và sự hy sinh lớn lao của lực lượng Thanh niên xung phong cùng với Quân đội và Nhân dân ta là những trang sử hào hùng và đau thương của dân tộc, không thể nào quên và không ai được phép quên đi.
4. Suy ngẫm về tư tưởng “Trường học lớn Thanh niên xung phong” của Bác Hồ và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới
1). Những chiến công, những hy sinh mất mát và sự trưởng thành của các thế hệ thanh niên qua hai cuộc chiến tranh đã trực tiếp thể hiện tư tưởng “Trường học lớn Thanh niên xung phong” của Bác Hồ. Tuy nhiên, có lẽ để thấu hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của Người về “Trường học lớn” này cần phải nhìn xa về sự dấn thân của Người khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước năm 1911- khi Người mới 21 tuổi. Chính tuổi trẻ với những khát vọng về độc lập - tự do cho dân tộc, về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết ra đi tìm đường cứu nước - cứu dân tộc khác với suy nghĩ của các bậc tiền bối. Người ra đi đến tận nước Pháp và các nước Âu, Mỹ nơi đang đề cao những giá trị về con người, về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, về văn minh nhân loại, lại cũng là nơi “gốc” sản sinh ra chủ nghĩa thực dân đang chà đạp lên quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của đồng bào mình, để thấu hiểu, để khám phá các giá trị và nền văn minh đó, dùng nó làm vũ khí và tìm ra con đường đúng đắn để chống lại thực dân đang đô hộ và giải phóng đất nước mình, mặc dù ngay lúc đầu Người cũng chưa biết rõ con đường đó là thế nào. Từ trải nghiệm của chính mình và từ thực tiễn của đời sống xã hội và phong trào đấu tranh của nhân dân lao động tại các nước đã đi qua, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã thấy rõ hơn vai trò của thanh niên trong sự phát triển của lịch sử nhân loại, hiểu rõ sứ mạng của Thanh niên đối với sự nghiệp giải phóng đất nước mình. Chính vì vậy mà người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại ! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh" .
Sau khi tìm được con đường cứu nước, đến nước Nga, tháng 7 năm 1924 Người tham gia lãnh đạo Đại hội quốc tế thanh niên lần thứ IV và cũng là đồng tác giả của “Bản luận cương về thanh niên thuộc địa”; và bức thư đầu tiên gửi về trong nước là bức thư gửi thanh niên Việt Nam (năm 1925). Cũng năm đó, về Trung Quốc để chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng, Người đã thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” - tổ chức tiền thân của Ðảng ta sau này. Người đã trực tiếp lựa chọn và bồi dưỡng, đào tạo những thanh niên yêu nước, có chí khí đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Cuốn sách Ðường kách mệnh là các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1925 đến 1927 cho các lớp thanh niên ưu tú về lý tưởng, đạo đức cách mạng và con đường giải phóng dân tộc.Và Người đã sáng lập tờ báo cách mạng mang tên “Thanh niên”. Những sự kiện trên chứng tỏ Người có một tầm nhìn chiến lược đúng đắn về lực lượng thanh niên; Người cho rằng chỉ có thanh niên mới có thể “nắm vai trò là những người châm ngòi lửa đầu tiên cho cách mạng nước ta”. Và như đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, thì chỉ một năm sau Đoàn thanh niên Cộng sản được thành lập ngày 26/03/1931.
Thanh niên, trong tư tưởng của Người, sẽ là "người chủ tương lai của nước nhà", vận mệnh nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là "do các thanh niên”. Người đã hiểu rõ và xác định đúng đắn vai trò của Thanh niên trên cơ sở nhận thức đầy đủ về những “ưu điểm nổi trội và hạn chế” có tính lịch sử của Thanh niên, đó là : Thanh niên có những ưu điểm nổi trội như trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ ...; đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự thể nghiệm mình, có khả năng và luôn hướng tới thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý.... Đồng thời Thanh niên cũng có những hạn chế, nhược điểm, đó là sự thiếu kinh nghiệm và sự từng trải trong cuộc sống, một số chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, bệnh cá nhân, tự cao, tự đại...Bác chỉ rõ: phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu là con đường để tự hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải không ngừng rèn luyện tinh thần và lực lượng cho mình, phải làm những việc chuẩn bị cho tương lai đó. Vì vậy, Người luôn gắn “số phận và sự nghiệp” của Thanh niên với “số phận và sự nghiệp của Đất nước”, Người nói: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ, Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”.
Những điều trình bày ở trên cho thấy tư tường về “Trường học lớn Thanh niên xung phong” của Bác Hồ không phải chỉ là một cuộc vận động và sử dụng lực lượng thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Tư tưởng của Người chỉ rõ sự nghiệp cách mạng - sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một “Trường học lớn” đối với các thế hệ thanh niên, không phải là trường học trong các bức tường với những bài giảng giáo điều về giáo lý và đạo lý; mà đó là “Trường cuộc sống thực, trường đấu tranh cách mạng, trường "chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”… với nhiều thử thách khốc liệt và cả sự hy sinh. Trong “Trường học lớn” này, các thế hệ thanh niên phải được học và tự học, được giáo dục và tự giáo dục, được tự rèn luyện và tự rèn luyện, được cống hiến và trưởng thành về mọi mặt để mai sau trở thành chủ nhân đích thực của Đất nước. Những cống hiến và hy sinh trong hai cuộc kháng chiến và sự trưởng thành của nhiều thế hệ thanh niên qua “Trường học lớn” này, trở thành những người con ưu tú của đất nước - dù là một người lao động bình thường khi trở về đời thường, hay trở thành những nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở các cấp, hay những sỹ quan quân đội, hay những nhà khoa học xuất sắc…đều nói lên ý nghĩa sâu xa - to lớn về tư tưởng “Trường học lớn Thanh niên xung phong” của Bác Hồ. Có thể nói rằng : Một dân tộc sẽ may mắn và hạnh phúc biết bao, trong những giai đoạn lịch sử bước ngoặt, khi những giá trị con người - giá trị xã hội - giá trị dân tộc kết nối được với những giá trị của nhân loại là độc lập - tự do, và chính thế hệ trẻ đã đón nhận được những giá trị đó, coi đó là lẽ sống và lý tưởng của mình, sẵn sàng dấn thân và dâng hiến cho lý tưởng đó, để đưa lý tưởng đó thành hiện thực. “Trường học lớn Thanh niên xung phong” do Bác Hồ sáng lập chính là một môi trường kết nối lý tưởng và hoài bão của thanh niên với những giá trị của dân tộc và giá trị thời đại. Ở đây thấy rõ tư tưởng của Người rằng Thanh niên phải được rèn luyện trong thực tiễn cách mạng, vì Thanh niên là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy tự nhiên phát triển của một dân tộc, nếu không có những thế hệ thanh niên được tôi luyện xứng đáng…thì không thể có được những thế hệ trưởng thành làm rường cột vững chắc cho đất nước. Có thể vì vậy mà tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 19 - 1 - 1955, Người đã ân cần chỉ bảo: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà ! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?" . Điều đó cho thấy trong tư tưởng của Người, “Trường học lớn Thanh niên xung phong” trong kháng chiến chỉ là một sự thể hiện cụ thể tư tưởng sâu xa - rộng lớn của Người về Thanh niên, về “Trường học lớn” của thanh niên đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người thấy rõ tiềm năng và vai trò to lớn của thanh niên trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc; đồng thời, Người luôn xác định thanh niên là một chủ thể đang phát triển - đang được và phải tiếp tục hoàn thiện về mọi mặt trong “Trường học lớn”.
2). Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, để “Dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang và sánh vai được với các cường quốc năm châu” như lời Bác nói, thì lại càng cần thiết phải thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của Người về “Trường học lớn” đối với Thanh niên. Người đã chỉ rõ: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới; là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai; là người xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; là lực lượng cơ bản để giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Chính vì vậy, trong Di chúc Bác đã ân cần căn dặn Đảng và Nhà nước: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây đựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên”, đồng thời chỉ rõ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác đặt lên hàng đầu vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước và ý thức làm chủ, “không sợ hy sinh, gian khó, sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân” cho thanh niên. Giáo dục thanh niên trong chiều sâu tư tưởng của Người không phải là nhiệm vụ có tính nhất thời, không chỉ là thông qua các phong trào, mà là một “sự nghiệp trồng người”, giáo dục thanh niên phải được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người và nguồn lực con người.
Đảng ta cũng đã không chỉ một lần nhấn mạnh phải: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” .
Trong sự nghiệp Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò của Thanh niên; và trên thực tế lực lượng thanh niên đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của Đất nước trong 30 năm Đổi mới. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo giác độ tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn” đối với Thanh niên, có thể thấy rằng đang nổi lên không ít những vấn đề đáng suy ngẫm, như : Trong một bộ phận không nhỏ thanh niên đang bị suy thoái đạo đức lối sống, bị “lệch chuẩn” trong lối sống vì những nhận thức sai lệch về giá trị con người - giá trị xã hội và tác động tiêu cực của xã hội, thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội và ý thức công dân, mức độ vi phạm pháp luật có mặt tăng lên; trình độ - kỹ năng lao động của đa số thanh niên còn thấp, hạn chế về khả năng tự lập nghiệp, kỹ năng mềm - văn hóa nghề nghiệp, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực; hiện nay số lượng thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng nhiều, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 thường cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước…
Những hiện tượng trên cần được xem xét, đánh giá nghiêm túc cả về phương diện khách quan và chủ quan, nhưng từ đó đang đặt ra những vấn đề quan trọng sau đây :
- Về mặt nhận thức, cần xác định rõ hơn vị trí và vai trò của Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh và tình hình mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều cơ hội và thách thức lớn đan xen, đặc biệt là trước yêu cầu đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, không để tụt hậu so với sự phát triển của thế giới. Vị trí và vai trò hiện nay của thanh niên trong phát triển và bảo vệ Tổ quốc khác một cách căn bản so với trong thời kỳ chiến tranh. Điều này không thể dừng lại ở nhận thức chung chung, mà cần được làm rõ đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và đối với từng đối tượng thanh niên.
- Cần phải xác định rõ nội hàm - nội dung “Trường học lớn” đối với Thanh niên trong điều kiện và bối cảnh hiện nay. Nếu như trước đây, trong kháng chiến “Trường học lớn TNXP” được thể hiện tập trung chủ yếu ở phục vụ chiến đấu và chiến đấu; thì ngày nay, “Trường học lớn” được thể hiện tập trung chủ yếu ở xây dựng và phát triển đất nước một cách sáng tạo và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực. Điều này đòi hỏi phải xác định rõ mục tiêu và nội dung hoạt động của “Trường học lớn” đối với từng đối tượng thanh niên và trong từng lĩnh vực, nếu không sẽ dẫn đến sự dàn trải, không có trọng tâm, “lấn sân” sang hoạt động của các tổ chức khác hoặc tách biệt máy móc với hoạt động của các tổ chức khác, và nhất là không theo đúng tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn” với mục tiêu giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thông qua thực tiễn, gắn với quá trình xây dựng - phát triển và bảo vệ đất nước.
- “Trường học lớn” đối với Thanh niên hiện nay không chỉ đòi hỏi phải được giáo dục - rèn luyện về đạo đức và lý tưởng thông qua học tập và hoạt động thực tiễn của tổ chức thanh niên, mà điều quan trọng là phải gắn được quyền - trách nhiệm - nghĩa vụ - lợi ích - các giá trị và sự phát triển của Thanh niên nói chung và của mỗi thanh niên với sự phát triển, lợi ích và các giá trị của mỗi đơn vị, cộng đồng, của cả đất nước và với các giá trị nhân loại. Chính sự kết nối các giá trị này là động lực quan trọng để cuốn hút thanh niên, phát triển các hoài bão và sự sáng tạo của thanh niên, để “Trường học lớn” đối với Thanh niên không chỉ là các phong trào, mà thực sự là một môi trường bền vững và hiệu quả để thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển các thế hệ trẻ.
- “Trường học lớn” đối với Thanh niên hiện nay phải được đặt trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền - xã hội công dân, phát triển dân chủ gắn với tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và tăng cường kỷ cương theo tinh thần của Hiến pháp 2013, đường lối - chủ trương của Đảng. Điều này nói lên rằng “Trường học lớn” đối với Thanh niên không chỉ là môi trường tình nguyện - tự nguyện, mà còn phải là môi trường pháp lý. Đảng và nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách cùng với hệ thống thể chế - cơ chế - thiết chế phù hợp và hiệu quả để giáo dục - rèn luyện - phát triển Thanh niên theo yêu cầu mới.
- Để Thanh niên thực hiện được điều bác Hồ nói “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”, thì vấn đề quan trọng đặt ra là không chỉ quan tâm đào tạo - bồi dưỡng một số các bộ lãnh đạo trẻ, mà phải đào tạo - bồi dưỡng được những thế hệ thanh niên thấm đẫm lòng yêu nước - tự tôn dân tộc, khát khao đổi mới và sáng tạo, gắn bó sự phát triển của mình với vận mệnh đất nước, mang được những giá trị của dân tộc kết nối với những giá trị của thời đại và nhân loại bằng chính lao động sáng tạo của mình trong tất cả các lĩnh vực, từ người thanh niên nông dân, công nhân, đến những doanh nhân trẻ, đến những công chức trẻ, đến những nhà khoa học - công nghệ, đến những người lính bảo vệ Tổ quốc... Ở đây rất cần và đòi hỏi một sự kết nối hữu cơ - hiệu quả giữa các thế hệ thanh niên: giữa thế hệ thanh niên già phải là tấm gương trong sáng - mẫu mực, với thế hệ thanh niên hiện tại phải thực sự xứng đáng là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai. Chính sự đảm bảo kết nối giá trị giữa các thế hệ này cũng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn” đối với Thanh niên.
- Trước yêu cầu của giai đoạn mới hiện nay, “Trường học lớn” đối với Thanh niên trong tất cả các lĩnh vực và ở mọi cấp độ phải kết hợp rất hữu cơ việc giáo dục - nuôi dưỡng - phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, các tố chất tiền phong - xung kích của thanh niên với việc giáo dục tinh thần “khởi nghiệp” sáng tạo, tinh thần “lập thân - lập nghiệp”, tính hiệu quả trong hoạt động, nhất là trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế - xã hội; gắn với giáo dục - nuôi dưỡng - phát huy lòng tự hào - tự soi xét dân tộc, trách nhiệm xã hội - trách nhiệm công dân, khát vọng chấn hưng dân tộc với phát triển năng lực hội nhập - hợp tác - cạnh tranh quốc tế; khắc phục tư tưởng chỉ trông chờ vào ai đó tạo việc làm cho mình, “thuê” mình làm việc. Nhưng để phát triển và phát huy được các giá trị này ở Thanh niên thì phải bắt đầu quá trình giáo dục và rèn luyện từ tuổi nhi đồng, thiếu niên. Chình vì vậy mà Bác Hồ đã coi “Trường học lớn” đối với Thanh niên là một giai đoạn hữu cơ - trọng yếu trong sự nghiệp “Trồng người”. Đây cũng chính là điều mà các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thanh niên cần phải nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn; có những cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, cụ thể, hiệu quả trong quá trình thực hiện tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn” đối với Thanh niên.
PGS.TS. Trần Quốc Toản
Uỷ viên
Hội đồng Lý luận Trung ương