Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 14/05/2020 Lượt xem 20571

 

1. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta gần 35 năm qua. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng rõ và đầy đủ hơn. Đến nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng được xác định là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ phát triển đất nước trong từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

 

Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tự do lưu thông được pháp luật bảo vệ. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật. Cơ chế vận hành nền kinh tế là cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Thị trường, với sự tác động của các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, là yếu tố chủ yếu quyết định giá cả hàng hóa, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; tạo động lực phát triển và điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc doanh nghiệp yếu kém. Nhà nước quản lý kinh tế bằng luật pháp, chính sách, các tiêu chuẩn, định mức, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng lực lượng kinh tế của mình (gồm các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước) để tạo khung khổ pháp luật, môi trường công khai, minh bạch, thuận lợi cho các chủ thể kinh tế, các thị trường hoạt động, cho sản xuất và lưu thông; khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường; đồng thời, thúc đẩy và định hướng phát triển kinh tế, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Phân phối được thực hiện theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn và các nguồn lợi khác vào hoạt động kinh tế và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường được bảo đảm bởi vai trò quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện ở hệ thống luật pháp, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế; thể hiện ở quan hệ phân phối để mọi người đều được hưởng thành quả phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhận thức, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thể chế hóa thành luật pháp, chính sách, các chiến lược, chương trình, kế hoạch của nhà nước, được thực hiện đạt kết quả, thành tựu to lớn. Đến nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta đã có đầy đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế theo thông lệ quốc tế, đồng thời các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố, tăng cường; kinh tế đất nước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài, cơ cấu và trình độ công nghệ thay đổi tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, đời sống nhân dân được cải thiện, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao.

 

 

2. Tuy vậy, từ nhiều năm trước và đến ngày nay, vẫn có một số người, cả ở trong nước và ngoài nước, vì nhiều lý do, nhiều động cơ khác nhau, vẫn cho rằng không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường là sự gán ghép chủ quan duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn. Do đó, mặc dù Việt Nam có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều nước vẫn chưa công nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường để được hưởng các quy chế ưu đãi trong quan hệ kinh tế với các nước.

Họ còn cho rằng: một mặt, Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng các hình thức sở hữu; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, nhưng mặt khác lại xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế thì như vậy là có phân biệt đối xử, không thể bình đẳng, do đó, không thể có kinh tế thị trường thật sự, kinh tế thị trường theo thông lệ quốc tế. Hơn nữa, Nhà nước ta lại xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động cả trong nước và ngoài nước thì nền kinh tế thị trường sẽ phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, như các nước tư bản khác, chứ không phải phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là chủ quan, duy ý chí hay là tự lừa dối chính mình, lừa dối người khác mà thôi…

Những luận điệu như vậy không phải là không có tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cần phải được đấu tranh, phản bác.

 

 

3. Sai lầm của những người cho rằng không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thứ nhất, là do họ đã đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản, cho rằng, chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Song, thực chất các quan hệ kinh tế thị trường và các quan hệ tư bản là hoàn toàn khác nhau. Nguồn gốc và bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, cung cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của kinh tế thị trường. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản nắm lấy, sử dụng để phát triển thành kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Giá trị và tư bản là những phạm trù khác nhau, cũng như quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư là những quy luật khác nhau.

Thứ hai, sai lầm của những người này là dường như cho rằng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa từ khi ra đời đến nay là không thay đổi, “nhất thành, bất biến”. Họ không thấy rằng trải qua thời gian, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hiệu quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền kinh tế thị trường hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết thị trường là cơ sở, nền tảng, điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (Công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Hơn nữa, kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới không phải hoàn toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung, định hướng can thiệp của nhà nước. Có mô hình kinh tế thị trường tự do ở những nước mức độ can thiệp của nhà nước vào kinh tế thấp; nhà nước chỉ bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, tự do kinh doanh, bảo đảm trật tự, ổn định xã hội, còn để phạm vi điều tiết của thị trường lớn, điều tiết mọi hoạt động kinh tế (như Mỹ trước thời Tổng thống D.Trump). Có mô hình kinh tế thị trường xã hội ở nước mà nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để tạo cơ hội như nhau cho mọi người tham gia vào phát triển và hưởng thành quả phát triển, chống lại độc quyền, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội (như Đức). Có mô hình kinh tế thị trường phúc lợi xã hội ở nước mà nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết thu nhập, phát triển các dịch vụ xã hội công, bảo đảm phúc lợi cho người dân, đặc biệt những người cần được trợ giúp: trẻ em, người già, người thất nghiệp… (như các nước Bắc Âu). Có mô hình kinh tế thị trường nhà nước phát triển ở nước mà nhà nước không chỉ tạo thể chế, môi trường cho các chủ thể kinh tế hoạt động, mà còn có chiến lược, chính sách và sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước để định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế (như Nhật Bản, Hàn Quốc)…

Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã lấy kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triên, dù ở mức độ khác nhau, đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản (là những sự phủ định đối với tư bản tư nhân, dù vẫn chưa phá bỏ được chế độ tư bản). Do tính chất của thời đại, ngày nay, một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cũng có thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở những nước này, sử dụng cả kinh tế thị trường và cả kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

- Về sai lầm của luận điểm cho rằng các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn đối lập, loại trừ nhau.

Là một nền kinh tế thị trường thì phải vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường. Đó là các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật lưu thông tiền tệ, trong đó trung tâm là quy luật giá trị. Đặc trưng của kinh tế thị trường là cạnh tranh. Các doanh nghiệp (dùng doanh nghiệp để chỉ chung cho tất cả các chủ thể kinh tế) luôn phải cạnh tranh với nhau để chiếm được các nguồn lực sản xuất (đất đai, tài nguyên, vốn, lao động, khoa học công nghệ…), các dự án đầu tư, chiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cạnh tranh là sức ép, động lực thúc đẩy các doanh nghiệp năng động, sáng tạo, cải tiến quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh; qua đó, thúc đẩy kinh tế phát triển, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Quy luật cạnh tranh là mạnh được, yếu thua. Đây là mặt tích cực của cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng dẫn đến những hậu quả tiêu cực: khai thác tối đa sức lực người lao động (kéo dài giờ làm, tăng cường độ lao động), giảm chi phí cho lao động (giảm lương, giảm bảo hộ lao động); khai thác cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, như: làm hàng giả, kém chất lượng, ăn cắp công nghệ, buôn lậu, trốn thuế, phá hoại đối thủ… Trong nền kinh tế thị trường có quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển hiện nay, nhà nước tạo khung khổ pháp luật cho cạnh tranh; bảo vệ, tôn trọng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; nhưng, đồng thời, ngăn ngừa, hạn chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.

Lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường (cả hàng hóa là yếu tố đầu vào của sản xuất và hàng hóa là sản phẩm do sản xuất tạo ra) được điều tiết bởi quy luật cung - cầu. Khi cung lớn hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ giảm xuống; khi cung nhỏ hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ tăng lên. Sự tăng lên hay giảm xuống của giá cả hàng hóa là tín hiệu của thị trường để những người kinh doanh thương mại chuyển hàng hóa từ nơi có giá thấp đến nơi có giá cao, từ nơi thừa đến nơi thiếu; để các nhà sản xuất thu hẹp hay dừng sản xuất các hàng hóa thừa, cung lớn hơn cầu, tăng cường, mở rộng sản xuất các hàng hóa thiếu, cung nhỏ hơn cầu. Đây chính là sự điều tiết sản xuất và lưu thông một cách tự động, linh hoạt, nhanh nhạy của cơ chế thị trường, là mặt tích cực của quy luật cung - cầu. Nhưng, trong nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, những người sản xuất và lưu thông đều chạy theo lợi nhuận tối đa, luôn muốn đè bẹp đối thủ, lại không xác định được tổng cầu của xã hội (từ người sản xuất đến người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian), nên thường xuyên sản xuất thừa, dẫn đến những cuộc khủng hoảng chu kỳ, phá hoại nền kinh tế, gây bất ổn xã hội. Đây là mặt trái của quy luật cung - cầu, của cơ chế tự điều tiết của thị trường. Trong nền kinh tế thị trường có quản lý của nhà nước, nhà nước có khả năng thấy rõ hơn từng người sản xuất kinh doanh về tổng cung, tổng cầu của xã hội; sự can thiệp của nhà nước là để khắc phục khiếm khuyết này, khắc phục những mất cân đối lớn, những cuộc khủng hoảng chu kỳ do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường gây ra.

Quy luật giá trị là quy luật cơ bản, trung tâm của kinh tế thị trường. Giá trị hàng hóa là lao động xã hội cần thiết kết tinh trong hàng hóa. Chi phí để sản xuất hàng hóa, xét đến cùng, là chi phí lao động, bao gồm lao động của người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa (lao động sống) và lao động chi phí để sản xuất ra các tư liệu sản xuất được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa này (lao động quá khứ). Về lượng giá trị, không phải mọi hao phí lao động cá biệt của những người sản xuất hàng hóa đều được xã hội thừa nhận để trở thành giá trị, chỉ những hao phí lao động ở mức trung bình xã hội, được hình thành do cạnh tranh, được xem là hao phí lao động xã hội cần thiết, mới là lượng giá trị. Giá trị biểu hiện ra bên ngoài thành giá cả, giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị. Giá trị là hình thái của cải trong nền kinh tế thị trường, là mục tiêu, là yếu tố chi phối mọi hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.

Trong kinh tế thị trường, đối với người sản xuất, việc sản xuất hàng hóa nào chỉ là phương tiện để làm giàu, để thu được nhiều giá trị nhất. Trong sản xuất, họ năng động, sáng tạo, cải tiến, đổi mới… là để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, để chi phí sản xuất của họ thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, qua đó thu được nhiều giá trị hơn. Đối với người lưu thông hàng hóa cũng vậy, mua và bán hàng hóa gì đối với họ không quan trọng, vấn đề cũng là để thu được nhiều giá trị nhất, để làm giàu. Họ năng động, sáng tạo, nắm bắt kịp thời yêu cầu của thị trường, đưa hàng hóa từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ nơi cung lớn hơn cầu đến nơi cung nhỏ hơn cầu, từ nơi giá thấp đến nơi giá cao; cải tiến quản lý để giảm chi phí lưu thông… cũng để thực hiện mục đích này. Đây là cách thức vận hành của quy luật giá trị, cách thức vận hành đó gắn bó chặt chẽ với quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu; có thể nói các quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu là những hình thức biểu hiện, cách thức vận hành của quy luật giá trị. Tác động của quy luật giá trị bao gồm những tác động của quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu (tất nhiên, quy luật giá trị còn có nội dung rộng hơn hai quy luật này), cả những tác động tích cực, như: thúc đẩy năng động, sáng tạo, không ngừng cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ… thúc đẩy kinh tế phát triển; điều tiết sản xuất, lưu thông một cách nhanh nhạy… và cả những hậu quả tiêu cực, như: khủng hoảng chu kỳ, phân hóa xã hội, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường… Trong các nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là để tạo khung khổ pháp luật và điều kiện thuận lợi cho quy luật giá trị vận hành, đồng thời hạn chế, khắc phục những hậu quả tiêu cực này.

Trong nền kinh tế thị trường, còn có quy luật lưu thông tiền tệ, một quy luật phái sinh của quy luật giá trị. Đó là quy luật về mối quan hệ giữa hàng hóa và tiền tệ trong lưu thông, về số lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, trôi chảy. Theo quy luật này, số lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa là do tổng giá trị hàng hóa cần lưu thông và tốc độ luân chuyển (hay tốc độ vòng quay) của tiền quyết định. Trong thời kỳ sử dụng tiền vàng, tiền có đủ giá trị, thì khi số lượng tiền vượt quá yêu cầu của lưu thông hàng hóa, tiền vàng sẽ tự động được rút khỏi lưu thông. Khi tiền giấy thay cho tiền vàng, nếu số lượng tiền vượt quá yêu cầu của lưu thông hàng hóa, tiền sẽ mất giá, gây ra hiện tượng lạm phát. Giữ vững giá trị đồng tiền là nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước ở các nước có kinh tế thị trường trên thế giới.

Tóm lại, trong tất cả các nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới, đều có hoạt động của các quy luật kinh tế của kinh tế thị trường và có vai trò quản lý của nhà nước; nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường, đồng thời, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật kinh tế thị trường gây ra, giữ môi trường ổn định cho kinh tế phát triển và hướng sự phát triển kinh tế vào các mục tiêu xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến lĩnh vực an sinh xã hội. Song, không có phê phán nào về vai trò của nhà nước, cho rằng điều này đối lập với hoạt động của các quy luật của nền kinh tế thị trường.

 

Ở nước ta, sau gần 35 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, về cơ bản, đã có đầy đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế: có đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, hệ thống thị trường phát triển ngày càng đồng bộ…; quản lý kinh tế của nhà nước đã đổi mới, quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giữ giá trị của đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường… Trong điều kiện đó, các quy luật của kinh tế thị trường đã vận hành đồng bộ: các doanh nghiệp đã phải nỗ lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển; giá cả hàng hóa đã cơ bản do thị trường quyết định; sản xuất và lưu thông đã phải chú ý đến những tín hiệu giá cả, cung - cầu trên thị trường; thị trường đã đóng vai trò trực tiếp điều tiết sản xuất và lưu thông, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, huy động và phân bổ các nguồn lực của sản xuất… Các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường gắn liền với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, để giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường… Nội dung và phương thức quản lý của nhà nước ta như vậy không mâu thuẫn, cản trở hoạt động của các quy luật của kinh tế thị trường mà tạo điều kiện phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các quy luật này, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Về những luận điểm sai lầm liên quan đến vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sai lầm của những người cho rằng nếu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì không có bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế và không thể có nền kinh tế thị trường, thứ nhất, là do bị ám ảnh bởi kinh tế nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp trước đây và thứ hai, là do hiểu sai về vai trò chủ đạo, cho rằng chủ đạo là phải được ưu đãi, ưu ái của nhà nước, phải chiếm tỷ trọng lớn, chèn ép, lấn lướt các thành phần kinh tế khác. Trong nền kinh tế trước đổi mới, chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không có kinh tế tư nhân (kinh tế tư nhân không được phép tồn tại); kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong nền kinh tế, do nhà nước trực tiếp quản lý bằng kế hoạch hóa tập trung, thì không thể có kinh tế thị trường. Ngày nay, kinh tế nhà nước hoàn toàn khác. Kinh tế nhà nước bao gồm các nguồn lực kinh tế của nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước là một công cụ của nhà nước, để cùng với các công cụ khác như luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhà nước quản lý, điều tiết hoạt động của nền kinh tế. Các nguồn lực kinh tế của nhà nước được huy động, phân bổ, sử dụng theo yêu cầu phải phù hợp, phục vụ việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước; nhưng khi thực hiện phải theo cơ chế thị trường, thông qua đấu thầu cạnh tranh, có sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, để việc phân bổ hợp lý, sử dụng có hiệu quả cao. Doanh nghiệp nhà nước được nhà nước đầu tư, phát triển ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước (nhất là khi các thành phần kinh tế khác không được, không muốn hay không đủ sức đầu tư), làm lực lượng tiên phong, nòng cốt cho sự phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn đó. Các doanh nghiệp nhà nước tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Khi đã có các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn này và không nhất thiết phải có doanh nghiệp nhà nước, thì nhà nước có thể thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển vốn nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng khác để thực hiện chiến lược, mục tiêu mới của nhà nước. Như vậy, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với ý nghĩa là công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết, thúc đẩy, định hướng phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Với vai trò đó, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không mâu thuẫn, cản trở hoạt động của các quy luật kinh tế, với sự phát triển của kinh tế thị trường.

Trước đổi mới, kinh tế tập thể, dưới hình thức là các hợp tác xã sở hữu tập thể về đất đai và các tư liệu sản xuất chủ yếu, quản lý theo kế hoạch, phân phối theo lao động và nằm trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp chung của đất nước thì đối lập với kinh tế thị trường. Trong những năm đổi mới, các hợp tác xã cũng đã được đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động, khác rất nhiều so với các hợp tác xã trước đây. Hợp tác xã hiện nay (hợp tác xã kiểu mới) là tổ chức kinh tế tập thể do các hộ sản xuất kinh doanh tự nguyện thành lập để làm dịch vụ cho các hộ thành viên, hỗ trợ cho các thành viên, những người sản xuất nhỏ, yếu thế khi tham gia thị trường, giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tùy theo năng lực của hợp tác xã và nhu cầu của các hộ thành viên, hợp tác xã có thể cung ứng các vật tư, nguyên liệu, các yếu tố đầu vào cho sản xuất của các hộ (với giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm hơn khi từng hộ riêng lẻ mua); đảm nhận các dịch vụ sản xuất như làm đất, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ thành viên (tiết kiệm cho các hộ phải mua máy móc thiết bị nhưng sử dụng không hết công suất); bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên (có lợi hơn cho hộ so với khi từng hộ bảo quản, chế biến, tiêu thụ); hỗ trợ các hộ thành viên vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng… Các hợp tác xã phát triển không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, mà cả trong các lĩnh vực tiểu, thủ công nghiệp, thương mại, vận tải…. Các hợp tác xã từng bước tích lũy vốn, quỹ, tài sản, mở rộng quy mô hoạt động; liên kết với nhau thành hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã theo ngành nghề, theo địa bàn hoạt động… tạo thành mạng lưới rộng khắp để hỗ trợ những người sản xuất nhỏ, đưa những người sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế tập thể với vai trò hỗ trợ cho những người sản xuất nhỏ hoạt động, phát triển trong nền kinh tế thị trường và cùng với kinh tế nhà nước, với vai trò là công cụ để nhà nước thúc đẩy, định hướng phát triển kinh tế đất nước, đi tiên phong để thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng của đất nướcthì hai thành phần kinh tế này được xác định là nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn, không cản trở sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, cản trở sự phát triển của kinh tế thị trường.

Về sai lầm của luận điểm cho rằng kinh tế tư nhân với vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh thì nền kinh tế không thể phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà sẽ trở thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Quả thật là nếu để kinh tế tư nhân phát triển một cách tự phát thì nền kinh tế thị trường nước ta sẽ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nhưng nền kinh tế thị trường nước ta có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kinh tế tư nhân không phát triển tự phát, mà phải tuân thủ luật pháp, chính sách của nhà nước, được định hướng hoạt động phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của nhà nước. Mặt khác, khi nhà nước khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động ở cả trong nước và ngoài nước thì luật pháp, chính sách của nhà nước cũng định hướng các tổng công ty, tập đoàn kinh tế phát triển thành các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các lực lượng xã hội. Bằng cách đó, Nhà nước ta sẽ đưa kinh tế tư nhân vào con đường phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước, một nấc thang quá độ lên chủ nghĩa xã hội, để kinh tế tư nhân đóng góp vào phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

4. Một số kiến nghị

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; cho công tác tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tạo sự thống nhất về chính trị tinh thần trong Đảng và toàn xã hội; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; tăng thêm động lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, Nhà nước.

Việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cần tập trung vào tiếp tục làm rõ những vấn đề mà thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đặt ra hiện nay, chuẩn bị cho việc hình thành lý luận về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Đồng thời, cần phải nghiên cứu những vấn đề mới của thời đại, của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những mâu thuẫn và xu hướng phát triển trên thế giới, làm rõ tính chất quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tập trung vào những vấn đề còn vướng mắc trong nhận thức, quan điểm, lúng túng trong thực hiện, như: thể chế trong huy động, phân bổ các nguồn lực để các nguồn lực được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; thể chế để thúc đẩy việc sắp xếp lại, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thể chế cho sự ra đời các mô hình kinh doanh mới, phát triển các sản phẩm mới, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thể chế định hướng các doanh nghiệp tư nhân phát triển theo mô hình công ty cổ phần, gắn kết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đưa các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thể chế để tạo thuận lợi cho tích tụ tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái… để phát huy mặt tích cực của các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời củng cố, tăng cường các nhân tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.

- Tiếp tục làm rõ nội dung và thực hiện có kết quả nhiệm vụ chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh mới để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Cái thiếu nhất đối với nước ta, cũng như các nước kinh tế kém phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nói chung, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cơ sở vật chất kỹ thuật, là trình độ phát triển của nền kinh tế (việc hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng hướng tới thực hiện mục tiêu này); bởi xét đến cùng năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội. Nhận thức rõ điều này, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; việc thực hiện tuy có đạt một số kết quả, nhưng chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh mới, nguy cơ chưa giàu đã già, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu xa hơn về kinh tế so với thế giới đối với nước ta là rất lớn. Vượt qua thách thức này, nguy cơ này là yêu cầu cấp bách hàng đầu của nước ta trong những năm tới.

- Tập trung vào đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng luật pháp, cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực kinh tế; rà soát, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn, những điểm mơ hồ, bất hợp lý, không khả thi, tình trạng luật pháp mới ban hành, chờ thực hiện đã phải sửa đổi, bổ sung, tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư… Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính không hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ, trong tổ chức thực hiện. Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, đẩy nhanh việc sử dụng các công cụ, phương thức quản lý hiện đại ở các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước các cấp. Điều này gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhân tố quyết định đối với sự ổn định, phát triển của đất nước, với thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết