Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Lực lượng Công an nhân dân chủ động, sáng tạo đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Ngày phát hành: 15/01/2021 Lượt xem 5702


1. Trong những năm gần đây, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan thông tấn, báo chí là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết nêu bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao “sức đề kháng”, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Thời gian qua, nhất là từ thời điểm Đảng, Nhà nước ta chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam bằng mọi âm mưu, thủ đoạn. Chúng tăng cường xuất bản, tán phát các loại ấn phẩm, tài liệu, như: các báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, quốc hội một số nước phương Tây không có thiện cảm với Việt Nam; các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, như: “Tổ chức Ân xá Quốc tế” (AI), “Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế” (HRW)…; các ấn phẩm xuất bản, như: sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước; các trang web, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt...
Các thế lực thù địch, phản động bên ngoài duy trì, lập mới hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, chúng phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước; bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, chính trị trật tự, an toàn xã hội.
Mỹ và một số nước phương Tây tiếp tục hậu thuẫn cho hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, như: tài trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động chống đối, thúc đẩy hình thành hội, nhóm “xã hội dân sự” trong nước, kích động số trí thức, văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích phản biện chính sách, đòi tự do thông tin, bảo vệ blogger quá khích. Số người này một mặt thường xuyên tổ chức các diễn đàn có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, phản đối ta bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật, được họ coi là “bất đồng chính kiến”; mặt khác thường lợi dụng tình hình ban hành các báo cáo thường niên, can thiệp vào nội bộ, gây bất lợi cho ta.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, hiện có trên 300 tổ chức phản động
lưu vong người Việt, trong đó có khoảng 100 tổ chức có thực lực, hoạt động chống phá Việt Nam quyết liệt, tập trung ở một số nước, như: Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Úc... Các tổ chức phản động bên ngoài lập hàng nghìn trang website, blog, tài khoản mạng xã hội đăng tải hàng chục nghìn tin, bài có nội dung xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước; kích động quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; tán phát thông tin thật giả lẫn lộn về “bí mật nội bộ”, “bí mật đời tư lãnh đạo” gây nghi ngờ trong nội bộ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoài nghi, bất bình trong quần chúng nhân dân... Ngoài ra, chúng thường xuyên liên hệ, móc nối các đối tượng chống đối trong nước xây dựng cơ sở, tìm cách đưa người ra nước ngoài huấn luyện, rồi xâm nhập về nước hoạt động.
Số đối tượng phản động, cơ hội chính trị, chống đối trong nước tổ chức nhiều hoạt động khuếch trương thanh thế, công khai hóa hội, nhóm bất hợp pháp, liên kết hoạt động chống chính quyền. Lợi dụng việc cơ quan chức năng xử lý một số đối tượng vi phạm pháp luật, chống đối Nhà nước, chúng cung cấp thông tin xuyên tạc cho bên ngoài nhằm gây nhiễu loạn thông tin, vu cáo chính quyền xử lý đối tượng vi phạm pháp luật không khách quan; kêu gọi bên ngoài gây sức ép đòi trả tự do cho số đối tượng này; tổ chức gặp gỡ, bình luận, trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, tán phát lên Internet tài liệu có nội dung xuyên tạc, phê phán tình hình chính trị trong nước; vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Số đối tượng cực đoan, chống đối trong dân tộc, tôn giáo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị, tuyên truyền, kêu gọi thành lập “Nhà nước Đê Ga”, “Nhà nước Chămpa”, “Nhà nước Mông”; vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, dân tộc, kêu gọi cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài can thiệp. 
Trong nội bộ, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí tiêu cực diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhưng công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Công tác cán bộ vẫn còn có một số thiếu sót, khuyết điểm, tình trạng bổ nhiệm sai quy trình, quy định, bổ nhiệm người thân, bổ nhiệm thừa cơ cấu xảy ra ở một số bộ, ban, ngành, địa phương... Tình trạng một số tờ báo lợi dụng chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực để phê phán chính quyền, tạo dư luận trái chiều, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hoạt động của cơ quan công quyền ngày càng gia tăng.
Tình trạng khiếu kiện kéo dài, nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng,
tình hình phức tạp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã phát sinh nhiều vụ
việc phức tạp, gây bất ổn về an ninh, trật tự, dễ tạo thành “điểm nóng”, chuyển hóa thành các cuộc tụ tập đông người biểu tình, thậm chí là bạo loạn chính trị nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
2. Với sự chỉ đạo quyết liệt, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an đã chỉ đạo, phối hợp các đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện Kế hoạch số 146-KH/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Nghị định số 35-NQ/TW ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kế hoạch số 235/KH-BCA-A05 ngày 25/6/2019 của Bộ Công an về đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc, chống đảng, nhà nước trên không gian mạng; Kế hoạch số 118/KH-BCĐ ngày 19/3/2020 của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an về “Công tác công an bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phục vụ đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng”. Tổ chức đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan an ninh mạng; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới, như: google, facebook, youtube... chấp hành pháp luật Việt Nam, thực hiện nghiêm yêu cầu của cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc gỡ bỏ thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch đã gắn chặt với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an và nhiệm vụ chính trị của các địa phương nhằm tăng cường công tác bảo vệ tư tưởng, văn hóa từ nhiều năm qua, như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư; Quyết định số 157-QĐ/TW ngày 29/4/2008 của Ban Bí thư quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”.
Thực hiện các nhiệm vụ do Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 35 Trung ương giao, từ năm 2015 đến nay, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an đã chỉ đạo công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch của lực lượng Công an đạt nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Cụ thể là: 
(1) Chủ động tạo thế trận sâu rộng từ Bộ đến Công an xã, ở Công an địa phương do đồng chí chỉ huy cấp trưởng các cấp (Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng công an huyện, Trưởng công an xã) trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ đấu tranh phản bác, tấn công đối tượng trên lĩnh vực thông tin, truyền thông và Internet. 
(2) Đã hình thành tác phong thực hiện công tác đấu tranh phản bác gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ; tạo phong trào thi đua rõ rệt trên nhiều mặt trận, chủ động tìm các đối tượng, trang mạng chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và thông tin xuyên tạc, sai sự thật để đấu tranh, phản bác, nhất là tại Công an cấp huyện; nhiều địa phương quán triệt mỗi cán bộ, chiến sĩ là cây bút sắc sảo trên mặt trận tư tưởng để bảo vệ Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. 
(3) Sáng tạo vận dụng, tạo lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng trong quản lý, chỉ đạo thông tin báo chí; đăng tin, bài, phóng sự, gỡ bỏ, truy tìm đối tượng tán phát tin xấu, độc, chống chính quyền để xử phạt giữa Ban Tuyên giáo, Công an, Quân đội, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. 
(4) Thể hiện rõ vai trò của lực lượng công an với cấp ủy, chính quyền các cấp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch từ Trung ương đến địa phương. 
(5) Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong lực lượng Công an đã xây dựng hệ thống phương tiện truyền thông có chất lượng, tương tác tới hàng chục triệu người dùng thực sự để thực hiện các nội dung: Thông tin tích cực, định hướng dư luận thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước; vô hiệu hóa, quyết liệt đấu tranh, xử lý đối tượng tán phát thông tin sai sự thật, chống chính quyền tại các địa phương.
Thực hiện chủ trương “vừa đấu tranh, vừa tuyên truyền”, 05 năm qua, Ban Chỉ đạo 35 Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương xây dựng gần 5.000 chuyên mục, trên 6.000.000 tin, bài, phóng sự, ảnh đăng báo, đài Trung ương và địa phương; phối hợp các địa phương tổ chức trên 7.000 buổi tuyên truyền pháp luật, định hướng thông tin trước các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc với hàng trăm nghìn lượt người tham gia... Đăng trên 5.000.000 tin, bài, phóng sự phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên hệ thống web, blog, mạng xã hội phục vụ công tác đấu tranh phản bác tại địa phương...
Các cơ quan báo chí, xuất bản Công an nhân dân duy trì, mở các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải gần 3.000 tin, bài về đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, tiêu biểu, như: Chuyên mục “Phòng, chống diễn biến hòa bình” (Báo Công an nhân dân); chuyên mục: “Chuyển động cuộc sống”, “Phim tài liệu”, “Đối thoại trường quay”, “Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) - Những việc cần làm ngay”; chuyên mục “Lý luận đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, “Bảo đảm trật tự xã hội” (Tạp chí Công an nhân dân)... nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống Đảng, Nhà nước. Đấu tranh vạch trần hoạt động phạm tội của tổ chức “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, đấu tranh âm mưu, thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; phản ánh việc mạng xã hội và những thủ đoạn lợi dụng Internet chống Việt Nam của các thế lực thù địch. Nhà Xuất bản Công an nhân dân xuất bản nhiều cuốn sách giá trị, như: “Quyền phản biện không chỉ riêng ai”; “Bản lĩnh và niềm tin”; “Lương tâm người cầm bút”; “Một số vấn đề về đấu tranh chống phá hoại tư tưởng ở Việt Nam”... Các cơ quan báo chí Công an địa phương tích cực đăng tải hàng nghìn tin, bài phản bác thông tin xuyên tạc về lực lượng Công an nhân dân; thường xuyên phối hợp với Báo Công an nhân dân, Tạp chí Công an nhân dân, Truyền hình Công an nhân dân và Phát thanh Công an nhân dân kịp thời định hướng dư luận.
Bộ Công an đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, khẳng định: tổ chức “Việt Tân”, tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là hai tổ chức khủng bố. Đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tấn công chính trị hai tổ chức khủng bố trên, đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên 200 kế hoạch đấu tranh phản bác, bảo vệ an ninh, an toàn, chống các thông tin, luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch chống phá các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước. Tổ chức “chiến dịch truyền thông” quy mô lớn thông qua mạng xã hội thu hút hàng trăm triệu lượt tiếp cận, tương tác, đấu tranh vạch mặt âm mưu, thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch trên các trang thông tin quốc tế có xu hướng chống Việt Nam (VOA, BBC, RFA, Chân trời mới Media...), các trang mạng phản động (“Việt Tân”, “Báo Tiếng dân”, “Tin tức hàng ngày”, “Hội anh em dân chủ”, “Lều của tớ”, “Đấu trường chính trị”, “Lật đổ Đảng cộng sản Việt Nam bán nước hại dân”...), trang mạng xã hội cá nhân của số đối tượng chống đối trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của lực lượng Công an nhân dân vẫn bộc lộ một số hạn chế, như: (1) Sự phối hợp giữa Bộ Công an và các bộ, ban, ngành chức năng trong một số vụ việc còn chưa chủ động, linh hoạt; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; chưa duy trì thường xuyên bài viết có giá trị lý luận, có tính thuyết phục cao để vô hiệu hóa luận điệu tuyên truyền xuyên tạc. Việc xử lý những vấn đề phức tạp ở một số đơn vị, địa phương còn chưa kịp thời, triệt để; (2) Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với những vụ việc đột xuất, được dư luận quan tâm. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng trong xử lý tình huống phức tạp, bị các đối tượng xuyên tạc, vu khống; thậm chí không phản ứng phù hợp do ngại va chạm, sợ trách nhiệm; (3) Việc thực hiện chặn lọc, gỡ bỏ thông tin xấu, độc của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước chưa triệt để, còn bị tác động từ lợi ích kinh tế doanh nghiệp; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, như: facebook, google, youtube… chưa phối hợp nghiêm túc, chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến đối tượng sử dụng dịch vụ mạng để hoạt động phạm tội; (4) Kinh phí, phương thức và trang thiết bị cơ sở vật chất, điều kiện của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch tuy đã được quan tâm hơn trước nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng hết các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Nguyên nhân của các tồn tại trên chủ yếu là do: (1) Hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch và phần tử xấu ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Chúng triệt để lợi dụng ưu thế vượt trội về khoa học, công nghệ, sử dụng các trang web, mạng xã hội, nhất là dịch vụ tiện ích trên Internet gia tăng tuyên truyền chống phá; (2) Hệ thống đối sách nghiệp vụ an ninh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch chưa thực sự được quan tâm, hoàn thiện; yêu cầu “truyền thông, định hướng tuyên truyền đi trước một bước” chưa được thực hiện có hiệu quả cao; chưa hình thành được cơ chế phối hợp thực hiện giữa các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, triệt phá với biện pháp nghiệp vụ xác minh, xác định, xử lý đối tượng cụ thể một cách đồng bộ, nhịp nhàng; (3) Công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của một số bộ, ngành, địa phương bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa được xử lý kịp thời, nảy sinh tiêu cực, nguy cơ phát triển thành điểm nóng về an ninh, trật tự ngày càng nhiều, đã bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phản bác; (4) Tình trạng một số báo chính thống của ta thiếu nhạy cảm chính trị, thông tin sai sự thật, suy diễn về những hạn chế, tiêu cực bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá; (5) Nhiều đơn vị, địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo giải quyết, xử lý vụ việc phức tạp, nhạy cảm; tâm lý ngại va chạm với báo chí, chưa chú trọng đưa thông tin đúng bản chất sự việc trên các phương tiện truyền thông và mạng Internet để góp phần cung cấp thông tin, giải tỏa bức xúc dư luận; (6) Lực lượng chuyên trách còn mỏng, năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều mặt công tác nên chưa chuyên sâu.
3. Để nâng cao hiệu quả công tác công an bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong lực lượng Công an nhân dân cần thực hiện có hiệu quả một số công tác sau:
Một là, tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; chủ động tham mưu các cơ quan, ban, ngành chức năng trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch và thông tin xấu, độc trong tình hình mới; phối hợp nắm tình hình và xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông, xử lý tốt các vụ, việc phức tạp khác, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động gây phức tạp về an ninh chính trị.
Hai là, chủ động củng cố, xây dựng hệ thống các website của Công an các đơn vị, địa phương tạo thành hệ thống thông tin phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch. Các đơn vị chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội theo Kế hoạch số 306-KH/BTGTW ngày 12/6/2019 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương về “triển khai thực hiện Kết luận 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư “về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội” để chủ động tổ chức công tác đấu tranh phản bác theo địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ba là, chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay. Lực lượng Công an nhân dân cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận của Đảng và chủ động tích cực đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, đi ngược lại giá trị đạo đức cách mạng, thông qua việc nhận diện mức độ nguy hiểm, tác động đa chiều của các tư tưởng này trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; xây dựng cơ chế phòng ngừa, đấu tranh thông qua các phương thức, hình thức, công cụ đa dạng một cách hiệu quả. Thường xuyên tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
Bốn là, chủ động, sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm, dự báo sát, đúng tình hình trong nước, khu vực và thế giới có tác động trực tiếp tới Việt Nam, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay và nhận diện các loại quan điểm sai trái, thù địch, như: (1) Những quan điểm sai trái do các thế lực thù địch tác động tuyên truyền; (2) Những quan điểm sai trái do các phần tử phản động, thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn đưa ra; (3) Những quan điểm sai trái hình thành do trình độ nhận thức chính trị yếu kém. Từ đó, có giải pháp xử lý cụ thể, thích hợp; tham mưu, phối hợp với các cơ quan tuyên giáo, báo chí chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời theo đúng định hướng tuyên truyền của Đảng đến quần chúng nhân dân, giúp định hình nhận thức chính xác của các tầng lớp nhân dân đối với các vấn đề đang diễn ra, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc. Chấn chỉnh tình trạng chậm trễ trong công tác định hướng dư luận thời gian qua theo hướng chủ động, nhanh chóng, công khai thông tin trước, như: Họp báo, thông tin chính thức từ người phát ngôn của các đơn vị, địa phương để định hướng nhận thức, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước luận điệu tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch và thông tin xấu, độc hại. Các đơn vị chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ký kết quy chế, cơ chế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động chỉ đạo tuyên truyền về các vụ việc nóng, bức xúc trong xã hội để định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí trong Công an nhân dân và các cơ quan báo chí khác chấp hành nghiêm định hướng tuyên truyền, không tạo sơ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, tạo cơ chế hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, các mặt công tác, đánh giá âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, đến phát hiện, dự báo hoạt động, mục tiêu chống phá để chủ động kế hoạch công tác cụ thể nhằm đề cao cảnh giác, chủ động tấn công, chiếm lĩnh “địa bàn”, lấn át tiến tới triệt phá, triệt tiêu hiệu quả thông tin xấu, độc. Mục tiêu cao nhất là phát hiện, xác minh, xác định các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động chống phá để tập trung đấu tranh, xử lý, ngăn chặn vô hiệu hóa hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin trong nội bộ ra ngoài phục vụ hoạt động chống phá.
Bảy là, tiếp tục tăng cường và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong cấp ủy đảng. Thường xuyên tổ chức hội nghị hội ý nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lãnh đạo, cán bộ trong lực lượng Công an trực tiếp làm công tác phòng, chống hoạt động phá hoại tư tưởng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Nghiên cứu bố trí lực lượng đủ mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tạo nền tảng vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng những thành tựu của “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” và định hướng cho xã hội cách tiếp cận mạng xã hội, Intenet một cách có trách nhiệm để đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch ngay trên các ứng dụng, tiện ích Internet.
Tám là, đầu tư công tác nghiên cứu, đánh giá, sơ kết, tổng kết kịp thời, tham mưu các giải pháp căn cơ, chiến lược đáp ứng yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là thông tin đối ngoại, trong bối cảnh bùng nổ cách mạng mạng khoa học - công nghệ của “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” diễn ra mạnh mẽ./.


Thượng tướng, PGS.TS. BÙI VĂN NAM
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an




Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết