Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị: Thực trạng và một số giải pháp nhằm hướng tới tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu

Ngày phát hành: 10/02/2020 Lượt xem 2609

Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nội dung, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng[1]. Đây là nhiệm vụ lớn, quan trọng và phức tạp, có tác động toàn diện đến cơ cấu, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta; đòi hỏi tính đồng bộ về giải pháp, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Việc xây dựng Nghị quyết được tiến hành trên cơ sở tổng kết công tác lãnh đạo của Đảng trong 30 năm đổi mới và phát triển đất nước; đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị những năm gần đây. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới và trong nước, dự báo xu thế phát triển, xác định những thuận lợi và khó khăn, những cơ hội và thách thức đối với nước ta.

 

Việc sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tỉnh Quảng Ninh bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 2 tàu cập cảng cùng lúc.

 

Cho đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã được các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương tiến hành quán triệt tương đối toàn diện. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai thực hiện chưa được đồng bộ, nhiều cấp ủy địa phương, ban cán sự đảng đoàn các bộ, ngành vẫn trong trạng thái chờ đợi hướng dẫn từ Trung ương nhằm khắc phục những trở ngại về chính sách và bảo đảm tính liên thông pháp lý. Với mục đích quán triệt, làm rõ thêm về nội dung cũng như tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, góp phần thúc đẩy tiến trình tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn,  bài viết tập trung vào 3 nội dung chính đó là: Thực trạng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay; một số yêu cầu đặt ra trong xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện.

 

Về thực trạng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay

Trong những năm qua, đồng thời với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Cương lĩnh phát triển đất nước, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn kiện lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy hệ thống chính trị[2]. Hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh tương đối rõ nét và đồng bộ. Những kết quả đạt được của cả hệ thống chính trị trong những năm qua có ý nghĩa rất lớn, góp phần vào thành tựu chung của 30 năm đổi mới phát triển đất nước. Trong đó, cần phải đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò và sức mạnh của hệ thống chính trị, đó là: bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt và thành tựu, thực tiễn cũng cho thấy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của nước ta còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Các khảo sát, đánh giá toàn diện về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, biên chế; cơ chế vận hành và phối hợp; hiệu quả hoạt động của từng bộ phận trong tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đã cho thấy:

Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo, trùng lắp, không thường xuyên được đánh giá, bổ sung dẫn đến tụt hậu so với quá trình chuyển đổi nhanh chóng của tình hình, trước sự phát triển kinh tế-xã hội. Một số chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Đảng, Nhà nước và MTTQ có những nội dung tương đồng với nhau (ban tổ chức cấp ủy-cơ quan nội vụ; cơ quan kiểm tra Đảng- thanh tra Nhà nước; ban tuyên giáo-cơ quan thông tin truyền thông….). Sự phân cấp trong hệ thống chính trị chưa thật rõ ràng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chồng lấn dẫn đến tình trạng làm thay, lấn sân, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo và không gắn quyền hạn với trách nhiệm.Cơ chế lãnh đạo, thực thi quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực Nhà nước có lúc, có nơi độc lập, ít có sự phối hợp dẫn đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm bị suy giảm. Sự phối hợp giữa khối cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng ở Trung ương với các cơ quan hữu quan bên Chính phủ gặp khó khăn do thiếu quy chế, cơ chế phối hợp, chưa liên thông trong việc ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản pháp lý Nhà nước.

Cơ cấu hệ thống tổ chức Đảng, Chính phủ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giống nhau ở tất cả các cấp (ở Trung ương có gì, được tổ chức như thế nào thì ở cơ sở cũng như vậy).Khi so sánh giữa các giai đoạn và thời kỳ, tổ chức bộ máy cuả hệ thống chính trị dường như có xu hướng ngày càng mở rộng, thêm nhiều tầng nấc trung gian,số đầu mối bên trong ở các địa phương, bộ, ngành gia tăng với tỷ lệ lớn. Năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 535 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.026 đơn vị hành chính cấp xã; năm 2019 cả nước có 63 đơn vị cấp tỉnh (tăng 43,18%), 713 đơn vị hành chính cấp huyện (tăng 33,7%), 11.162 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 11,33%)[3]. Số đầu mối gia tăng thời gian gần đây còn phải kể đến các cơ cấu giúp việc trung gian như Văn phòng đại biểu Quốc hội, các ban chỉ đạo, các tiểu ủy ban, các hội đồng và cơ quan tư vấn kinh tế… Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy ngày càng tăng (Giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm 65% tổng ngân sách, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước đó; năm 2017, ngân sách chi cho tổ chức bộ máy là 902.880 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2015. Theo thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, chỉ tính riêng 63 Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ cấp tỉnh với biên chế 936 người đã sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách 628 tỷ đồng/năm).Trang bị cơ sở vật chất không đồng bộ, phân tán, chi phí dịch vụ hành chính khó kiểm soát; tỷ lệ công chức, viên chức tính theo dân số thuộc mức cao trong khu vực[4], hệ thống chức danh lãnh đạo phức tạp, nhiều cấp phó, thậm chí còn phát sinh cấp hàm (hàm vụ trưởng, hàm vụ phó, hàm trưởng phòng….)[5] ở nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương, MTTQ.

Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng cho thấy một số bất cập.Công tác vận động quần chúng của một số đoàn thể thiếu sự phối hợp, hành chính hóa, gây tốn kém kinh phí và không mang lại hiệu quả thiết thực.Trong báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung MTTQ và các đoàn thể (2017-2018)đã đánh giá về sự bất cập này: trước khi thực hiện thí điểm, tình trạng cùng một địa phương, đơn vị, một doanh nghiệp đồng thời phải chịu sự thanh tra của các tổ chức đoàn thể riêng biệt (công đoàn, phụ nữ, hội nông dân….); cùng một chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo bệ trật tự an toàn xã hội nhưng mỗi đoàn thể lại tổ chức riêng rất tốn kém.Việc tiếp thu ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết những vướng mắc còn chậm và thiếu tính hệ thống.

Những hạn chế, bất cập kể trên không chỉ mới được nhận diện, trong các văn kiện của Đảng từ các nhiệm kỳ đại hội trước đây việc đề cập tới những vấn đề này đã được thể hiện tương đối toàn diện.Việc khắc phục, điều chỉnh có nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là: (1) Do đất nước phải trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, hệ thống tổ chức đảng, bộ máy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được thành lập theo yêu cầu thời chiến nên ít nhiều vẫn còn những tác động, ảnh hưởng nhất định tới quá trình vận hành hệ thống chính trị. (2) Việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị liên quan tới nhiều vấn đề lớn, hệ trọng, đặc biệt là xây dựng các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, các điều chỉnh pháp lý Nhà nước cần phải có thời gian và giải pháp đồng bộ. (3) Việc tinh giảm biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy hết sức nhạy cảm, liên quan tới yếu tố con người, đòi hỏi phải thận trọng, chuẩn bị tốt về mặt chính sách. (4) Do điều kiện vật chất, ngân sách hạn hẹp; việc hợp nhất các cơ quan tổ chức, xây dựng hệ thống chức danh, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ theo vị trí việc làm chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn. (5) Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò hạt nhân nòng cốt trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động và phối hợp các thành phần trong hệ thống chính trị chưa cao, chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy[6].

 

Một số yêu cầu đặt ra trong xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Như trên đã đề cập, với tính chất đặc thù của hệ thống chính trị nước ta,việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc và phải tập trung giải quyết tốt 3 yêu cầu lớn sau:

Một là, phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và đất nước.Vai trò, vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được lịch sử xác lập bằng truyền thống đấu tranh cách mạng, là sứ mệnh vinh quang mà nhân dân tin cậy giao phó.Đảng sẽ cương quyết không nhường lại sứ mệnh đó cho bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào.Với vai trò là hạt nhân nòng cốt, lãnh đạo hệ thống chính trị đồng thời cũng là thành viên trong hệ thống chính trị, Đảng phải thực sự vững mạnh về chính trị và tổ chức; nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên của Đảng, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên của Đảng trong hệ thống chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hệ thống tổ chức cơ sở Đảng phải được thường xuyên kiện toàn, gắn với hệ thống bộ máy của Nhà nước, với cơ cấu tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Hai là, phải giữ vững vai trò quản lý nhà nước trên nền tảng hệ thống pháp luật hoàn thiện.Bộ máy của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở phải có cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Cải cách hành chính phải được tiến hành sâu rộng và triệt để, đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao hiệu suất xử lý công việc.Đối với quyền lực nhà nước[7], phải được thực hiện giám sát không chỉ đối với 3 bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lực nhà nước phải được giám sát bằng kết quả tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược được giao cho từng giai đoạn; phải được quần chúng nhân dân giám sát thông qua đại diện là các cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ba làMTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phải thực sự là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân.Việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân phải trên cơ sở bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững vị trí điều hành của Chính phủ; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắt Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba yêu cầu lớn trên về thực chất là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về xây dựng hệ thống chính trị, làm sâu sắc mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.Đây là mục tiêu, yêu cầu tiên quyết, là nền tảng chính trị, pháp lý đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.

 

Một số đề xuất về giải pháp xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Giải pháp chung cho việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của đất nước ta theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đó là: Quá trình triển khai thực hiện phải quán triệt rõ chủ trương, quan điểm của Đảng, thực hiện từng bước, những vấn đề đã chín muồi, những nơi có đủ điều kiện thì triển khai ngay, không cầu toàn. Về các giải pháp cụ thể, phải triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, bao gồm:

Một là, việc xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phải được tiến hành với các cơ sở chính trị, pháp lý liên thông giữa hệ thống tổ chức, bộ máy của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; cần phải nghiên cứu, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; định hướng việc thể chế hóa việc giám sát quyền lực giữa các thành phần trong hệ thống chính trị. Việc xác định phạm vi, lĩnh vực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước phải khắc phục triệt để sự chồng chéo, lấn sân, ôm đồm, bao biện và tình trạng buông lỏng trách nhiệm lãnh đạo, quản lý.Đưa hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể vào cơ chế vận hành thống nhất, gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, của các địa phương, các ngành và lĩnh vực.

Hai là, quá trình sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương tập trung vào tinh gọn biên chế, tăng chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối bên trong.Do các yếu tố lịch sử để lại, việc hợp nhất, tinh giảm tổ chức, biên chế phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ;thực hiện cải cách hành chính sâu rộng, thực hiện bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.Việc tinh giảm các đầu mối bên trong phải được thực hiện với phương châm: không thành lập mới, sáp nhập hoặc giải thể những tổ chức, cơ quan, đơn vị dôi dư, xã hội hóa dịch vụ công.

Từ các kết quả khảo sát ở Hà Giang, Yên Bái, Quảng Ninh cho thấy, nhiều bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ việc thí điểm hợp nhất các cơ quan tổ chức-nội vụ, thanh tra-kiểm tra; hợp nhất văn phòng cấp ủy-văn phòng UBND-văn phòng đại biểu quốc hội.Thông qua điều chỉnh, sắp xếp các đầu mối bên trong, các mô hình cơ quan sáp nhập, hợp nhất mới đã cho thấy nhiều ưu việt (giảm đầu mối tổ chức, giảm chức danh lãnh đạo, giảm quy trình tham mưu ra quyết định, tiết kiệm ngân sách và huy động được nguồn lực vật chất bảo đảm cho các nhiệm vụ)[8]. Việc thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Quảng Ninh cũng cho thấy, thông qua chức năng nhiệm vụ của các ban và tiểu ban, công tác vận động quần chúng, hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… được tiến hành nhịp nhàng, hiệu quả, tiết kiệm ngân sách.

Ba là, thực hiện tốt việc phân định chức năng, nhiệm vụ, phát huy năng lực tự chủ, phân cấp, phân quyền trong toàn hệ thống phải đi kèm với cơ chế giám sát hiệu quả. Năng lực tự chủ phải được dựa trên các nguyên tắc, quy định trong Điều lệ Đảng, các quy định pháp luật. Cơ sở cho việc này chính là tổ chức quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong Quy định 205 – QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.Việc nâng cao chất lượng cán bộ trước hết phụ thuộc vào chất lượng rà soát, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng, cùng với sự tham gia của chính quyền và quần chúng nhân dân. Bên cạnh việc làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện, thử thách cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, gắn với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm. Hệ thống chính trị chỉ thực sự vận hành mạnh mẽ, hiệu quả khi có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị cao, đạo đức tác phong mẫu mực, có trình độ và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, xây dựng MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực sự là cơ sở chính trị tin cậy của Đảng và chính quyền; là đại diện hợp pháp bảo vệ lợi ích của nhân dân.MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải được bổ sung chức năng, quyền hạn, đồng thời cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo; cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể phải được pháp lý hóa.Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp và pháp luật. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả là điểm tựa để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền Nhà nước.

Dù có sự khác nhau về tên gọi và nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, nhưng có thể khẳng định rằng, mô hình, tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta qua các thời kỳ từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay luôn phát huy hiệu quả và thực hiện thắng lợi sứ mệnh chính trị được giao.Sau mỗi giai đoạn, chặng đường lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được tôn tạo lên tầm cao mới. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, trước những thời cơ và vận hội, cùng với những khó khăn thách thức đan xen, việc xây dựng thành công mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào những thành tựu công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

 

Lê Việt Trung - Trần Thiết

Ban Tổ chức Trung ương

 


 

 



[1] Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

[2] Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 09/2/2007 về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước.Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI).Nghị quyết 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/2/2009 của BCHTW về tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ đến năm 2020.Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở.Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội.Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

[3] Số liệu thống kê của Ban Tổ chức Trung ương.

[4] Tỷ lệ công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước 43/1000 dân (Nguồn số liệu của Wonld Bank).

[5] Lãnh đạo cấp phó từ cấp phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7%. Cứ 5 cán bộ công chức có 1 lãnh đạo cấp phó.
Có cơ quan 100% số cán bộ là lãnh đạo, không có chuyên viên (Thống kê của Ban Tổ chức Trung ương).

[6] Theo khảo sát về tổ chức biên chế bên trong hệ thống chính trị của Tạp chí Xây dựng Đảng (2017): Các bộ, ban ngành, địa phương cứ mỗi khi có nhiệm vụ mới lại thành lập thêmtổ chức, cơ quan điều hành mới đã dẫn tới phát sinh biên chế, cán bộ, ngân sách.

[7] Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

[8] Các tỉnh Yên Bái, Hà Giang đã thực hiện hợp nhất các cơ quan tổ chức – nội vụ, thanh tra – kiểm tra,
Quảng Ninh chỉ thực hiện hợp nhất cơ quan tổ chức-nội vụ; thanh tra-kiểm tra ở cấp huyện.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết