Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Một số vấn đề đặt ra về dân chủ cần giải quyết

Ngày phát hành: 13/10/2019 Lượt xem 2507

 

Đại hội XII của Đảng chủ trương “tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”; đồng thời, khẳng định: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”[1]. Để thực hiện quyết tâm chính trị đó chúng ta cần nhận diện và xử lý một số vấn đề có liên quan tới tiến trình thực hành dân chủ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, công tác tổ chức, cán bộ vẫn chậm được đổi mới, còn một số biểu hiện trì trệ, yếu kém, bất cập. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có quá nhiều đầu mối, trách nhiệm tập thể và cá nhân không rõ ràng, chất lượng hoạt động và hiệu quả thấp. Bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan còn chồng chéo; cơ chế vận hành và nhiều quan hệ còn bất hợp lý. Chưa thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân về tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp, sử dụng và đánh giá cán bộ. Chưa thực hành dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ, chưa thực hiện cơ chế lựa chọn có số dư cho việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là chưa mở rộng dân chủ thực sự để tạo ra môi trường cho tài năng được phát huy. Chưa thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa các khâu trong công tác cán bộ để nhân dân được biết và có điều kiện theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Thứ hai, công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế, chưa sâu sát thực tế, chưa linh hoạt. Tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống một phần là do công tác tư tưởng chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ giáo dục chính trị và tư tưởng. Các thông tin chưa được cung cấp thường xuyên để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Vẫn tồn tại tình trạng nói nhiều, làm ít hoặc nói nhưng không làm.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa thực hành đầy đủ dân chủ trong công tác này. Hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực không phải do cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan kiểm tra phát hiện được mà chủ yếu do nhân dân phát hiện, tố cáo hoặc báo chí nêu. Vì vậy, phải xây dựng đầy đủ, đồng bộ cơ chế, chính sách để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, vì không có cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ thì nhân dân không thể giám sát, kiểm tra được.

Thứ tư, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.

Thứ năm, quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm; thực hành dân chủ vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong chế độ dân chủ và pháp quyền thì quyền lực nhà nước là do nhân dân ủy quyền, giao quyền. Quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước, giao cho những con người cụ thể, mà ở con người cụ thể khi các dục vọng, thói quen nổi lên thì khả năng mắc sai lầm trong việc thực thi quyền lực càng lớn. Không thể khẳng định người được ủy quyền luôn làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân ủy quyền. Vì vậy, phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền. Muốn kiểm soát quyền lực nhà nước thì phải thực hành dân chủ rộng rãi. Nhưng dân chủ chưa được thực hành rộng rãi nên vẫn còn sự lộng quyền, lạm quyền, vẫn còn tình trạng quan liêu, cửa quyền, phiền hà đối với nhân dân, chưa khắc phục được bệnh tham ô, lãng phí, v.v.. Chúng ta chưa có cơ chế bảo đảm để nhân dân thực hiện vai trò chủ thể của quyền lực, trên thực tế quyền lực vẫn thuộc về các cơ quan nhà nước. Việc nhân dân giám sát chính quyền cũng chưa có cơ chế rõ ràng và còn rất mờ nhạt. Tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính làm cho yêu cầu quản lý các quá trình kinh tế - xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân chưa thật nhanh, nhạy và hiệu quả cao.

Thứ sáu, Nhà nước còn chậm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về dân chủ thành pháp luật, thành quy chế... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước cũng như chưa thực sự bảo đảm quyền lực của nhân dân. Chẳng hạn, Văn kiện Đại hội IX đã đề ra phải xây dựng Luật trưng cầu ý dân, Đại hội X đề ra việc xây dựng Luật về Hội, đến nay Quốc hội chưa ban hành được các luật liên quan trực tiếp đến quyền lực nhân dân, như Luật về Hội, Luật biểu tình… Chủ trương về “xây dựng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức cán bộ”[2] chưa được thực hiện.

Thứ bảy, việc giải quyết yêu cầu phát huy dân chủ, tự do ngôn luận, lắng nghe các ý kiến khác biệt, tư duy phản biện trong xã hội với việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phép nước còn nhiều bất cập. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, dân chủ và pháp luật còn xuất hiện ở không ít người. Trong xã hội còn không ít hiện tượng vừa chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ hay dân chủ hình thức, lại vừa dân chủ quá trớn, cực đoan.

Thứ tám, mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có nhiều đổi mới, Nhà nước đã cố gắng xây dựng, ban hành pháp luật và đưa pháp luật trở thành công cụ quan trọng trong quản lý đất nước, thực hành dân chủ trong xã hội; song, nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đồng bộ, không thống nhất, hay thay đổi gây khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật và nhân dân, ảnh hưởng đến việc thực hành dân chủ trong xã hội.

 1. Bổ sung về mặt nhận thức và thực hiện dân chủ

Dân chủ là một quá trình phát triển với nội dung ngày càng rộng và tiêu chí ngày càng cao, không thể lấy tiêu chuẩn của ngày hôm qua áp dụng cho ngày hôm nay và lấy những gì ngày hôm nay đã làm được để thỏa mãn cho ngày mai.  Nếu chỉ coi dân chủ là phạm trù chính trị, trong khuôn khổ của chính trị như trước đây sẽ rơi vào hẹp hòi, và càng hẹp hòi nếu coi nó chỉ là vấn đề hình thức nhà nước. Dân chủ phải được xét rộng hơn, kể cả khía cạnh văn hóa, lối sống, phương thức sinh hoạt của mỗi thiết chế, tổ chức; do vậy, nó phải trở thành nguyên tắc của đời sống sinh hoạt xã hội nói chung, thành nguyên tắc trong đối xử giữa người với người, giữa tổ chức với cá nhân. Ngay trong lĩnh vực chính trị, dân chủ không phải chỉ là người dân có quyền đi bỏ phiếu bầu những người thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước mà còn là bầu một cách có trách nhiệm, được thông tin và tự nguyện lựa chọn. Chính bởi vậy, chúng ta cần có những bổ sung và thay đổi một số vấn đề trong nhận thức về dân chủ như sau:

Thứ nhất, cần nhận thức lại việc thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong bối cảnh mới để tránh tình trạng giữa Đảng và Nhà nước còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ; nhân dân làm chủ nhưng không có thực quyền và không có quyền quyết định;

Thứ hai, cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung và xem xét cụ thể việc vận dụng nguyên tắc  tập trung dân chủ cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới. Cho đến nay nhiều đảng cộng sản đã bỏ nguyên tắc tập trung - dân chủ, còn ở nước ta việc vận dụng nguyên tắc này có khó khăn cho nên nhận thức lại nguyên tắc này là một vấn đề quan trọng giúp chúng ta có cơ sở vững chắc để thực hành dân chủ.

Với tư cách một Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng và thường xuyên nhấn mạnh thực hiện nghiêm ngặt chế độ tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong mọi hoạt động của Đảng, của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, cần phải hiểu như thế nào cho đúng về nguyên tắc tổ chức cơ bản này của Đảng? Hiểu nguyên tắc tập trung dân chủ một cách đúng đắn, chúng ta cần phải xem dân chủ là mục tiêu, tập trung là con đường, là phương tiện, biện pháp đạt đến dân chủ. Thế nhưng, trong thực hành dân chủ ở nước ta vẫn xảy ra tình trạng chưa nhận thức đúng và thực hiện đúng nguyên tắc này. Những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, kỷ cương thường không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ một cách hình thức; họ né tránh sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.

Thứ ba, cần nghiên cứu sử dụng khái niệm xã hội dân sự bởi đây là vấn đề liên quan rất chặt chẽ với vấn đề dân chủ. Vì sao ta không thừa nhận xã hội dân sự, trong khi hầu như cả thế giới thừa nhận và vận dụng xã hội dân sự? Tránh vấn đề này là né tránh một trong ba trụ cột của sự phát triển.

Thứ tư, phải thiết lập được cách thức đo lường trung thực sự thỏa mãn của người dân về quyền dân chủ. Nếu sự so sánh, đánh giá trình độ dân chủ, mức độ dân chủ chỉ dựa vào sự đầy đủ các thể chế pháp lý thì mới là một phía. Hơn nữa, sẽ không thể thấy được một thực tế là một quốc gia nào đó có thể chưa đầy đủ các thể chế pháp lý dân chủ so với một quốc gia khác, song sự thỏa mãn của người dân về quyền dân chủ lại cao hơn quốc gia kia. Do vậy, trong sự phát triển dân chủ cần phải tính tới sự thỏa mãn của người dân, cần phải có cách thức đo lường mức độ hài lòng của người dân trong việc hưởng thụ các quyền công dân, quyền con người.

Thứ năm, thực hành dân chủ phải gắn với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Dân chủ có nghĩa là người dân có các quyền của mình, song cũng phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và các quy tắc chung để bảo vệ lợi ích của dân tộc, tổ quốc, cộng đồng. Quyền và nghĩa vụ luôn đi đôi với nhau, phải hài hòa. Dân chủ nhưng không thể để tình trạng tự do vô tổ chức trong quản lý xã hội, cá nhân coi thường pháp luật, quyền lực nhà nước. Kinh nghiệm nhiều nước phát triển cho thấy tính kỷ luật và pháp luật trong trật tự xã hội rất cao, nghĩa là phải tăng cường pháp chế của nhà nước pháp quyền. Hiện nay, ở Việt Nam tính nghiêm minh của pháp luật chưa cao, đặc biệt trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, khai thác tài nguyên, trật tự đô thị.

Một số kiến nghị và giải pháp

Thứ nhất, cần tránh tình trạng nói mà không làm, có chủ trương về thực hành dân chủ thì phải kịp thời thể chế hóa các chủ trương đó để nhanh chóng thực thi trong cuộc sống;

Thứ hai, thực hiện trưng cầu dân ý đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, vì đây là nội dung cốt lõi của dân chủ;

Thứ ba, thực hiện tốt dân chủ trong Đảng để nêu gương cho việc thực hành dân chủ trong xã hội, đồng thời cần xây dựng luật về Đảng. Để làm được điều này cần chú ý:

- Tiếp tục đổi mới công tác lý luận, công tác tư tưởng lẫn công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra và phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ hơn nữa, đồng thời khắc phục có hiệu quả những hạn chế, thiếu sót mà Đảng đã mắc phải?

- Kiên quyết đấu tranh và phải giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng và chống tham nhũng, lãng phí? Điều này hết sức quan trọng, không chỉ can dự đến việc củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, mà còn trực tiếp liên quan đến vận mệnh, sự tồn vong của Đảng với tư cách Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền.

- Nâng cao đạo đức trong Đảng, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng và thu hút được nhiều nhân tài vào Đảng nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh và tình hình mới hiện nay?

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thể chế hóa và thực hiện thật tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Hệ thống giám sát ở nước ta hiện nay được phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và hoạt động thanh tra của Chính phủ với hệ thống giám sát của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân. Làm thế nào để phối hợp tốt và nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức này trong thời gian tới là một câu hỏi đặt ra cho các câu hỏi cho các nghiên cứu tiếp theo. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác phản biện, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác: “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên[3]. Đặc biệt, cần “coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội[4].

Một trong những nội dung cần nghiên cứu và thảo luận sâu hơn nữa là vai trò đặc biệt quan trọng của Mặt trận Tổ quốc với tư cách là chủ thể giám sát và phản biện xã hội của thể chế chính trị ở nước ta. Đã có những thời kỳ, vai trò này bị chê là mờ nhạt. Trong giai đoạn tới cần tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân như thế nào để giám sát và phản biện xã hội thực sự tạo ra hành lang an toàn cho xã hội phát triển? Ngoài Mặt trận Tổ quốc, các thiết chế xã hội khác, với chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ đảm nhận vai trò giám sát và phản biện xã hội như thế nào và bằng cách nào, đặc biệt là trong sự phối hợp, liên kết với Mặt trận Tổ quốc? Những câu hỏi này cũng không dễ tìm được câu trả lời thuyết phục.

Thứ năm, quan niệm lại một cách chính xác để tiến hành xây dựng đồng bộ ba trụ cột của phát triển và dân chủ.

 

GS.TS Phạm Văn Đức

PGS.TS Bùi Nguyên Khánh

 

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.38-39.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.135

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.203.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.161-162.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết