Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề đặt ra về dân chủ và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 14/05/2019 Lượt xem 22226

Muốn phát huy dân chủ, phải thực sự tôn trọng nhân dân,

1.Vấn đề đặt ra

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một nấc thang, một trình độ cao trong lịch sử phát triển dân chủ của nhân loại và cho đến nay, nó vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện ở một số nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì thế, có thể nói, dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới mẻ, cần được tiếp tục nghiên cứu. Theo chúng tôi, dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện đặt ra những vấn đề sau:

Thứ nhất, dân chủ xã hội chủ nghĩa phải tiếp thu và phát triển các giá trị nhân loại về dân chủ, trong đó có dân chủ tư sản. Đây là một vấn đề rất quan trọng, vì con đường phát triển của nước ta là quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, cũng tức là bỏ qua chế độ dân chủ tư sản. Song, cần phải khẳng định sự khác nhau về bản chất giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản, đó là sự khác nhau căn bản giữa dân chủ cho đa số nhân dân lao động và dân chủ cho thiểu số bóc lột. Do đó, trong quá trình phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, cần phải tham khảo thành quả dân chủ của nhân loại, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là những thành tựu, kinh nghiệm của các nước phát triển về quản lý nhà nước, về thiết kế bộ máy tổ chức chính trị, bộ máy quản lý nhà nước, về xây dựng nền hành chính công, về trách nhiệm xã hội của cá nhân... Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không nên áp dụng một cách máy móc các hình thức dân chủ của nước ngoài vào nước ta; phải dựa trên điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước và chế độ xã hội[1].

Thứ hai, dân chủ là một quá trình phát triển lâu dài, đồng thời là kết quả của sự phát triển ý thức dân chủ và năng lực thực hành dân chủ của nhân dân. Do đó, cần phải căn cứ và tình hình thực tiễn cụ thể của đất nước, không thể nóng vội, chủ quan. Phải thực hiện dân chủ ở tất cả các cấp độ, từ cơ quan lãnh đạo cao nhất đến cơ sở, đặc biệt quan trọng là dân chủ ở cơ sở. Phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, tìm tòi và hoàn thiện các hình thức thực hiện dân chủ, cả dân chủ đại diện lẫn dân chủ trực tiếp. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện lệch lạc, như dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ đề gây rối, làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân và Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh phê phán, bác bỏ các luận điệu sai trái về dân chủ, nhân quyền[2].

Thứ ba, coi trọng thực hiện đồng thời các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như trình độ dân trí được nâng cao đáng kể, cần quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện dân chủ trực tiếp.

Thứ tư, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Để quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện một cách đích thực, không mang tính hình thức hoặc không bị lợi dụng, vấn đề quan trọng là phải bảo đảm những điều kiện đủ.  Rõ ràng, muốn thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách đích thực và ngày càng rộng rãi trong xã hội, còn cần đến rất nhiều yếu tố. Ngoài ý thức và năng lực thực hiện dân chủ của các chủ thể, còn cần có cơ chế thực hiện dân chủ phù hợp, hiệu quả. Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm thực hiện dân chủ nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện dân chủ phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Thứ năm, Đảng phải nêu gương trong việc thực hiện dân chủ. Tại Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội”[3]. Đây là quan điểm mới và đặc biệt quan trọng trong nhận thức của Đảng. Có thể nói, điều kiện tiên quyết để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự nêu gương, đi tiên phong của Đảng về thực hiện dân chủ.  Bởi lẽ, “dân chủ trong Đảng quyết định dân chủ trong tổ chức hoạt động của Nhà nước, gắn liền với dân chủ trong xã hội”[4]. Theo đó, có thể nói, việc làm thế nào để Đảng thực sự như một biểu tượng về dân chủ và thực hành dân chủ là vấn đề cốt tử để thực hiện dân chủ trong xã hội với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.

2. Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa được tốt trong tình hình hiện nay cần quan tâm một số giải pháp cơ bản sau

Thứ nhất, cần xây dựng Quy chế dân chủ trong Đảng. Mặc dù Đảng đã có Điều lệ, song trong đó không bao quát hết các nội dung dân chủ trong Đảng. Cũng có ý kiến cho rằng đã có Quy chế dân chủ cơ sở được áp dụng trong xã hội thì không cần phải có quy chế dân chủ riêng trong Đảng. Tuy nhiên, ngoài tư cách công dân, đảng viên của Đảng còn có trách nhiệm, nghĩa vụ quyền hạn của người đảng viên. Hơn nữa, là lực lượng chính trị tiên phong, đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo tổ chức thực hiện dân chủ trong hoạt động của Nhà nước và trong toàn xã hội, Đảng phải đi đầu, phải nêu gương về thực hiện dân chủ trong nội bộ tổ chức và hoạt động của Đảng. Vì vậy, cần xây dựng Quy chế dân chủ trong Đảng, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo đảm dân chủ trong Đảng và trong xã hội, như cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng; thể chế hóa quyền và trách nhiệm của Đảng trong xã hội; thể chế hóa quan hệ giữa Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị...

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng và Nhà nước. Trong đó phải xác định rõ nhân dân được kiểm tra, giám sát các nội dung gì; kiểm tra, giám sát các nội dung đó bằng các hình thức và phương pháp như thế nào; việc giải trình, trả lời chất vấn của những người bị kiểm tra, giám sát trước nhân dân tiến hành ra sao; nhân dân phản hồi kết quả kiểm tra, giám sát như thế nào...

Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền các cấp. Để làm được điều này, một mặt, cần có cơ chế bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân có thể tiếp cận các thông tin liên quan, chất vấn những vấn đề hoặc những nội dung còn chưa rõ ràng...; mặt khác, cần nghiên cứu và khẳng định quyền quyết định của nhân dân đối với những vấn đề liên quan trực tiếp và mật thiết đến lợi ích của nhân dân.

 

Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”

 

Thứ tư, đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ và cải tiến công tác bầu cử. Cán bộ là gốc của mọi công việc, trong đó có việc thực hiện dân chủ. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế dân chủ trong công tác cán bộ, bảo đảm lựa chọn và bầu cử đúng, trúng những người có đủ đức, đủ tài theo những tiêu chuẩn xác định vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Cơ cấu nhân sự đưa ra bầu phải có số dư, phải tranh cử qua trình bày chương trình hành động...Công tác đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo cán bộ..., phải thật sự được tiến hành một cách dân chủ, khách quan và minh bạch; xử lý nghiêm việc chạy chức chạy quyền cả từ hai phía.

Thứ năm, cần mở rộng quyền dân chủ của nhân dân ở cấp cơ sở và bảo đảm các hình thức thực hiện dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu phải thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân thực hiện quyền dân chủ thông qua các cơ quan đại diện của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội. Với hình thức dân chủ trực tiếp, mọi công dân có thể trực tiếp thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình một cách bình đẳng. Nó thể hiện sự tham gia trực tiếp, tích cực và chủ động của người dân vào các hoạt động của Nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội...

Thứ sáu, kiên trì và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Lý luận mácxít về dân chủ và bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đi theo con đường xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc thực hiện dân chủ đã chỉ ra rằng, dân chủ phải luôn gắn liền với tập trung. Nói cách khác, nguyên tắc tập trung dân chủ phải được quán triệt cả trong nhận thức lẫn trong hành động; thực hiện nhất quán trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, trên tất cả cáclĩnh vực của đời sống xã hội. Kết hợp chặt chẽ tập trung với dân chủ là yếu tố quyết định sức mạnh và hiệu lực trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý của Nhà nước. Không thể có dân chủ nếu không có tập trung; tập trung mà không dựa trên dân chủ thì sẽ dẫn đến nguy cơ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Sự gắn kết, ràng buộc và chi phối lẫn nhau giữa tập trung và dân chủ là sự đảm bảo để không dẫn tới tình trạng hoặc là chuyên quyền, độc đoán, hoặc là cực đoan, quá trớn – những nguy cơ dẫn đến phản giá trị, phản phát triển.

Thứ bảy, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải gắn liền với việc tôn trọng và thực hiện nghiêm pháp luật, giữ vững kỷ luật và kỷ cương xã hội, đề cao trách nhiệm công dân. Sự tách rời giữa dân chủ với pháp luật sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường, đe dọa ổn định chính trị và trật tự xã hội.Việc mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải gắn với việc đề cao và tăng cường pháp luật, kỷ cương. Đây là mối quan hệ biện chứng: Thực hiện pháp luật nghiêm minh là yếu tố bảo đảm quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân; đồng thời, quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân được mở rộng và phát huy sẽ càng làm cho pháp luật, kỷ cương trong xã hội được tôn trọng và tăng cường. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân[5].

Tóm lại, dân chủ là một thành tố cơ bản trong hệ đặc trưng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang ra sức xây dựng. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta coi dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là một trong những nội dung thể hiện bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

 

GS.TS Phạm Văn Đức

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 



[1] Xem: GS,TS. Phạm Văn Đức (Chủ biên). Thực hành dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật. Hà Nội, 2017, tr.78.

[2] Xem: GS,TS. Phạm Văn Đức (Chủ biên). Sđd., tr.79.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.170

[4]GS.TS. Phùng Hữu Phú, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, GS,TS. Vũ Văn Hiền, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên). Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội , 2016, tr.133.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.170.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết