Nếu như văn hóa là sức mạnh mềm của quốc gia thì ngoại giao văn hóa chính là lực lượng xung kích để hiện thực hóa sức mạnh ấy trên phạm vi thế giới, mở đường cho không chỉ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, mà còn cho sự phát triển sức mạnh hiện thực của đất nước ra ngoài biên giới quốc gia. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngoại giao văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
* Văn hóa trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc
Văn hóa là giá trị làm nên sự minh triết của một quốc gia, dân tộc. Một nền văn hóa được nuôi dưỡng, được vun đắp cho phong phú và lành mạnh, sẽ có khả năng định hướng, dẫn dắt một quốc gia tiến những bước dài và vững chắc trên con đường phát triển và vươn ra thế giới.
Ngày nay, bên cạnh nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, thì trong tiến trình hội nhập, các quốc gia đã góp phần hình thành nên một nền văn hóa toàn cầu. Nếu xem văn hóa như phù sa - thứ được lắng đọng sau những sự tương tác - thì cộng đồng quốc tế ngày nay đã có đủ kinh nghiệm về sự tương tác để sở hữu thứ “phù sa” của riêng mình. Đó chính là những thông lệ, quy cách ứng xử chung được các quốc gia công nhận và thực hành trong các hoạt động quốc tế.
Một quốc gia có độ mở càng lớn, quốc gia đó càng có khả năng dung hòa được những nét đặc sắc của nền văn hóa riêng với những giá trị phổ quát của nền văn hóa toàn cầu.
Tại Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm này của Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong tiến trình vận động của đất nước. Tiếp thu tinh thần đó, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Đảng ta đã khẳng định, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược".
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”; chỉ rõ “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” là một trong những nội dung đột phá chiến lược.
Nghị quyết của Đảng định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
* Nâng cao vị thế, củng cố sức mạnh mềm của đất nước
Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh sức mạnh cứng, các nước đều quan tâm củng cố và phát huy sức mạnh mềm, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia mình. Đối với nhiều nước, đây còn là ưu tiên chiến lược với phương thức thực hiện là ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa.
Có thể thấy rằng Việt Nam có nguồn sức mạnh văn hóa to lớn, là nền tảng vững vàng để triển khai ngoại giao văn hóa, nâng cao vị thế, củng cố sức mạnh mềm của đất nước.
Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm giữ gìn độc lập, thống nhất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, ông cha ta đã vận dụng ngoại giao văn hóa một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn thông qua chiến lược "ngoại giao tâm công" và các biện pháp ngoại giao hòa hiếu.
Ngày nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, được triển khai sâu rộng ở nhiều cấp độ và địa bàn trong cả nước. Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, đến nay, ngoại giao văn hóa đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, đóng góp tích cực đối với sự phát triển của đất nước.
Trong hơn 10 năm qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng rãi cả trong nước và ngoài nước với sự tham gia đông đảo của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân, tổ chức.
Thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến, từ đó dẫn tới quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam… hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay".
Để đạt được thành công đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách đối nội và đối ngoại, là sự đóng góp tích cực của tất cả các binh chủng thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội, giáo dục-khoa học... và nhất là sự nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Nếu như những thành tựu về duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng dự trữ ngân sách, tăng thu nhập đầu người, hiện đại hóa quốc phòng... là những chỉ số "cứng" tạo nên "cơ đồ, tiềm lực" cho quốc gia thì những giá trị văn hóa, truyền thống, tư tưởng, triết lý của người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, sự yêu mến của người dân thế giới... là những chỉ số "mềm" góp phần xây dựng hình ảnh, tạo nên "uy tín, vị thế" của đất nước./.
Phương Anh (TTXVN)