Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Những điểm nhấn trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam giai đoạn đổi mới (từ năm1986 tới nay)

Ngày phát hành: 27/04/2023 Lượt xem 2289

 

 Bài viết tổng quan một số điểm nhấn về chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn Đổi mới; khẳng định những kết quả; nhận diện những vấn đề đặt ra; trên cơ sở đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Trong bài viết này, kinh tế tư nhân được hiểu là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, tồn tại dưới hình thức các doanh nghiệp của khu vực tư nhân và hộ kinh doanh.         

 

1. Tổng quan chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân

 

1.1. Điểm nhấn trong thay đổi chủ trương, quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân

 

Tư duy phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam gắn liền với tư duy phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra nhiều chủ trương mới về sở hữu, thành phần kinh tế, thừa nhận sự tồn tại khách quan của nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế và Đại hội VII (tháng 6/1991) của Đảng chính thức coi kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển. Qua hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp Đổi mới, điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân nhìn từ chủ trương, quan điểm của Đảng chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Có thể thấy, kinh tế tư nhân, từ chỗ không được thừa nhận (trước Đổi mới) đến được thừa nhận và khẳng định “có vị trí quan trọng lâu dài” trong nền kinh tế nhiều thành phần (Đại hội IX); “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X và Đại hội XI) và "là một động lực quan trọng của nền kinh tế" (Đại hội XII và Đại hội XIII). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XII của Đảng, lần đầu tiên, Trung ương đã ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017) với mục tiêu tổng quát là tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, v.v. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bên cạnh đó, vai trò của đội ngũ doanh nhân cũng được ghi nhận và khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế khẳng định “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, […], sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; v.v.” Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao. Phát huy tiềm năng và vai trò tích cực, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân. Tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Điều này tiếp tục được nhấn mạnh và phát triển tại Đại hội XIII của Đảng “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng. Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Như vậy, có thể thấy, các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã xác nhận và khẳng định rõ ràng vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân cũng như đội ngũ doanh nhân, tạo nền móng pháp lý quan trọng cho kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

 

 

1.2. Điểm nhấn trong điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

 

Thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân, hệ thống pháp luật liên tục được hoàn thiện, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Một số điểm nhấn quan trọng trong điều chỉnh cơ sở, chính sách phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện như sau:

 

Một là, quyền tự do kinh doanh và mức độ tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng mở rộng cùng với việc thu hẹp ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; ngành, lĩnh vực cấm kinh doanh và giảm thiểu điều kiện kinh doanh.

Cơ chế, chính sách luôn có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh, từ chỗ chưa thừa nhận đến những quy định hé mở ban đầu khi bắt đầu tiến hành sự nghiệp Đổi mới, sau đó từng bước cải thiện, mở rộng và được ghi nhận chính thức bởi Hiến pháp năm 1992 và khẳng định mạnh mẽ tại Hiến pháp năm 2013. Hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, các phiên bản Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã có những điều chỉnh đột phá. Từ chỉ được kinh doanh những gì nhà nước cho phép (Luật Doanh nghiệp 1999), đến kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng phải đăng ký (Luật Doanh nghiệp 2005), kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm (Luật Doanh nghiệp 2014, 2020 và Luật Đầu tư 2014, 2020). Những thay đổi to lớn và có tính đột phá này cùng với việc xác định rõ ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, làm giảm đáng kể các chi phí phát sinh; đơn giản tối đa thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát huy mọi tiềm năng, tận dụng được cơ hội để phát triển. Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng giảm đáng kể, từ khoảng 398 ngành (Luật Đầu tư 2005) xuống còn 227 ngành (Luật Đầu tư 2020), xóa bỏ, giảm thiểu những điều kiện kinh doanh không phù hợp. Đây là bước cải tiến lớn tác động mạnh mẽ đến sự tích cực gia nhập thị trường của các chủ thể kinh tế tư nhân.

 

Bên cạnh đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh thông qua việc thu hẹp ngành, lĩnh vực hoạt động, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như điều chỉnh cơ cấu độc quyền nhà nước đã góp phần tạo cơ hội kinh doanh, dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân mở rộng và phát triển, góp phần làm tăng vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế[1]. Với việc Nhà nước rút lui ở nhiều ngành, nghề đã góp phần tạo cho các nhà đầu tư tư nhân có nhiều không gian kinh tế, cơ hội gia nhập thị trường. Các chủ thể kinh tế tư nhân có cơ hội tham gia vào nhiều ngành, lĩnh vực mà trước đây là độc quyền nhà nước như hàng không, điện, viễn thông, truyền hình, v.v.

Ngoài ra, để hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, quy trình khởi sự kinh doanh liên tục được hoàn thiện nhằm đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cải thiện các khâu liên quan nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ việc doanh nghiệp phải đăng ký mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế riêng sang hợp nhất thành mã số doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ phải trải qua một khâu thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp và thời gian thực hiện đã rút xuống còn 5 ngày (Luật Doanh nghiệp 2005 và văn bản hướng dẫn) và hiện nay còn 3 ngày. Nhiều quy trình, thủ tục được tích hợp để giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính.

 

Hai là, các văn bản chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được ban hành và quyết liệt triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển.

 

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn là một trọng tâm ưu tiên của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục ban hành các nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP giai đoạn 2014-2018, Nghị quyết số 02/NQ-CP giai đoạn 2019-2022 và đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023[2]). Các nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gồm cải cách thủ tục hành chính thúc đẩy khởi sự kinh doanh; giảm chi phí sản xuất kinh doanh; tiếp cận thị trường; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra; đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh, v.v. 

 

Bên cạnh đó, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác như Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 98/NQ-CP  ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 5/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và nhiều văn bản chỉ đạo khác. Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP đưa ra những nguyên tắc quan trọng trong tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

 

Ba là, các chính sách liên quan đến hoạt động của các chủ thể kinh doanh trên thị trường cũng tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Chính sách về tài chính, tín dụng không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính. Hệ thống cơ chế, chính sách về thuế được đổi mới theo cơ chế thị trường, quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Chính sách và chế độ kế toán, kiểm toán đối với doanh nghiệp từng bước hoàn thiện theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Các quy định pháp luật về lao động, tiền lương được sửa đổi, bổ sung tương đối đồng bộ. Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ được hoàn thiện góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Bốn là, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đã được ban hành, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14) đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 đã quy định các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là một loạt những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cũng được ban hành nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, nâng cao năng lực.

 

Để khuyến khích khu vực hộ kinh doanh phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh cũng được ban hành như hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ cũng được ban hành nhằm tạo điều kiện cho những đơn giản hóa chế độ sổ sách đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

 

Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch như hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động như Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, v.v. Với những gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, v.v. đã phần nào hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong những ngành, nghề dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19.

 

2. Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn đổi mới, trọng tâm từ năm 2011 đến nay

 

2.1. Những kết quả đạt được

Với những thay đổi, điều chỉnh chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh thời gian qua, với những điểm nhấn chính sau:

 

Một là, kinh tế tư nhân phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô.

 

Số doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới tăng mạnh, đặc biệt những năm gần đây. Trong giai đoạn 2011-2020, đã có hơn 1.035 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, gấp gần 2 lần số doanh nghiệp thành lập mới trong 20 năm (1991-2010). Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trong 3 năm 2020-2021, vẫn có hơn 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trung bình hơn 133 nghìn doanh nghiệp/ năm. Quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng đáng kể, từ 6,63 tỷ đồng (năm 2011) lên 16,57 tỷ đồng (năm 2020).

 

Số doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động cũng tăng mạnh, từ hơn 312 nghìn doanh nghiệp (năm 2011) lên trên 660 nghìn doanh nghiệp (năm 2020). Tương tự, số lượng hộ kinh doanh phi nông nghiệp cũng tăng đáng kể, từ hơn 4,2 triệu hộ (năm 2011) lên hơn 5,2 triệu hộ (năm 2020).

 

Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2022 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022), các chỉ số phản ánh quy mô của doanh nghiệp tư nhân bình quân giai đoạn 2016-2020 đều tăng mạnh so với giai đoạn 2011-2015 như số lượng doanh nghiệp hoạt động tăng 160,7%; số lao động tăng 125,2%; nguồn vốn tăng 235,5%; tài sản cố định và đầu tư dài hạn tăng 254,0%, v.v.

 

Tăng trưởng quy mô doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn 2011-2015

Số doanh nghiệp hoạt động

160,3%

Lao động

125,8%

DNNN

73,8%

DNNN

76,6%

DN tư nhân

160,7%

DN tư nhân

125,2%

DN FDI

172,0%

DN FDI

150,8%

Nguồn vốn

204,1%

Trang bị vốn/lao động

162,4%

DNNN

155,2%

DNNN

209,3%

DN tư nhân

235,5%

DN tư nhân

186,4%

DN FDI

205,5%

DN FDI

134,4%

TSCĐ và đầu tư dài hạn

186,7%

Trang bị TSCĐ/ lao động

150,6%

DNNN

115,1%

DNNN

190,8%

DN tư nhân

254,0%

DN tư nhân

161,2%

DN FDI

202,8%

DN FDI

147,1%

Doanh thu thuần

185,8%

Lợi nhuận trước thuế

188,9%

DNNN

115,1%

DNNN

115,2%

DN tư nhân

201,3%

DN tư nhân

272,9%

DN FDI

218,6%

DN FDI

211,6%

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022)

 

Kinh tế tư nhân đã phát triển bao phủ rộng hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân lớn. Trong số 100 tập đoàn, công ty lớn nhất Việt Nam năm 2022 (theo Vietnam Report) thì có đến 44 doanh nghiệp tư nhân; trong TOP 10 có sự xuất hiện của Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động. Những doanh nghiệp này đã duy trì thứ hạng trong TOP 10 đã nhiều năm. Doanh nghiệp tư nhân cũng đang dần chiếm vị thế áp đảo trong danh sách doanh nghiệp đạt vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 30/6/2021, HoSE ghi nhận 4 doanh nghiệp có mức vốn hóa trên 10 tỷ USD, trong đó có 3 cái tên từ khu vực kinh tế tư nhân, đó là Tập đoàn Vingroup, Công ty Vinhomes và Tập đoàn Hòa Phát.

 

Nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã triển khai thực hiện đầu tư theo chiều sâu, tiến hành mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ và từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế như Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Massan, TH, Lộc Trời, v.v. Đã có 6 doanh nghiệp khu vực tư nhân lọt vào nhóm 200 công ty niêm yết có hoạt động hàng đầu khu vực Châu Á với doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên.

Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế tư nhân đã làm xuất hiện một đội ngũ doanh nhân tài năng đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tại thời điểm ngày 26/12/2022, Việt Nam có 6 tỷ phú góp mặt trọng danh sách tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes (giảm 1 so với thời điểm ngày 11/3/2022).

 

Hai là, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế với tỷ trọng khá cao và ổn định (khoảng 38-40%) trong suốt giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Kinh tế tư nhân cũng cũng tham gia rất đáng kể trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân đã tăng từ hơn 545 nghìn tỷ đồng (chiếm 47,0%) lên hơn 1.605 nghìn tỷ đồng (chiếm 57,3%). Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã trực tiếp thực hiện nhiều công trình hạ tầng có quy mô rất lớn, phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, góp phần đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt làm thay đổi diện mạo xã hội, cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, v.v.

 

Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớn trong vấn đề tạo việc làm, sinh kế cho người lao động. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 60% lao động trong các loại hình doanh nghiệp, với tốc độ tăng bình quân gần 4%/ năm. Nếu tính lao động trong cả các hộ kinh doanh thì các doanh nghiệp khu vực tư nhân và hộ kinh doanh chiếm gần 74% lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh. 

 

Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua tạo cơ hội việc làm và nguồn thu nhập cho lao động nữ. Số lao động nữ làm việc trong doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 50% số lao động nữ làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã vươn tầm khu vực và quốc tế với hàng chục lượt nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách “TOP 50 doanh nhân quyền lực châu Á”, “Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực”, “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi ngành công nghiệp và khu vực”, v.v.

 

Kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần mở rộng phạm vi bao phủ của an sinh xã hội, đặc biệt mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; đóng góp vào các hoạt động xã hội, cộng đồng, môi trường thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, v.v.

 

 

2.2. Những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân

 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt vấn đề chất lượng phát triển, thể hiện:

 

Một là, phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua tăng mạnh số lượng nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Theo Niên giám Thống kê năm 2021, gần 73% doanh nghiệp tư nhân có quy mô dưới 10 tỷ đồng và gần 81% doanh nghiệp tư nhân có dưới 10 lao động. Khu vực kinh tế tư nhân thiếu vắng những doanh nghiệp thực sự lớn, mạnh. Trình độ công nghệ, năng lực tham gia chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu rất hạn chế, chủ yếu ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Chính vì vậy, phần lớn giá trị xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI (chiếm hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu).

 

Hai là, đóng góp của kinh tế tư nhân chưa tương xứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của kinh tế tư nhân hầu như không thay đổi trong thời gian dài, chủ yếu từ nhóm phi chính thức (hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 30% GDP, còn nhóm kinh tế tư nhân chính thức chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP); trong khi đó, trong cùng giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP đã tăng gần 5%, từ 15,39% GDP lên 20% GDP.

 

Với số lượng doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% số lượng doanh nghiệp cả nước nhưng chỉ đóng góp 31,2% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp và đóng góp chưa đến 10% GDP. Tỷ trọng thu từ doanh nghiệp tư nhân trong thu nội địa thấp, chưa đến 20%. Trong khi đó, đóng góp vào ngân sách nhà nước của hộ kinh doanh không đáng kể, chưa đến 2%.

 

Ba là, hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân chưa cao, năng suất lao động xã hội khá thấp. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chiếm đến 96,7% tổng số doanh nghiệp, nhưng năng suất lao động theo giá so sánh 2010 của khu vực kinh tế này thấp nhất, chỉ bằng 29,1% năng suất lao động khu vực FDI và bằng 24,6% năng suất lao động khu vực kinh tế nhà nước.

 

Hiệu suất sinh lời thấp. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tư nhân đều thấp hơn nhiều so với mức chung của toàn khu vực doanh nghiệp, của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản của doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 1,4%, thấp hơn mức chung của toàn bộ doanh nghiệp (2,4%). Tương tự đối với tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần (2,1% so với 3,8%) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (4,1% so với 7,6%). Tỷ suất sinh lời thấp ảnh hưởng đến khả năng tự tích lũy và mở rộng quy mô của khu vực kinh tế tư nhân.

 

Bốn là, khả năng chống chịu của các chủ thể kinh tế tư nhân khá hạn chế. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể khá lớn. Trong giai đoạn 2011-2020, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh, giải thể trung bình hàng năm bằng khoảng 73,5% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2020-2022, khả năng chống chịu yếu của doanh nghiệp tư nhân càng được bộc lộ rõ hơn.

 

Tình trạng rút khỏi thị trường

 

2019

2020

2021

2022

Số DN rút lui khỏi thị trường (DN)

89.282

101.719

119.828

143.723

- Tạm ngừng kinh doanh

28.731

46.592

54.960

73.996

- Chờ giải thể

43.711

37.663

48.127

51.118

- Hoàn tất thủ tục giải thể

16.840

17.464

16.741

18.609

Số DN gia nhập thị trường (DN)

177.560

179.037

159.955

208.368

- Thành lập mới

138.139

134.941

116.839

148.533

- Tái gia nhập thị trường

39.421

44.096

43.116

59.835

Rút lui/ gia nhập thị trường (%)

50,28

56,81

74,91

68,98

Rút lui/ thành lập mới (%)

64,63

75,38

102,56

96,76

          Nguồn: Nguyễn Thị Luyến (2023)

 

Những tồn tại trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

 

Một là, các nguyên nhân nội tại của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính yếu, sức cạnh tranh hạn chế, hoạt động phân tán; công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp, v.v. Đây vừa là nguyên nhân vừa là hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân. Một bộ phận kinh tế tư nhân yếu về quản trị, thiếu thông tin, hiểu biết về thị trường, v.v.. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao; có những doanh nghiệp, doanh nhân lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để trục lợi, thực hiện các hoạt động theo kiểu chộp giật, thậm chí kinh doanh bất chính, v.v. Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển cũng như kế hoạch kinh doanh dài hạn đúng nghĩa. Trình độ, ý thức kỷ luật lao động mặc dù cải thiện nhưng vẫn còn ở mức khá thấp. Tình trạng người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động; thiếu tác phong lao động công nghiệp xảy ra khá phổ biến ở hầu khắp các doanh nghiệp.

 

Hai là, các nguyên nhân xuất phát từ môi trường đầu tư kinh doanh. Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã cải thiện đáng kể, đặc biệt trong những năm gần đây nhưng  vẫn còn khá nhiều rào cản, bất cập gây cản trở cho quá trình phát triển kinh tế tư nhân, cụ thể:

 

- Chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế. Hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thiếu tính ổn định, còn tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, gây rủi ro chính sách cho doanh nghiệp. Có khoảng cách khá lớn giữa văn bản pháp luật và quá trình thực thi. Một số chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và chậm thực hiện[3]. Một số chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn, đủ mạnh để doanh nghiệp tư nhân tăng thêm nguồn lực, mở rộng đầu tư phát triển, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ cũng không dễ dàng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Theo Dữ liệu Chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) năm 2021, chỉ số chất lượng xây dựng pháp luật (Regulatory Quality) của Việt Nam đứng thứ 131/210 nước, vùng lãnh thổ có dữ liệu và đứng thứ 7 trong khối ASEAN; chỉ số hiệu lực thực thi pháp luật (Rule of Law) của Việt Nam đứng thứ 108/209 nước, vùng lãnh thổ và đứng thứ 5 trong khối ASEAN.

 

- Quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt các chi phí hành chính, chi phí tuân thủ. Hiện tượng “tham nhũng vặt”, “chung chi” để lách luật, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mặc dù giảm nhưng vẫn xảy ra phổ biến. Theo Báo cáo PCI năm 2021, 55% doanh nghiệp cho rằng “Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức”; 57% doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu vẫn diễn ra khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; 50% doanh nghiệp cho rằng phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ quản lý thị trường; 71% doanh nghiệp trả lời cho rằng phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra xây dựng, v.v

 

- Tình trạng phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh, làm cho doanh nghiệp không phát triển được, thậm chí không muốn phát triển mở rộng. Nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn nhưng không muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp do ngại chi phí tuân thủ, chi phí phi chính thức và thực hiện chính sách thuế, chính sách tài, v.v. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như thông tin quy hoạch, dự án, nguồn lực tài chính, nhân lực, đất đai, hạ tầng, v.v. Theo Báo cáo PCI năm 2021, 43,37% doanh nghiệp cho rằng việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp; 52% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; 38,89% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, v.v.

 

3. Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn tiếp theo

 

3.1. Nhóm giải pháp từ phía Nhà nước

 

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh chủ trương tăng cường tính độc lập, tự chủ, sức chống chịu của nền kinh tế và đề ra quan điểm phát triển nhanh, hài hòa, các khu vực kinh tế và các loại doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế và đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030 có khoảng 2 triệu doanh nghiệp hoạt động và tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 60-65%.

 

Để hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu của Đảng, đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào khu vực FDI, bên cạnh nỗ lực của bản thân các chủ thể kinh tế tư nhân, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới, nâng cao trình độ quản trị quốc gia để thúc đẩy tinh thần, khát vọng làm giàu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

 

Một là, cần nhất quán xác định khu vực kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; phải coi kinh tế tư nhân là động lực thúc đẩy phát triển, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính tự chủ, tự cường của toàn bộ nền kinh tế. Quan điểm này cần được thể hiện rõ trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách đối với kinh tế tư nhân; cũng như trong hoạt động quản lý nhà nước và hành vi ứng xử của các cán bộ, công chức nhà nước các cấp.

 

Hai là, tiếp tục thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thường xuyên tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện.

 

Ba là, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, ổn định để các chủ thể kinh tế tư nhân có niềm tin, tuân thủ và thực hiện. Tập trung giải quyết dứt điểm các hạn chế, bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm và minh bạch các thủ tục hành chính; chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải chi trả những chi phí không chính thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật khuyến khích hộ kinh doanh phát triển, tích cực đăng ký hoạt động chính thức, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh.

 

Bốn là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân khai thác, sử dụng các nguồn lực quốc gia thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa cổ phần nhà nước trong doanh nghiệp. Phát triển lành mạnh các thị trường nhân tố sản xuất.

 

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng pháp luật và thực thi pháp luật. Xây dựng hệ thống chính quyền kiến tạo, mẫn cán, liêm chính. Tăng cường tính công khai, minh bạch, đảm bảo tiếp cận bình đẳng của các chủ thể kinh tế tư nhân các cơ hội kinh doanh, thông tin và nguồn lực phát triển, đặc biệt nguồn lực tài chính và đất đai. Xóa bỏ các rào cản, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp và tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển; thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng.

 

Sáu là, tăng cường năng lực của hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

 

Bảy là, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tập trung đẩy mạnh việc phát triển và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường; ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng khoa học – công nghệ, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thích ứng với bối cảnh mới.

 

3.2. Nhóm giải pháp từ bản thân khu vực kinh tế tư nhân

Để phát triển, tự thân khu vực kinh tế tư nhân cũng phải tích cực, chủ động tiến hành các điều chỉnh để thích ứng được với xu thế phát triển, bối cảnh mới, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những bất định mang tính toàn cầu (ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những xung đột thương mại, quân sự, biến đổi khí hậu), hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.  Kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh,v.v. và kết nối được với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Theo đó, từng doanh nghiệp phải đưa ra kế hoạch, chiến lược rõ ràng để có những bước đi phù hợp cho cả giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, luôn đề cao thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trước Nhà nước, cộng đồng, khách hàng, cổ đông và người lao động

          Tóm lại, phát triển kinh tế tư nhân là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt giai đoạn đổi mới, đặc biệt từ Đại hội XII (2016) với việc khẳng định và nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển đáng kể và đóng góp to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, so với kỳ vọng vẫn còn khoảng cách lớn. Trong thời gian tới, để kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, bên cạnh nỗ lực của chính khu vực kinh tế tư nhân, cần có những giải pháp căn cơ từ Nhà nước, trong đó vấn đề cốt lõi là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo nền tảng vững chắc hơn nữa, góp phần quan trọng để phát triển bền vững kinh tế tư nhân./.

 

TS. Nguyễn Thị Luyến

Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

         

TÀI LIỆU THAM KHẢO     

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022, Nhà xuất bản Thống kê.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Tờ trình Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Thị Luyến (2020), Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị cho giai đoạn 2021-2030, Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2019 Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

          Nguyễn Thị Luyến (2022), Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn tới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 tháng 01/2022 (791).

Nguyễn Thị Luyến (2023), Một số kết quả nghiên cứu đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững, Bài trình bày tại Hội thảo tham vấn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 10/1/2023.

          Nguyễn Thị Luyến và Phạm Thị Thanh Hồng (2020), Vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Quản lý số 35 (9-2020), Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tổng cục Thống kê (2022), Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp.

Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám Thống kê năm 2021, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

Trần Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Luyến (cb) và cộng sự (2022), Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

Trần Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Luyến và cộng sự (2023), Đẩy mạnh cải cách thể chế phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam theo hướng bền vững (Bản thảo tháng 01/2023).

VCCI-USAID (2022), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam PCI 2021: Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

 



[1] Từ năm 2011 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần ban hành văn bản quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước theo hướng thu hẹp ngành, lĩnh vực duy trì doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp, từ 20 ngành, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước duy trì 100% vốn điều lệ (năm 2011) xuống còn 11 ngành, lĩnh vực (năm 2016), 13 ngành, lĩnh vực (2021); 26 ngành, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước duy trì trên 50% vốn điều lệ (năm 2011) xuống 23 ngành, lĩnh vực (năm 2016), 14 ngành, lĩnh vực (2021).

[2] Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023

[3] Ví dụ: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018 nhưng kết quả thực hiện khá hạn chế. Có đến 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số các doanh nghiệp biết đến Luật này, chỉ 36,8% doanh nghiệp đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết