Thứ Sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024

Vận dụng tư tưởng V.I Lênin vào công tác vận dộng quần chúng ở nước ta hiện nay

Ngày phát hành: 21/04/2023 Lượt xem 1031

                                                                                    

                                                        

V.I. Lênin (1870 – 1924) vị lãnh tụ thiên tài, vĩ đại của cách mạng Nga và của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Người đã để lại di sản khoa học và cách mạng to lớn có giá trị lý luận, cũng như thực tiễn đối với nhân loại trong thế giới ngày nay, đó là: Nhà nước và cách mạng, xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng kiểu mới, v.v…, trong đó V.I. Lênin đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng của đảng cộng sản trong quá trình tập hợp lực lượng tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những luận điểm, nguyên lý về công tác vận động quần chúng của V.I. Lênin vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ ở nước ta, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

 Một là, phát triển tư tưởng của C. Mác và Ăng Ghen trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, Lênin đã khẳng định dứt khoát rằng: “Chủ nghĩa xã hội sinh động và sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân”1. Quần chúng nhân dân không chỉ là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần của xã hội, mà còn là một lực lượng cách mạng to lớn. Thấm nhuần luận điểm của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong; có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy cũng làm được”2. “Trong mọi việc đều phải dựa vào quần chúng…, lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn”­3. “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”4. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 36 năm qua đã khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, không ngừng quan tâm đến quần chúng nhân dân và công tác vận động quần chúng của Đảng, nên đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 Hai là, trong công tác vận động quần chúng nhân dân, V.I. Lênin quan tâm đến lợi ích thiết thân của người lao động làm cơ sở để xây dựng, phát triển kinh tế. Lênin chỉ rõ: “những lý tưởng cao cả nhất cũng không đáng một xu, chừng nào người ta không biết kết hợp chặt chẽ những lý tưởng đó với lợi ích của chính mình ngay những người lao động đang tham gia cuộc đấu tranh kinh tế”5. “Chúng ta nói rằng phải xây dựng ngành kinh tế quốc dân quan trọng trên cơ sở sự quan tâm thiết thân của cá nhân. Sự quan tâm thiết thân của cá nhân có tác dụng nâng cao sản xuất”6. V.I. Lênin còn chỉ rõ: “Trong một nước tiểu nông, trước hết các đồng chí phải bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc, đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản. Nhà nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải bằng cách trực tiếp dựa vào nhiệt tình, mà là với nhiệt tình do cuộc cách mạng vĩ đại sinh ra, bằng cách khuyến khích lợi ích cá nhân, bằng sự quan tâm thiết thân của cá nhân, bằng cách áp dụng chế độ hạch toán kinh tế. Nếu không, các đồng chí sẽ không tiến lên chủ nghĩa cộng sản được; nếu không, các đồng chí sẽ không dẫn được hàng chục và hàng chục triệu người đến chủ nghĩa cộng sản”7.

Thấm nhuần luận điểm của V.I. Lênin, Đảng ta xác định: Thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Đảng ta khẳng định: “Trong xã hội do nhân dân làm chủ, lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội gắn chặt với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp”8.

Để có phong trào quần chúng, động viên được tính tích cực chính trị, xã hội và sáng tạo của quần chúng nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đòi hỏi các cấp, các ngành, Mặt trận, các đoàn thể từ trung ương đến cơ sở phải nắm chắc yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt về những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời giải quyết về chính sách, cơ chế quản lý và có các biện pháp cụ thể nhằm chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng, thiết thân của quần chúng nhân dân, nhất là đối với người lao động. Nắm vững quan điểm của Đảng ta về vấn đề lợi ích, cần khắc phục những lệch lạc chỉ nhấn mạnh một chiều huy động sức dân mà coi nhẹ việc bồi dưỡng sức dân; đồng thời, cần khắc phục tư tưởng mị dân, cục bộ bản vị, làm hại đến lợi ích chung, chỉ chú ý vấn đề kinh tế, kinh doanh đơn thuần mà quên mất chính sách an sinh xã hội; phải kiên quyết bài trừ những hành vi tham ô, hối lộ, tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã xâm phạm đến lợi ích của dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Trong quần chúng nhân dân cũng phải uốn nắn những lệch lạc chỉ thấy quyền lợi mà quên nghĩa vụ, chỉ thấy lợi ích cá nhân và gia đình mà coi nhẹ lợi ích của dân, của xã hội do các ngành, các cấp thực hiện; cần coi trọng việc tạo điều kiện vật chất, thể chế để nhân dân tự tổ chức, tự quản chăm lo những lợi ích thiết thực, chính đáng của mình phù hợp với sự phát triển bền vững của địa phương, cơ sở và đất nước hiện nay.

 

 Ba là, để cách mạng xã hội chủ nghĩa giành được thắng lợi, V.I. Lênin đặc biệt quan tâm đến tổ chức và tập hợp quần chúng cách mạng, Người nhấn mạnh: “Tổ chức, tổ chức và tổ chức! Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga lên”9. Vì thế Lênin đặc biệt chú ý việc giai cấp công nhân phải tổ chức ra công đoàn “Công đoàn là trợ thủ của Đảng”, “là trường học chủ nghĩa cộng sản, là trường học dự bị cho vô sản học tập áp dụng chuyên chính vô sản, là sự tập hợp tất yếu của công nhân để làm cho việc quản lý toàn bộ nền kinh tế trong nước tuần tự chuyển trước hết sang tay giai cấp công nhân (chứ không phải sang ngành nghề cá biệt nào) rồi sang tay toàn thể những người lao động”10. Lênin cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức ra các đoàn thể của thanh niên, phụ nữ,… để quy tụ sức mạnh của quần chúng theo lứa tuổi, giới tính… V.I. Lênin cho rằng những công việc tổ chức như thế là của Đảng. Đảng “phải biết cách làm công tác tuyên truyền, tổ chức, cổ động sao cho dễ tiếp thu nhất, dễ hiểu nhất, rõ ràng nhất và sinh động nhất cả đối với các “phố”, thợ thuyền, nhà máy lẫn đối với các vùng nông thôn”11. Thấm nhuần tư tưởng của V.I. Lênin để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng, Đảng ta bao giờ cũng coi trọng vấn đề đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng, coi trọng việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và tập hợp các tầng lớp nhân dân trong các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức xã hội.

 

Trong công cuộc đổi mới đất nước và thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội đặt ra yêu cầu phát triển nhiều hình thức mới trong sinh hoạt xã hội của các tầng lớp nhân dân, Đảng ta thực hiện việc “đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân” là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội mới. Có như vậy mới phát huy được khả năng sáng tạo phong phú của nhân dân, để giải quyết những lợi ích, nguyện vọng chính đáng về các mặt của các tầng lớp nhân dân và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ở đâu có sự tập hợp quần chúng ở đó phải có Đảng lãnh đạo, tuyệt đối không được buông lỏng, không được vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân. Trong các nhiệm kỳ Đại hội X, XI, XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận như: Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, Nghị quyết về công tác thanh niên, công nhân, trí thức, nông dân,… Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về công tác phụ nữ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài,vv… chính là sự thể hiện về quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng, công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới nhằm phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

 

 Bốn là, V.I. Lênin cũng chỉ ra rằng sự liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân là điều kiện quan trọng nhất, căn bản nhất cho hoạt động của đảng cộng sản. Lênin căn dặn “chúng ta không chấp chính bằng cách chia rẽ, mà bằng cách tạo ra giữa tất cả mọi người lao động những mối liên hệ keo sơn về những quyền lợi thiết thân và ý thức giai cấp”12. Lênin coi trọng phương pháp thuyết phục, giáo dục, nêu gương đối với quần chúng. Người đề ra nhiệm vụ hàng đầu cho các đảng cộng sản là “thuyết phục đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”13. Lênin cho đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong cả thời kỳ chưa có chính quyền và cả thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Việc giáo dục và rèn luyện quần chúng lao động là nhiệm vụ của cán bộ công tác giáo dục của đảng cộng sản và của mọi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”14. V.I. Lênin cũng phê phán cán bộ, đảng viên và các tổ chức của Đảng không gương mẫu, không dùng hoặc “rất ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng”15. Người yêu cầu “lấy kinh nghiệm lâu dài, lấy hàng chục ví dụ thực tế để chứng minh cho quần chúng thấy rõ sự cần thiết của công việc là một biện pháp có hiệu quả không nhỏ”16. V.I. Lênin khuyến khích mở rộng dân chủ,  công khai, làm cho tất cả mọi người dân biết công việc của Đảng, của Nhà nước, và cho rằng: đó là một phương pháp công tác quần chúng có tác dụng nâng cao tính chủ động, tính tích cực sáng tạo cách mạng của quần chúng. Người nhấn mạnh: “Một nước mạnh là nhờ ở sự giác ngộ của quần chúng. Nước mạnh là khi nào quần chúng biết rõ tất cả mọi cái, quần chúng có thể phán đoán được về mọi cái và đi vào hành động một cách có ý thức”17. Những tư tưởng này của Lênin về công tác vận động quần chúng và phương pháp công tác quần chúng, đang soi rọi cho chúng ta trong công tác dân vận hiện nay. Thực chất công tác dân vận là xây dựng mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng.

 

 Năm là, vận dụng những tư tưởng, quan điểm của V.I. Lênin, chúng ta tiếp tục xây dựng phong cách và phương thức công tác vận động quần chúng phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Công tác vận động quần chúng không chỉ phụ thuộc ở đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn mà còn phụ thuộc ở thái độ, phong cách, phương thức công tác của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Phải quán triệt, thấu suốt quan điểm “dân là chủ”, “dân làm chủ”, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; “cán bộ, đảng viên là công bộc của dân”, chống mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền với dân.

Phải xây dựng phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, có tác động đến nhiều người, nhiều giai tầng xã hội, với tinh thần cởi mở, dân chủ, cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng có điều kiện và cần thiết phải tiếp xúc, đối thoại và thông qua công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông hiện đại hướng dẫn công việc cho dân, thật sự phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, nói phải đi đôi với làm, miệng nói tay làm, thực sự gương mẫu trước quần chúng nhân dân.

Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hôi, bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ động hội nhập quốc tế, ổn định chính trị, nâng cao đời sống của nhân dân. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

 

Kỷ niệm 153 năm(22/4/1870 – 22/4/2023)- Ngày sinh của V.I. Lênin, chúng ta có dịp nghiên cứu sâu hơn những tư tưởng, quan điểm, nguyên lý của Người về công tác vận động quần chúng của Đảng, càng thấy giá trị to lớn, đang toả sáng trong công cuộc đổi mới đất nước. Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo những luận điểm tư tưởng ấy vào việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, sẽ góp phần quan trọng, hàng đầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật sẽ thu hút và động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và cũng là thể hiện sự trung thành, sáng tạo với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xây dựng đất nước ta hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, nhân dân ta thực sự có cuộc sống hạnh phúc./.

 

   TS.  Nguyễn Văn Hùng,

                                                              Hội đồng Lý luận Trung ương



1 : V.I. Lênin: Toàn tập, T39. M.1977, tr 251.

2, 3, 4: Hồ Chí Minh: Về quan điểm quần chúng, H.1977, tr 58, 65, 69.

5 :  V.I. Lênin, Toàn tập, T1, M.1978, tr 510-511.

6 :  V.I. Lênin, Toàn tập, T44, M.1978, tr 190 và 207.

7 : V.I. Lênin, Toàn tập, T44, M.1978, tr 189.

8 :  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám (khoá VI).

9 : V.I. Lênin: Toàn tập, T6, M.1978, tr 162.

10 : V.I. Lênin: Toàn tập, T4, M.1977, tr 42.

11 : V.I. Lênin: Toàn tập, T41, M.1977, tr 42.

12 :  V.I. Lênin: Toàn tập, T35, M.1976, tr 347.

13 :  V.I. Lênin: Toàn tập, T36, M.1977, tr 208.

14 : V.I. Lênin: Toàn tập, T41, M.1977, tr 474.

15 :  V.I. Lênin: Toàn tập, T37, M.1977, tr 109.

16 : V.I. Lênin: Toàn tập, T30, M.1976, tr 337.

17 : V.I. Lênin: Toàn tập, T35, M.1976, tr 23.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết