Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phản bác lại quan điểm cho rằng "Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân”

Ngày phát hành: 24/09/2023 Lượt xem 1553

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, tự do, dân chủ và làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động luôn ra sức xuyên tạc, phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng, nhất là những giá trị về dân chủ, tự do. Vì vậy, cần chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

 

Đã từ lâu, hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch, phản động lại tìm mọi cách tung ra những luận điệu cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả của cuộc cách mạng hòng hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần đây, khi các luận điệu cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là nhờ sự “may mắn”,… đã bị bác bỏ, họ lại đưa ra luận điểm: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân”, v.v.. Đây là luận điệu hết sức lố bịch, sai trái, xuyên tạc lịch sử. Tuy nhiên, để che đậy sự lố bịch ấy, họ đã vin cớ vào những “vấn đề” còn tồn tại; sự yếu kém của một số chính quyền cơ sở trong quản lý xã hội; các hành vi vi phạm pháp luật của một số phần tử cơ hội, phản động đội lốt các “nhà dân chủ” đã bị xử lý theo pháp luật và cả sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên,... hòng “minh chứng” cho luận điểm nói trên. Điều đó cho thấy, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của chúng là không hề thay đổi; và sự chống phá đó không phải căn cứ vào hiện thực khách quan của đất nước để “lên tiếng vì dân chủ”, “bảo vệ người dân”, mà nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, có chủ đích, hòng gieo rắc hoài nghi và làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, dù có cố tình chống phá, xuyên tạc, họ cũng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn cùng những giá trị tự do, dân chủ đích thực mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam.

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại dân chủ thực sự cho người dân

 

Trước hết, phải khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến và ách đô hộ của thực dân, phát xít, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đây là điều kiện tiên quyết để xác lập quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; dấu mốc của việc xác lập thể chế chính trị dân chủ nhân dân; đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ; nhân dân ta từ thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Đây là thành tựu nổi bật về dân chủ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà không ai có thể phủ nhận.

 

Hai là, một trong những mục tiêu quan trọng của Cuộc Cánh mạng Tháng Tám năm 1945 và là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhằm xóa bỏ chế độ người bóc lột người, tạo các điều kiện thuận lợi để thực hiện triệt để dân chủ, công bằng xã hội, bình đẳng thực sự giữa nữ và nam, giữa các giai cấp và dân tộc. Quan điểm đó được thể hiện xuyên suốt trong nội dung các Cương lĩnh và văn kiện các kỳ đại hội của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”1. Quán triệt quan điểm đó, trong tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam đều quy định: “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo cơ sở chính trị - pháp lý để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, như: Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN, ngày 17/4/ 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22, Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ngày 10/01/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Ba là, quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các bản Hiến pháp, văn bản pháp luật, mà được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày; được đặt trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, thông qua hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, ở Việt Nam, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, giữ vai trò quyết định sự tồn tại của nhà nước; mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn; nhà nước luôn tạo điều kiện bảo đảm vật chất và tinh thần để nhân dân thực hiện các quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với nhà nước và xã hội cũng như không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Điều này được thể hiện rõ trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là thời gian gần đây, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng nhiều. Việc đổi mới các phiên chất vấn của Quốc hội; thực hiện đối thoại trực tuyến của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ,… với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu với cử tri chuẩn bị cho các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội là minh chứng cho việc người dân thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình.

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại tự do thực sự cho người dân

 

Tự do là quyền cơ bản nhất của công dân, là giá trị nhân văn to lớn của xã hội loài người và mang tính lịch sử đối với mỗi quốc gia - dân tộc; xuất phát từ các quyền tự nhiên thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người, như: quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, v.v.. Những quyền này đối với người dân Việt Nam trước năm 1945 hầu như không có, khi phải chịu thân phận nô lệ, lầm than, chỉ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công người dân mới được hưởng quyền tự do, độc lập.

 

Điều này được thể hiện trước hết trong Tuyên ngôn thoái vị (ngày 30/8/1945) của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, đã phải thốt lên rằng: “… làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Đây là cảm nhận chân thực nhất của vua Bảo Đại lúc đó. Bởi, Ông cũng như nhiều vị vua của triều đình nhà Nguyễn đã phải nếm trải thân phận “Vua là tượng gỗ, dân làm thân trâu” của một nước nô lệ, lầm than, cơ cực, mất tự do, không có tên trên bản đồ thế giới. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã hồi sinh đất nước Việt Nam, giành lại nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng. Hơn ai hết, Ông là người thấu hiểu được giá trị của tự do thật sự do Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang lại cho đất nước, cho dân tộc, cho nhân dân và cho cá nhân Ông.

 

Hai là, quyền tự do của nhân dân Việt Nam được thừa nhận. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”2. Quyền tự do thật sự ấy là kết quả đấu tranh, hy sinh biết bao máu xương của các thế hệ người Việt Nam yêu nước mới giành được. Quyền tự do đó được Chính phủ Pháp, tại Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, phải thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Mặc dù quyền tự do đó chưa được trọn vẹn như chúng ta mong muốn, nhưng đó là nền tự do thực sự mà cả dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng bền bỉ đấu tranh mới giành được. Điều đáng nói là, chính kẻ thực dân trước đây giày xéo đất nước ta, biến nước ta thành thuộc địa, nhân dân ta thành nô lệ của chúng, nay đã phải công nhận quyền tự do, độc lập ấy. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Khi lẽ phải đã thuộc về chúng ta, thì hãy vững tin rằng, những bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo sự thật đó chỉ càng làm cho lẽ phải thêm ngời sáng tính chân lý mà thôi!

 

Ba là, thực tiễn ở Việt Nam đã minh chứng, từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, Nhà nước ta luôn tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng luật pháp, được hiến định trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Công dân được quyền tự mình lựa chọn và thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình trong khuôn khổ của pháp luật mà không có sự ngăn cản, hạn chế nào, như: mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, tự do cư trú, tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do nghiên cứu, sáng tác, tự do lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh, tự do hôn nhân, v.v.. Không chỉ có thế, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhằm đảm bảo quyền con người, Việt Nam đã sớm gia nhập, ký kết và cho đến nay đã tham gia hầu hết công ước quốc tế về quyền con người. Đồng thời, nội luật hóa các công ước này vào hệ thống pháp luật quốc gia. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

 

Những xác thực từ các nhân chứng lịch sử và thực tiễn của nền tự do ở Việt Nam một lần nữa khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đem lại nền tự do có thật và thật sự tự do cho nhân dân. Nền dân chủ, tự do đó gắn liền với nền độc lập dân tộc và là kết quả tất yếu của độc lập dân tộc. Đó quyết không phải là một nền tự do giả hiệu. Ngày nay, những giá trị đó tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc và thời đại. Không một mưu đồ đen tối nào, không một thế lực nào có thể phủ nhận giá trị nền độc lập, nền dân chủ và tự do mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại cho dân tộc và nhân dân Việt Nam.

PGS, TS Phan Trọng Hào

Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

 

__________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 84 - 85.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 03.

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết