Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phân hóa xã hội, xung đột xã hội trong lĩnh vực lao động, việc làm, xã hội: Những vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp (phần 1)

Ngày phát hành: 08/08/2022 Lượt xem 3108

 

 

Mở đầu

Phân hóa xã hội nói chung, phân hóa xã hội trong lao động việc làm, phân hóa thu nhập và phân hóa giàu nghèo ở những mức độ khác nhau là hiện tượng tồn tại gần như ở mọi xã hội. Tuy nhiên, phân hóa một khi vượt qua những ngưỡng nhất định, vượt qua sự chấp nhận của xã hội, đặc biệt khi mà sự phân hóa này lại dựa trên những hành vi phi đạo đức, trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong quan hệ xã hội thì sẽ dẫn tới mâu thuẫn và xung đột. Để giữ cho phân hóa xã hội ở mức chấp nhận được, để hạn chế mâu thuẫn và giải quyết tốt các xung đột xã hội cần xây dựng xã hội văn minh, thể chế hiện đại, quản trị minh bạch, thực hiện các chính sách tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững. Bài viết bàn về 3 nội dung: nhận thức, thực trạng và định hướng giải giải pháp giải quyết vấn đề phân hóa xã hội, hạn chế, giảm nhẹ mâu thuẫn, xung đột xã hội trong lĩnh vực lao động việc làm và xã hội.

 

1. Nhận thức về vấn đề phân hóa xã hội, mâu thuẫn xã hội, xung đột xã hội.

a) Phân hóa xã hội

Theo từ điển tiếng Việt phân hóa xã hội là “sự xuất hiện các nhóm cư dân khác nhau về địa vị xã hội và tài sản trong quá trình tan rã của xã hội nguyên thuỷ và cơ sở kinh tế của sự phân hóa xã hội là sự xuất hiện đều đặn lúc đầu của của cải thừa, sau là sản phẩm thặng dư”. Các nhà nghiên cứu xã hội học đều thống nhất rằng phân hóa xã hội ở những mức độ khác nhau là hiện tượng tồn tại gần như ở mọi xã hội. Một số xã hội có sự phân hóa lớn, rất rõ ràng, song một số xã hội khác lại có sự phân hóa nhỏ hơn. Do cấu trúc xã hội, do lợi thế về địa vị xã hội, do năng lực cá nhân, trong một chừng mực nào đó, một số cá nhân có thể có lợi thế hơn các cá nhân khác về một số mặt như kinh tế, quyền lực, pháp luật, quan hệ xã hội hay tiếp cận các cơ hội. Đây là những yếu tố quan trọng quan trọng dẫn đến phân hóa xã hôi. Dân tộc và sắc tộc cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phân hóa xã hội trong phần lớn lịch sử loài người.

 

Có nhiều trường phái lý thuyết giải thích cho sự phân hóa xã hội. Theo C. Mác phân hóa xã hội là do bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực, quyền lực và phân công lao động xã hội. Theo Kingsley David và Wilbert Moore[1] (lý thuyết chức năng) trong xã hội có những nghề nghiệp đỏi hỏi những kỹ năng và kiến thức đặc biệt mà không phải ai cũng làm được và các thành viên có khả năng thực hiện các công việc này sẽ được xã hội tưởng thưởng một cách xứng đáng. Tưởng thưởng là động lực thúc đẩy các các nhân hoặc nhóm cố gắng thực hiện các công việc quan trọng, song cũng chính là nguồn gốc của phân hóa xã hội. Các nhà nhân học thuộc trường phái xung đột cho rằng mọi xã hội đều có xu hướng thay đổi và xung đột và phân hóa xã hội tồn tại bởi vì tầng lớp trên luôn muốn và có khả năng sử dụng tiềm lực kinh tế, quyền lực và địa vị xã hội để bóc lột các tầng lớp dưới.

 

Khi một số người có nhiều của cải họ có điều kiện để vươn lên địa vị cao hơn trong xã hội, và một khi đã có địa vị cao trong xã hội thì lại có điều kiện để tích luỹ của cải nhiều hơn nữa. Như vậy, Phân hóa xã hội có liên quan đến phân tầng xã hội, tới phân bổ và thụ hưởng của các của cải và nguồn lực kinh tế. Phân hóa xã hội có thể được xem xét dưới nhiều dạng thức khác nhau như phân hoá giàu nghèo, phân hóa thu nhập, phân hóa trong tiếp cận cơ hội việc làm, trong tham gia thị trường lao động, . . .

 

b) Mâu thuẫn, xung đột xã hội

Quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin. Theo quy luật này, nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng. Sự tồn tại các mặt đối lập là khách quan và là phổ biến trong thế giới. Do đó mâu thuận xã hội là hiện tượng khách quan luôn tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội.

Nền kinh tế thị trường với đặc trưng chủ yếu là cạnh tranh và vận hành theo quy luật cạnh tranh. Cạnh tranh là chất xúc tác có tác dụng kích thích tính năng động sáng tạo, huy động tối đa tiềm lực trí tuệ của con người, cộng đồng và xã hội, song cũng có thể xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh với bản chất là hành vi trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong quan hệ xã hội. Những thứ cạnh tranh không lành mạnh như chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tính cơ hội và nói chung là thói ích kỷ, sự xấu xa vốn là mặt trái trong bản năng của con người. Cạnh tranh không lành mạnh làm gia tăng phân hóa xã hội, làm nẩy sinh mâu thuẫn xã hội từ đó dẫn đến xung đột xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét: “mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”. Mâu thuẫn và xung đột xã hội cũng từ đây mà ra. Mọi mâu thuẫn xã hội đều có nguồn gốc từ mâu thuẫn giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, tầng lớp, giai cấp, quốc gia mà ra. Theo “Từ điển sơ lược xã hội học”, xung đột xã hội là giai đoạn phát triển cao nhất của mâu thuẫn trong hệ thống các quan hệ giữa con người, các tập đoàn xã hội, các thiết chế xã hội, xã hội nói chung, được đặc trưng bằng sự đẩy mạnh các khuynh hướng và lợi ích đối lập nhau giữa các cộng đồng xã hội và các cá nhân với nhau.

Theo Lý thuyết xung đột, căng thẳng và xung đột nảy sinh khi các nguồn lực, địa vị và quyền lực được phân bổ không đồng đều giữa các nhóm trong xã hội và những xung đột này trở thành động cơ cho sự thay đổi xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lợi ích giai cấp, quyền lợi kinh tế, quyền lợi chính trị là động lực chính của xung đột xã hội. Nhiều mâu thuẫn và xung đột hôm nay còn là sự tích tụ của mâu thuẫn và xung đột trước đây, là kết quả của việc xử lý các mâu thuẫn và xung đột trong quá khứ. Xung đột xã hội là một hiện tượng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử và sẽ còn tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Xung đột xã hội một mặt là hiện tượng khách quan, tất yếu, mặt khác là kết quả của hoạt động có chủ đích của con người. Do đó, vấn đề là phải thấy được quá trình vận động và sự đấu tranh của 2 mặt thiện ác, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai và quan trọng hơn là phải làm cho cái tốt, cái đúng được thắng thế, được phát huy, được đơm hoa kết trái để có thể xử lý được nguồn gốc của xung đột xã hội.

 

2. Thực trạng phân hóa xã hội, mâu thuẫn xã hội, xung đột xã hội trong lĩnh vực lao động việc làm và xã hội, nguyên nhân và các giải pháp xử lý trong thời gian vừa qua  

 

a) Phân hóa trong lao động việc làm

Trong lĩnh vực lao động việc làm, phân hóa xã hội bao trùm nhất là giữa nhóm người có việc làm tốt, ổn định (thường là có HĐLĐ), có thu nhập cao, được đảm bảo an sinh xã hội (tham gia BHXH, BHTN) với nhóm người có việc làm không ổn định, năng suất thấp (thường là không có HĐLĐ), có thu nhập thấp, bấp bênh, không được đảm bảo an sinh xã hội (không tham gia BHXH, BHTN). Phân hóa về tình trạng việc làm tất yếu dẫn đến phân hóa về tiền công/thu nhập, về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, về thụ hưởng các chính sách về đào tạo, . . . về tiếp cận các chính sách ASXH (tham gia BHXH, BHTN, thụ hưởng các phúc lợi).

 

Nếu nhìn một cách tổng quát thì có thể thấy tất cả những đặc điểm của sự phân hóa về việc làm nêu trên đều được thể hiện khi so sánh giữa lao động có việc làm chính thức và lao động có việc làm phi chính thức (PCT). Thị trường lao động nước ta phân chia rõ rệt thành 2 khu vực, khu vực chính thức và khu vực phi chính thức với sự dịch chuyển lao động giữa 2 khu vực này hết sức hạn chế. Năm 2020, số lượng lao động PCT nói chung (bao gồm cả trong các hộ NLNN) là 37.7 triệu người chiếm 70% số người đang làm việc của cả nước. Đặc điểm của lao động PCT là trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) thấp. Hơn 69% lao động không có CMKT có việc làm phi chính thức. Quá trình kết nối giữa thị trường lao động chính thức và thị trường lao động PCT là rất khó khăn và gặp nhiều rào cản. Rất ít lao động PCT tìm kiếm được cơ hội việc làm trong khu vực chính thức do hàng loạt các bất cập cả về thể chế, chính sách và cả năng lực của lao động PCT. Theo ILO[2], chỉ có khoảng 4,1% lao động PCT có thể tìm được việc làm trong khu vực chính thức. Riêng đối với lao động có trình độ tiểu học chỉ là 2,8% và đối với lao động có trình độ dưới tiểu học chỉ là 1,3%. Điều này có nghĩa là hầu hết lao động PCT vẫn sẽ tiếp tục làm các công việc PCT và rất khó thoát khỏi “vùng việc làm PCT”. Tính đến hết năm 2020, Số người tham gia BHXH là 16,2 triệu người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (đối với lao động PCT) đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Không chỉ là sự phân mảng về thị trường lao động chính thức và phi chính thức, sự phân hóa giữa lao động có việc làm chính thức và lao động có việc làm phi chính thức còn thể hiện trên một số điểm sau đây:

 

Về đảm bảo quyền của người lao động

Do không có hợp đồng lao động hay chỉ có hợp đồng lao động vụ việc, hợp đồng bằng lời nói nên các quyền về lao động và quyền về an sinh xã hội, đặc biệt là tham gia BHXH của lao động PCT thường không được đảm bảo. Do thường không tham gia các tổ chức công đoàn, các hiệp hội, thiếu vắng các thiết chế thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động, cho nên nếu xẩy ra tranh chấp lao động thì thua thiệt sẽ thuộc về lao động PCT. Trong khi đó hệ thống quản lý nhà nước về lao động, đặc biệt là thanh tra lao động thì gần như chưa vươn tới khu vực PCT và lao động PCT.

 

- Về tiền lương, thu nhập và phúc lợi

Tiền lương thấp và thu nhập thấp là hiện tượng phổ biến của lao động PCT và điều này có liên quan trực tiếp đến năng suất lao động và hiệu quả SXKD trong các cơ sở PCT. Tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm[3]. Tiền lương và thu nhập của lao động phi chính thức chỉ bằng 60-74% thu nhập bình quân của lao động chính thức[4]. Năm 2020, Thu nhập bình quân của lao động PCT là 5,6 Triệu đồng/tháng, so với 6,62 triệu đồng/tháng của tất cả lao động làm công hưởng lương[5] (TCTK, 2020). Không chỉ nhận tiền lương thấp, nhiều lao động PCT không được hưởng các chế độ phúc lợi khác. Kết quả khảo sát lao động PCT của Viện Khoa học Lao động và Xã hội năm 2017 cho thấy chỉ 19,4% được nghỉ phép, nghỉ lễ có lương; 19,4% được trang cấp các phương tiện bảo hộ lao động và 62,9% lao động PCT được thưởng lễ, tết, nhưng chỉ là các khoản tiền nhỏ, mang tính tượng trưng và không có thỏa thuận trước với chủ sử dụng lao động. Tiền lương và thu nhập thấp là trở ngại đầu tiên đối với việc tham gia BHXH tự nguyện, cho việc đầu tư cho giáo dục đào tạo và nâng cao tay nghề. Thực tế, lao động nghèo chủ yếu thuộc nhóm lao động phi chính thức.

 

 

- Về an toàn vệ sinh lao động

Đặc điểm chung của các cơ sở sản xuất PCT là quy mô nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà xưởng chật hẹp, công nghệ máy móc đơn giản, lạc hậu, . . Trong khi đó, công tác bảo hộ lao động, trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân không được cọi trọng, ý thức về an toàn vệ sinh lao động của cả người sử dụng lao động và người lao động chưa cao, công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động chưa được quan tâm đúng mức. 

 

- Về đào tạo và phát triển kỹ năng

Các cơ sở PCT do thiếu năng lực về vốn, công nghệ, thiếu năng lực quản lý hiện đại, rất khó tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỹ năng cao. Trong khi đó, người lao động PCT, do những khó khăn về cuộc sống và hạn chế về tài chính, rất khó đầu tư để nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề. Các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, mặc dù đã rất được quan tâm, song không thể đáp ứng được nhu cầu của hàng chục triệu lao động PCT.

 

- Về tiếp cận chính sách và các dịch vụ xã hội

Trong thực tế, lao động PCT gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận chính sách việc làm, vay vốn tín dụng, đào tạo và an sinh xã hội. Thông thường để thụ hưởng các chính sách người lao động PCT cần thỏa mãn nhiều điều kiện như có hộ khẩu thường trú, phải thuộc một trong các nhóm ưu tiên (như hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, .. .), phải có dự án khả thi để được vay vốn, … Quy trình xác định đối tượng thụ hưởng, các thủ tục nhận vốn vay, trợ giúp xã hội rất phức tạp, phải chờ đợi lâu. Một trong những lý do là trong xây dựng chính sách đã bỏ qua hoặc chưa dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tế hoặc tiếng nói của lao động PCT.

 

Trong tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở, trợ giúp xã hội đối với lao động PCT nói chung, lao động di cư nói riêng còn gặp không ít rào cản do các quy định về quản lý hành chính, yêu cầu về hộ khẩu, cũng như khả năng về tài chính của bản thân lao động PCT. Lao động PCT càng rất khó tiếp cận với các dịch vụ giáo dục đào tạo và dịch vụ y tế, nhà ở chất lượng cao. Tại nhiều địa phương lao động di cư phải sử dụng điện nước với mức giá cao hơn người dân địa phương, họ cũng gặp khó khăn trong sử dụng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là tiếp cận các cơ sở giáo dục đào tạo công lập[6].

 

Đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình về tính dễ bị tổn thương của nhóm lao động yếu thế như lao động phổ thông, lao động di cư, lao động nữ, lao động PCT. Giãn cách xã hội là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, biện pháp này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và sinh kế của đa số người dân, đặc biệt là lao động yếu thế. Theo TCTK, quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thu nhập bình quân thực tế của người lao động trong quý III năm 2021 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước[7]. Những người làm việc trong khu vực chính thức có nhiều khả năng được hưởng lợi từ hệ thống an sinh xã hội hoặc các biện pháp hỗ trợ thu nhập từ doanh nghiệp. Ngược lại, lao động phi chính thức hầu như không được hưởng sự bảo trợ của hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi của doanh nghiệp. Lao động PCT là nhóm đối tượng được hưởng sự hỗ trợ từ các gói cứu trợ của Chính phủ ít hơn, sau hơn và khó khăn hơn[8]. Các hộ không được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Chính phủ do không hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ như công nhân xây dựng, lao động lái phà/chèo thuyền, lao động sản xuất dụng cụ đánh bắt cá, thợ cắt tóc... không có tên trong danh sách đối tượng được hưởng gói hỗ trợ tiền mặt ứng phó với COVID-19[9].

 

Sự phân hóa về việc làm có liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau như năng lực cá nhân, cơ hội tiếp cận việc làm, chính sách của nhà nước và các điều kiện khách quan khác như rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.

 (1) Năng lực cá nhân về việc làm nói chung thường liên quan trực tiếp đến cơ hội được tiếp cận giáo dục và đào tạo. Các cá nhân sẽ có năng lực khác nhau tùy thuộc vào việc có được đào tạo, có được trang bị chuyên môn kỹ thuật, có kỹ năng hay không. Cho đến năm 2020, chỉ có 24,1% lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ. Số còn lại gần 76% là lao động chưa qua đào tạo (có bằng cấp chứng chỉ). Những lao động có trình độ thấp, chưa qua đào tạo thường làm các công việc giản đơn, tiền lương/thu nhập thấp.

 

(2) Cơ hội tiếp cận việc làm, mỗi cá nhân có cơ hội tiếp cận việc làm khác nhau và các nghiên cứu thực tiễn cho thấy các yếu tố như năng lực cá nhân ( bao gồm cả bằng cấp), mức độ tiếp cận thông tin về việc làm, điều kiện giao thông, quan hệ xã hội, điều kiện tài chính có ý nghĩa quyết định. Hiện nay, chỉ khoảng 10% số người lao động tìm được việc làm qua hệ thống dịch vụ việc làm công. Đặc biệt, lao động phi chính thức chủ yếu tự tìm việc, qua bạn bè, người thân hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. 

 

(3) Chính sách lao động việc làm và ASXH, trong đó độ bao phủ, chất lượng chính sách và thực thi chính sách có ý nghĩa quyết định. Mặc dù hệ thống luật pháp đã liên tục được hoàn thiện, song các chính sách lao động việc làm và an sinh xã hội chủ yếu tác động đến khu vực chính thức, với lao động khu vực phi chính thức (PCT) nhiều vấn đề quan trọng còn bỏ ngõ hoặc mới áp dụng một phần hoặc hiệu lực hiệu quả còn rất hạn chế như chính sách đào tạo lao động, an toàn vệ sinh lao động, HĐLĐ, tiền lương tối thiểu, tham gia BHXH, BHTN. Ngoài ra, vấn đề thực thi chính sách đang bộc lộ nhiều yếu kém do chất lượng và ý thức của cán bộ, do thiếu nguồn lực, do thiếu thông tin, hệ thống quản lý lạc hậu, . . .

 

(4) Rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng và gần đây là đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc làm của hàng chục triệu lao động và nhóm bị tác động nhiều nhất là nhóm lao động trình độ thấp, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức để chuyển đổi việc làm trong thời đại số hóa.

(còn tiếp)

TS. Đào Quang Vinh 

 Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội

 Bộ Lao động Thương binh &xã hội



[1] Some Principles of Stratification. https://web.ics.purdue.edu/~hoganr/SOC%20602/Spring%202014/Davis%20and%20Moore%201945.pdf

[2] ILO, 2021, Việc làm phi chính thức ở Việt Nam: xu hướng và các yếu tố tác động.

[3] TCTK, 2018, Báo cáo lao động phi chính thức 2016.

[4] Viên KHLĐXH, 2017, báo cáo khảo sát lao động phi chính thức.

[5] TCTK, báo cáo kinh tế xã hội quý 4 và cả năm 2020

[6] Viện KHLĐXH, 2018, lao động di cư nội địa Việt Nam: bằng chứng từ nghiên cứu tại Hà Nội và Bình Dương

[7] WB, 2021, Điều tra Tình trạng Kinh doanh trong giai đoạn COVID-19 của Ngân hàng Thế giới năm 2021.

[8] Thủ tục hành chính và quy trình xác định đối tượng thụ hưởng phức tạp; trùng lặp đối tượng thụ hưởng; quy trình nộp hồ sơ đòi hỏi nhiều giấy tờ; thiếu ngân sách; cơ chế giao nhận tiền trợ cấp chủ yếu qua đường bưu điện hoặc trao tay trực tiếp nên gây cản trở đến việc thanh toán trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

[9] Liên Hợp Quốc, 2020, Phân tích của LHQ về tác động xã hội của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết