“Diễn đàn giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng Mác-xít trên thế giới” là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ tình cảm trân trọng đối với C. Mác - nhà tư tưởng vĩ đại của những người cộng sản, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại tiến bộ. Hội thảo để chúng ta nhìn nhận lại đầy đủ hơn sức sống của chủ nghĩa Mác, chia sẻ các kết quả tổng kết nghiên cứu lý luận và vận dụng thực tiễn của các chính đảng Mác-xít trên thế giới.
Đây cũng là dịp chúng ta - những người cộng sản trên thế giới, tiếp tục làm phong phú và phát triển hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác về triết học; chủ nghĩa xã hội khoa học; chính trị học; kinh tế chính trị học; văn hóa học; xã hội học; văn minh sinh thái học; khoa học quan hệ quốc tế… và đồng thời đặt ra vấn đề về “xây dựng đất nước và quản lý đất nước như thế nào”. Đó chính là những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ XXI.
1. Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, trên cơ sở kế thừa thành tựu khoa học của lịch sử tư tưởng nhân loại. Đó là học thuyết vĩ đại về sự giải phóng và phát triển con người. Với hai phát minh khoa học vĩ đại là: quan niệm chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C. Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về CNXH khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.
Hơn 170 năm qua, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nhân loại và chịu sự công kích, chống phá từ nhiều kẻ thù tư tưởng khác nhau, chủ nghĩa Mác vẫn tồn tại, được lịch sử và thực tiễn chứng minh là lý luận của khoa học, vẫn đứng vững và luôn được bổ sung, phát triển bởi những người Mác-xít chân chính, vẫn là vũ khí tư tưởng mạnh mẽ dẫn dắt những người cộng sản tiến bước.
Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn 100 năm qua đã không ngừng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại, qua đó đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đặc biệt từ sau Đại hội XVIII đến nay, tư tưởng Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới đã góp phần tiếp tục khám phá và trả lời các câu hỏi lớn như “chủ nghĩa xã hội là gì và làm thế nào để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “cần xây dựng một Đảng như thế nào và làm thế nào để xây dựng Đảng”, “thực hiện sự phát triển gì và phát triển như thế nào”, đồng thời đặt ra vấn đề “xây dựng đất nước và quản lý đất nước như thế nào”. Đó chính là những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ XXI.
2. Thực tiễn đầy biến động của thế giới từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay đã đặt ra nhiều vấn đề đối với việc vận dụng chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới ở những nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn thế giới và Việt Nam đã chứng minh rằng: lúc nào, ở đâu chủ nghĩa Mác được vận dụng đúng đắn, sáng tạo thì ở nơi đó, lúc đó tiến trình xây dựng CNXH vượt qua được những thách thức để phát triển và tiếp tục đi lên. Ngược lại, ở đâu và lúc nào, chủ nghĩa Mác bị hiểu sai, vận dụng máy móc giáo điều, thì nơi đó gặp nhiều khó khăn, thậm chí thụt lùi, thậm chí thất bại.
Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, với sự sụp đổ của mô hình XHCN hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, trong khi nhiều nước từ bỏ con đường XHCN; Việt Nam, Trung Quốc, Cu-ba, Lào và Triều Tiên kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa và khẳng định sự sụp đổ của CNXH ở Đông Âu và sự tan rã của Liên bang Xô viết không phải là sự sụp đổ của “CNXH khoa học”, không phải là sự phá sản của Học thuyết Mác, mà là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể của CNXH hiện thực; theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội[1].
Nhận thức về chủ nghĩa Mác ở Việt Nam cũng còn ý kiến chỉ coi trọng ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng của chủ nghĩa Mác do Mác và Ph.Ăngghen sáng lập đối với cách mạng, không nhận thức được đầy đủ ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng của chủ nghĩa Mác đối với sự phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay; đòi hỏi Đảng và những người làm công tác lý luận của Đảng phải tìm ra một mô hình CNXH phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và xu thế phát triển của lịch sử.
3. Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Qua hơn 36 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, với thực tiễn sinh động của sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt của đất nước, đến nay mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu nhưng Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã hình thành nhận thức tổng quát về CNXH mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng là: một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đây cũng chính là những đặc trưng cơ bản của CNXH mang bản chất Việt Nam, đã được ghi vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, được khẳng định lại trong Cương lĩnh bổ sung, sửa đổi năm 2011. Những đặc trưng đó là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng cũng là sự kế thừa rất căn bản những quan điểm của Mác về xã hội.
Ngày 29-12-2021, Hội thảo lý luận lần thứ mười sáu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề: “Những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình lãnh đạo tìm tòi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước” đã được tổ chức. Đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra năm bài học kinh nghiệm lớn, cũng có thể được coi là năm vấn đề lý luận căn cốt của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Xây dựng và hoàn thiện ba trụ cột của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nắm vững, quán triệt sâu sắc và xử lý tốt 10 mối quan hệ lớn phản ánh những vấn đề mang tính quy luật biện chứng của quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN với những nội dung đầy đủ của nó. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, vận hành đầy đủ theo quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phục vụ nhân dân lao động, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Quan niệm về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một nước kém phát triển, có thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức dưới 100 đô-la Mỹ vào những năm đầu đổi mới, đến cuối năm 2020, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người 2.800 USD/người. Mục tiêu Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam xác định:
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD[2].
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
4. Nhờ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng mà Việt Nam trong gần 4 thập kỷ qua đã đạt được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử trên mọi phương diện; vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Như nhiều học giả quốc tế đã nhận xét, Việt Nam đã vận dụng sáng tạo và thành công chủ nghĩa Mác trong điều kiện đầy biến động của thế giới những năm đầu thế kỷ XXI.
C.Mác đã rời xa chúng ta nhưng tư tưởng của Ông vẫn còn sống mãi cùng nhân loại, bởi bản chất khoa học, cách mạng, phát triển và nhân văn của tư tưởng đó vẫn hoàn toàn đúng đắn. Nhiều giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác mang sức sống trường tồn vẫn tiếp tục tỏa sáng, như: phương pháp biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết phát triển, chủ nghĩa nhân văn vì con người, học thuyết về chủ nghĩa xã hội, v.v. Thành tựu xây dựng CNXH tại Việt Nam và CNXH đặc sắc Trung Quốc, sự kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Cuba hay CHDCND Lào là minh chứng hùng hồn cho sức sống và giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác.
Thực tiễn cho thấy: sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, chủ nghĩa Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ nghĩa Mác không chỉ là “công cụ nhận thức vĩ đại”, là khoa học hoàn chỉnh, chặt chẽ chấm dứt sự tùy tiện, sự lộn xộn trong các quan niệm về lịch sử và chính trị, mà còn là phương pháp cải tạo thế giới sâu sắc và triệt để.
Thay lời kết: Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, không một tư tưởng nào, học thuyết nào về lịch sử có thể sánh kịp với chủ nghĩa Mác về phương diện khoa học và cách mạng. V.I.Lênin nêu rõ: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác”[3]. Về chủ nghĩa Mác, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ ra: “Thực tiễn cũng chứng minh, cho dù thời đại có biến đổi thế nào, khoa học tiến bộ ra sao, chủ nghĩa Mác vẫn luôn thể hiện sức mạnh to lớn của tư tưởng khoa học, vẫn chiếm một vị thế cao trong chân lý và đạo đức”. Diễn đàn giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với các chính đảng Mác-xít trên thế giới ngày hôm nay chứng minh điều đó bằng thực tiễn sinh động của các nước XHCN, đồng thời góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác./.
Tham luận của Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành,
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương
tại “Diễn đàn giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với các chính đảng Mác-xít trên thế giới”
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 69
[2] Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.
[3] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mác xơ cơ va 1980, t.23, tr.50.