Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động giáo dục: Tiếp cận từ quan điểm thế tục và xã hội hóa giáo dục

Ngày phát hành: 08/11/2018 Lượt xem 4927

1. Tôn giáo và tính thế tục trong xã hội hiện đại

Trong chiều dài lịch sử loài người, tôn giáo, tín ngưỡng đã gắn bó lâu đời với các định chế trong xã hội. Cứu cánh của tôn giáo từ khởi thủy nhằm hướng con người đến với các giá trị của chân, thiện, mỹ. Nhưng trong quá trình phát triển của đời sống xã hội, các nhà chính trị đã tìm thấy ở tôn giáo phương tiện để có thể quản lý đời sống tinh thần của người dân. Do đó, một kỷ nguyên dài trong lịch sử loài người, nhà nước và tôn giáo đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Thần quyền và thế quyền đã cộng sinh một cách mật thiết và lâu dài. Tuy nhiên, dưới sự phát triển của các nguyên tắc nhân quyền và dân quyền trong thời kì Khai minh ở châu Âu thế kỷ XVII - XVIII, các trào lưu vận động tự do tôn giáo, xóa bỏ mối liên hệ giữa nhà nước và tôn giáo đã ra đời. Các nhà triết học của kỷ nguyên này đã vận động xã hội thoát khỏi sự ràng buộc của Giáo hội, ủng hộ khoan dung tôn giáo như John Locke (A Letter Concerning Toleration – 1689), John Stuart Mill (On Liberty – 1859). Hai cuộc cách mạng của Mỹ và Pháp trong thế kỷ XVIII với hai bản tuyên ngôn nổi tiếng về quyền con người, quyền công dân được xem là những cột mốc quan trọng cho sự ra đời của chủ nghĩa thế tục[1]. Người đầu tiên đưa ra khái niệm chủ nghĩa thế tục (secularism) là nhà văn người Anh George Jacob Holyoake (1846): chủ nghĩa thế tục tuyên bố rằng tôn giáo chỉ thuần túy là việc riêng tư, phủ nhận quyền của bất kỳ loại nhà thờ nào liên quan đến đời sống công cộng của một quốc gia và đề xuất thay thế ảnh hưởng chính thức mà các thể chế tôn giáo được thực hiện[2]. Nguyên lý của chủ nghĩa thế tục gồm 2 nguyên tắc cơ bản là quyền tự do tôn giáo được thể chế hóa và đảm bảo sự tự do về tư tưởng, ý thức và lương tâm[3]. Cùng với việc xóa bỏ sự cản trở của chế độ phong kiến, các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây đã mong muốn phá vỡ mô hình tôn giáo đứng trên nhà nước. Sự vận động này đã đưa đến việc ra đời của mô hình nhà nước thế tục. Mô hình nhà nước thế tục là sự biểu hiện của tiến trình dân chủ hóa, hiện đại hóa nền chính trị, xóa bỏ những sự ràng buộc với tôn giáo. Một điển hình trong việc xây dựng nhà nước thế tục chính nước Pháp. Những nguyên tắc thế tục của nước Pháp đã được đặt ra từ cuộc cách mạng năm 1789 với bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền và các sắc lệnh được ban hành trong những năm 1789-1791. Cuộc cách mạng Pháp đã xác định các quyền dân sự cho sự bình đẳng về tôn giáo, đặc biệt là đối với người theo Tin Lành, Do Thái và những người không theo Công giáo. Bản Hiến pháp dân sự đầu tiên sau cách mạng Pháp năm 1790 đã đặt giới tăng lữ dưới sự giám sát của luật pháp. Các giáo phận được chia lại theo phạm vị hành chính địa phương và nhà nước sẽ trả lương cho các giáo sĩ. Năm 1791, các tín đồ Do Thái được chấp nhận tư cách công dân. Các đạo luật năm 1792 đã chính thức đòi quyền quản lý nhà nước dân sự từ Giáo hội[4]. Quá trình “thế tục hóa” của nước Pháp tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian dài tiếp theo để dần đạt đến nền Cộng hòa thế tục. Năm 1801, Napoleon ký kết với Giáo hội La Mã hiệp ước Concordat công nhận Cơ đốc giáo là một “tôn giáo của đa số dân Pháp”[5]. Và nhà nước của Napoleon sẽ bổ nhiệm giám mục, trả lương cho giáo sĩ, hỗ trợ cơ sở vật chất của nhà thờ. Hy vọng trở lại vị thế trước cách mạng 1789 của Giáo hội Pháp bị sụp đổ cùng với đế chế của Napoleon đệ III (1871). Năm 1879, phe cấp tiến lên cầm quyền đẩy mạnh tiến trình thế tục hóa, đoạn tuyệt về ý thức hệ đối với Nhà thờ. Jules Ferry, chính khách nổi tiếng của Đệ Tam Cộng hòa Pháp đã thúc đẩy nền giáo dục miễn phí, bắt buộc và vô tư đối với mọi tôn giáo. Đặc biệt là việc ban hành đạo Luật Phân ly vào năm 1905 (Loi de concernant la Séparation des Églises et de l’État), tôn giáo được tách ra khỏi nhà nước và được xem là một lĩnh vực tư. Đạo luật đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản về việc phân ly tôn giáo của nhà nước cộng hòa thế tục:

- Tách tôn giáo ra khỏi các thiết chế cấu trúc nên xã hội.

- Tôn giáo chỉ còn mang tính cá nhân của mỗi người.

- Quyền tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng là quyền lợi tư do cơ bản của mỗi công dân[6].

Tính thế tục của nước Pháp càng được củng cố qua các bản Hiến pháp năm 1946 và 1958. Điều đầu tiên của bản Hiến pháp 1958 đã khẳng định: “Nước Pháp là một chính thể Cộng hòa không thể phân chia, có tính thế tục, dân chủ và xã hội. Nó đảm báo tính bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc và tôn giáo. Nó tôn trọng tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng”[7]. Do những vấn đề mang tính lịch sử, nước Pháp là một trong những           quốc gia đoạn tuyệt mạnh mẽ nhất với tôn giáo để xây dựng một nhà nước thế tục. Đối với Pháp, nhà trường là nơi không có thể có những mối liên quan nào đối với tôn giáo từ việc thực hành tín ngưỡng đến các biểu tượng của tôn giáo. Sự cứng rắn này của tinh thần thế tục Pháp đã vấp phải sự cố “chiếc khăn choàng” của Islam. Chủ nghĩa thế tục Pháp giờ đây không chỉ đối diện với di sản của một thời kì lịch sử Giáo hội tham gia vào điều hành nhà nước mà còn đối diện với sự tự do tôn giáo của các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong lòng xã hội Pháp. Tính thế tục cố hữu của Pháp đã va phải quyền tự do tôn giáo, thực hành tín ngưỡng của mỗi công dân trong xã hội Pháp hiện đại: đa dân tộc, đa tôn giáo. Chiếc khăn choàng của phụ nữ Islam đã trở thành sự thử thách của chủ nghĩa thế tục Pháp trong xã hội hiện đại. Năm 1989, vụ khăn trùm đầu tiên xảy ra ở Creil và kéo dài gần một thập niên. Cuộc tranh luận tạm thời khép lại khi đạo luật ngày 15/03/2004 về việc áp dụng nguyên tắc tính thế tục đối với cách đeo các dấu hiệu hoặc cách ăn mặc bộc lộ rõ sự theo tôn giáo trong các trường tiểu học và trung học công lập. Dù hết sức nghiêm ngặt trong việc đảm bảo nguyên tắc thế tục nhưng hệ thống giáo dục của các trường tư thục Công giáo ở Pháp vẫn được phép tồn tại với chương trình giáo dục tuân theo những quy định của nhà nước[8].

          Hiện nay, mô hình chủ nghĩa thế tục trên thế giới có thể chia thành 4 loại:

- Mô hình tôn giáo dân tộc (ethno-religion). Mô hình này được đặc trưng bởi một nhà nước thế tục nhưng vẫn dựa vào một tôn giáo đóng vai trò chủ lưu, làm nền tảng tinh thần cho dân tộc, được viện dẫn như bản sắc dân tộc. Điển hình như các nước ở Bắc Âu (Tin Lành), Tây Âu (Cơ Đốc giáo), Nga (Chính thống giáo), Thái Lan (Phật giáo)…[9]

- Mô hình tôn giáo dân sự (religion civile). Lý thuyết của mô hình này xuất phát từ quan điểm khế ước xã hội của Rousseau. Quan điểm này bùng nổ ở nước Pháp nhưng lại trở thành nên tảng tinh thần của nước Mỹ bên kia Đại Tây Dương. Tôn giáo dân sự là “toàn bộ các tôn giáo tính ngưỡng, nghi lễ thờ cúng và biểu tượng liên kết vai trò của con người với tư cách là công dân và địa lý của người đó trong xã hội, trong thời gian và lịch sử, với ý nghĩa tột cùng của sinh tồn”[10]. Mô hình tôn giáo dân sự của Mỹ được xây dựng dựa trên việc tôn xưng một hình tượng Thượng đế chung cho mọi công dân Mỹ. Khẩu hiệu tinh thần của nước Mỹ được thay đổi từ “E pluribus Unum” (Nhiều người trở thành một) thành “In God, we trust” (Chúng ta tin ở Thượng đế). Hình tượng các đời Tổng thống Mỹ đặt tay tuyên thệ lên Kinh thánh gấp lại chính là tuyên thệ với sự trường tồn của nước Mỹ dưới sự trị vì của Thượng đế. Dù công dân của Mỹ có là Tin Lành, Cơ Đốc hay Islam đều cùng chung một Thượng đế[11]. Nước Mỹ đã kết hợp một cách tài tình giữa tôn giáo và chính trị để hình thành nên một dân tộc Mỹ, dẫu đức tin có khác nhau nhưng cùng chung một Thượng đế. Về cơ bản, tính thế tục chỉ có thể chia tách tôn giáo và Hiến pháp Mỹ nhưng không tách rời tôn giáo và đời sống chính trị Mỹ.

- Mô hình ưu tiên cho sự đa dạng (pluralism religieux) dành cho những mà thể chế đi liền với việc xác định các tôn giáo được thừa nhận[12].

- Mô hình nhà nước thế tục triệt để (L’Etat Laique) là những nước thực hiện nguyên tắc thế tục một cách tuyệt đối. Pháp là một trung những quốc gia điển hình cho mô hình này.

Từ những mô hình nhà nước thế tục trên thế giới, chúng ta có thể thấy xu thế thế tục hóa, tách tôn giáo khỏi các thiết chế chính trị công cộng là một khuynh hướng tất yếu. Tôn giáo, tín ngưỡng được đẩy lùi về các sinh hoạt mang tính riêng tư của cá nhân hoặc công đồng. Trong đó, vấn đề về một nền giáo dục thế tục là một trong những nguyên tắc hết sức cơ bản của nhà nước thế tục để đảm bảo sự công bằng và tự do tôn giáo giữa các công dân.

 

 

2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề tôn giáo và tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục

Một điều không thể phủ nhận là trong xã hội hiện đại, tôn giáo vẫn còn giữ một vai trò nhất định, không thể xóa bỏ. Do đó, tùy vào từng điều kiện cụ thể của các quốc gia, mỗi nước lại sẽ đối diện với các vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng theo một cách riêng. Từ năm 1945 đến nay, nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam.Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo đã được thể hiện rất rõ trong việc kêu gọi đoàn kết lương giáo cùng giải phóng dân tộc. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định lực lượng của Mặt trận Việt Minh là sự tập hợp của khối đoàn kết toàn dân: “Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu nghèo.”[13]. Kế thừa quan điểm này trong quá trình xây dựng nền tảng của một nhà nước pháp quyền, các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều xác định rất rõ các vấn đề về tự do tôn giáo và tính thế tục của nhà nước. Hiến pháp năm 1946 đã xác định “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”[14] (Điều 1) và “Công dân Việt Nam có quyền:…tự do tín ngưỡng”[15].

Về vấn đề tham gia công tác giáo dục của tổ chức tôn giáo, sắc lệnh số 223-SL ngày 14/6/1955 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở điều 9 như sau: “Các tôn giáo được phép tổ chức mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học”[16]. Thông tư số 593/TTG ngày 10/12/1957 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định chặt chẽ thêm việc quản lý các hoạt động trường lớp của tổ chức tôn giáo. Thông tư không chỉ tiếp tục thể hiện rõ sự ủng hộ của Nhà nước đối với việc tham gia của tổ chức tôn giáo vào hệ thống giáo dục quốc dân còn có độ “mở” với việc giáo dục chuyên môn của các tôn giáo: “đối với các hình thức trường hạ của Phật giáo, cấm phòng linh mục, tu sĩ của Thiên chúa giáo, Đại hội đồng của Tin Lành giáo, v.v... thì không phải xin phép trước, nhưng phải báo trước”[17].

Sau thời kì Đổi mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 đã khẳng định vai trò của tôn giáo trong thời kì mới: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” [18]. Nghị quyết này đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 59-HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về các hoạt động tôn giáo. Đến năm 2003, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Đảng đã xác định quan điểm cơ bản về vấn đề các tổ chức tôn giáo tham gia vào hoạt động giáo dục như sau: “Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… của Nhà nước, theo nguyên tắc:

  - Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước, thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật.

          - Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”[19].

    Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 là cơ sở để Quốc hội ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18/6/2004, pháp lệnh đầu tiên về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành. Pháp lệnh cũng “khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật”[20].

          Song song với chủ trương về việc khuyến khích các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng tham gia hoạt động giáo dục, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục. Từ Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã chủ trương đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong đó có lĩnh vực giáo dục: “Cụ thể hoá và thể chế hoá chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá sự nghiệp giáo dục đào tạo, trước hết là về đầu tư phát triển và bảo đảm kinh phí hoạt động. Ngoài việc ngân sách dành một tỉ lệ thích đáng cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, cần thu hút thêm các nguồn đầu tư từ các cộng đồng, các thành phần kinh tế, các giới kinh doanh trong và ngoài nước đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư cho giáo dục đào tạo.”[21]. Cụ thể tinh thần của Nghị quyết Đại hội VII, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2004, Chính phủ đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 90 và Nghị định 73 và quyết định ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hoá trong các lĩnh vực nói trên để thống nhất hơn nữa về nhận thức và chủ trương, có cơ chế, chính sách cụ thể, có giải pháp và bước đi thích hợp đến năm 2010. Nghị quyết nêu rõ “huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục – đào tạo. Tăng cường quan hệ của nhà trường với gia đình và xã hội; huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn ngành, toàn xã hội vào việc đổi mới nội dung, chương trình, thực hiện giáo dục toàn diện.”[22].

          Như vậy chúng ta có thể thấy, kể từ khi giành lại độc lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân trong mô hình nhà nước thế tục. Các tôn giáo đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, được quyền hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Trong đó vấn đề tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, có những thời điểm chúng ta tiếp tục duy trì các cơ sở giáo dục của tôn giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng cũng có thời kì hệ thống giáo dục quốc dân chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm. Từ sau Đổi mới đến nay, cùng với việc xác lập giáo dục đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện xã hội hóa trong hoạt động giáo dục và đào tạo, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trước những chủ trương của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và xã hội hóa giáo dục, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng đã ngày càng tham gia mạnh mẽ vào quá trình xã hội hóa giáo dục và đào tạo và dạy nghề.   

    3. Nguồn lực tôn giáo tham gia xã hội hóa giáo dục: thực tiễn và kiến nghị

    Pháp lệnh Tôn giáo ra đời năm 2004 đã cho phép các cơ sở tôn giáo “tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật”[23]. Pháp lệnh đầu tiên về tín ngưỡng, tôn giáo đã cho phép các cơ sở tôn giáo tham gia vào hoạt động giáo dục mầm non và các hoạt động nuôi dưỡng trẻ khuyết tật và mồ côi. Cùng với đó, năm 2005, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP xã hội hóa giáo dục của Chính phủ là một bước biến chuyển hết sức quan trọng trong việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ (2015) đã cho biết các cơ sở tôn giáo đã thành lập hơn 300 cơ sở giáo dục mẫu giáo với hơn 100 điểm trường[24].

  Bên cạnh đó, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đã tạo điều kiện cho các trường đào tạo nghề của các tổ chức tôn giáo ra đời. Ngày 09/6/2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định (1800/QĐ-UBND) thành lập trường trung cấp nghề Hòa Bình thuộc Tòa Giám Mục Xuân Lộc do Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas giáo phận điều hành và quản lý. Đây là cơ sở nghề đầu tiên của tổ chức tôn giáo được cấp phép đào tạo. Sau một thời gian xây dựng, đến năm 2012, Trường chính thức đi vào hoạt động với 5 ngành nghề mộc, may công nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp. Từ trường nghề đầu tiên ở Xuân Lộc, tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã cho biết tính đến năm 2017, cả nước có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo (0,6% cả nước), bao gồm: 2 trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn[25].

  Với những kết quả như trên, các cơ sở tôn giáo thể hiện rõ vai trò của mình khi được phép tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Từ thực tế đó, việc mở rộng chủ trương để các tổ chức tôn giáo tham gia vào hoạt động giáo dục là hết sức cần thiết. Hiến pháp 2013 đã thể hiện rất rõ sự đổi mới về tư duy và kỹ thuật lập pháp, từ chỗ công dân làm theo những gì luật định sang trạng thái công dân được phép làm những gì luật không cấm. Hiến pháp đã dành hẳn Chương II để nói về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 24 của Hiến pháp đề cập đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và điều 33 công dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm là những nền tảng pháp lý cơ bản cho việc phát huy vai trò của tôn giáo trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề[26]. Do đó, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 đã chính thức quy định các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng “được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan” (Điều 55)[27]. Có thể nói, đến bộ luật này, việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào hệ thống giáo dục đã được khẳng định mạnh mẽ không còn dừng lại ở mức độ “khuyến khích” như các văn bản về tín ngưỡng tôn giáo trước đó được ban hành.  Với tinh thần đó, ngày 19/7/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký quyết định nâng cấp Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trên cơ sở Trường Trung cấp nghề Hòa Bình thuộc Ban Bác ái Xã hội – Caritas của Giáo phận Xuân Lộc điều hành[28].

 Từ thực tiễn thực hiện các nghị quyết xã hội hóa giáo dục của Chính phủ và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và nay là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, chúng ta đã thấy được tiềm năng hết sức to lớn của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong việc tham gia quá trình xã hội hóa giáo dục. Để tiếp tục có thể phát huy nguồn lực của tôn giáo trong quá trình xã hội hóa giáo dục, cần tiếp tục đổi mới về những vấn đề trong chính sách quản lý các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng tham gia lĩnh vực này, cụ thể:

 Một là, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý đảm bảo sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào hoạt động giáo dục một cách công khai và bình đẳng như các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội. Dù Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã thể hiện chủ trương cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia vào hoạt động giáo dục như các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội nhưng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vẫn chưa cụ thể hóa điều này. Đây sẽ là một bất cập trong quá trình hướng dẫn và cấp phép cho các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề của các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng.

Hai là cần thực hiện nhất quán, xuyên suốt và triệt để nguyên tắc thế tục trong quá trình hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng khi tham gia vào hệ thống giáo dục quốc dân. Một vấn đề cần xác định rõ chủ trương xã hội hóa giáo dục chỉ nhằm mục đích phát huy nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong xã hội để đầu tư cho hệ thống giáo dục. Các cơ sở giáo dục cần thực hiện chương trình giảng dạy, đào tạo theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng thời, các cơ sở này cần đảm bảo tính thế tục của một cơ sở giáo dục trong suốt quá trình hoạt động. Các văn bản quy định về trường lớp của các tổ chức tôn giáo như Sắc lệnh số 234/SL (14/6/1955) và thông tư 593/TTG (10/12/1957) của Nhả nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là các văn bản thể hiện rất rõ quan điểm tính thế tục của các cơ sở giáo dục tôn giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được nghiên cứu để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong vấn đề này.  

Ba là các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề của tôn giáo cần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người học và người dạy.  Các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề có thể do những người đại diện các tổ chức tôn giáo đứng ra điều hành, quản lý nhưng phải đảm bảo sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người tham gia vào hội đồng sư phạm và của người học như các cơ sở giáo dục công lập, tư thục khác. Các biểu tượng và các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể xuất hiện với tư cách cá nhân, không mang tính công cộng.

Theo báo cáo của Chính phủ, 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có khoảng 24,3 triệu tín đồ, gần 83.000 chức sắc tôn giáo. Tính đến năm 2017, cả nước có 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động với 27.900 cơ sở thờ tự[29]. Bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là vô cùng phong phú và đa dạng. Và đây cũng là một nguồn lực vô cùng to lớn cần được phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Cùng với tính chất thế tục và sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được xác định ngay từ những ngày đầu tiên hình thành nền tảng lập pháp của Nhà nước, việc tạo điều kiện cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tham gia vào hệ thống giáo dục quốc dân là một việc làm cần thiết trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đào tạo hiện nay. Với tinh thần “đạo đời hợp nhất”, tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình với quá trình phát triển của dân tộc, của đất nước. Việc khơi thông dòng chảy của nguồn lực tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề hiện nay không chỉ là việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, đồng hành cùa dân tộc của các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay./.

 

GS.TS. Võ Văn Sen*– Võ Phúc Toàn**

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Barry A.Kosmin (2007), “Contemporary Secularity and Secularism”, Secularism & Secularity: Contemporary International Perspectives,Published by  Institute for the Study of Secularism in society and Culture.
  2. Ban Tôn giáo Chính phủ (6/2015), Báo cáo Tổng kết 08 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
  3. BCH TW Đảng (2003), Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo.
  4. Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955), Sắc lệnh số 223-SL ngày 14 tháng 6 năm 1955 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=2&mode=detail&document_id=1097.
  5. Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.
  6. Nguyễn Hồng Dương (2012), Quan điểm, đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), “Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000”, Văn kiện Đại hội Đảng thời kì Đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị Quốc gia.
  8. George Jacob Holyoake (2013), English Secularism A Confession Of Belief, http://www.gutenberg.org/files/38104/38104-h/38104-h.htm#link2HCH0007,
  9. Đỗ Quang Hưng (2008), “Xây dựng mô hình nhà nước thế tục trong môi trường đa dạng tôn giáo: cái bất biến và cái khả biến – trường hợp Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ III, tiểu ban Văn hóa Việt Nam, Nxb. ĐHQG Hà Nội.
  10. Đỗ Quang Hưng (2014), “Nhà nước pháp quyền và tôn giáo”, tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 (76) – 2014.
  11. Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
  12. Nguyễn Xuân Nghĩa (2003), “Tôn giáo trong thời hiện đại: thế tục hóa hay phi thế tục hóa”, tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2 – 2003.
  13. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (6/2017), Báo cáo thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
  14. Olivier Bobineau – Sébastien Tank-Storpier (2012), Xã hội học tôn giáo, Nxb. Thế giới.
  15. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946), Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=535&Keyword=hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p%201946
  16. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  17. Quốc hội (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
  18. Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1957), Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 593/TTG ngày 10/12/1957 về chủ trương đối với các trường lớp của tôn giáo, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=9&mode=detail&document_id=2430.
  19. Cao Huy Thuần (2017), Tôn giáo và xã hội hiện đại: Biến chuyển của lòng tin ở phương Tây, Nxb. Hồng Đức.
  20. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2004), Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11, ngày 18 tháng 6 năm 2004.
  21. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2004), Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11, về Tín ngưỡng, tôn giáo.
  22. http://laodongxahoi.net/phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton-ton-giao-tham-gia-hoat-dong-bao-tro-xa-hoi-va-day-nghe-1305947.html
  23. https://cdhoabinhxuanloc.edu.vn


* Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.

** Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.

[1]Barry A.Kosmin (2007), “Contemporary Secularity and Secularism”, Secularism & Secularity: Contemporary International PerspectivesPublished by  Institute for the Study of Secularism in society and Culture, p.2.

[2]  George Jacob Holyoake (2013), English Secularism A Confession Of Belief, http://www.gutenberg.org/files/38104/38104-h/38104-h.htm#link2HCH0007,

[3] Đỗ Quang Hưng (2014), “Nhà nước pháp quyền và tôn giáo”, tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 (76) – 2014, tr.54.

[4] Olivier Bobineau – Sébastien Tank-Storpier (2012), Xã hội học tôn giáo, Nxb. Thế giới, tr. 55.

[5] Cao Huy Thuần (2017), Tôn giáo và xã hội hiện đại: Biến chuyển của lòng tin ở phương Tây, Nxb. Hồng Đức, tr.33.

[6] Olivier Bobineau – Sébastien Tank-Storpier (2012), sđd, tr.57.

[7] Olivier Bobineau – Sébastien Tank-Storpier (2012), sđd, tr.58.

[8] Nguyễn Xuân Nghĩa (2003), “Tôn giáo trong thời hiện đại: thế tục hóa hay phi thế tục hóa”, tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2 – 2003,  tr.28

[9] Đỗ Quang Hưng (2008), “Xây dựng mô hình nhà nước thế tục trong môi trường đa dạng tôn giáo: cái bất biến và cái khả biến – trường hợp Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ III, tiểu ban Văn hóa Việt Nam, Nxb. ĐHQG Hà Nội, tr. 134.

[10] Olivier Bobineau – Sébastien Tank-Storpier (2012), sđd, tr.65.

[11] Xem thêm Cao Huy Thuần (2017), sđd, tr. 41.

[12] Đỗ Quang Hưng (2008), tlđd, tr.134.

[13] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.595.

[14] Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946), Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=535&Keyword=hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p%201946

[15] Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946), Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=535&Keyword=hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p%201946

[16] Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955), Sắc lệnh số 223-SL ngày 14 tháng 6 năm 1955 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=2&mode=detail&document_id=1097tr.2.

[17] Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1957), Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 593/TTG ngày 10/12/1957 về chủ trương đối với các trường lớp của tôn giáo, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=9&mode=detail&document_id=2430, tr.1.

[18] Nguyễn Hồng Dương (2012), Quan điểm, đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.22.

[19] BCH TW Đảng (2003), Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, tr.5-6.

[20] Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2004), Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11, ngày 18 tháng 6 năm 2004, tr.9.

[21] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), “Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000”, Văn kiện Đại hội Đảng thời kì Đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.415.

[22] Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, tr.4.

[23] Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2004), Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 về Tín ngưỡng, tôn giáo, tr.9.

[24] Ban Tôn giáo Chính phủ (6/2015), Báo cáo Tổng kết 08 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. tr.6.

[26] Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tr.6 và tr.8

[27]Quốc hội (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tr.27

[28] https://cdhoabinhxuanloc.edu.vn/bai-viet/gioi-thieu-truong-cao-dang-hoa-binh-xuan-loc-114

[29] Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (6/2017), Báo cáo thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, tr.44-45.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết