Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Phát huy vai trò của trí thức quân đội, quan điểm, kết quả và định hướng phát triển

Ngày phát hành: 26/10/2022 Lượt xem 1164

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963. (ảnh tư liệu)

 

Trí thức quân đội là những quân nhân lao động trí óc, có chức danh sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn gắn chặt với hoạt động quân sự, quốc phòng; có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng truyền thụ, giáo dục, đào tạo, tích lũy và làm giàu tri thức, tạo ra sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trí thức quân đội là tài sản, “vốn liếng” đặc biệt quý báu của quân đội và quốc gia; có khả năng vừa cầm bút sáng tạo khoa học, vừa sẵn sàng cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trí thức quân đội là nguồn lực quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trí thức quân đội còn là nguồn dự trữ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của các đơn vị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, công tác trong toàn quân. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X khẳng định: “Ðội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”[1].

Trong gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, đội ngũ trí thức quân đội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt vai trò sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, huấn luyện, giáo dục và đào tạo; xây dựng nhà trường quân đội chính quy, hiện đại; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cùng toàn quân lập nên những chiến công to lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, trí thức quân đội là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, “tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[2], góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước, phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

 

Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn khẳng định: Trí thức quân đội là một bộ phận không thể tách rời của trí thức Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Hơn lúc nào hết, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức quân đội đã trở thành vấn đề cấp thiết, một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Trong các giai đoạn khác nhau của cách mạng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức quân đội cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu, thành phần với nhiều chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức quân đội nghiên cứu, sáng tạo, có nhiều công trình khoa học tầm cỡ, luôn xung kích đi đầu trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, phát minh, sáng chế, thiết kế, chế tạo và sản xuất vũ khí, trang bị quân sự, phục vụ tích cực, hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đưa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội lao động sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thời bình cũng như thời chiến, trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không dao động, ngả nghiêng khi tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp; không để đất nước bị động bất ngờ.

Hiện nay trong toàn quân, số cán bộ có trình độ đại học trở lên gần 90.000 người; trong đó có gần 500 giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, gần 1.500 tiến sĩ và 5.000 thạc sĩ. Nhìn chung, đội ngũ trí thức quân đội được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo cơ bản, đáp ứng tốt các tiêu chí của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, đủ điều kiện để phục quân đội lâu dài. Nhiều trí thức có chức danh, học vị, học hàm, đã trải nghiệm qua thực tiễn chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, công tác, nghiên cứu, giảng dạy; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; gắn bó với quân đội, say mê và tâm huyết với nghề nghiệp; có lý tưởng, lẽ sống cao đẹp, tri thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

Trên lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, trí thức quân đội đã nghiên cứu dự báo chính xác đối tượng, đối tượng tác chiến; các hình thái chiến tranh và đối sách ứng phó của ta; nghệ thuật tác chiến bảo vệ biển, đảo, chống tiến công hỏa lực đường không, đường biển; nghiên cứu, đề xuất, giải quyết các vấn đề “nóng” về khủng bố, bạo loạn, lật đổ, “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”; phát triển về lý luận về xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

 

Nghiên cứu và hoàn thiện lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh công nghệ cao, tác chiến trên môi trường không gian mạng; có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược Quân sự; Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược bảo vệ Biên giới Quốc gia và các bộ luật, pháp lệnh, nghị định, cụ thể là: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ Quân sự; Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh; các pháp lệnh, nghị định khác có liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, trí thức quân đội đã tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, khí tài, đạn dược, nâng cao uy lực, độ chính xác, khả năng cơ động, sức chịu đựng từ thời tiết nóng ẩm, phù hợp với điều kiện mang vác của bộ đội, môi trường và địa bàn tác chiến đặc thù của Việt Nam. Cùng với đó, đã nghiên cứu, giải quyết thành công nhiều đề tài về bảo quản, sửa chữa, nâng cao tính năng, hiệu quả sử dụng, kéo dài tuổi thọ cho nhiều loại vũ khí hiện có. Đồng thời, chủ động nghiên cứu thiết kế, chế tạo và cải tiến một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, sử dụng vũ khí điều khiển từ xa, có độ chính xác và hủy diệt cao. Qua đó, tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm về tổ chức chiến tranh nhân dân; kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự dân tộc và hiện đại, bổ sung, hoàn thiện cách đánh của lực lượng vũ trang 3 thứ quân, phù hợp với tính chất, trình độ của vũ khí mới, chất lượng nguồn nhân lực và cách đánh của bộ đội phòng không, không quân, hải quân và lục quân trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Trí thức quân đội đã làm tốt việc kế thừa, tiếp thu các tinh hoa khoa học, kỹ thuật và công nghệ của nhân loại, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, kỹ thuật và một số công nghệ quân sự mũi nhọn phù hợp với cách đánh của Việt Nam, đó là công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ hàng không, vũ trụ; công nghệ vật liệu chịu nhiệt, chịu mặn, công nghệ sinh học vào hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng đã thành lập Quỹ phát triển khoa học - công nghệ, bảo đảm kinh phí ngành ổn định cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này. Trong đó, đã tổ chức thành công giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo khoa học - công nghệ toàn quân, tạo động lực phát triển tài năng trẻ khoa học, công nghệ quân sự. Cùng với đó, hằng năm Bộ Quốc phòng tạo điều kiện giúp đỡ các tập thể, cá nhân có công trình khoa học tiêu biểu dự xét các giải thưởng khoa học do Nhà nước tổ chức, như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ; Giải thưởng “VIFOTECH”...; làm tốt công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này. Hằng năm, toàn quân đã có hàng trăm tập thể, cá nhân được nhận danh hiệu, bằng khen, giấy khen các cấp về thành tích nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự vào nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, công tác và lao động sản xuất.

 

Trong lĩnh vực y dược quân sự, trí thức quân đội đã nghiên cứu, ứng dụng ghép tạng, phục hồi chấn thương cho bộ đội, xác định các cơ số bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, bơm tiêm tự tiêm, áo phao cá nhân, cáng gấp phục vụ bộ đội Trường Sa, một số loại thuốc kháng sinh…. Trong cấp cứu điều trị bỏng đã phát triển chuyên sâu có phần vượt trội hơn các bệnh viện dân y, tương đương với trình độ các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực. 

 

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự, trí thức quân đội đã tập trung nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề mới về giáo dục, tuyên truyền mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền thống, lịch sử dân tộc. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, mẫu mực. Đề xuất giải pháp tăng cường xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân. Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh; đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch; khắc phục những nhận thức lệch lạc của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị; chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; “phi chính trị hóa” quân đội; bảo vệ chính trị nội bộ; chống lộ, lọt bí mật quốc gia; phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

 

Trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, văn học, nghệ thuật, báo chí xuất bản, trí thức quân đội đã sáng tạo nhiều công trình, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật và nhân văn sâu sắc; làm nổi bật các chủ đề về chiến tranh, quân đội và người lính, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.... Nhiều trí thức quân đội đã đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi “Búa liềm vàng”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng trong quân đội. Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân..

Nhìn chung, trí thức quân đội luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; tự tin, phấn khởi, hăng hái tham gia nghiên cứu khoa học và có cống hiến quan trọng trong tất cả các công trình chiến lược, trọng điểm của quân đội và quốc gia có liên quan đến công tác quân sự, quốc phòng. Bằng bản lĩnh, trí tuệ, trình độ tư duy khoa học, năng lực sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ trí thức quân đội đã có những đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự đã góp phần quan trọng vào việc giảm bớt chi ngân sách quân sự dành cho mua sắm vũ khí từ nước ngoài; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, học tập, nghiên cứu khoa học và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, vũ khí, trang bị và sức khỏe cho bộ đội và nhân dân...

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cũng như mong muốn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cựu chiến binh, đội ngũ trí thức quân đội còn tương đối “mỏng” về lực lượng. Các giá trị mà họ làm nên có mặt còn khiêm tốn; chưa tương xứng với “tiềm năng sáng tạo”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài quân sự và chính sách xây dựng, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức quân đội còn có mặt hạn chế, bất cập, cần phải tìm giải pháp khắc phục. Nếu so với đội ngũ trí thức quốc gia, thì hiện nay, đội ngũ trí thức quân đội còn rất khiêm tốn; độ tuổi trung bình cao; trình độ ngoại ngữ, tin học còn nhiều hạn chế. Đội ngũ trí thức có trình độ tầm cỡ chuyên gia, có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú còn ít... đến tuổi nghỉ là hưu theo Luật Sĩ quan và Luật Công chức. Về cơ cấu, thành phần đội ngũ trí thức quân đội có những mặt còn mất cân đối về ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi, giới tính.... Một bộ phận trí thức quân đội còn hạn chế về vốn sống và kiến thức thực tiễn, nhất là thực tiễn công tác, chiến đấu, chưa trải qua các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, vốn sống, kinh nghiệm, thực tiễn lãnh dạo, chủ huy đơn vị rất còn ít. Bộ phận trí thức quân đội trẻ còn đang ở độ tuổi học tập, tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm; chưa thể gánh vác trọng trách lớn và “khoảng trống” mà lớp cha anh để lại.

 

Ngoài ra, lực lượng trí thức nữ, trí thức làm việc ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biển, đảo; trí thức trong doanh nghiệp quốc phòng, ở các đoàn kinh tế - quốc phòng còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Trí thức được đào tạo chuyên sâu và thành danh ở một chuyên ngành hẹp còn chưa nhiều. Trí thức có học vị, học hàm cơ bản là chuyển từ ngành này sang công tác ở ngành khác nên bề rộng là tốt nhưng bề sâu có mặt còn hạn chế so với các chuyên gia dân sự cùng lứa, cùng tuổi. Đây là hiện trạng thực tế đang là nỗi lo của hầu hết các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ quân sự và các cơ quan tham mưu, tư vấn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự ở một số cơ quan chuyên môn, học viện, trường sĩ quan, trường dạy nghề, trung tâm, viện nghiên cứu của quân đội chưa theo kịp sự phát triển của thời cuộc, nhất là yêu cầu phát triển vũ khí, trang bị, phương tiện quân sự, đặc biệt là yêu cầu thiết kế, chế tạo, làm chủ một số loại vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định.

 

Một trong những hạn chế lớn cần khắc phục là năng lực, trình độ sáng tạo, khả năng tiếp nhận thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại của thế giới và vận dụng nó vào thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí, trang bị phù hợp với trình độ sử dụng và thời tiết, khí hậu của Việt Nam cũng như giải quyết những bài toán do nó đạt ra, nhất là cách đánh, nguồn vật liệu thay thế khi thực hiện công tác bảo trì, bão dưỡng còn khó khăn về nhiều mặt. Một số công trình nghiên cứu chưa thực sự xuất phát từ thực tiễn và gắn bó chặt chẽ với nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện, học tập, công tác của quân đội.

 

Trí thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự trẻ còn thiếu năng lực nghiên cứu và giải quyết độc lập các vấn đề phức tạp mà thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng đặt ra, cách tiếp cận, xử lý các thành tựu và hiệu quả ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự chưa cao. Một số lĩnh vực then chốt, mũi nhọn của khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự còn thiếu chiều sâu, thiếu tổng công trình sư, các chuyên gia đầu đàn, đầu ngành giỏi; chưa có nhiều công trình khoa học lớn, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng trong toàn quân, toàn quốc.

 

Trí thức làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và quản lý ở các học viện, trường sĩ quan, viện nghiên cứu còn nhiều bất cập về sử dụng con người và quản lý tài chính. Một số ít trí thức quân đội dù được đào tạo cơ bản, có bằng cấp, danh vị, học hàm cao nhưng thực lực trình độ tham mưu, tư vấn, nghiên cứu và giảng dạy hạn chế, nhất là khả năng tiếp cận, xử lý các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn và sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu, dạy học, xã hội hóa công trình còn khó khăn...

 

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này có nhiều, đáng kể là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta có kế hoạch xây dựng và phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thế nhưng, khát vọng ấy đã không thể thực hiện trọn vẹn. Quân và dân ta vừa phải gồng mình, dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng lại đất nước, vừa phải đối phó với hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phá Bắc do các thế lực bành trướng gây ra.

 Cùng với đó, chúng ta còn phải giúp nhân dân Campuchia chống bọn Pôn Pốt - Iiêng Sary thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh đất nước. Cùng lúc phải dồn công sức, lực lượng, thực hiện “thắt lưng buộc bụng” để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách ấy trong bối cảnh, điều kiện mới vô cùng phức tạp, nhất là sau chiến tranh, nước ta không còn nhận nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Mặt khác, những khuyết tật và hạn chế vốn có của nền kinh tế tiểu nông với phương thức sản xuất nhỏ là chủ yếu đã không cho phép chúng ta đầu tư nhiều hơn tiền của, công sức để xây dựng và phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại dẫu biết rằng nhu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiệm vụ rất cấp bách, vô cùng cần thiết để bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn từ đầu thế kỷ XX.

Cùng với đó, nước ta lại chịu tác động đa chiều của bao vây, cấm vận, phong tỏa của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cũng như ảnh hưởng nhiều mặt từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Song, nhìn thẳng sự thật, tôn trọng hiện thực khách quan, “tự soi, tự sửa”, Đảng, Nhà nước ta cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập trong xây dựng và phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự là do các nguyên nhân chủ quan. Đó là một số chủ trương, chính sách, chế độ đãi ngộ của Ðảng và Nhà nước đối với trí thức quân đội chưa thật phù hợp với đặc điểm, tình hình quân đội hoặc chậm đi vào cuộc sống; có nơi, có lúc thực hiện thiếu nghiêm túc, chưa hiệu quả.

 

Mặt khác, công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức quân đội chưa đồng bộ, toàn diện, hiệu quả thấp. Chế độ bao cấp, chính sách cào bằng và chế độ ưu đãi tài năng quân sự còn nhiều bất cập, là “xiềng xích” trói buộc, cản trở sự hăng hái, say mê nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ trí thức quân đội. Sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và tinh thần vượt khó, phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghê quân sự của một bộ phận trí thức quân đội chưa cao, phần lớn là do cơ chế bao cấp ràng buộc, bậc quân hàm, chức vụ và ngạch lương bổng của quân đội quy định. Sức cạnh tranh, động lực nội thân của không ít trí thức quân đội không cao, không quyết liệt vì đến tuổi là nghỉ hưu theo Luật Sĩ quan nên phấn đấu cầm chừng.

 

Hợp tác giữa trí thức trong quân đội và trí thức ngoài quân đội, tri thức quốc tế chưa được mở rộng, thiếu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và bản thân trí thức. Bên cạnh đó, những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và chế độ bao cấp “kinh niên” trong quân đội tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ trí thức quân đội. Không ít trí thức lấy mục tiêu phấn đấu theo quân hàm là chính vì quân hàm cao thì bậc lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Hiện nay, một bộ phận trí thức quân đội vẫn còn những băn khoăn về chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với nhà ở, đất ở, về tuổi đời phục vụ đối với quân nhân có học vị, học hàm, chức danh khoa học, nhất là đối với những người tài, có nhiều cống hiến, đóng góp.

Đó cũng là lý do nhiều năm quân đội không tuyển được nhiều học sinh có học lực giỏi thi tuyển vào học tập tại các học viện, trường sĩ quan quân đội hoặc thu hút được cán bộ tài giỏi, chuyên gia dân sự vào phục vụ quân đội; thậm chí một số trí thức quân đội có năng lực, trình độ cao đã xin chuyển ngành, muốn công tác ở môi trường có sức canh tranh cao, chế độ đã ngộ tốt hơn, nhất là các ngành y dược, kỹ thuật, công nghệ có tính lưỡng dụng cao. Sự phối hợp giữa học viện, nhà trường, viện nghiên cứu với cơ quan, đơn vị trong toàn quân đối với việc nhận người luân chuyển cán bộ là trí thức và ứng dụng kết quả sáng tạo vào thực tiễn và đào luyện trí thức ở đơn vị còn bất cập...

 

Trong thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, từ năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Theo đó, đội ngũ trí thức quân đội không chỉ đủ về số lượng, có chất lượng cao, đồng bộ và hợp lý về cơ cấu, thành phần, mà còn phải phát triển năng lực làm chủ khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, trở thành lực lượng chủ công, sáng tạo ra những tri thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự mới. Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, giúp trí thức quân đội có đủ khả năng tiếp nhận tinh hoa của cuộc cách mạng quân sự mới đang diễn ra, tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; góp phần cùng với đội ngũ trí thức của đất nước giữ vững nền tảng của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự phát triển bền vững. Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp quốc phòng, chế tạo được các loại vũ khí “tinh khôn”, hiện đại: xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu ngầm và các loại vũ khí hiện đại khác mang nhãn hiệu Việt Nam.

 

Để hoàn thành trọng trách đó, ngoài việc quan tâm đầu tư về mọi mặt của Đảng, Nhà nước; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phải có chủ trương, chính sách, biện pháp tối ưu để xây dựng đội ngũ trí thức quân đội tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quân đội theo hướng cơ bản, hệ thống, chuyên sâu theo quy hoạch, kế hoạch và chiến lược nhất quán cả trước mắt và lâu dài. Đó là động lực mới để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ sức gánh vác nhiệm vụ xây dựng nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Muốn vậy, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

 

Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức quân đội trong xây dựng, phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  Nghị quyết Trung ương 7 khóa X nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định”[3]. Vì vậy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần có biện pháp đồng bộ, toàn diện và khả thi để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập về nhận thức và thực tiễn xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức quân đội. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy đơn vị phải thật sự vào cuộc, quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các lực lượng trong đơn vị nhận thức đúng vai trò của trí thức quân đội đối với việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy trong tình hình mới. Qua đó, giúp đội ngũ trí thức nhận thức đày đủ, sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại. Từ đó tập trung thời gian, công sức, trí tuệ để học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo; đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp đối với quá trình đào luyện, xây dựng đội ngũ trí thức quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác trọng trách xây dựng, phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức quân đội, giúp họ trở thành các chuyên gia đầu ngành, đầu đàn, có chuyên môn cao, vững vàng trong lĩnh vực chuyên sâu, phù hợp với chuyên ngành, luôn chuyên tâm cống hiến và phục vụ quân đội lâu dài.

Thực tiễn xây dựng quân đội gần 80 năm qua khẳng định: ở đâu và khi nào, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có tâm, có tầm, có tuệ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, vị thế của đội ngũ trí thức quân đội thì ở đó, đội ngũ trí thức quân đội thực sự phát triển, đem hết tài năng, trí tuệ và công sức để nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, có những công trình khoa học lớn, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và trong quân đội; có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào xây dựng, phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự của quân đội, quốc gia và ngược lại.

 

Vì vậy, quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo của Đảng, cụ thể hóa hợp lý các chính sách quản lý của Nhà nước về xây dựng, đào luyện và sử dụng đội ngũ trí thức quân đội gắn với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, phù hợp với tay nghề, chất lượng đào tạo, sở trường, sở đoản của từng lớp trí thức quân đội và lĩnh vực chuyên môn có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ sở thực tiễn sinh động để tránh việc áp dụng máy móc, cứng nhắc quy trình, cách quản lý hành chính khoa học quân sự, tạo mọi điều kiện để “cởi trói tư duy” cho trí thức, kích thích họ đem hết tài năng, trí tuệ để cống hiến và khẳng định giá trị, nhân cách của mình.

 

Ba là, nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào, đổi mới quy trình đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng trí thức quân đội gắn với chính sách thu hút nhân tài quân sự và trọng dụng, đãi ngộ hợp lý. Đây là nhiệm vụ trọng tâm có hai mặt thống nhất biện chứng trong quy trình tuyển chọn đầu vào, xác định mục tiêu, mô hình, quy trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trí thức quân đội. Thực hiện thống nhất, đồng bộ từ cấp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan chiến lược của Bộ và cơ sở, gắn chặt với đối mới, nâng cao chất lượng “máy cái” là đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu ở các học viện, trường sĩ quan, các trường đào tạo nghề, trung tâm và viện nghiên cứu và đặc điểm, yêu cầu sử dụng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự của từng loại hình đơn vị cụ thể, sát với nhu cầu công tác, phát triển phẩm chất cá nhân của chuyên gia, đội ngũ trí thức của các quân khu, quân chủng, quân đoàn, bộ đội biên phòng đúng với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X: “Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức… tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức”[4].

 

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần sớm có chủ trương hoàn thiện chiến lược xây dựng nhà trường thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong quân đội. Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quân đội phù hợp với từng chuyên ngành: khoa học quân sự, khoa học nghê thuật quân sự; khoa học y dược quân sự; khoa học xã hội và nhân văn quân sự, bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên môn, chuyên nghiệp, chuyên ngành đối với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng.

 

Xây dựng quy hoạch đội ngũ trí thức phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và mức độ tuyển chọn nhân tài quân sự; mở rộng quy mô, loại hình tuyển chọn và đưa cán bộ, trí thức quân đội đi học tập, nghiên cứu ở các trường dân sự và nước ngoài một số ngành mà quân đội chưa có điều kiện đào tạo. Có chính sách, chế độ ưu đãi hợp lý để tuyển chọn được nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp giỏi ở các cơ sở đào tạo ngoài dân sự vào phục vụ lâu dài trong quân đội.

Cần khắc phục quan niệm lệch lạc, một chiều hoặc quá nhấn mạnh sử dụng cán bộ lâu năm, nhiều kinh nghiệm, có chức danh, học vị, học hàm, hoặc quá nhấn mạnh, đề cao vai trò của trí thức trẻ tài năng và ngược lại. Đồng thời, có chính sách ưu đãi hợp lý để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vào công tác ở những ngành, lĩnh vực mà quân đội đang cần.

Cùng với đó, các đơn vị cần chủ động bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cho đội ngũ trí thức quân đội khi được luân chuyển về công tác ở các chuyên ngành của đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ giảng viên, giáo viên ở các học viện, nhà trường sĩ quan cần đổi mới chính mình để “thầy ra thầy, lớp ra lớp”, “thầy giỏi trò mới giỏi”, để đủ sức đổi mới, làm chủ nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển đội ngũ trí thức quân đội.

 

Bốn là, tạo động lực mới để phát huy vai trò và nhân tố chủ quan, tinh thần tự học, tự rèn, tự phấn đấu vươn lên, nuôi dưỡng ý chí rèn luyện, thành danh, lập thân, lập nghiệp của đội ngũ trí thức quân đội. Đây là nguồn năng lượng mới, động lực tự thân giúp đội ngũ trí thức quân đội không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hơn ai hết, đội ngũ trí thức quân đội phải ý thức rõ ràng trọng trách của lớp trẻ và thế hệ mình phải gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới khi mà thế hệ cha anh đã hoàn thành nhiệm vụ, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Vì vậy, nhận thức đúng tính tình thế giới, khu vực, trong nước, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại để tự giác lĩnh hội trách nhiệm, tích cực tự nghiên cứu, tự học tập để không ngừng tích lũy kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn công tác, bản lĩnh và trí tuệ. Đó là phương cách hữu hiệu nhất để thực hiện sự bàn giao thế hệ mà cha anh tin tưởng giao phó.

 

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự hiện đại; yêu cầu của nền kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức quân đội chỉ có thể vượt lên chính mình, ra sức tự học tập, tự nghiên cứu, chủ động tích lũy kiến thức, tự nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ, tin học và các “kỹ năng mềm” thì mới chiếm lĩnh được đỉnh cao khoa học; không bị cuộc sống và hoạt động quân sự đào thải, v.v. Còn đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu là thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”. Mỗi trí thức quân đội cần ý thức rõ ràng về vị thế, vai trò và sứ mệnh của mình; có biện pháp hợp lý để tự học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và lối sống quân sự lành mạnh.

 

Để luôn tiến bộ, trưởng thành, trí thức quân đội còn phải ra sức rèn luyện bản lĩnh khoa học, nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo, say mê lao động, tâm huyết, tận tâm, tận lực với khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự. Chủ động đề xuất nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo, có công trình khoa học mới mà thực tiễn quân sự cần. Có chính kiến, lập trường giai cấp, quan điểm chính trị rõ ràng. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải. Đồng thời, đề cao đức tính khiêm tốn, chống tư tưởng “chuyên môn đơn thuần”, trung bình chủ nghĩa, sợ khó, sợ khổ... Nhờ đó mà an tâm sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, ghi tên mình vào các sản phẩm mới mang nhãn hiệu Việt Nam, là vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, đem lại niềm vinh quan cho bản thân, gia đình và quân đội; hoàn thiện nhân cách người trí thức quân đội cách mạng, luôn đứng vững ở nơi tuyến đầu cuộc chiến đấu trong thời bình, hoàn thành trọng trách xây dựng và phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam hiện đại; có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.

 

Một số kiến nghị

 

1. Đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ra một nghị quyết chuyên đề và sớm triển khai xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức quân đội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Xác định rõ nội hàm khái niệm "trí thức quân đội" trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới. Xây dựng các tiêu chí phân loại "trí thức quân đội" theo ngành, lĩnh vực, đơn vị, lực lượng quân binh củng để có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng phù hợp; coi trọng việc xây dựng bộ tiêu trí "trí thức quân sự" đầu ngành, đầu đàn. Coi đây là yêu cầu cấp bách và quan trọng như xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, chiến dịch của Quân đội ta.

  

2. Đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài quân sự. Cần tạo động lực mới và các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức quân đội phấn đấu, cống hiến, sáng tạo. Có sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ trí thức đang công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; biển, đảo. Đổi mới công tác đánh giá, quy trình xét duyệt các đề án, dự án, đề tài; các chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức quân đội và đào tạo tiến sĩ khoa học.

Đẩy mạnh hợp lý hóa cơ cấu đội ngũ trí thức, đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức làm công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai và ứng dụng. Xây dựng cơ chế đột phá trong phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ trí thức tài năng, nhà khoa học trẻ theo mức độ đóng góp để trí thức quân đội thực sự yên tâm nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình; thu hút nhân tài quân sự vào phục vụ quân đội.

 

3. Kéo dài tuổi phục vụ đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, chuyên viên cao cấp của quân đội như hiện nay các học viện, trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang thực hiện nếu trí thức quân đội có đủ các tiêu chí mà Nhà nước đã quy định. Không nên để họ nghỉ hưu theo Luật Sĩ quan hiện hành. Điều đó rất lãng phí tiền của , công sức đào tạo, mất chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với các chuyên gia đầu ngành, đầu đàn, tổng công trình sư./.

 

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. Nguyễn Bá Dương

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương;

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 27-NQ/TW - Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 158.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H, 2008, tr. 81.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H.2008, tr. 93, 95

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết