Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Ngày phát hành: 19/10/2022 Lượt xem 2480

 

Giáo dục vì sự phát triển bền vững là một vấn đề quan trọng đối với việc giáo dục học sinh trên toàn thế giới, giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng, thái độ và các giá trị cần thiết bảo đảm một tương lai bền vững cho nhân loại ở mỗi quốc gia và toàn cầu. Giáo dục vì sự phát triển bền vững ngày nay đang trở nên vô cùng quan trọng.

Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững trên toàn thế giới khẳng định giáo dục vì sự phát triển bền vững phải được thiết kế trong những môn học liên tục cho học sinh ở khu vực chính quy và phi chính quy, ở tất cả các cấp học và trong các chương trình học tập suốt đời, bắt đầu ngay với cấp học giáo dục mầm non. Các khuyến cáo trên cơ sở nghiên cứu khoa học về sinh lý, tâm lý học và định lượng theo chiều dọc ở Mỹ và Liên minh Châu Âu đều khẳng định sự phát triển của trẻ từ 0-6 tuổi là giai đoạn phát triển có tính chất quyết định tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai, vừa giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội. Trên thế giới và ở Việt Nam giáo dục mầm non được xác định là cấp học đầu tiên, hết sức quan trọng trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.

 

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sắc và ngày càng toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến, tiến bộ tích cực, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong cả nước; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Khoảng cách giáo dục giữa vùng khó khăn và thành thị đã dần được thu hẹp, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục, đặc biệt chú ý bình đẳng giới, quyền được học tập của trẻ em nữ, tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến tuổi đi học, ra lớp, tăng tỷ lệ chuyên cần, tăng tỷ lệ học sinh hoàn thành, tốt nghiệp chương trình các cấp học, đồng thời giảm đáng kể tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo; nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã tác động sâu sắc đối với việc phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng một phần rất lớn nhu cầu, yêu cầu đưa trẻ tới trường; cùng với việc hỗ trợ kinh phí của nhà nước, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục mầm non đã huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh và các ban ngành đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên…) tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, đóng góp trứng, thịt, gạo, củi, hỗ trợ ngày công nấu ăn nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ tại trường.

 

Năm học 2020-2021, cả nước có 2.687/15.480 (chiếm 17,3%) nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non (trường mầm non); 9.836/21.326 điểm trường lẻ (chiếm 46,1%) tập trung chủ yếu và nhiều nhất tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung; còn lại vùng Tây Nguyên và Đồng Bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường của khu vực vùng khó khăn là 834.082/5.357.346 (đạt 59,1%, trong đó trẻ nhà trẻ: 19%, mẫu giáo: 86,6%; chiếm 15,6% tổng số trẻ em tới trường của cả nước); 97% trẻ em mầm non được tổ chức học 2 buổi/ngày và 82,2% trẻm em được tổ chức ăn bán trú. Tỷ lệ huy động trẻ em người dân tộc thiểu số là 528.710 (đạt 57,4%, trong đó trẻ nhà trẻ: 22,6%, mẫu giáo: 80,6%) và 96,1% trẻ em người dân tộc thiểu số được đến trường tăng cường tiếng Việt.

 

Một số chính sách về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng,  xây dựng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư cả về số lượng và chất lượng tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên mầm non bảo đảm đời sống, yên tâm công tác[1]. Đối với các giáo viên dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt tại các điểm lẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn trên toàn quốc được hưởng chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép, chính sách dạy tăng cường tiếng Việt, đã phần nào giúp giáo viên ổn định tư tưởng, cải thiện đời sống, gắn bó với điểm trường lẻ. Đến nay, vùng khó khăn có 74.875 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (trong đó: 7.278 cán bộ quản lý, 54.404 giáo viên, 52,8% giáo viên là người dân tộc thiểu số). Tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp là 1,64. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn từ cao đẳng trở lên là 84,7%.

 

 

2. Hiện trạng giáo dục mầm non vùng khó khăn

Với điều kiện địa hình hiểm trở, nhiều địa bàn vùng núi cao, giao thông không thuận lợi, nhiều nơi đường đất, dốc đứng, vùng hải đảo xa đất liền, dân cư sống rải rác đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập mạng lưới trường, điểm trường mầm non.

 

Mặc dù giáo dục mầm non vùng khó khăn được quan tâm đầu tư, nhưng mới chỉ thu hút được 59,1% trẻ em đến trường, còn tỷ lệ khá cao trẻ em chưa được tiếp cận giáo dục 94,9%; số điểm trường lẻ cách xa điểm trường chính còn quá nhiều (9.836 điểm trường), gây khó để thực hiện dồn, ghép. Tỷ lệ phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ, mượn (từ nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, buôn, bản) còn cao (7,3%); nhiều cơ sở giáo dục mầm non thiếu diện tích, khó xây dựng kiên cố (cạnh vực sâu, núi cao, bị tác động của môi trường địa lý…); hằng năm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để phục vụ dạy học chậm được bổ sung; điều kiện xây dựng môi trường giáo dục, môi trường sư phạm chưa bảo đảm, tỷ lệ đạt chuẩn công trình nước sạch mới đạt 68,2%, còn thiếu 3.599 công trình nước sạch để cung cấp nước cho các điểm trường; tỷ lệ công trình vệ sinh đạt chuẩn bên ngoài khối phòng học mới đạt 81,5% cho trẻ em và đạt 82,5% cho giáo viên; còn thiếu 11.562 công trình vệ sinh cho trẻ em và thiếu 3.380 công trình cho giáo viên; tỷ lệ thiết bị dạy học đạt chuẩn trong lớp mầm non là 61,2%, thiếu 10.470 bộ thiết bị dạy học (vùng Trung du, miền núi phía Bắc thiếu nhiều nhất 5.114 bộ); thiếu 17.286 bộ học liệu tăng cường tiếng Việt (khu vực Tây Nguyên thiếu nhiều nhất 5.563 bộ). Công tác xã hội hóa, huy động, liên kết nguồn lực từ các địa phương, địa bàn thuận lợi khác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn hạn chế.

 

Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non vùng khó khăn còn chênh lệch so với vùng thuận lợi, tỷ lệ trẻ em được tổ chức ăn bán trú mới đạt 82,1% (thấp hơn 9,9%), tỷ lệ điểm trường có bếp ăn đúng quy cách mới đạt 56,3% (3.729 điểm trường chưa có bếp để tổ chức nấu ăn cho trẻ em), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,7% (cao hơn 4,7%), trẻ em thể thấp còi là 5,8% (cao hơn 3,1% so với bình quân chung của toàn quốc). Tỷ lệ ra lớp và chuyên cần tại các vùng dân tộc thiểu số còn thấp, khả năng tiếng Việt của trẻ mầm non dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, gặp khó khăn lớn do bất đồng ngôn ngữ khi đến trường, tác động tới kết quả của học sinh ở bậc tiểu học, gây tình trạng lưu ban, bỏ lớp ở những cấp học cao hơn.

Đội ngũ giáo viên mầm non so với các cấp học khác thiếu nhiều, đặc biệt giáo viên vùng khó khăn hiện thiếu về số lượng, thiếu nguồn tuyển (cả nước thiếu hơn 50.000 giáo viên mầm non, vùng khó khăn thiếu hơn 10.000 giáo viên), hạn chế về năng lực, nhất là giáo viên công tác tại vùng có nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số còn gặp khó về rào cản ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như tham gia các hoạt động cộng đồng ở địa phương (có nơi trong một lớp học có nhiều trẻ em dân tộc-11 dân tộc, khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ). Tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp (đặc biệt ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tỷ lệ GV/lớp rất thấp so với quy định) và chịu nhiều áp lực về mặt thời gian (trung bình thời gian làm việc kéo dài 9-10 tiếng); nhiều nơi, tại các điểm trường lẻ chỉ có 1 giáo viên/lớp vừa làm nhiệm vụ giáo dục vừa kiêm cả việc đưa đón trẻ lại nhà cho một số phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em. Ở các điểm bản hẻo lánh, xa xôi có ít học sinh (15-20 trẻ em ghép các độ tuổi nên không bố trí được 2 GV/lớp, trong khi giáo viên phải phụ trách trẻ nhiều độ tuổi trong thời gian cả ngày, khi gia đình việc đột xuất, ốm đau rất khó phân công giáo viên khác thay thế. Một bộ phận giáo viên mầm non hạn chế trong việc cập nhật thông tin, kiến thức, chậm đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là điểm yếu trong công tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là cấp học mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

 

Chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc, nhiều điểm bản không có nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt giáo viên nhà xa để nghỉ lại…đã tạo áp lực, tâm lý lo lắng, không yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non vùng khó khăn. Bên cạnh đó, khi chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công chuyển dần sang loại hình trường mầm non công lập và dân lập, tư thục do chỉ tiêu biên chế ít, hạn chế số lượng giáo viên được tuyển dụng vào viên chức, các địa phương phải ký hợp đồng lao động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp như giáo viên là viên chức. Tuy nhiên, đến năm 2021 giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được xếp lương theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP đã không được hưởng chính sách này. Hiện cả nước có 42/63 tỉnh có giáo viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách đối với giáo viên mầm non dạy 02 buổi/ngày tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ 2 độ tuổi trở lên ở điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở có sở giáo dục mầm non công lập thuộc vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP. Tổng số giáo viên mầm non hợp đồng lao động của cả nước là 149.847 người (công lập là 48.392 người; ngoài công lập là 99.987 người [3].

 

Một số chính sách cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ. Một số địa phương triển khai văn bản trong thực tế chưa kịp thời, chưa có nhiều chính sách địa phương dành cho đối tượng đặc thù. Mức kinh phí hỗ trợ cho trẻ ăn trưa theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non còn thấp và chưa cấp bổ sung kịp thời, khó khăn trong việc cân đối dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ em không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở các vùng khu vực I, II cũng rất khó khăn nhưng không được hưởng chính sách ăn trưa. Đặc biệt, trong những năm học vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng bữa ăn của trẻ.

 

Chương trình đào tạo giáo viên tại một số cơ sở sư phạm (các đại học, cao đẳng sư phạm trung ương và  địa phương) chưa sát thực tế, chậm đổi mới, chưa chú trọng cho sinh viên sư phạm trải nghiệm, thực hành nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở vùng khó khăn; việc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của sinh viên sư phạm chưa được quan tâm đúng mức, đồng bộ; chuẩn đầu ra của ngành sư phạm giáo dục mầm non chưa được xây dựng đầy đủ, chưa gắn với yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên mầm non; nội dung thực hành nghiệp vụ sư phạm chưa được triển khai trên cơ sở gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở giáo dục mầm non. Đặc biệt nội dung đào tạo giáo viên mầm non chưa tiếp cận với đặc thù của giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, sinh viên chưa được cập nhật nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ngoài ra, công tác phối hợp, kết nối giữa cơ sở giáo dục mầm non với nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ chưa hiệu quả. Nhiều phụ huynh, gia đình chưa ý thức tạo môi trường, điều kiện, thời gian để quan tâm, phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục trẻ tại gia đình, duy trì nền nếp chuyên cần cho trẻ, còn tình trạng cho con nghỉ học để đi làm mưu sinh. Công tác vận động, huy động trẻ đến trường còn gặp nhiều khó khăn ở một số địa bàn xa, dân cư sống rải rác, đời sống kinh tế còn khó khăn, phụ huynh không biết tiếng Việt hạn chế trong giao tiếp với giáo viên.

 

 

          3. Một số khuyến nghị phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn thời gian tới

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo; chú trọng và tạo điều kiện cho trẻ em trong độ tuổi được tiếp cận chương trình giáo dục mầm non có chất lượng, được chăm sóc, giáo dục tốt nhất trong những năm tháng đầu đời; trẻ em người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt, được chuẩn bị tốt về thể chất, tâm lý sẵn sàng đi học lớp 1; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, quan tâm đến chính sách hỗ trợ đối với trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo và chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non; ưu tiên đầu tư bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp học và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên; khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, huy động mọi nguồn lực tại chỗ, đồng thời tăng cường liên kết các nguồn lực khác,...nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, rút ngắn khoảng cách vùng, miền, bảo đảm công bằng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 

          Thời gian tới, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng khó khăn; việc đề xuất xây dựng hệ thống nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của các ban ngành, địa phương, cấp ủy chính quyền các cấp và xã hội. Cụ thể:

 

Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, hình thành chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non vùng khó khăn.

 

Thứ hai, Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng trẻ em nhà trẻ; chính sách nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi; chính sách đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp kiên cố, bán kiên cố, nhất là chính sách đầu tư, thu hút nguồn lực cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục. Rà soát, bổ sung, cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp ghép và đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Thực hiện tính định biên giáo viên/nhóm lớp đối với khu vực vùng khó khăn, ưu tiên đối với giáo viên dạy nhóm/lớp đặc thù (nhóm/lớp là điểm lẻ tại các vùng núi cao, địa hình đi lại khó khăn, hẻo lánh). Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển đối với đội ngũ giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số.

 

Thứ ba, Thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non tại địa phương hiệu quả và chất lượng hơn. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non. Biên soạn tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ tham gia giảng dạy trẻ em người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn. Nghiên cứu bổ sung nội dung giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số trong công tác đào tạo giáo viên mầm non tương lai đáp ứng mục đích học tập, vui chơi của trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công nghệ phát triển mạnh mẽ, các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ không thể thực hiện ở trên, trẻ em có nhiều thời gian ở nhà hơn để sử dụng máy tính, thiết bị di động và bảng điều khiển…thì việc trang bị năng lực giảng dạy kỹ thuật số cho giáo sinh sư phạm, giáo viên mầm non là vô cùng cần thiết đối với nhiệm vụ phát triển chuyên môn của giáo viên để thúc đẩy sự hiểu biết chung, thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên năng lực lấy trẻ em làm trung tâm. Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cấp học giáo dục mầm non ở một số tỉnh/thành phố, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thị trấn có điều kiện, làm điểm tựa hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng sâu, xa, nơi hải đảo, biên giới.

 

Thứ tư, Huy động sức mạnh tổng hợp thu hút các nguồn lực trong xã hội tăng cường đầu tư có sở vật chất phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và trong cả nước đóng góp, hỗ trợ kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng đồ chơi phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Các địa phương tạo dựng cơ chế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tro, phát huy sáng kiến của toàn dân, cộng đồng và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; ưu tiên đầu tư xây dựng mới phòng học còn thiếu, xóa phòng học nhờ, tạm, không đảm bảo an toàn, bảo đảm số lượng phòng học, đáp ứng nhu cầu ra lớp đối với trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi, tạo môi trường giáo dục đậm đà văn hóa, bản sắc dân tộc, phát huy ưu thế của vùng, miền. Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; cung cấp, thay thế đồ dùng học tập, thiết bị dạy học, học liệu cho học sinh, giáo viên tại các thôn, xã khu vực đặc biệt khó khăn đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

 

Thứ năm, Tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác vận động nhân dân ở các thôn, bản, làng vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, người dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho con em đến trường, đến lớp mầm non được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, bảo đảm công bằng trong giáo dục. Thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp với bộ đội biên phòng tại các bàn vùng khó khăn để huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tham gia dạy tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số. Huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và các hoạt động thiết thực khác cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

 

Thứ sáu, Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn. Chủ động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thiết kế xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số ở giáo dục mầm non, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong khu vực ASEAN cho cấp học đầu đời, nguồn lực đầu vào cho giáo dục tiểu học, giáo dục trung học./

 

Ngô Thị Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo,

Lê Thị Mai Hoa, Ban Tuyên giáo Trung ương,

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

2. Báo cáo tổng kết giáo dục mầm non năm học 2020-2021 .

3. Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030: 4. Phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới, TS. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trang thông tin điện tử, Hội đồng lý luận Trung ương, ngày 18/8/2022.

5. Hội thảo quốc tế về chính sách giáo dục mầm non, Hà Nội, 12/6/2017.



[1] Theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP; Nghị định số 116/2010/NĐ-CP; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP; Nghị định 161/2018/NĐ-CP; Nghị định 77/2021/NĐ-CP; Quyết định 42/2011/QĐ-TTg; Nghị định 117/2016/NĐ-CP…

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết