Vấn đề phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm đang trở thành một trong những giá trị và mục tiêu mang tính phổ quát trong đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới mà tất cả các quốc gia đang theo đuổi. Các nước phát triển muốn phát triển mạnh hơn, bền vững hơn và bao trùm, hiệu quả hơn để củng cố vững chắc địa vị của mình. Các nước đang phát triển càng cần sự phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm để theo kịp tiến độ của thời cuộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nhận thức về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm được hình thành từng bước từ thực tế đời sống xã hội. Để sản xuất ra của cải vật chất, con người phải giải quyết hai mối quan hệ rất cơ bản. Một là quan hệ giữa người với tự nhiên, giữa lao động và đối tượng lao động. Hai là, quan hệ giữa người với người trong xã hội và rộng hơn nữa là quan hệ xã hội. Từ hai mối quan hệ tất yếu và hữu cơ nhưng đầy mâu thuẫn đó, nhân loại ngày càng nhận thức rõ nét: Tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng nền tảng của sản xuất, đồng thời là bộ phận cấu thành của toàn bộ hệ thống của hình thái kinh tế - xã hội. Do tài nguyên, môi trường luôn chịu sự tác động trực tiếp của con người, của xã hội nên đến lượt nó, những hậu quả do sự tác động đó có thể trở thành những động lực cho sự phát triển hoặc kìm hãm sự phát triển.
Sức sản xuất của xã hội phát triển không ngừng và các nền kinh tế toàn cầu không ngừng tăng tốc, một mặt đã tô đẹp bức tranh toàn cầu, nhưng mặt khác lại nảy sinh nhiều hệ lụy trong mối quan hệ biện chứng và nhân quả giữa con người với môi sinh và các bất ổn trong đời sống xã hội. Đó là sự quá tải với sức chịu đựng của thiên nhiên, dẫn tới sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường; là hiện tượng phát triển không đồng đều, mất cân đối về tăng trưởng kinh tế với gia tăng dân số và nhất là việc điều tiết phân phối của cải xã hội bất bình đẳng, khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng, tình trạng đói khát, thất học, bị bỏ rơi đã và đang diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi trên thế giới.
Thực tiễn bắt đầu từ đâu, tư duy bắt đầu từ đó. Tư duy về phát triển bền vững dần được hình thành từ việc nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống bởi thế cân bằng của môi trường tự nhiên đã bị con người phá vỡ và thiên nhiên đã thường xuyên nổi loạn. Tiếp đó là việc nhận rõ phải giải quyết và làm hạn chế những bất ổn, bất công trong xã hội. Chính vì thế, cho tới những năm 1970 của thế kỷ trước, thuật ngữ “phát triển bền vững” hay “phát triển lâu bền” đã xuất hiện và ngày càng được dư luận quan tâm. Qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học và các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc, năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về trái đất của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho Thế kỷ XXI. Tại chương trình nghị sự này, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai”; phát triển bảo đảm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bền vững về môi trường.
Có thể coi phát triển bền vững là khái niệm đa phương diện với nhiều lĩnh vực có quan hệ với nhau bao gồm các nhân tố về kinh tế - xã hội – môi trường sinh thái. Cụ thể hơn, yêu cầu của phát triển bền vững là: Phát triển kinh tế nhanh, ổn định, bền vững; bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái; con người vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể bảo đảm các quan hệ về phát triển bền vững; phát triển bền vững của con người và cho con người.
Cả trong nhận thức và trên thực tế, phát triển bền vững luôn gắn bó với sáng tạo, bao trùm. Sáng tạo, bao trùm là nhân tố trọng yếu để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và phát triển bền vững vừa là mục tiêu, kết quả của sự sáng tạo, bao trùm, vừa là nền tảng cho sự tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bao trùm. Sáng tạo, bao trùm để phát triển, đồng nghĩa với sự phát triển, nhưng là sự phát triển trong thế ổn định, phát triển vững chắc theo hướng đi và mục tiêu đã lựa chọn. Đổi mới, sáng tạo, bao trùm là tổng thể của việc tạo lập ra cách thức, bước đi, nguồn lực, điều kiện để phát triển bền vững. Đổi mới sáng tạo, bao trùm là để phát triển cho hôm nay và cho mai sau, là sự xác định một cách cân đối, hài hòa, hiệu quả nhất tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực phát triển trong nước và hội nhập với bên ngoài, là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở bắt kịp và ứng dụng những thành quả của khoa học công nghệ. Đổi mới sáng tạo, bao trùm còn là việc tìm phương thức phát triển hợp lý nhất để thúc đẩy lẫn nhau giữa các yếu tố kinh tế và công nghệ, văn hóa và xã hội, đạo đức và chính trị, tổng thể và cụ thể, làm sao tất cả mỗi công dân đều được hưởng thụ những thành quả của phát triển, không để ai bị bỏ rơi. Đổi mới sáng tạo, bao trùm là dòng chảy liên tục bảo đảm cho phát triển nhanh, bền vững, tiếp sức cho đất nước ta vững bước trên con đường hướng tới mục tiêu đã lựa chọn.
Để đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới sáng tạo, bao trùm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững cần giải quyết hàng loạt các vấn đề trọng yếu là phát triển nhanh, mạnh về kinh tế, hài hòa và ổn định về xã hội, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm trong sạch về môi trường. Tiêu chí cơ bản về phát triển ở nước ta có thể được xác định đó là nền kinh tế tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao, cơ cấu GDP hợp lý và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. Bảo đảm bền vững về xã hội với chỉ số phát triển con người (HDI) cao, hệ số bình đẳng thu nhập, các chi tiêu về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao; đời sống xã hội hài hòa, chênh lệch đời sống giữa các vùng, miền, giữa các giai tầng không lớn. Bền vững về môi trường là khi sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên phải đảm bảo hiệu quả tối ưu về sự trong sạch của không khí, đất, nước, không gian địa lý, cảnh quan. Tất cả các yếu tố trên cần được đánh giá kiểm định theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Trong điều kiện đại dịch Covid- 19 diễn biến rất phức tạp hiện nay, để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm cần xác định tất cả mọi chủ trương chính sách đều phục vụ nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhất là sinh mệnh, sức khỏe, đời sống của nhân dân, đồng thời vẫn phải phát triển sản xuất, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường. Khó khăn nhiều mặt như vậy, để thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cần có sự dự báo thật đúng với tình hình để có những lời giải thỏa đáng nhất, đưa ra những giải pháp và hành động nhanh, mạnh, phù hợp. Chúng ta tin tưởng rằng hành trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm ở nước ta nhất định sẽ tới đích bởi có sự phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Đó là sự kết hợp ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa tạo thành động lực to lớn nhất để tạo nên khả năng thành công của sự nghiệp cao cả, trọng đại: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
GS.TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương