Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Quan điểm phòng, chống tham nhũng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và những giải pháp thực hiện

Ngày phát hành: 28/06/2021 Lượt xem 34720

 

Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Bởi vì tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực nhà nước; một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã lợi dụng quyền lực nhà nước để tham nhũng, nhằm thu về những lợi ích cho bản thân mình, cho gia đình mình, hoặc cho người thân của mình.

Tham nhũng là một hiện tượng xấu cho xã hội, nó gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước. Nó làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Tham nhũng còn làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí làm mục ruỗng bộ máy nhà nước, đe dọa sự tồn vong của đất nước, của chế độ.

Tham nhũng gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đảng ta khẳng định tham nhũng là: “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng. Vậy phòng, chống tham nhũng được quan niệm như thế nào ? Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng có thể hiểu: Phòng, chống tham nhũng là bao gồm các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.

 

1. Một số quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về phòng, chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”[1].

Quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng : “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”[2].       

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”[3].  

Quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã có nhiều điểm mới về phòng, chống tham nhũng, nhất là vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng. Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo phải có cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”[4]

Nhận thức sâu sắc về sự phức tạp và vô cùng khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng nên Đảng đã chỉ đạo: Trong phòng chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”[5].

Có thể nói vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng ta đặc biệt quan tâm, đề cập trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều nội dung của văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với một quyết tâm chính trị cao để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với một phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng.

 

2. Một số vấn đề về thực tiễn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống  tham nhũng trong những năm qua

- Thực hiện đường lối, chủ trương về phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng, trong những năm qua đã thu được những thành quả to lớn sau:

+ Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và ngày 20/11/2018 Quốc hội lại tiếp tục ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đặc biệt tại khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Có thể nói đây là đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi nhận vào Hiến pháp. Cùng với Hiến pháp và Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có một chế định pháp lý riêng, quy định các tội phạm tham nhũng. Những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

+ Để phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác đã thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thực hiện các biện pháp về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đổi mới khoa học công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức, như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đã được thực hiện. Nhất là Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nên trong những năm qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

 Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được kết quả quan trọng: Theo Báo Thanh niên số ra ngày 13/12/2020 cho thấy: Từ 2013-2020 đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Cũng từ năm 2013 đến năm 2020, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang). Còn từ năm 2016 đến năm 2020, đã kỷ luật 87.000 đảng viên trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng. Từ năm 2013 đến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỉ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 32,04%.

Từ 2013-2020 đã khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có: 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang[6].

- Bên cạnh những thành tựu đạt được công tác phòng, chống tham nhũng, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế:

+ Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có "lỗ hổng", nhưng chưa được sửa đổi bổ sung; hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng.

+ Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.

- Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai giải trình.

+ Một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng, số người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.

+ Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Hành vi “tham nhũng vặt” của một số cán bộ, công chức chưa bị xử lý một cách triệt để.

+ Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Do đó, một số vụ án tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.

Trước thực trạng và những hạn chế, bất cập về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, trong thời gian tới, cần phải có những giải pháp để tiếp tục thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng.

 

3. Giải pháp thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Để thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII theo chúng tôi cần tiến hành các giải pháp sau:

 

3.1. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, có không ít quan chức nhà nước, cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả đó là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Chính vì vậy, để tiếp tục phòng, chống hiệu quả tham nhũng trong suốt nhiệm kỳ XIII, cần phải tiếp tục tăng cường và phát huy hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

(1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

(2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Các cấp ủy quản lý chặt chẽ đảng viên, cán bộ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

(3) Ủy ban Kiểm tra các cấp cần làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, các tổ chức đảng và đảng viên ở các cơ quan nhà nước. Tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Cơ quan kiểm tra của Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

3.2. Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ nhất, hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng

Một là, Luật phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục sửa đổi để quy định một cách toàn diện, bao quát, nhất là quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để mọi người biết. Cần quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, để từ đó hạn chế sự tham nhũng.

Hai là, Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định các biện pháp hữu hiệu để quản lý, xác minh các tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn; cần có các cơ quan, tổ chức chuyên trách quản lý, xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập xem có đúng không, có trung thực, chính xác không ? Đặc biệt là cần quy định một cơ chế hữu hiệu theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng.

Ba là, hoàn thiện các quy định tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng. Thực tế cho thấy, những người tham nhũng chủ yếu là những người có chức vụ, quyền hạn, nên những người dưới quyền hoặc người dân phát hiện họ có hành vi tham nhũng, muốn tố cáo, nhưng rất e ngại, sợ bị trả thù. Vì vậy, cần ban hành quy định xem xét đơn thư tố cáo tham nhũng nặc danh thì sẽ phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dưới quyền, người dân dám nói lên sự thật, dám tố cáo người có hành vi tham nhũng.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật hình sự

Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, cụ thể ở một số điểm như sau:

Một là, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng. Cần phải thừa nhận rằng, việc điều tra, chứng minh tài sản bất minh để qua đó buộc tội người có hành vi tham nhũng và để thu hồi tài sản tham nhũng ở bất cứ quốc gia nào đều rất khó khăn và tốn thời gian, dẫn đến nhiều vụ việc tham nhũng bị bỏ lọt hoặc tài sản tham nhũng không thu hồi được. Do vậy, kinh nghiệm lập pháp một số nước cho thấy, họ đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp như một giải pháp để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng. Thực chất, hình sự hóa hành vi này là đảo ngược trách nhiệm chứng minh; nghĩa là trách nhiệm chứng minh tài sản có bất minh hay không được chuyển từ các cơ quan tố tụng sang người nắm giữ tài sản. Nếu cán bộ, công chức có chức vụ quyền hạn không chứng minh được tài sản của mình là hợp pháp thì tài sản đó là tài sản tham nhũng.

Hai là, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm đưa hối lộ và xây dựng chế tài thích hợp với pháp nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và giới hạn trong 31 tội danh, trong đó, không có tội đưa hối lộ. Chúng tôi cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi đưa hối lộ là cần thiết. Bởi vì:

+ Thực tiễn cho thấy, các pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu, được giao hoặc cho thuê “đất vàng” hoặc được nhận nguồn hỗ trợ,...

+ Trong hoạt động quản lý của các doanh nghiệp, nhiều chính sách, và hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện theo quyết định của tập thể lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Do vậy, việc quy trách nhiệm cho một hay một số cá nhân là rất khó khăn và việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ là thiếu công bằng, chưa thật sự hợp lý.

+ Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về pháp luật và tư pháp diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước chống rửa tiền,… trong đó, có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm đưa hối lộ.

Như vậy, rõ ràng việc quy định tội đưa hối lộ của pháp nhân là có cơ sở lý luận và thực tiễn.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng.

Thông thường cách thức tốt nhất để xử lý tham nhũng và thu hồi tải sản tham nhũng là điều tra và truy tố hình sự. Tuy nhiên, biện pháp hình sự này cũng có một số hạn chế, bao gồm yêu cầu tiêu chuẩn cao về bằng chứng buộc tội. Ngoài ra, truy tố hình sự sẽ không có giá trị hoặc gặp trở ngại lớn trong trường hợp người phạm tội chết hoặc bỏ trốn hoặc được hưởng quyền miễn trừ.

Theo nghiên cứu của chúng tôi và theo kinh nghiệm quốc tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng có thể khởi kiện về tài sản theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Trước mắt, có thể áp dụng thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình khởi kiện dân sự đối với các trường hợp: Người phạm tội bỏ trốn, không thể mở phiên tòa để phán xử hình sự (như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa ở Bộ Công Thương); người phạm tội chết hoặc chết trước khi ra phán quyết buộc tội (như vụ án ông Trần Bắc Hà). Người phạm tội mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; không xác định được người phạm tội nhưng phát hiện được tài sản phạm tội. Không đủ chứng cứ để tiếp tục tiến trình truy cứu hình sự đối với người tình nghi phạm tội tham nhũng.

Để thực hiện được những vấn đề nêu trên, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng hoàn thiện pháp luật về kiện dân sự làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cơ chế kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng.

 

3.3. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả

Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì kiểm soát quyền lực nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng bậc nhất. Vì tham nhũng gắn với quyền lực nhà nước. Kinh nghiệm của Mỹ, Hàn Quốc và một số nước đã xây dựng được một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nên các vụ, việc tham nhũng đã được hạn chế rất nhiều. Để tiếp tục phát huy vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, theo chúng tôi cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về nguy cơ tham nhũng, quan liêu từ sự tha hóa quyền lực nhà nước và vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phát huy cơ chế này trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Trong đó, Đảng và Nhà nước cần tập trung vào hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi nếu quyền lực nhà nước được kiểm soát thì sẽ hạn chế được tham nhũng.

 

3.4. Xây dựng cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập để điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu tranh phòng, chống những hành vi trái pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Vì vậy đây là cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp. Muốn đấu tranh có hiệu quả cần nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chống tham nhũng thích hợp.

Học tập kinh nghiệm của Singapore, Mỹ và một số nước trên thế giới, ở Việt Nam, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần xây dựng cơ quan phòng, chống tham nhũng riêng. Theo chúng tôi, cần thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách trực thuộc Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước. Ban hành cơ chế, tổ chức hoạt động để cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy mới xử lý kịp thời, trên diện rộng hành vi tham nhũng, hạn chế sự bao che, tẩu tán tài sản hoặc trốn ra nước ngoài của những người tham nhũng.

Những người làm việc trong các cơ quan này phải có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp sâu trong nhiều lĩnh vực, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức và nguy hiểm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật riêng để cơ quan này thực hiện chức năng nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nhanh chóng kịp thời, có hiệu quả.

 

3.5. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh và không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các nước cũng như ở nước ta cho thấy hiệu quả của cuộc đấu tranh này cũng tùy thuộc rất lớn vào việc xử lý có kiên quyết, kịp thời và nghiêm minh hay không ? Vì vậy, theo chúng tôi, đối với các vụ án tham nhũng cần xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai, với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi và hậu quả đã gây ra. Áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để đối với các hành vi tham nhũng dù người đó là ai, giữ bất cứ cương vị gì cũng phải xử lý. Như, Đảng ta đã chỉ đạo: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”. Giải pháp này vừa có tính trừng trị, vừa có tính răn đe làm cho những kẻ có ý định tham nhũng sợ mà không dám tham nhũng.

 

3.6. Đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước

Đây được xem là một phương án phòng, chống hữu hiệu đối với nạn tham nhũng, nhất là tệ nạn “tham nhũng vặt”. Bởi một trong những nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng tham nhũng, đó là chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản thiết yếu. Cán bộ, công chức, viên chức có nền tảng học thức cao và có ham muốn cống hiến cho đất nước thì được trả một mức lương cực kỳ khiêm tốn. Vì vậy cần phải có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức và nâng mức lương của cán bộ, công chức đủ nuôi sống bản thân, gia đình và có tích luỹ thì mới hạn chế được tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” ở Việt Nam hiện nay.

 

3.7. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có chế độ khen thưởng, bảo vệ đối với những cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng

Đảng và Nhà nước cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho những cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, không khoan nhượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có chế độ khen thưởng xứng đáng, đề bạt kịp thời những cán bộ, công chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất phức tạp và khó khăn này, cần sớm có cơ chế bảo vệ đối với những cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng,  cũng như gia đình họ.

Trên đây là một số giải pháp để thực hiện đường lối, quan điểm phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nếu chúng ta tiến hành một cách đồng bộ, đầy đủ, toàn diện các giải pháp nêu trên, thì chắc chắn rằng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả cao, tình trạng tham nhũng sẽ được đẩy lùi và các chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sẽ đi vào cuộc sống./.

 

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý

Viện Nhà nước và pháp luật,

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, ST Hà Nội 2011 (tập 2), tr.145.

[2] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.146.

[3] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.146.

[4] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.146.

[5] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.250.

[6] Bài: Tiếp tục quyết liệt chống tham nhũng, Báo Thanh niên số ra ngày 13/12/2020, tr.2-3.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết