Thứ Bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng: Kết quả và một số vấn đề đặt ra

Ngày phát hành: 25/06/2023 Lượt xem 2664

    

 

1. Kết quả

Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 9.783 km2; dân số 1,3 triệu người. Là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá với các loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác như: cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, dâu tằm…), bò sữa, cá nước lạnh, rau, hoa, quả cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới.

 

Với quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc dự báo về thời cơ của quá trình hội nhập quốc tế. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh khóa VII (năm 2003) Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 6 chương trình trọng tâm để lãnh đạo phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Theo đó trong từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, các chương trình, Nghị quyết chuyên đề phát triển nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao đã được ban hành, triển khai phù hợp, hiệu quả.

 

Tiếp theo những Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp các giai đoạn trước, ngày 27/10/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 21-NQ/TU, về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến 2030.

 

Sau gần 20 năm triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nền nông nghiệp của Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Năm 2022, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có nhiều mô hình sản xuất mới tiên tiến, hiện đại và được nhân rộng ra toàn tỉnh. Toàn tỉnh có  65.308 ha, chiếm 21,8% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh, trong đó có: 25.830 ha rau; 3.035 ha hoa; 3.559 ha chè; 20.404 ha cà phê; 5.045 ha lúa; 6.885 ha cây ăn quả; 167 ha cây dược liệu; 20 ha nấm và 363 ha cây trồng khác(vườn ươm, dâu tây, phúc bồn tử, ...).

 

Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với nhiều kỹ thuật tiên tiến: 46.920 ha tưới tiên tiến tiết kiệm nước, trong đó tưới phun mưa 41.949 ha, tưới nhỏ giọt chủ yếu là công nghệ của Israel, Ý, Pháp 4.971 ha và trên 50 ha thủy canh hồi lưu. Canh tác rau, hoa trên giá thể đạt trên 718 ha; 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật (trên 636 box cấy) hàng năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 72,32 triệu cây giống cấy mô các loại; có trên 160 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại tích hợp được các công nghệ thông minh trên thế giới có giá trị đầu tư trên 01 triệu USD/ha; khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công. Công nghệ màng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm) giúp đảm bảo an toàn cho người lao động được ứng dụng trên 700 ha nhà kính;…

 

Nông nghiệp thông minh có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi, ...; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT. Ứng dụng công nghệ thông minh giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế; góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

 

Trong sản xuất trồng trọt toàn tỉnh có trên 465 ha ứng dụng công nghệ thông minh (227,3 ha rau; 222,2 ha hoa; 5,5 ha dâu tây và 10 ha chè chất lượng cao); trong đó có 207 ha ứng dụng công nghệ Hortimax Hà Lan (Đà Lạt Hasfarm; Công ty CP PAN Hulic); 10 ha ứng dụng công nghệ CILEME Hà Lan được Công ty CP Viên Sơn; 06 ha công nghệ cảm biến nhập khẩu từ Đài Loan, Italia để canh tác hoa lan hồ điệp; giải pháp TMS của Pháp trong sản xuất 0,18 ha giống hoa các loại; IoT đồng bộ của Israel; ... Bên cạnh đó, có trên 241,82 ha sử dụng công nghệ IoT của Công ty Mimozatek với chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ: Bộ RATA IoT-3G/4G; cảm biến vi khí hậu; chậu giám sát độ ẩm; lượng nước thoát, EC nước thoát cho giá thể; hạ tầng kỹ thuật tưới (van điện tử, cáp tín hiệu, các cảm biến đo mực nước,...); phần mềm quản lý trang trại thông minh. Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10-20% lượng thuốc BVTV, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại; giúp tăng lợi nhuận 15-20% so với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khâu sơ chế, phân loại nông sản áp dụng nông nghiệp thông minh sử dụng máy rửa và phân loại dựa trên màu sắc và kích thước của sản phẩm được ứng dụng tại công ty TNHH SX TM NS Phong Thúy. Máy tách màu được áp dụng chủ yếu tại các nhà máy có công suất lớn về chế biến trà, cà phê nhân xuất khẩu, trong đó chè có 4 cơ sở, 13 cơ sở cà phê nhân, 1 cơ sở chế biến điều.Việc áp dụng nông nghiệp thông minh trong sơ chế, chế biến đã giúp tăng hiệu suất và đồng thời giảm chi phí thuê nhân công, chất lượng nông sản tốt hơn so với phân loại thủ công.

 

Trong chăn nuôi các doanh nghiệp lớn sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation); sử dụng robot đẩy thức ăn tự động tại các trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk để hạn chế công lao động và đảm bảo thức ăn thường xuyên cho vật nuôi. Hiện nay, người chăn nuôi bò sữa sử dụng trên 95% máy vắt sữa thay cho việc dùng tay vắt sữa thủ công đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa. Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam sử dụng hệ thống vắt sữa tự động rotary (hệ thống vắt sữa vòng tròn tự động và mỗi lần vắt sữa cho khoảng 40 con bò sữa/01 lần vắt); đồng thời gắn chíp điện tử (SCR) cho 3.700 con bò sữa để theo dõi tình trạng ăn uống, nghỉ ngơi vật nuôi; theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật; theo dõi phát hiện động dục và sản lượng sữa để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý phù hợp; hệ thống massa tự động, nghe nhạc để kích thích tăng năng suất sữa; ….

 

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó: 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt với quy mô 534,2 ha, sản xuất rau, hoa cao cấp, dâu tây, phúc bồn tử, nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam với diện tích 150 ha và quy mô 2.800 con bò sữa.

 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh luôn được tỉnh định hướng gắn liền với hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; UBND tỉnh công nhận các vùng đạt tiêu chí làm nền tảng cho việc nhân rộng sản xuất, tạo bước đột phá để tăng năng suất lao động cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, đã có 08/21 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 1.640,61 ha/tổng quy mô 6.168 ha của 19 vùng sản xuất trồng trọt, 13.850 con bò sữa/tổng quy mô 36.460 con bò sữa của 02 vùng chăn nuôi. Các vùng đã được công nhận, gồm: 02 vùng hoa 308 ha tại Phường 5 và phường 12, Đà Lạt; 02 vùng rau 285 ha xã Lạc Lâm và Lạc Xuân - Đơn Dương; vùng sản xuất chè 376 ha xã Lộc Tân - Bảo Lâm; Vùng sản xuất sầu riêng 300 ha tại xã Hà Lâm -Đạ Huoai; vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao 371,61 ha xã Đinh Lạc, huyện Di Linh và Vùng chăn nuôi bò sữa xã Tu Tra và xã Đạ Ròn - Đơn Dương quy mô 13.850 con.

 

Hiệu quả của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 234 triệu đồng/ha, trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ước đạt bình quân trên 463 triệu đồng/ha (trong đó sản xuất rau đạt trên 02 tỷ đồng, sản xuất hoa đạt từ 3-5 tỷ đồng/ha) tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Chênh lệch về mức độ đầu tư, trình độ canh tác, điều kiện sản xuất giữa các vùng, các địa phương được rút ngắn, diện tích canh tác kém hiệu quả giảm rõ rệt từ 33% năm 2016 xuống còn 15% ha năm 2022.

 

 

2. Một số kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

 

Qua nhiều năm phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đã đạt được những thành công nhất định trong công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất qua đó đã đúc kết thành những kinh nghiệm sau:

 

a) Vai trò định hướng và công tác chỉ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước là yếu tố quan trọng đầu tiên để đạt được các thành tựu như hiện nay của nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng. Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và được cả hệ thống chính trị quan tâm; đặc biệt là việc xây dựng mô hình đạt hiệu quả phải gắn liền với công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình một cách thiết thực để người dân học tập, làm theo.

 

b) Xác định rõ Doanh nghiệp và Hợp tác xã là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao cho người dân ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng, qua đó người dân trở thành chủ thể trọng tâm trong phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất chuyên canh.

 

c) Công tác quy hoạch ban đầu phải được triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng loại cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác có hiệu quả được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, từng vùng sinh thái, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về đất đai, khí hậu và môi trường; không phát triển theo phong trào khi chưa đảm bảo tính phù hợp về mặt sinh thái, chưa có thị trường tiêu thụ.

 

Việc lựa chọn ứng dụng và phát triển các loại công nghệ vào sản xuất phải trên cơ sở phù hợp với từng loại sản phẩm, điều kiện tự nhiên của từng vùng sản xuất và theo kịp sự phát triển của công nghệ trong từng giai đoạn; đồng thời phải tính toán đến việc phát triển các đô thị, mật độ dân số và các yếu tố kinh tế xã hội khác…; tránh tình trạng phát triển sản xuất hay một loại công nghệ nào quá mức làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

 

d) Việc thu hút được các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ và trình độ quản lý cao là một trong những yếu tố quan trọng, gián tiếp giúp người dân trong tỉnh học tập kinh nghiệm mô hình để áp dụng vào thực tế sản xuất; đồng thời đây cũng là đầu mối liên kết với nông dân trong sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu.

 

e) Việc phát triển sản xuất phải dựa trên các liên minh sản xuất và liên kết theo chuỗi; người sản xuất phải gắn kết với nhau để cùng chia sẽ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác và tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, đồng đều về chất lượng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

 

3. Vấn đề, kiến nghị

 

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

 

a)Tạo nguồn lực phát triển nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số

Hiện nay, việc phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là về ứng dụng chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh. Do đó đề xuất cần phải tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 gắn với du lịch canh nông thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý.

 

b) Phát triển công nghiệp sản xuất giống invitro

Hiện nay Lâm Đồng là một trong các địa phương có thế mạnh về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng (nuôi cấy mô), không chỉ cung ứng cho sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu đi một số thị trường lân cận. Đây là một hướng đi mới, tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp. Lâm Đồng kiến nghị Trung ương có các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu giống invitro (như hỗ trợ nhập khẩu các loại vật tư, thiết bị, hóa chất đặc thù); đồng thời hỗ trợ Lâm Đồng triển khai Dự án phát triển khu/cụm công nghiệp sản xuất giống cây trồng invitro phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

 

c) Nghiên cứu, chọn tạo các giống rau, hoa cao cấp và mua bản quyền giống phục vụ sản xuất, hướng đến xuất khẩu

Hằng năm Lâm Đồng phải nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 60 triệu đơn vị giống hoa, và khoảng 06 tấn hạt giống rau để nâng cao chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với cây hoa. Hiện nay, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống trong nước đã triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khác nhau để chọn tạo giống mới, nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất. Bên cạnh đó việc xuất khẩu nông sản hiện nay đang gặp khó khăn do chưa đáp ứng được các quy định, thông lệ quốc tế về bản quyền giống.

 

Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020, phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030; đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ Lâm Đồng bổ sung, phát triển các giống rau, hoa cao cấp có bản quyền theo thông lệ quốc tế để đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản xuất, thương hiệu của rau hoa Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" của Lâm Đồng.

 

d) Về đầu tư, hình thành các Khu Nông nghiệp công nghệ cao

Theo quyết định 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng chính phủ, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Lâm Đồng được quy hoạch hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng;

 

Lâm Đồng đã triển khai các thủ tục xây dựng và được Bộ Nông nghiệp & PTNT thẩm định và thống nhất trình Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng lên Thủ tướng chính phủ trên cơ sở hoàn thiện lại tờ trình và một số văn bản dự thảo đính kèm liên quan; theo đó UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thiện hồ sơ và có tờ trình số 1849/TTr-UBND ngày 02/4/2019, về việc đề nghị xem xét trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng (lần 2). Tuy nhiên đến nay chưa được xem xét phê duyệt Đề án.

 

Bên cạnh đó, Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010; theo đó, Nhà nước chủ trương khuyến khích ngành nông nghiệp tập trung vào việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể liên quan đến việc xây dựng các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, trong khi chính sách hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng, điện, giao thông,... cho các khu công nghiệp, khu đô thị quy định rất rõ nhưng lại thiếu cơ chế chính sách cho việc phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao.

 

e) Kết nối vùng để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và tiêu thụ nông sản

Kết nối vùng, kết nối thị trường là việc quan trọng cần làm để đảm bảo bố trí sản xuất, điều tiết lưu thông nông sản phù hợp, đảm bảo cân đối giữa cung cầu và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Đồng thời việc thực hiện tốt kết nối vùng cũng giúp các cơ quan chức năng, đơn vị tiêu thụ kiểm soát tốt hơn chất lượng và nguồn gốc nông sản, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

Do đó trong thời gian tới rất cần rất cần sự gắn kết, phối hợp giữa các tỉnh và sự hỗ trợ, định hướng chỉ đạo của Trung ương để hình thành nên các liên kết vùng sản xuất bền vững và các chuỗi giá trị ngành hàng hoạt động hiệu quả, nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

 

PV (Theo BC tại Tọa đàm của Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức tại Lâm Đồng)

 

         

 

         

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết