Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Phê phán quan điểm phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam

Ngày phát hành: 11/08/2023 Lượt xem 2129

 

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kết quả của sự nhận thức, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau hơn 35 năm đổi mới và thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế nhưng, bất chấp sự thật đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Gần đây, họ lại tiếp tục tung ra luận điệu: “Trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (!) Rằng, Đảng Cộng sản đưa ra khái niệm này là “mơ hồ, tối nghĩa, không có thực” (!).

 

Thực chất của luận điệu trên nhằm phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Song, chính “họ” mới là người “mơ hồ, tối nghĩa, không có thực”. Bởi, đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa trên cơ sở lý luận vững chắc, từ đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới và ngày càng hoàn thiện. Điều đó, được khẳng định ở những cơ sở sau:

 

Một là, kinh tế thị trường là mô hình kinh tế phổ biến của thế giới đương đại, được nhiều nước áp dụng. Thực tiễn phát triển khẳng định tính tất yếu và phổ biến của kinh tế thị trường trong quá trình phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Về mặt lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của các nền văn minh trên thế giới cho thấy sản xuất hàng hóa đã có mầm mống hình thành trong phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, phong kiến và đạt đến trình độ nền kinh tế thị trường trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, cho đến cuối thế kỷ XX, kinh tế thị trường hầu như chỉ có một phương án phát triển duy nhất là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Vì thế không ít người ngộ nhận kinh tế thị trường là “riêng có” của chủ nghĩa tư bản. Ở đây có mấy khía cạnh phải làm rõ về nhận thức: (1) Với tính cách là thành tựu chung của văn minh nhân loại, kinh tế thị trường mang giá trị chung và có tính phổ quát mà nhân loại đã sáng tạo ra. (2) Kinh tế thị trường đã phát triển qua nhiều giai đoạn, nhiều chế độ xã hội khác nhau, đạt đến đỉnh cao trong chủ nghĩa tư bản, nhưng điều đó không có nghĩa kinh tế thị trường là riêng có của chủ nghĩa tư bản. (3) Là mô hình kinh tế phổ biến, cho nên việc phát triển kinh tế thị trường là tất yếu, khách quan đối với mọi quốc gia, dân tộc; bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng có thể được tiếp nhận, thụ hưởng thành tựu và giá trị chung phổ biến của kinh tế thị trường, đồng thời cũng có thể tiếp cận để nghiên cứu, vận dụng nó cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc mình. (4) Bản thân nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng có những hình thức, trình độ phát triển và những mô hình không hoàn toàn giống nhau giữa các nước tư bản. Hiện nay, ở các nước tư bản phát triển trên thế giới có hai mô hình kinh tế thị trường tiêu biểu đang vận hành: (a). Mô hình kinh tế thị trường tự do (tiêu biểu là Mỹ, Anh, Australia,...); (b). Mô hình kinh tế thị trường xã hội (tiêu biểu là Đức, Thụy Điển và các nước Bắc Âu). Điểm chung của các mô hình trên là vẫn dựa trên quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức chế độ chiếm hữu tư nhân tư­ bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế tư­ bản t­ư nhân; mục đích chủ yếu của nền kinh tế thị trường này là mang lại lợi ích cho giai cấp tư sản. Về thực chất, đây vẫn là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Ngày nay, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, tuy có những điều chỉnh nhất định về hình thức sở hữu, quản lý và phân phối để thích nghi ở một mức độ nào đó với điều kiện mới và nhà nước tư sản hiện nay tuy có tăng cường can thiệp vào đời sống kinh tế - xã hội, nhưng về cơ bản vẫn là bộ máy thống trị của giai cấp tư sản. (5) Chủ nghĩa tư bản không phải là giới hạn cuối cùng của lịch sử, của sự phát triển xã hội loài người; do đó, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng không phải là phương án và mô hình kinh tế thị trường cuối cùng của xã hội loài người. Sau chủ nghĩa tư bản, chắc chắn sẽ xuất hiện mô hình kinh tế thị trường mới, tiến bộ, ưu việt hơn. (6) Trong quá trình phát triển của kinh tế thị trường trên thế giới, xu hướng chung của các mô hình xuất hiện, là: Ngày càng quan tâm các mục tiêu xã hội - con người và thừa nhận vai trò định hướng, tổ chức và điều tiết phát triển của nhà nước.

 

Hai là, các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản, tất yếu phải phát triển kinh tế thị trường, nhưng không nhất thiết phải áp dụng nguyên xi các mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Theo một nghiên cứu gần đây thì “Kinh tế thị trường là “con đường” phát triển mà toàn thể nhân loại phải trải qua; không “xuyên qua” mô hình kinh tế thị trường và sự vận dụng nó một cách triệt để và dựa trên trí tuệ khoa học, thì không có một quốc gia nào có thể quá độ hợp quy luật lên chủ nghĩa xã hội”1. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, mỗi quốc gia - dân tộc có thể lựa chọn phương án và mô hình phát triển kinh tế thị trường phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh phát triển cụ thể của quốc gia - dân tộc mình. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước mình, các quốc gia - dân tộc không nhất thiết phải vận dụng một cách máy móc, rập khuôn các mô hình kinh tế thị trường có sẵn, dù là mô hình hiệu quả. Thực tiễn ở các nước đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, như Trung Quốc và Việt Nam,... đã không áp dụng nguyên xi các mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

 

Trong quá trình cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tiến hành chuyển đổi và cải cách mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn, tuy có phải trả những khoản học phí không nhỏ. Bài học quý báu cả về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, cả thành công cũng như thất bại đang tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, với hai đặc điểm lớn, riêng có, để phân biệt với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa: (1) Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không lấy chế độ tư hữu mà lấy chế độ công hữu kiểu mới và sở hữu cổ phần làm chủ thể (tách bạch rõ quyền của chủ đại diện sở hữu thuộc cơ quan nhà nước và quyền khai thác, kinh doanh của doanh nghiệp, theo nguyên tắc “chính - xí phân khai”); từ đó ngăn ngừa phân hóa hai cực (giàu - nghèo), làm cho xã hội hài hòa. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa lấy việc thực hiện tất cả cùng giàu có là nguyên tắc cơ bản. Còn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa lấy chế độ tư hữu là cơ sở, sự chiếm hữu tư nhân về tài sản tất yếu dẫn đến sự mở rộng vô hạn tư bản tư nhân và phân hóa hai cực trong xã hội. (2) Điều tiết vĩ mô của chính phủ, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa chính trị và kinh tế. Xét về chính trị, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là kinh tế thị trường do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do chính phủ điều tiết vĩ mô mạnh mẽ2.

 

Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước kinh tế chưa phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Theo đó, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phù hợp với xu hướng chung vừa phù hợp với nét đặc thù của Việt Nam. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thể thống nhất, không tách rời nhau giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.

 

Ba là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; thành tựu đột phá tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Đại hội IX của Đảng, lần đầu tiên khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được sử dụng. Định hướng xã hội chủ nghĩa là khái niệm/thuật ngữ chỉ đặc trưng đi lên chủ nghĩa xã hội của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ.

 

Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ ra những nội hàm cơ bản về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”3. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”4. Nói cách khác, nền kinh tế thị trường Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vừa có yếu tố của chủ nghĩa xã hội, vừa có yếu tố chưa phải của chủ nghĩa xã hội.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”5. Đây là cống hiến mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

 

Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một quá trình không đơn giản, bởi đây là khái niệm mới, phản ánh mô hình kinh tế thị trường mới ở Việt Nam - một mô hình đơn nhất, chưa có tiền lệ trong lịch sử tiến hóa của mô hình kinh tế thị trường trên thế giới. Mô hình này khác với các mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nó vừa được xác lập trong thời kỳ đổi mới và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, định hình cấu trúc và bản chất. Nhưng vượt lên trên tất cả, “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”6. Điều này lý giải tại sao, đến nay đã có hơn 70 nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

 

Như vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là sự nắm bắt và vận dụng sáng tạo xu thế vận động của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay, tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại, sử dụng, phát huy cao độ vai trò tích cực của kinh tế thị trường. Đồng thời, hạn chế tối đa những khuyết tật tự phát trong kinh tế thị trường, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là khái niệm “phức tạp”, “mơ hồ, tối nghĩa, không có thực”. Sự phát triển sinh động của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này trên thực tế đã, đang và sẽ góp phần hoàn thiện lý luận về mô hình kinh tế mới rất sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam; đó là những bằng chứng đanh thép để bác bỏ những luận điệu sai trái và chiêu trò xuyên tạc của các thế lực thù địch.

 

PGS, TS Phan Trọng Hào

Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

­­­­­­­­__________________

1 - PGS, TS. Nguyễn Viết Thông, TS. Đinh Quang Ty, TS. Lê Minh Nghĩa (Đồng chủ biên) - Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua 30 năm đổi mới, Nxb. CTQG, H. 2016, tr. 30.

2 - Sđd, tr. 53.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. CTQGST, H. 2021, tr. 128 - 129.

4 - Nguyễn Phú Trọng – “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb. CTQGST, H. 2022, tr. 25.

5 - Sđd, tr. 26.

6 - Sđdtr. 33.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết