Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Đặc trưng của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày phát hành: 12/08/2023 Lượt xem 1602

                                                                                      

 

Hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa có các đặc trưng chứa đựng tính phổ quát của hệ thống pháp luật nói chung ở nhiều quốc gia trên thế giới và có những đặc trưng thể hiện nét đặc thù, riêng có của hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là:

 

1. Các đặc trưng mang tính phổ quát

 

Thứ nhất, tính toàn diện của hệ thống pháp luật

Xã hội bao giờ cũng tồn tại với tính cách là một chỉnh thể, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả các lĩnh vực ấy đều đòi hỏi một sự điều chỉnh pháp luật ở mức độ này hay mức độ khác. Do vậy, tính toàn diện của hệ thống pháp luật đòi hỏi ở khả năng bao quát toàn bộ đời sống xã hội, bảo đảm không một lĩnh vực quan trọng nào của đời sống xã hội đứng ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Tính toàn diện của hệ thống pháp luật được biểu hiện ở hai yêu cầu: yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể.

 

Thứ hai, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Hệ thống pháp luật bao gồm nhiều bộ phận, nhưng chúng luôn có liên quan và thống nhất với nhau. Do vậy, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải loại bỏ mọi mâu thuẫn, trùng lặp hay chồng chéo trong bản thân hệ thống. Nếu một hệ thống pháp luật không đồng bộ, giữa các bộ phận của nó chứa đựng mâu thuẫn, chồng chéo, thì hệ thống ấy không thể tạo ra sự điều chỉnh pháp luật có hiệu quả.

Sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trước hết được xác định bởi sự đồng bộ giữa các ngành luật trong hệ thống. Để đạt được điều này cần phải chú ý, một mặt, xác định rõ ranh giới các ngành luật, mặt khác, phải tạo ra được hệ thống quy phạm căn bản thống nhất.

 

Thứ ba, tính phù hợp của hệ thống pháp luật với các điều kiện hiện hữu

Hệ thống pháp luật được hình thành do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội, hướng chúng phát triển theo một trật tự mà nhà nước mong muốn thiết lập. Chức năng điều chỉnh của pháp luật chỉ có thể được thực hiện khi luật pháp được xây dựng phù hợp với những điều kiện cụ thể của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Xã hội nào, pháp luật ấy. Do vậy, trình độ của hệ thống pháp luật không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển của kinh tế - xã hội. Một hệ thống pháp luật có thể được xây dựng khá toàn diện, không có mâu thuẫn, nhưng lại không phù hợp với trình độ phát triển của xã hội, là một hệ thống ảo. Đó có thể là hệ thống pháp luật duy ý chí, hay một hệ thống pháp luật vay mượn, sao chép.

 

Thứ tư, tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật

Trong một xã hội ngày càng được dân chủ thì pháp luật ngày càng phải được minh bạch, công khai, phải trở thành những đại lượng mang tính phổ thông và dễ dàng tiếp cận. Minh bạch và công khai có thể hiểu là không giấu diếm những thông tin quan trọng, làm rõ vấn đề cho mọi người cùng biết, qua đó hạn chế các hành vi tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Có thể nói, minh bạch hóa và công khai hoá pháp luật chính là một yếu tố then chốt để xây dựng nguyên tắc pháp quyền với nội dung cốt lõi là nhà nước thực thi quyền lực một cách hợp pháp theo hiến pháp và theo các luật đã được ban hành theo thủ tục luật định và từ đó xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

 

Liên quan đến tính minh bạch của hệ thống pháp luật, chúng ta có thể tham khảo các yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới về tính minh bạch như: đăng tải ngay lập tức trên một tờ báo chính thức (được phát hành thường xuyên và phát hành rộng rãi ra công chúng) mọi luật, quy định, thủ tục hành chính, nghị định, quyết định của tòa án, quy định hành chính và các biện pháp khác có tính chất áp dụng chung, công bố ra công chúng trước khi các văn bản, quy định pháp luật trên có hiệu lực hoặc được thi hành. Ngoài ra các văn bản, quy định trên còn phải được công bố trước ngày có hiệu lực một thời gian đủ để công chúng, nhất là người dân có thể biết được và chuẩn bị sẵn sàng để có thể áp dụng đúng thời hạn. Nội dung công bố phải bao gồm ngày có hiệu lực và tên của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi và thông tin liên lạc. Ngoài ra, các dự thảo văn bản, quy định pháp luật cũng phải được công bố và công chúng phải có đủ thời gian để góp ý đối với dự thảo trước khi dự thảo được thông qua. Việc công bố chỉ được miễn trừ trong trường hợp khẩn cấp, an ninh quốc gia hoặc khi việc công bố có thể gây trở ngại cho quá trình thực thi pháp luật.

 

Thứ năm, tính ổn định tương đối của hệ thống pháp luật

Pháp luật không phải là hiện tượng bất biến. Nó phụ thuộc và được quyết định bởi điều kiện thực tế của xã hội, nó thay đổi và phát triển để phù hợp với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Việc sửa đổi pháp luật được đặt ra nhằm điều chỉnh kịp thời và có hiệu quả các quan hệ xã hội. Nhưng việc sửa đổi pháp luật một cách thường xuyên, trong một thời gian ngắn hoặc rất ngắn thể hiện pháp luật không có tính ổn định tương đối.

 

Thứ sáu, hệ thống pháp luật mang tính dân chủ

Công bằng là một thuộc tính của pháp luật nói chung và càng được đề cao trong nhà nước pháp quyền. Vấn đề này phải được xử lý qua quá trình hoạch định chính sách một cách dân chủ. Như vậy, quy trình xây dựng pháp luật phải được thiết kế sao cho bảo đảm sự tham gia của nhân dân, các tầng lớp xã hội vào các công đoạn một cách thực chất, hiệu quả. Dưới góc độ bảo đảm quyền, tự do của cá nhân thì tham gia hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và xã hội là quyền chính trị, thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

 

Thứ bảy, hệ thống pháp luật mang tính khoa học

Là một hoạt động với sự tham gia của các chủ thể đa dạng, như đã nêu, xây dựng pháp luật cần được quy chế hoá, bảo đảm tính chặt chẽ, kỷ luật, định rõ các bước tiến hành áp dụng chung và về cơ bản không có biệt lệ (trừ trường hợp khẩn cấp hay bảo vệ bí mật nhà nước).

 

Tính khoa học của hệ thống pháp luật không chỉ hướng tới một quy trình hiệu quả, mà còn tới cả chất lượng của văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật cụ thể.

 

2. Đặc trưng riêng có của hệ thống pháp luật Việt Nam

 

Thứ nhất, Hệ thống pháp luật Việt Nam thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất cầm quyền

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật không đơn thuần chỉ là phương thức xây dựng pháp luật của Nhà nước. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật là thống nhất ý chí của Đảng với ý chí xã hội mà Nhà nước đại diện; bảo đảm cho Đảng xác lập và thực hiện được sự lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và xã hội. Cụ thể hóa những vấn đề có tính quy luật, định hướng, mục tiêu, quan điểm, những vấn đề chung về phát triển Nhà nước, phát triển xã hội trong đường lối, chủ trương của Đảng thành các quy tắc xử sự pháp luật điều chỉnh hành vi, hoạt động cụ thể của cá nhân, tổ chức. Bằng sự cụ thể hóa đó, hệ thống pháp luật được xây dựng bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện chính xác, kịp thời, thống nhất trong toàn quốc, có hiệu lực điều chỉnh đối với mọi cá nhân, tổ chức.

 

Có thể nói, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật là hoạt động mang tính chính trị - pháp lý, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bằng cách cụ thể hóa, thể hiện trong chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật, bằng các hình thức văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao và thống nhất, đồng bộ với nhau, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, xây dựng được một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, thể hiện thống nhất ý chí của Đảng và Nhân dân, có tính khoa học và nhân văn, khách quan và thực tiễn, hiệu lực và hiệu quả.

 

Thứ hai, hệ thống pháp luật Việt Nam bảo đảm phát huy và thể hiện sâu sắc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Pháp luật của Nhà nước ta phản ánh đường lối, chính sách của Đảng và lợi ích của Nhân dân. Vì vậy, pháp luật phải trở thành công cụ quan trọng đối với hoạt động của Nhà nước và là thước đo giá trị phổ biến của xã hội ta: dân chủ, công bằng, bình đẳng - những yếu tố cần thiết cho sự phát triển tiến bộ và bền vững của Nhà nước và xã hội ta. Nhà nước pháp quyền đặt ra nhiệm vụ phải có một hệ thống pháp luật cần và đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở cho sự tồn tại một trật tự pháp luật và kỷ luật. Pháp luật thể chế hoá các nhu cầu quản lý xã hội, là hình thức tồn tại của các cơ cấu và tổ chức xã hội và của các thiết chế nhà nước. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của Cách mạng Việt Nam”[1]. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.

 

Thứ ba, hệ thống pháp luật Việt Nam là công cụ quản lý Nhà nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đốì lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sổng nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường”[2]. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống pháp luật có đặc trưng của pháp luật xã hội chủ nghĩa, xác lập và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; là công cụ bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; là phương tiện thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Trong đó, pháp luật về dân sự, kinh tế với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu với các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng; quy định quyền, nghĩa vụ về tài sản, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới và các cam kết quốc tế khác nhằm bảo đảm hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng bộ hoá các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và thông thoáng; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bảo đảm.

 

Thứ tư, hệ thống pháp luật Việt Nam kế thừa và tiếp nối truyền thống văn hoá pháp lý của đất nước ta

Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới mang tính bước ngoặt, với sự tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta vừa kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung, phát triển các giá trị mới, như tự do, dân chủ, hiện đại, văn minh,... Những đặc tính, phẩm chất cơ bản của văn hóa và con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại có ý nghĩa rất tích cực, cần được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh, nền tảng tinh thần, “sức mạnh mềm” của đất nước để hướng tới tương lai tươi đẹp.

 

Thứ năm, hệ thống pháp luật Việt Nam bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo,… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Như vậy, trong tiến trình đổi mới đất nước, pháp luật cần được xây dựng và hoàn thiện góp phần quan trọng để đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, duy trì và tạo được những chuyển biến khả quan, tích cực trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo thế và lực tiếp tục đưa nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới./.

 

TS. Nguyễn Hồng Sơn

Nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương



[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng , “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đăng trên Báo Nhân dân (ngày 16/5/2021).

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nhà Xb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021; tr. 130-131.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết